Lào Cai: Cây Khèn ở Cao Nguyên Trắng - Môi Trường Du Lịch

Nghệ nhân Lý Seo Hồ biểu diễn múa khèn.

Nhạc cụ độc đáo

Tôi từng say đắm với những buổi diễn tấu khèn du dương, dìu dặt ở các phiên chợ Tình (Sa Pa) trước đây, hay những buổi biểu diễn ngẫu hứng phục vụ khách du lịch ở Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa). Khi đến "cao nguyên trắng" Bắc Hà, lòng lại cứ muốn ngân lên cùng các điệu khèn của các nghệ nhân, chàng trai trong những ngày hội, ngày khách xa đến thăm thôn, bản. Thanh niên ở Bắc Hà vui lắm. Khi bên bạn tình, điệu khèn, câu hát vút lên: "Kìa mưa cho hoa nở tươi/ Kìa nắng cho hoa buồn khô/ Gặp nàng, anh vui lắm/ Bên nàng, anh yêu mãi cô nàng ơi"... Từ phong tục và tập quán mà khèn có rất nhiều chủ đề và phương thức biểu diễn. Có tiếng khèn vui mời gọi bạn chơi xuân, đi hội Gầu Tào, xuống chợ. Lại có tiếng khèn tiễn đưa người đã khuất sang bên kia thế giới… Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng, ở Lào Cai, thậm chí ở các tỉnh khác, cứ vùng nào có người H’Mông sinh sống thì ở đó, họ sử dụng khèn làm một trong những nhạc cụ quan trọng. Bởi với họ, cùng với thầy cúng, người làm khèn (thầy khèn) luôn được đồng bào kính trọng. Ðiều này khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống, cũng như tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ này.

Gặp nghệ nhân Lý Seo Hồ (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà) trong một lần xuống chợ. Ông dẫn khách về nhà tham quan. Nhà ông thường có khách xa đến thăm, không chỉ bởi ông là người lớn tuổi giữ gìn được các điệu múa khèn, múa sênh tiền, võ khèn, chế tác khèn giỏi mà còn nói tiếng Anh khá tốt. Theo ông Lý Seo Hồ, thời của các ông, các chàng trai H’Mông đều biết thổi khèn, nhưng để thổi được những bài khèn hay, dặt dìu, tha thiết khiến người già, trẻ nhỏ nghe thấy phải trầm trồ, thán phục; thiếu nữ nghe tiếng khèn mà ngẩn ngơ thì mỗi thôn chỉ có một vài người.

Khèn H’Mông được chế tác khá cầu kỳ. Phần gỗ phải chọn những cây thông đá, đặt vào gác bếp ít nhất sáu tháng. Ống khèn được làm từ thân cây tre hoặc trúc trong rừng già, được phơi khô bên bếp hoặc phơi trong bóng râm để khỏi bị nứt, thời gian khoảng một năm. Khi thổi khèn, âm thanh phát ra sáu tầng từ sáu ống khèn. Ống lớn nhất, ngắn nhất có tác dụng giữ nhịp. Các ống còn lại theo kích thước to nhỏ mà sinh ra âm thanh trầm bổng, cao thấp. Mỗi bài khèn gắn với một điệu dân ca rất phổ biến của người H’Mông. Các tiết tấu đều được trau chuốt, chia thành nhịp. Ðiều đó thể hiện sự mạnh mẽ, cái đam mê cuồng nhiệt của người chơi.

Ở Bắc Hà, nhiều thanh niên coi khèn như vật bất ly thân, dù đi chợ, làm nương, gặp bạn bè đều khoác thêm cây khèn. Bởi thế, đến Bắc Hà thường nghe tiếng khèn vang vọng núi rừng. Ông Lý Seo Hồ chia sẻ: "Cuộc sống đổi thay nhiều rồi. Nhiều loại nhạc cụ hiện đại lắm. Nhưng người H’Mông không bỏ chiếc khèn đặc sắc của dân tộc mình. Tiếng khèn là phần hồn của người H’Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc dân tộc".

Nghệ nhân Lý Seo Phỏng (thứ hai từ trái sang) xã Bản Phố tích cực truyền dạy lại các bài khèn cho học trò.

"Có những người như chúng tôi đây"

Qua nghệ nhân Lý Seo Hồ, tôi biết nghệ nhân Lý Seo Phỏng (xã Bản Phố) và Sùng Seo Trư, thôn Sừ Mừn Khang (xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà) là những người đang tích cực dạy múa, biểu diễn khèn. Từ năm 2006, ông Sùng Seo Trư đứng ra thành lập Ðội văn nghệ thôn Sừ Mừn Khang, trong đó ông vận động cả vợ và con gái cùng tham gia, để các thành viên trong gia đình tích cực vận động nhiều người khác cùng tập luyện văn nghệ, tuyên truyền đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước, thu hút khách du lịch. Ông Trư còn là người có công phục dựng lễ hội Gầu Tào ở Bắc Hà. Hơn thế nữa, ông cũng là người giúp sức cho Ðề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của huyện Bắc Hà. Ðề án có trọng tâm là bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc H’Mông xã Tả Van Chư. Ông Trư tự hào chia sẻ: "Trong mỗi thôn ở Bắc Hà đều có một người là tấm gương, người thì đúc lưỡi cày, làm mộc, người biết khèn, người giỏi trồng mận hay làm thổ cẩm… Văn hóa H’Mông ở Bắc Hà sinh động vì có những người như chúng tôi đây".

Không chỉ người lớn tuổi yêu khèn, mà người trẻ cũng tích cực trong gìn giữ kho tàng văn hóa của cha ông. Nhiều người lớn tuổi ở Bắc Hà bảo rằng, việc giới trẻ tích cực phát huy giá trị của tiếng khèn H’Mông là điều đáng mừng, bởi ở "cao nguyên trắng", giới trẻ làm nên sức sống của đại ngàn, làm nên vẻ đẹp của các phiên chợ và cả những con đường nhỏ lên rừng, lên nương, xuống suối.

Vào tháng 8-2020, anh Giàng A Hải (sinh năm 1990), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà, đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) khèn H’Mông. Ban đầu CLB khèn H’Mông có 34 người tham gia, gồm một số em còn học trung học cơ sở và nghệ nhân lớn tuổi. Mục đích của việc thành lập CLB là gìn giữ, phát huy những giá trị của khèn, giúp thêm nhiều thanh niên ở Bắc Hà hiểu hơn về khèn, biết chơi khèn. Anh Hải tâm sự: "CLB là nòng cốt để mở các lớp dạy khèn. Tôi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của lãnh đạo địa phương, các nghệ nhân am hiểu về văn hóa H’Mông, khèn H’Mông. Dù tôi có nhiệt tình nhưng các nghệ nhân lớn tuổi mới nắm rõ và sâu sắc giá trị của khèn, các điệu múa độc đáo. Khi được các nghệ nhân có uy tín giúp sức, truyền dạy thì lớp trẻ mới có thể nắm bài bản về loại nhạc cụ này".

Trong Lễ hội mùa đông Bắc Hà 2020, hội thi khèn H’Mông đã được tổ chức, thu hút 37 người tham gia, biểu diễn các tiết mục thổi khèn, múa khèn độc đáo. Người múa khèn tạo những bước nhún, đảo, quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên sàn tạo nên vũ đạo đẹp mắt. Nghệ nhân Sùng Seo Trư và nhiều người mong mỏi dịch bệnh qua đi, để khách về Bắc Hà trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người H’Mông.

Núi rừng, con người Bắc Hà luôn có sức gợi, sự mời gọi.

Xuân Cường

Từ khóa » Cây Khèn Ngựa Trắng