Langbian: Châu Báu ở Đông Dương - Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I

  • GIỚI THIỆU CHUNG
    • CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
    • CƠ CẤU TỔ CHỨC
    • THÀNH TÍCH NỔI BẬT
    • CÁC KHỐI TÀI LIỆU LƯU TRỮ
  • TIN TỨC - SỰ KIỆN
    • TIN TỔNG HỢP
    • TIN HOẠT ĐỘNG
  • CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
    • GIỚI THIỆU
    • ẤN PHẨM
    • TRIỂN LÃM
    • BÀI VIẾT
  • PHÒNG ĐỌC
    • GIỚI THIỆU PHÒNG ĐỌC
    • NỘI QUY PHÒNG ĐỌC
  • GIỚI THIỆU TÀI LIỆU - NGHIỆP VỤ
  • TRIỂN LÃM
  • ẤN PHẨM
  • HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ
  • LIÊN HỆ
  1. Trang chủ
  2. Giới thiệu tài liệu - nghiệp vụ

Langbian: châu báu ở Đông Dương

Langbian: châu báu ở Đông Dương

02:56 PM 17/07/2021  |  Đọc bài viết

Trong một cuốn sách viết về du lịch xuất bản năm 1920 của hai tác giả Pháp Bouvard và Millet, cao nguyên Langbian được đánh giá là “châu báu” ở Đông Dương về du lịch (nguyên bản tiếng Pháp: Langbian - joyau touristique de l’Indochine). Bác sĩ Yersin và các nhà thám hiểm đầu tiên đều kinh ngạc trước phong cảnh rất tương đồng với Châu Âu nơi đây. Cao nguyên Langbian đáp ứng tất cả các điều kiện để trở thành một khu nghỉ dưỡng trên núi ở xứ nhiệt đới…

Cuối thế kỉ 19, sau khi chiếm được Nam Kì, chính quyền Pháp ở Nam Kì đã có nhiều cuộc thăm dò, khảo sát vùng đất Tây Nguyên. Chuyến thám hiểm đầu tiên vào năm 1881 do bác sĩ Paul Neis và trung uý Albert Septans thực hiện. Tiếp theo là nhiều chuyến đi khác từ năm 1882 đến 1889.

Bác sĩ Yersin không phải là người đầu tiên khám phá cao nguyên Langbian, nhưng chuyến thám hiểm năm 1893 của ông có ý nghĩa quyết định, được coi là tiền đề cho việc khai sinh Đà Lạt[1].

Toàn cảnh Đà Lạt. Nguồn TTLTQGI

Năm 1897, theo yêu cầu khảo sát tìm kiếm một địa điểm để xây dựng khu nghỉ dưỡng trên dãy Trường Sơn của Toàn quyền Đông Dương Doumer, bác sĩ Yersin đã ngay lập tức đề xuất cao nguyên Langbian vì nó hội tụ các tiêu chí cho một khu nghỉ dưỡng như độ cao phù hợp, đủ không gian, khí hậu ôn hoà, nguồn nước dồi dào và có thể dễ dàng đi đến. Hai đoàn khảo sát đã đến hiện trường là phái đoàn Thouars và phái đoàn Garnier. Một đoàn có nhiệm vụ vạch sơ đồ tuyến đường sắt và một đoàn chịu trách nhiệm về đường bộ.

Vào thời điểm đó, nơi đây chẳng có đường đi và công trình xây dựng nào. Kể từ sau năm 1899, khi viên Toàn quyền đến cao nguyên Langbian, đã quyết định xây một khu nghỉ dưỡng ở nơi đây. Năm 1901, phái đoàn y tế Guynet đã đề xuất địa điểm là Đà Lạt và một số nhà gỗ được xây dựng ngay sau đó.

Quyết định xây một khu nghỉ dưỡng ở Đà Lạt của Toàn quyền Doumer đã đưa ra. Tuy nhiên, trong thời gian dài, quyết định này không được triển khai cho đến khi Toàn quyền Albert Sarraut tới Đông Dương. Nhận thấy tầm quan trọng của khu nghỉ dưỡng, ông đã ngay lập tức đã cấp kinh phí để xây dựng đường sá, nhà cửa, hệ thống giao thống nối liền Sông Pha với Đà Lạt, chạy qua đèo Ngoạn Mục.[2]

Hầu hết những người châu Âu đầu tiên đến nghỉ ở Đà Lạt vào năm 1915 là những người phải ở lại Đông Dương do chiến tranh. Họ đến đây để nghỉ dưỡng sau thời gian dài buộc phải ở thuộc địa. Sau đó, Toàn quyền Roume đã quyết định xây dựng khách sạn Langbian - Palace. Năm 1917, Toàn quyền Roume ra quyết định xây dựng khu nghỉ dưỡng trên núi, cấp kinh phí xây dựng đường sá và các công trình đầu tiên ở đây.[3] Song vì lí do khủng hoảng tài chính và nhiều khó khăn khác[4] nên khu vực này đã bị “quên lãng” trong nhiều năm. Đà Lạt không còn được nhắc đến nữa.

Do địa thế tự nhiên của Đà Lạt nên giao thông gặp nhiều khó khăn. Phương tiện đi lại của hành khách lên Đà Lạt đầu thế kỉ 20 chủ yếu bằng ô tô. Điều này hạn chế lớn số lượng du khách đến với Đà Lạt. Ý thức được những khó khăn trên, ngay từ năm 1898, Chính phủ Pháp đã đưa ra kế hoạch xây dựng đường sắt lên cao nguyên Langbian để có điều kiện khai thác hiệu quả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, phải đến năm 1921, Chính quyền Pháp mới khởi động lại kế hoạch xây dựng đường sắt lên cao nguyên Langbian. Tuyến đường sắt răng cưa này hoàn thành sau 10 năm, đánh dấu bước khởi đầu cho phát triển du lịch tại đây.

Một đoạn đường sắt răng cưa. Nguồn TTLTQGI

Năm 1922, Toàn quyền Maurice Long giao cho nhà quy hoạch Hébrard lập đồ án quy hoạch thành phố. Năm 1923, bản đồ quy hoạch Đà Lạt của Hébrard được phê duyệt. Sau đó, rất nhiều công trình xây dựng được thực hiện tại thành phố xinh đẹp, thơ mộng này… Đà Lạt trở thành nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương và là một trung tâm săn bắn thu hút nhiều du khách.

Huy hiệu biểu tượng của Đà Lạt in trên bìa cuốn sách du lịch của André Bon. Nguồn : TVQG Pháp

Ý định đặt thủ đô hành chính của Đông Dương tại Đà Lạt

Vào những năm 30 của thế kỉ 19, hệ thống giao thông lên cao nguyên Langbian đã hoàn thiện và nhiều công trình đã được xây dựng. Thời điểm này báo chí đề cập rất nhiều về vấn đề đặt thủ đô của Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt. Lúc bấy giờ, trụ sở của Phủ Toàn quyền Đông Dương đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, Toàn quyền Đông Dương vẫn thường làm việc tại cả 3 thành phố (Sài Gòn, Hà Nội và Đà Lạt).

Biệt thự tư nhân, Khách sạn Langbian, biệt thự của Thống đốc Nam Kì[5]. Nguồn: TVQG Pháp

Trong bài viết “Đà Lạt, thủ đô hành chính của Đông Dương?”[6], tác giả Pineau đã phân tích rất chi tiết về những điều kiện để lựa chọn thủ đô của các quốc gia như: Các nhân tố về lịch sử, địa lí, chính trị; xu hướng phát triển theo chế độ tập trung, xu hướng phát triển ra biển… Theo đó, Đà Lạt cũng cần đáp ứng được các điều kiện chung mới có thể trở thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương.

Tác giả đề cập đến quá trình lịch sử hình thành Đà Lạt từ năm 1893 đến 1932. Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi. Thành phố Đà Lạt đã được quy hoạch. Giao thông đường bộ và đường sắt được cải thiện rõ rệt.

Trong bản đồ quy hoạch và mở rộng Đà Lạt năm 1932 đã có kế hoạch biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1932, ý định trên bị từ bỏ, thay thế băng một chương trình quy hoạch mở rộng giới hạn ở việc chỉnh trang khu nghỉ mát trên núi.

Ý tưởng lập thủ đô tại Đà Lạt không hề bị người Pháp lãng quên. Vấn đề này vẫn luôn được người Pháp nghiên cứu, cân nhắc. Trong bài viết của Pineau, tác giả đề cập đến các điều kiện để lựa chọn thủ đô như chế độ tập trung, an ninh, đường ra biển, điều kiện vệ sinh, vị trí địa lí.

Về vị trí, Đà Lạt nằm giữa Nam Kì và Nam Trung Kì, gần Cao Miên (Cambodge) và Bắc Lào, cách biển chỉ 150 km theo đường chim bay. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt chỉ mất 5 giờ đi ô tô… Giao thông từ Đà Lạt lên cao nguyên Langbian, sang Campuchia, Lào, xuống sông Mê Kông đều thuận lợi. Chỉ duy có Bắc Kì là nằm xa Đà Lạt. Việc lựa chọn Đà Lạt đáp ứng được các điều kiện về xu hướng hiện đại theo chế độ tập trung và liên bang…

Để đi ra biển, từ Đà Lạt người ta có thể đi qua Sài Gòn. Tuy nhiên, đường sắt Sài Gòn-Đà Lạt khá xa và tốn kém. Trong khi đó, người ta có thể ra biển từ vịnh Cam Ranh, một nơi tuyệt đẹp, kín đáo, an toàn và dễ phòng thủ. Vấn đề an ninh ở đây không còn đặt ra từ đâu thế kỉ (thế kỉ 19)…. Đà Lạt an toàn hơn Hà Nội. Một thủ đô không chỉ là trung tâm chi phối tư tưởng và hoạt động chính trị mà còn là một kho sức mạnh vật chất và tinh thần. Ngoài yếu tố tự nhiên, khi lập thành phố, nhân tố con người vẫn mang tính quyết định.

Toàn quyền Jean Decoux ngay sau khi nhậm chức (1940) đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm đó là biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính Đông Dương. Ông đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet - trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch đô thị - thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt.

Trung tâm Đà Lạt (Theo đồ án của KTS J. LAGISQUET) Nguồn: TTLTQGI

Sau 20 năm kể từ đồ án quy hoạch lần đầu được thông qua, thành phố Đà Lạt lại được quy hoạch và chỉnh trang theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 26/4/1943. Theo bản đồ quy hoạch, khu trung tâm Đà Lạt được chia thành 15 khu: Dinh Toàn quyền Đông Dương, văn phòng, sòng bạc, khách sạn, trung tâm văn hóa và thư viện, ngân hàng, trung tâm thương mại châu Âu, nhà thờ, sở cảnh sát, trung tâm hành chính địa phương, chợ, trung tâm thương mại bản ngữ, khách sạn thành phố, rạp chiếu bóng...

Cùng với ý định biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương, đồ án quy hoạch cũng chưa được hoàn tất cho đến năm 1945. Tuy nhiên, các kế hoạch do người Pháp thực hiện đã khiến Đà Lạt trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ.

[1] Đà Lạt, Et la carte créa la ville….

[2] Petit guide, Andre Bon, 1930.

[3] Madrolle, Guide, 1926.

[4] Khủng hoảng tài chính và khó khăn trong thời gian Thế chiến thứ Nhất.

[5] Petit guide, Andre Bon, 1930.

[6] Dalat, capitale administrative de I'Indinechine?, PINEAU, Revue juridique et économique de I'Indochine, 1937, p.46-81. TTLTQGI

Tệp đính kèm

Đỗ Hoàng Anh

  • Từ khóa
  • Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn người Việt với công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương 27 phút trước Thương cảng Hà Tiên 11:39 PM 25/11/2024 Các dấu mốc thay đổi về tổ chức hành chính của tỉnh Kiên Giang từ khi tái lập năm... 11:49 PM 24/11/2024 Địa giới hành chính tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá dưới thời Pháp thuộc 09:44 AM 24/11/2024 Địa giới Kiên Giang dưới Triều Nguyễn 06:48 PM 23/11/2024 Cửu Đỉnh trong nghiên cứu của người Pháp 12:09 AM 23/11/2024
  • Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn người Việt với công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương (27 phút trước) Thương cảng Hà Tiên (11:39 PM 25/11/2024) Các dấu mốc thay đổi về tổ chức hành chính của tỉnh Kiên Giang từ khi tái lập năm... (11:49 PM 24/11/2024) Địa giới hành chính tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá dưới thời Pháp thuộc (09:44 AM 24/11/2024) Địa giới Kiên Giang dưới Triều Nguyễn (06:48 PM 23/11/2024) Cửu Đỉnh trong nghiên cứu của người Pháp (12:09 AM 23/11/2024) VIDEO HOT Khơi dòng Lợi Nông dưới thời các vua đầu triều Nguyễn| LTQGI Đình Thương bạc - Biểu tượng của cơ quan ngoại giao nhà Nguyễn| LTQGI Độc đáo đấu trường voi và hổ triều Nguyễn| LTQGI Nghề làm hương ở Bắc kỳ xưa| LTQGI Bình An đường - "bệnh viện" dành cho thái giám, nữ quan triều Nguyễn| LTQGI LIÊN HỆ PHÒNG ĐỌC

Điện thoại: (84-4) 37822545 - Ext: 208

Email: salledelecture1@gmail.com

LIÊN KẾT TRANG -- Chọn liên kết --Google THỐNG KÊ TRUY CẬP

Khách đang online:

Tổng số truy cập:

Từ khóa » đà Lạt Năm 1893