Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc Với Phong Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định sức mạnh của quần chúng công - nông, chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam, góp phần rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này. 90 năm đã trôi qua, nhưng giá trị, ý nghĩa to lớn của Xô viết Nghệ-Tĩnh vẫn mãi được ghi nhớ như một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Tranh “Phong trào Xô viết Nghệ tĩnh” trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Nguồn ảnh: baotanglichsu.vn)
Đã nhiều người nêu câu hỏi: Tại sao cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo lại nổ ra ở Nghệ - Tĩnh (thuộc Trung Kỳ), là địa bàn hoạt động của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, mà không nổ ra trước tiên ở Nam Kỳ (hay ở Sài Gòn) - nơi mà sau khi thành lập (đầu năm 1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đặt cơ quan Trung ương? Dù rằng, đến cuối năm 1929, Tân Việt cách mạng Đảng đã chuyển thành một tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Liên đoàn), là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để hiểu rõ vai trò lãnh đạo và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh, cần nghiên cứu sự chuyển hóa đường lối, cơ cấu tổ chức và phương pháp cách mạng của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng (tức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn).
Nhìn lại lịch sử cách mạng thời kỳ từ 1925 -1930, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925) ở Quảng Châu (Trung Quốc); tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng, cũng là thời gian thành lập Hội Phục Việt (14-7-1925). Hội Phục Việt sau đổi thành Hưng Nam, tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng, do một số sĩ phu, trí thức yêu nước(1) đứng ra thành lập ở Vinh (Nghệ An)(2). Nhìn vào Chương trình hoạt động của Hội do Trần Mộng Bạch (tức Trần Đình Thanh) soạn thảo, được thông qua tại hội nghị gồm 10 điểm, trong đó có những điểm rất mơ hồ. Ví dụ nói về nhiệm vụ, mục đích của Hội, Chương trình đã viết:
“1. Đảng Hưng Nam có nhiệm vụ lo toan cho nền độc lập cõi Đông Dương bằng việc chuẩn bị một cuộc cách mạng ôn hòa.
2. Một khi giành được độc lập, Đông Dương sẽ thành lập chính phủ theo nguyên tắc của chính thể cộng hòa và chỉ theo chủ nghĩa cộng sản khi nào chủ nghĩa này được thực thi tại các cường quốc.
3. Để đạt mục đích ấy, trước hết Đảng Hưng Nam phải lo toan việc chấn hưng đạo đức, trí năng và kinh tế của Đông Dương”(3).
Với nội dung như vậy, khi đánh giá về tổ chức này, Sở Mật thám Đông Dương, trực tiếp là Quyền Cục trưởng Cục Chính trị và Liêm phóng Louis Marty có vẻ coi thường. Ông ta cho rằng, thông qua việc đưa ra tôn chỉ mục đích, chứng tỏ: “Những nhà cách mệnh ấy chẳng biết tí gì về tình hình Đông Dương. Họ cũng không thảo nổi một chương trình hoạt động thích nghi với tình thế”(4). Tất nhiên, viên Chánh mật thám Đông Dương chẳng bao giờ có thể nhận xét một cách khách quan và thiện cảm về một tổ chức cách mạng Việt Nam. Song, phải thừa nhận rằng, về nhận thức cách mạng và trình độ chính trị, các yếu nhân của Phục Việt lúc bấy giờ còn ấu trĩ, non nớt. Những người lãnh đạo Hội rõ ràng là chưa biết làm thế nào để giành được độc lập cho nước nhà. Bởi tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân, mà lại đưa ra nhiệm vụ trước hết là “chấn hưng đạo đức, trí năng và kinh tế”, thì khó có thể thành công được. Chính bản thân những người lãnh đạo Hội cũng nhận thức được sự bế tắc ấy, cho nên Ban lãnh đạo đã cử đồng chí Lê Duy Điếm sang Trung Quốc để bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Đầu năm 1926, đồng chí Lê Duy Điếm đến Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc được với đồng chí Hồ Tùng Mậu (người Quỳnh Lưu, Nghệ An) và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Sau đó đồng chí tham gia chương trình huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.
Mùa hè năm 1926, sau khi học xong chương trinh của khóa huấn luyện cán bộ, đồng chí Lê Duy Điếm trở về nước gặp Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam, trao cho họ chương trình, điều lệ và tài liệu huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đồng thời nêu ý kiến của Thanh niên (tức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên) đề nghị hợp nhất Hưng Nam với Thanh niên và cử cán bộ sang Quảng Châu đào tạo. Tuy không đồng ý hoàn toàn với các ý kiến của Thanh niên, nhưng Ban lãnh đạo Hưng Nam cũng thừa nhận sự tiến bộ hơn hẳn của Thanh niên. Vì vậy, những người lãnh đạo Hưng Nam đã tổ chức Hội nghị, ra quyết định: áp dụng mô hình tổ chức của Thanh niên, thành lập ra các kỳ bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Ban lãnh đạo Hội đồng ý cử đoàn cán bộ do đồng chí Trần Phú dẫn đầu sang Trung Quốc(5), tiếp tục bàn bạc với tổ chức Thanh niên dự lớp huấn luyện cán bộ, đồng thời bàn về vấn đề hợp nhất. Để có danh nghĩa chính thức khi đàm phán với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng.
Tháng 7-1926, sau khi đến Quảng Châu, dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, đồng chí Trần Phú đã nhanh chóng tiếp thu được lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng vô sản. Cuối năm 1926, đồng chí Lê Duy Điếm và đồng chí Trần Phú trở về nước. Tại thành phố Vinh, đồng chí Trần Phú đã gặp Trần Đình Thanh để bàn việc hợp nhất tổ chức Hưng Nam với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và lập kế hoạch gửi thêm nhiều thanh niên tiếp tục sang dự huấn luyện. Hai người đã đạt được sự thống nhất trên nguyên tắc với Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam và khẩn trương xúc tiến kế hoạch hợp nhất. Tuy nhiên kế hoạch hợp nhất không thành.
Mặc dù không đạt được mục đích hợp nhất hai tổ chức cách mạng (do còn nhiều bất đồng), nhưng có thể nói cán bộ của Hội Hưng Nam đã căn bản được “Thanh niên hóa” về lý luận cách mạng, theo đường lối cách mạng vô sản; về cơ cấu tổ chức, phương pháp vận động cách mạng... Chính vì thế, quá trình phát triển tiếp theo của Việt Nam cách mạng Đảng (sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng), lấy theo đúng hình mẫu của Thanh niên dù có mang tên khác.
Cụ thể, về tôn chỉ mục đích, Việt Nam cách mạng Đảng lấy theo đúng tôn chỉ, mục đích của Thanh niên do đồng chí Lê Duy Điếm và đồng chí Trần Phú đưa từ Trung Quốc về, nêu rõ: “Liên hợp các đồng chí trong và ngoài nước, ở trong thì dẫn dắt công nông binh quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức, để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đặng kiến thiết một xã hội bình đẳng, bác ái; cử hành chính trị cách mạng để đánh đổ chính phủ và quân chủ, dựng lên chính phủ cộng hòa xã hội; cử hành xã hội cách mạng để xóa bỏ các giai cấp; kinh tế cách mạng để duy trì quyền sinh hoạt của mọi người”(6). Ngoài ra, các hình thức tổ chức từ Tổng bộ, đến các Kỳ bộ, Tỉnh bộ,... đến tiểu tổ, đều áp dụng giống như cách tổ chức của Thanh niên.
Có thể nói, Tân Việt cách mạng Đảng đã chuyển hóa từ một tổ chức yêu nước thành một tổ chức cộng sản. Đó là kết quả của quá trình vận động cách mạng, sự truyền bá và tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước ở Việt Nam. Cuối năm 1929, Tân Việt cách mạng Đảng đổi thành Đông Dương cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy rằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không trực tiếp thành lập và lãnh đạo Tân Việt, nhưng nhiều cán bộ đã được Người trực tiếp giảng dạy, trở về Trung Kỳ hoạt động, trở thành những người lãnh đạo cách mạng tài ba như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu... Hơn nữa, toàn bộ những quan điểm lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã được học tập, nghiên cứu và vận dụng trong thực tiễn phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Có thể nói, tư tưởng, đường lối cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và truyền bá đã được chuyển tải về đây từ rất sớm. Do đó, đã khơi dậy ngọn lửa cách mạng trong nhân dân, động viên, thúc giục họ tham gia cách mạng, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến. Điều đó lý giải tại sao khu vực miền Trung, trong đó các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã sớm trở thành trung tâm cách mạng trong những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.
Khi phong trào cách mạng trong nước (1930 - 1931), đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở nước ngoài (Trung Quốc). Người không chỉ đạo phong trào nhưng Người luôn theo dõi sát diễn biến của phong trào, nắm rõ các cuộc đấu tranh của từng địa phương của Nghệ An - Hà Tĩnh. Khi nói về các cuộc biểu tình của nông dân Nam Đàn, Thanh Chương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã miêu tả cụ thể nội dung đấu tranh: “Trong lúc biểu tình, 3 nghìn nông dân Nam Đàn đã vây chặt văn phòng viên quan huyện, phá nhà tù và giải thoát tù nhân. Ở Thanh Chương, 20 nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình của nông dân”(7). Đặc biệt, khi chính quyền thực dân, phong kiến chuẩn bị lực lượng để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, trong đó, Người cảnh báo: “Chính quyền Pháp ở Đông Dương đang chuẩn bị ráo riết một chiến dịch khủng bố nông dân Nghệ An nói chung và nông dân Thanh Chương nói riêng”(8). Người kêu gọi các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”(9).
Sau khi các cuộc biểu tình, đấu tranh của nhân dân Nghệ -Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác dã man của chính quyền thực dân: “Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy. Như ở Nghệ An chỉ trong một cuộc biểu tình ở phủ Hưng Nguyên, máy bay thả bom giết chết 171 nông dân. Ở Thanh Chương (một huyện khác ở Nghệ An), 103 người bị bắn chết trong một lúc. Riêng tỉnh Nghệ An đã có 393 người bị giết trong 7 cuộc biểu tình, nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi”(10).
Trước tình hình khủng bố trắng của địch đối với nhân dân Nghệ - Tĩnh, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đại diện Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (ở Thượng Hải), nêu rõ: “Khủng bố trắng đang hoành hành dữ dội. Nhiều bà con nông dân bị hy sinh, nhiều chi bộ bị phá vỡ, đa số các đồng chí chúng ta bị bắt và gặp khó khăn nghiêm trọng”(11). Người đề nghị Quốc tế Cộng sản và các tổ chức trực thuộc, các Đảng anh em, giai cấp công nhân thế giới quan tâm hơn nữa tới phong trào cách mạng Việt Nam, giúp đỡ về tinh thần và vật chất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Nguyễn Ái Quốc viết: “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”(12). Cụ thể, Người yêu cầu Quốc tế Cộng sản: “Nay cần thiết phải giúp các đồng chí từ nước ngoài; trước hết chúng ta phải: Ra lời hiệu triệu kêu gọi vô sản quốc tế và quần chúng Đông Dương. Hiệu triệu đó có thể cổ vũ quần chúng và làm cho họ ổn định lại”(13); và: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ”(14).
Nhằm cổ vũ, động viên nhân dân Nghệ Tĩnh giữ vững tinh thần cách mạng, tiếp tục đấu tranh, không sợ hãi trước hành động khủng bố dã man và các thủ đoạn dụ dỗ của địch, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Nghệ Tĩnh Đỏ, ca ngợi truyền thống anh dũng, kiên cường của nhân dân Nghệ Tĩnh: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh,... tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh”(15). Đối với phong trào cách mạng trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Trung ương Đảng phát động đấu tranh rộng khắp trong cả nước, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và “chia lửa” với Nghệ Tĩnh. Theo ý kiến của Người, Trung ương Đảng đã ra Thông cáo gửi đến các địa phương trong cả nước, kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính liên hiệp đấu tranh bảo vệ công nông Nghệ An với khẩu hiệu “Không được động tới công nông Nghệ An”(16). Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, một làn sóng đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh bùng lên ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, làm cho địch phải lúng túng đối phó, qua đó phần nào đã “chia lửa” với nhân dân Nghệ Tĩnh.
Cùng với việc lên án, tố cáo tội ác của thực dân Pháp khủng bố trắng hết sức dã man đối với nhân dân Nghệ Tĩnh; kêu gọi ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh... lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp ý về những những sai lầm trong công tác chỉ đạo, đặc biệt là hạn chế của Xứ ủy Trung Kỳ khi đưa ra những khẩu hiệu mang tính “tả khuynh”, giáo điều về xác định đối tượng cách mạng(17). Người yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác xây dựng Đảng; phát triển lực lượng cách mạng, nhất là phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ...
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, do sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, nhưng Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định sức mạnh của quần chúng công - nông; của liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh xưa nay chưa từng có ở nước ta - phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930”(18). Tinh thần hy sinh anh dũng, ý chí quật cường của nhân dân ta trong Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại những bài học thành công và chưa thành công vô cùng quý báu cho Đảng ta. Đánh giá về ý nghĩa và ảnh hưởng của Cao trào cách mạng Xôviết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xôviết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”(19).
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020
(1) Những hội viên sáng lập Hội Phục Việt là những văn thân, sĩ phu, trí thức ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... gồm có: Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch), Ngô Đức Diễn (em ruột nhà cách mạng Ngô Đức Kế), Đặng Thái Thu (con cụ Đặng Thúc Hứa), Nguyễn Sĩ Sách, Tống Thất Cự, Lê Duy Điếm, Trần Phú, Trần Văn Tăng, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thái Thuyên (con trai cụ Đặng Thái Thân), Hà Huy Tập...
(2) Hội Phục Việt thành lập 14-7-1925; đến năm 1926, đổi tên thành Hưng Nam; đầu năm 1927, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng; đến tháng 7-1928, đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt); tháng 12-1929, đổi thành Đông Dương cộng sản Liên đoàn.
(3), (4) Lui Mácty (Louis Marty): Tân Việt Cách mạng Đảng, tr.146, 142 (Tài liệu dịch của Nguyễn Ngọc Cư; Phông tư liệu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, ký hiệu: NC/19
(5) Do đồng chí Lê Duy Điếm dẫn đường.
(6) Trần Hữu Chương: Một số ý kiến về Tân Việt cách mạng Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn (Tài liệu Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, tr.2. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng).
(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.55, 57, 57, 63, 84, 69, 84, 59, 81.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.59.
(17) Trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đưa ra khẩu hiệu: “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”.
(18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.407, 407-408.
PGS, TS Trần Minh Trưởng
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: lyluanchinhtri.vn
Từ khóa » Xô Viết Nghĩa Là J
-
Xô Viết – Wikipedia Tiếng Việt
-
Xô Viết Là Gì? Sự Ra đời, Lịch Sử Và Sự Tan Rã Của CHXHCN Liên Xô?
-
Cộng Hòa Xô Viết Là Gì ?Khái Niệm Về Chính Thể Cộng Hòa Xô Viết?
-
Từ điển Tiếng Việt "xô Viết" - Là Gì?
-
Xô Viết Là Gì? (Cập Nhật 2022)
-
Xô Viết Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Xô Viết Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Xô Viết - Từ điển Việt
-
Nghĩa Của Từ Xô Viết Là Gì - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
XÔ VIẾT - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Cầu Bạch Thủ Là Gì
-
Liên Xô Tan Rã: Bốn Lý Do Chính Khiến Liên Xô Giải Thể Cuối 1991 - BBC
-
Sắc Lệnh Số 3162: Văn Bản Chính Thức Cuối Cùng Của Liên Xô Viết Gì?
-
Nhìn Lại Sự Kiện 30 Năm Liên Xô Tan Rã: Sức Sống Của Những Bài Học ...