LÀNG THƯỢNG ĐÌNH VỚI BÁNH DÀY QUÁN GÁNH - Di Tích Lịch Sử

Du khách từ Hà Nội đi xuôi về phía nam, theo đường quốc lộ 1A, đến cây số 16 gặp một dãy phố chạy dài trên một cây số, hai bên đường bày bán những gói bánh được bọc lá dong còn tươi màu xanh, và kèm theo là những tấm biển quảng cáo “Đặc sản bánh dày Quán Gánh”.

Trước khi tưởng thức đặc sản, xin được giới thiệu đôi nét về tên phố gắn liền với đặc sản trên. Tiền thân của phố Quán Gánh thuộc đất làng Thượng Đình, là một trong 4 làng của xã Nhị Khê, huyện Thường Tín – quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Tương truyền, cách đây trên 500 năm, có một bà nông dân tên hiệu là Từ Hảo, thuộc dòng họ Nguyễn Trung trong làng Trung Thôn (cũng là một làng trong xã) ra làm một quán nhỏ sơ sài dưới gốc cây da cổ thụ, cạnh đường Thiên Lý Bắc Nam để bán nước vối cho khách đi đường. Nhiều người gánh hành lý, hàng hóa dừng chân uống nước đã quá mệt mỏi, bèn thuê người chồng bà Từ Hảo gánh hộ đoạn đường. Nhiều người trong làng, sau ngày mùa màng nhàn rỗi đã bắt chước vợ chồng bà Từ Hảo, ra dựng quán quanh khu vực cây đã cổ thụ để gồng gánh thuê. Dần dần tụ hội thành phố và dân dã gọi là phố Quán Gánh.

Chiếc bánh dày Quán Gánh đã trở thành hình tượng giàu tính nhân văn:

“Dù ai chồng rẫy, vợ chê

Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”

Dân làng Thượng Đình từ xưa sống chủ yếu bằng nghề nông, ngoài cấy lúa còn trồng hoa màu như đậu tương, đậu xanh, cà, dưa chuột và các loại rau xanh. Bản chất dân làng cần cù, thông minh và khéo tay, nên đã sớm học hỏi chế biến những nông sản để sinh hoạt thường nhật như muối cà, muối dưa, làm tương, làm bánh và dần dần trở thành hàng hóa có sức hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng nổi tiếng hơn cả là bánh dày, được bày bán ở các quán nước trong phó Quán gánh và đã trở thành đặc sản nổi tiếng, hòa quyện cùng đặc sản các nơi.

Để có được chiếc bánh dày ngon, khách ăn một lại muốn ăn hai, và đã ăn một lần còn nhớ mãi, dân làng Thượng Đình từ xưa đến nay đã truyền nhau thực hiện các công đoạn làm bánh, tuy đơn giản nhưng rất nghiêm ngặt. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là nếp cái hoa vàng, nếp quýt và đậu xanh lòng vàng và hương cà cuống. Tất cả cac nguyên liệu trên đều được sản xuất ở quê hương.

Gạo nếp làm bánh là thứ gạo có độ dẻo cao, có mùi rất thơm. Trước khi làm bánh, gạo được chọn rất kỹ, hạt gạo phải đều nhau, không lẫn tẻ, không bạc bụng, không lẫn sạn….Gạo phải được giã kỹ, trắng muốt, sau khi giã phải giần sạch cám, sảy hết muội trấu. Khi vốc vào tay, hạt gạo óng mát và thoang thoảng mùi thơm.

Gạo được đem vo, đãi sạch 2,4 lần nước và gạn hết tạp chất, rồi ngâm với nước lạnh khoảng 2,3 giờ. Sau đó được đãi cho sạch hết nước ngâm và để ráo nước trước khi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi gần chín, vẩy thêm ít nước ấm tay để xôi chín đều, chín rền (chất lượng của bánh được quyết định ở khâu này). Khi xôi phả mùi thơm nức, đem đổ ra cối hoặc buồm cói trải trên nền gạch, khẩn trương dùng chày xeo hoặc giã nóng. Khi giã xôi đạt độ nhuyễn, quyện vào nhau thành một khối dẻo quánh, trong trắng. Người thợ dùng tay sạch để vắt thành những nắm nhỏ, đều nhau và dàn vỏ bánh cho dẹt đều, sau đó bỏ nhân vào và vê kín lại… Để chiếc bánh có hình tròn, lòng chảo, người thợ phải bóp nhẹ tay cho chiếc bánh hơi dẹt. Làng nghề có câu “vo tròn rồi bóp bẹp”. Công đoạn cuối cùng là phong bánh thành 5 chiếc hoặc 6 chiếc bằng lá dong còn tươi, dán thương hiệu và buộc từng gói lạt đã được nhuộm đỏ.

Bánh được làm thành 3 loại, vỏ như nhau nhưng nhân lại khác nhau: Nhân ngọt, nhân mặn và bánh chay để đáp ứng sở thích của khách thưởng thức. Bánh ngọt tức là nhân đỗ xanh đã nấu chín rồi xào đường có màu cánh kiến. Nhân mặn được làm từ đỗ xanh, sợi cùi dừa, hành, thịt ba chỉ có hương cà cuống. Bánh chay tức là bánh không có nhân, ăn với chả quế hoặc chè đường.

Bánh dày Quán Gánh từ xưa đến nay luôn được khách vãng lai dừng chân thưởng thức và mua về làm quà biếu ông bà, cha mẹ và đón tay cho trẻ hoặc thắp hương tổ tiên ngày tuần rằm. Đặc biệt, từ những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Dân làng Thượng Đình ngày đêm tấp nập làm bánh theo đơn đặt hàng của các đám lễ hội, đám đi du lịch đường dài và đặc biệt là các đám “nên duyên” đặt càng ngày càng đông.

Trải qua những năm tháng trong quá khứ và hiện tạ, bánh dày Quán Gánh đã được khách thập phương thưởng thức và ngợi ca. Khách mới ăn lần đầu, khi thưởng thức miếng bánh chay, càng nhai càng thấy dẻo và đượm vị ngọt của gạo nếp đồng quê. Thưởng thức bánh nhân mặn, vừa có vị béo của nhân mỡ hòa với vị bùi ngậy của cùi dừa, đỗ xanh và đượm hương cay của cà cuống nơi đầu lưỡi. Thưởng thức bánh dày nhân ngọt là sự hòa quyện giữa vị ngọt của đường với vị ngọt đượm bùi của đỗ xanh….

Bánh dày Quán Gánh, một món ăn không cao sang, cầu kỳ nhưng rất thanh tao, dân dã. Là thứ bánh của nhà nông như bánh đa, bánh đúc nhưng mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, sâu sắc được liệt kê trong văn hóa ẩm thực của nước Việt.

Khởi đầu từ chiếc bánh dày Lang Liêu dâng vua cha cách đây trên 2000 năm và được lưu truyền cho con cháu nước Việt. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhân ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (2002), dân làng Thượng Đình đã trân trọng làm chiếc bánh dày với trọng lượng 180kg, đường kính của chiếc bánh là 1,8m và chiếc bánh chưng có trọng lượng 18kg vừa gạo, vừa đỗ, nhân thịt. Do 18 cụ cao niên thay mặt dân làng chuyển lên dâng lễ các vua Hùng đã có công mở nước cho con Rồng, cháu Lạc tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Tháng 3 năm Quý Mùi (2003), dân làng Thượng Đình long trọng tổ chức Lễ đón nhận “Bằng công nhận làng nghề chế biến bánh dày” của UBND tỉnh Hà Tây trao tặng. Đây là sự đánh giá, ghi nhận chất lượng đặc sản đã được tồn tại lâu đời của dân làng Thượng Đình, đồng thời cũng đánh dấu sự tôn vinh của nhà nước và nhân dân đối với ẩm thực Thường Tín.

BBT

Admin Thường Tín

Từ khóa » địa Chỉ Bánh Dày Ngon ở Hà Nội