Lật Tẩy đường Dây Lừa đảo Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng đất Của ...

Bài 1: Các hộ dân đều "tá hỏa" khi biết số tiền nợ ngân hàng lên tới nhiều tỷ đồng

Hà Nội - Lật tẩy đường dây lừa đảo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng MSB  - Ảnh 1.

Các hộ dân ở Đông Anh phản ánh với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

Chiêu trò lừa đảo tinh vi

Theo đơn của 10 hộ dân ở Đông Anh (Hà Nội) gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị ngày 15/6/2021, cùng "một kịch bản", lợi dụng nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ để phát triển kinh tế của các hộ dân (mỗi hộ tùy theo chỉ vay từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ), Nguyễn Thị Tuyết Lan (CMTND mới cấp lại ngày 22/6/2016 số 008178000003, thường trú tại 148 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau đây gọi tắt là Tuyết Lan) đã cấu kết với một nhóm đối tượng, dùng nhiều thủ đoạn lừa các hộ dân khi vay tiền phải ký kết và công chứng "HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN" cho nhóm Tuyết Lan cầm giữ bản gốc Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở (GCNQSDĐO).

Sau khi lừa cầm được GCNQSDĐO của người dân, cùng với sự tiếp tay của văn phòng công chứng, sự thông đồng của một số cán bộ, nhân viên Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Gọi tắt là ngân hàng MSB), Tuyết Lan đã lợi dụng hết sức tinh vi các điều khoản "HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN", lập các hợp đồng giả mạo thế chấp bản gốc GCNQSDĐO, để ký kết các hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng MSB với số tiền vay rất lớn (hàng tỷ đồng/một "sổ đỏ"/một hộ) mà các hộ dân không hề hay biết.

Ông Lê Văn Thủy (xã Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội) bức xúc chia sẻ với PV: "Việc tất cả mọi giấy tờ, riêng quyển sổ đỏ đều là giấy tờ giả mạo. Bởi vì khi làm hợp đồng vay tiền với tôi, cô Tuyết Lan có bảo vợ chồng chúng tôi ký vào 4 tờ giấy trắng khổ A4 lấy lý do là anh chị bận nhiều việc thế này thì ký sẵn vào đây cho em, em về em làm lại. Ký xong rồi lại thêm một ông đến lăn tay để làm cơ sở, tôi người thật việc thật cũng lăn tay vào..."

"Bên ngân hàng không có biên bản làm việc cụ thể với gia đình chúng tôi. Gia đình cũng chỉ kiến nghị với số tiền 1,5 tỷ đồng, chúng tôi không hề biết một đồng tiền nào ở số tiền này cả. Chứ còn ai vay tiền, ai đến lấy tiền của ngân hàng chúng tôi không biết, chúng tôi không được tiêu số tiền 1,5 tỷ đồng này" - Ông Nguyễn Phú Lợi (xã Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội) cho biết.

Trong hồ sơ nhiều hộ dân gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, đáng lưu ý khi đó, một số cán bộ, nhân viên Sở Giao dịch Ngân hàng MSB đã cố ý làm trái, cố ý làm sai các quy định pháp luật, đã không thẩm định và không kiểm tra tài sản thế chấp, không kiểm tra xác minh mục đích vay vốn, giải ngân trái các quy định, không đúng đối tượng vay vốn…

Đáng nói hơn, mặc dù các hộ dân là chủ chính thức bản gốc GCNQSDĐO, là chủ tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay. Nhưng khi lập và ký kết hợp đồng vay vốn giải ngân, các hộ đều không được thông báo, không được biết. Phải đến vài ba năm sau, khi Bộ phận Xử lý nợ xấu của Ngân hàng MSB đến nhà thông báo, các hộ dân mới tá hỏa nhận ra gia đình mình mắc bẫy lừa đảo nợ gốc, nợ lãi hàng tỷ đồng.

Hà Nội - Lật tẩy đường dây lừa đảo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng MSB  - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thủy (xã Kim Chung), một trong 10 hộ dân ở Đông Anh kiến nghị khẩn cấp

Bức xúc của người dân và chân dung kẻ lừa đảo Tuyết Lan

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Sản (xã Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội) cho biết: "Không có một "ông" ngân hàng nào đến hỏi xem là nhà chị có vay không hay giấy tờ như thế nào. Duy nhất có một lần mấy người đứng từ xa chụp ảnh, thế xong rồi đi, không hỏi han chủ nhà, mời vào nhà uống nước không vào... Ngân hàng bảo là cần gì phải thẩm định, các bà cứ ký ủy quyền người ta làm được tất, ngân hàng không cần phải thẩm định".

Bà Phạm Thị Duyệt (xã Xuân Nộn - Đông Anh - Hà Nội) bức xúc chia sẻ: "Nhà em không hề biết giấy ủy quyền này, không hề biết là có giấy vay tiền, không có một giấy tờ gì. Em chỉ nhờ nó làm cho em cái "sổ đỏ" để mang về chứ em không đồng ý vay tiền, và cũng không vay tiền để làm gì. Thế mà bây giờ tự nhiên bên Ngân hàng Hàng Hải (MSB) báo về em mới giật mình, là coi như em bị mất "sổ đỏ", em bị lừa. Em có sang Ngân hàng làm việc thì bên đấy bảo cô chú bị lừa rồi"

Nhiều năm qua, hầu hết các hộ dân bị lừa đảo đều rất khó và không thể gặp lại Tuyết Lan. Duy nhất có một hộ ở xã Hải Bối (Đông Anh), phải nhiều lần mò mẫm nơi ở của Tuyết Lan, phải lần tìm cả nơi ở của các đối tượng cấu kết với Tuyết Lan, đôn đốc giục giã 2 – 3 lần mới gặp được Tuyết Lan.

Trao đổi với PV, chị LTNN đại diện hộ dân ở xã Hải Bối kể lại: "Tôi gặp Tuyết Lan vào buổi tối ở một quán café ven Hồ Tây chỗ đường vào Xuân Đỉnh. Do tôi cũng từng va chạm xã hội nhiều, chứ cỡ 10 người dân bình thường cũng khó đối đáp với chị ta. Tuyết Lan là con người kinh khủng, nói chuyện lật lọng rất "quái quỷ ". Chị ta bảo kể cả chị ta không trả cũng không làm gì được. Đây chỉ là án dân sự, không phải án hình sự, nên chị ta chẳng sợ gì."

Chị LTNN nói: "Tôi rắn rỏi nói lại với Tuyết Lan, chỉ rõ cái sai vụ việc liên quan đến Tuyết Lan và Văn phòng Công chứng quận Hoàn Kiếm. Lúc đó các bên mới thỏa thuận đến làm việc với Ngân hàng MSB. Đến khi cán bộ MSB đến nhà tôi bảo bán đất trả nợ. Tôi bảo đất đai của cha ông để lại, bán đi thì ở đâu. Nhà tôi chỉ vay vỏn vẹn có 200 triệu đồng, nhưng chỉ tính riêng món nợ gốc Ngân hàng MSB lên tới 1,3 tỷ đồng. Trong khi gia đình tôi không hề biết, không hề vay và không sử dụng tiền vay Ngân hàng. Từ đó, Tuyết Lan mất tăm không liên hệ được…"

Được biết, sau khi rất nhiều năm các hộ dân gửi đơn kêu cầu, tư vấn nhờ trợ giúp pháp lý từ các cấp ngành. Ngày 16/6/2021, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội, cũng đã có phiếu chuyển đơn tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề nghị thanh tra giám sát, xem xét xử lý việc Nguyễn Thị Tuyết Lan đã cấu kết với cán bộ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam lập hồ sơ, hợp đồng giả mạo, thế chấp trái pháp lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để vay vốn, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, tạo nợ xấu và rủi ro về tài sản cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về chiêu trò để làm giấy tờ giả nhằm giải ngân chiếm đoạt số tiền của ngân hàng trong bài tiếp theo.

Nhóm PVĐT

Từ khóa » Msb Có Lừa đảo Không