LẬP VĂN BẢN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ NHƯNG BỎ SÓT ...

Trong thực tế có rất nhiều trường hợp do cố tình hay vô tình mà những người được thừa kế tài sản của người để lại di sản đã bỏ sót một hoặc một vài người thừa kế. Chẳng hạn như trường hợp cha mẹ mất để lại di sản cho bốn người con nhưng một trong bốn đã bỏ đi từ lâu và không ai biết tung tích, dẫn đến ba người thừa kế còn lại không phân chia được di sản trừ khi phải làm thủ tục yêu cầu toà án tuyên bố một người mất tích. Do đó, họ chọn bỏ người đó ra khỏi văn bản phân chia di sản thừa kế.

Hoặc có nhiều trường hợp, những người thừa kế cố tình bỏ xót các người thừa kế để làm thủ tục nhận di sản. Một trường hợp như bà A là vợ sau của ông B. Ông B mất, không để lại di chúc, tài sản để lại là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất diện tích 300 m2. Ông B có ba người con với người vợ đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, bà A làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế mà bỏ qua ba người thừa kế của ông A.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc chứng nhận văn bản phân chia di sản thừa kế đối với di sản được lập tại văn phòng công chứng. Những người khai nhận di sản chỉ cần xuất trình các giấy tờ như: Giấy chứng tử của người để lại di sản, Giấy chứng tử của cha mẹ người để lại di sản (nếu có); giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu có), sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh của các con (nếu có). Tuy nhiên, Văn phòng công chứng không thể đủ căn cứ để xác định đầy đủ các người thừa kế của người để lại di sản, đặc biệt là con ruột của người để lại di sản. Các mối quan hệ phụ thuộc như cha, mẹ, vợ chồng thì dễ xác định hơn, nhưng về con cái thì rất khó. Sổ hộ khẩu chỉ thể hiện những người đã đăng ký hộ khẩu tại một thời điểm, tuy nhiên nếu sổ hộ khẩu mới được cấp đổi chỉ thể hiện những người còn lại trong gia đình thì rất khó xác định đầy đủ con cái của người để lại di sản. Vì có nhiều người, khi kết hôn thì họ làm thủ tục chuyển khẩu sang chỗ khác hoặc như trường hợp của ông B, khi lấy vợ mới ông chuyển khẩu sang ở với vợ mới. Các văn phòng công chứng không có đủ cơ sở dữ liệu để tra cứu chính xác số lượng người thừa kế. Do đó, khi thực hiện công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế, các công chứng viên thường yêu cầu các đồng thừa kế lập văn bản cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không bỏ sót người thừa kế theo pháp luật và trước khi chết người để lại di sản không lập di chúc.

Theo quy định thì văn bản phân chia di sản thừa kế phải được niêm yết tại UBND cấp phường xã. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp, UBND phường xã là cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch nhưng họ lại không thể nào biết về toàn bộ gia đình của người để lại di sản hoặc do người để lại di sản mới chuyển đến nên họ không biết chính xác về gia cảnh của gia đình.

Quy chung lại, việc xác định đầy đủ, chính xác nhất hàng thừa kế của người để lại di sản thuộc về những người khai nhận di sản. Tuy nhiên, thực tế hành vi của họ có bị xử lý theo quy định của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?

Theo quy định của Điều 175 BLHS thì người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Những người khai nhận di sản đã không trung thực khi cam kết và chịu trách nhiệm về việc không bỏ sót người thừa kế, qua đó chiếm giữ tài sản của những người bị bỏ sót. Tuy nhiên trong thực tế thì hầu như các trường hợp không trung thực này không được xem xét trên khía cạnh vi phạm hình sự mà được toà án xét xử theo hướng huỷ các văn bản của người đã khai nhận di sản và chia lại di sản theo đúng quy định của pháp luật.

Một trường hợp thực tế mà TAND tỉnh Lâm đồng vừa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế, yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chưngs nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Vĩnh (sinh năm 1944, ngụ Quận 1, TPHCM), bị đơn là bà Nguyễn Thị Minh Châu (chị gái ông Vinh, sinh năm 1936, ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và ông Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1972, ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Theo hồ sơ vụ án, cụ ông Nguyễn Văn Trọng và cụ bà Nguyễn Thị Phú (đã qua đời- PV) có tất cả 9 người con, gồm: Nguyễn Thị Uyên (chết năm 1951, không có chồng, con); Nguyễn Thị Muôn; Nguyễn Thị Minh Châu; Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Văn Lưu; Nguyễn Văn Vĩnh (Vinh), Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Thị Lộc, cùng cư ngụ tại nhà, đất số 34 đường Ba Tháng Hai, Phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (nhà đất số 34), được UBND TP Đà lạt cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 28/3/2003. Các con của vợ chồng cụ Trọng khi trưởng thành đều lập gia đình và chuyển ra sống riêng, có người đi định cư ở nước ngoài. Sau khi cha mẹ qua đời, ngôi nhà được bà Châu quản lý sử dụng.

Ngày 16/10/2017, bà Châu đã tạo lập văn bản khai nhận di sản thừa kế (nhà đất số 34- PV), với nội dung bà Châu là người con duy nhất của vợ chồng cụ Trọng và được Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên chứng nhận.

Bằng văn bản nói trên, bà Châu đã nộp hồ sơ và được cơ quan chức năng điều chỉnh biến động sang tên bà Châu vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy chứng nhận) mà vợ chồng cụ Trọng được cấp vào năm 2003.

Sau khi hoàn tất cập nhập biến động, ngày 20/12/2017, bà Châu đã chuyển quyền sử dụng nhà, đất số 34 cho ông Nguyễn Văn Quang. Đến ngày 29/12/2017, ông Quang được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận số CL 486227.

Đến ngày 31/1/2018, ông Quang đã thế chấp toàn bộ nhà, đất số 34 tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Lâm Đồng để vay tiền.

Ngày 21/11/2018, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa sơ thẩm nhận định bà Châu có dấu hiệu gian dối trong việc khai di sản thừa kế nên đã tuyên văn bản khai di sản thừa kế của bà Châu là vô hiệu và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, chia đều giá trị căn nhà cho 9 đồng thừa kế.

Tuy nhiên, do bà Châu đã bán nhà đất số 34 cho người khác, nên bà Châu có trách nhiệm hoàn trả phần thừa kế bằng tiền mặt cho 8 đồng thừa kế khác là các anh em của bà Châu, các nội dung khởi kiện khác của nguyên đơn đều không được tòa chấp nhận.

Bản án của toà án đã bảo vệ quyền lợi của 8 đồng thừa kế còn lại, tuy nhiên họ cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thi hành án. Trong bản án của toà, bà Châu có nghĩa vụ phải thanh toán lại tiền bán đất cho 8 người còn lại, tuy nhiên nếu bà Châu cố tình không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán đủ cho những người còn lại thì dù đã được bảo vệ họ vẫn rất khó trong việc nhận lại số tiền thực tế họ được nhận.

Do đó, lỗi làm bỏ sót người thừa kế do những đồng thừa kế còn lại không trung thực trong quá trình làm thủ tục phân chia di sản. Cần có quy định cụ thể trong các trường hợp này để phòng ngừa các trường hợp cố tình bỏ sót những người thừa kế. Vì suy cho cùng thì những người thừa kế được nhận phần di sản theo quy định của pháp luật, nhưng do hành vi cố tình của những người khai nhận di sản khiến họ phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để khởi kiện tại Toà án, thi hành án thì họ mới được nhận lại tài sản của mình. Quá trình giải quyết này khiến họ cũng tiêu tốn một khoảng phí khá lớn và thời gian để tham gia giải quyết. Đây chính là tổn thất của họ.

Có thể bạn quan tâm
  • TUYÊN DI CHÚC CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Bài viết cùng chủ đề

  • TUYÊN DI CHÚC CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Từ khóa » Bỏ Sót Hàng Thừa Kế