Lau Sậy (cây Sậy) Và Bài Thuốc Lợi Tiểu, điều Trị Viêm Bàng Quang

  • Tên khác: cây lau sậy, lô vi, lô trúc
  • Tên khoa học: Cây sậy thường (lô vi) có tên khoa học là Phragmites australis (1). Cây sậy trúc (lô trúc) có tên khoa học là Arundo donax. Cả hai loài này đều thuộc họ Lúa: Poaceae (2).
  • Tính vị: vị ngọt nhẹ, tính mát
  • Công dụng chính: thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, điều trị gút, viêm bàng quang

Có thể nói; năn, lát, lau, sậy… là những loài cây đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ thời khai phá. Trong đó, cây sậy khẳng khiu bao giờ cũng gợi sự gần gũi, thân thiết như cách mà người Nam Bộ thường ví: “coi tướng nó ốm như cây sậy kìa”.

Trước đây, người ta rất hay dùng sậy để làm giàn cho dưa leo, bí đao và các dây leo khác. Thỉnh thoảng, một vài người còn dùng cây sậy để làm thuốc.

Vậy, bộ phận nào của cây sậy đã được dùng làm thuốc và có tác dụng gì?

Vài nét về cây sậy

Ở nước ta, có hai loại sậy được biết đến nhiều là sậy thường (phân bố nhiều ở miền Nam) và cây sậy trúc, tức sậy núi (mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc).

Cây sậy thường (lô vi) có tên khoa học là Phragmites australis (1). Cây sậy trúc (lô trúc) có tên khoa học là Arundo donax. Cả hai loài này đều thuộc họ Lúa: Poaceae (2).

Thân lau sậy ốm tong teo, khẳng khiu và rỗng ruột. Riêng cây sậy trúc thì phần thân rễ có khi phình thành củ. Lá sậy thuôn nhọn và dài, mọc cách xa nhau và hơi khô ráp ở mép lá. Bông sậy có màu tím mọc thành chùm ở ngọn cây, nhìn như cờ hoa.

Ngày nay, lau sậy bị chặt phá nhiều để canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn các bãi sậy lớn để cung cấp cho nghề làm chổi (chổi sậy). Trước đây, trẻ con hay cầm chổi sậy quơ qua quơ lại đùa giỡn. Nhiều bà mẹ thấy thế liền hù doạ: “chổi sậy mà quánh trúng đầu là hết đầu thai nghen” hay “tụi bay quơ một hồi bông nó rụng ra, văng trúng vô mắt là đui luôn nghe” (vì chổi sậy mới mua về vẫn còn nhiều bông bụi).

Công dụng của cây sậy cây lau sậy
Hình ảnh cây lau sậy

Công dụng của cây sậy thường

Lau sậy là loại thuốc mọc hoang dại, có thể tự tìm và khá an toàn vì có tính mát và không có độc. Ở quê tôi, cây sậy thông thường được biết đến với công dụng thanh nhiệt và lợi tiểu. Bên cạnh đó, theo y học cổ truyền, cây sậy thường còn có các tác dụng khác như:

  • Điều trị sỏi thận
  • Làm giảm lượng axit uric trong cơ thể, vì vậy có thể hỗ trợ điều trị Gút.
  • Giúp đổ mồ hôi, hạ sốt, giảm cảm giác khát nước và bứt rứt, khó chịu trong người.
  • Điều trị sốt phát ban và ban trái.
  • Điều trị viêm bàng quang và thống phong.

Cách dùng: Lấy rễ sậy tươi ngâm nước một đêm và một ngày rồi bỏ các rễ con, phơi khô rồi xắt nhỏ ra. Mỗi ngày, dùng khoảng 20 g rễ sậy nấu trong 1 lít nước. Lưu ý, khi nước sôi thì tắt lửa và để hãm thuốc thêm 15 phút nữa, sau đó mới rót ra và uống trong ngày (3).

Tham khảo:

  • Cây thuốc nào có tác dụng điều trị bệnh gút ?
  • Bài thuốc nam điều trị sỏi thận nổi tiếng ở Hòa Bình

Thông tin thêm về cây sậy thường

Ở Trung Quốc, cây lau sậy thường được dùng cả rễ và thân để làm thuốc điều trị nôn mửa, phế ung (5). Lá sậy nước cũng được dùng điều trị nôn mửa (6).

Theo “Bản thảo đồ kinh”, hoa của cây sậy thường còn có tác dụng cầm máu, giải độc (được sắc đặc và uống để giải độc do các loài cua và cá gây ra) (6).

Công dụng của cây sậy trúc

Bên cạnh sậy thường hay mọc ở các bờ bãi sông rạch Nam Bộ còn có cây sậy trúc, mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các bộ phận được dùng làm thuốc của cây là:

Rễ: Rễ sậy trúc cũng như rễ sậy thường ở công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu khát và giải nhiệt, hạ sốt. 

Thân rễ: Thân rễ cây sậy trúc có tác dụng giảm nhọt (giã nát rồi đắp ngoài da), giảm đau răng và điều trị chứng phát cuồng.

Chồi non: Chồi non của sậy trúc cũng được dùng làm thuốc điều trị chứng đau răng, đầu óc hay choáng váng và thổ huyết do phế nhiệt (4).

Một số bài thuốc kết hợp có dùng sậy trúc

Điều trị viêm não Nhật Bản B (ở giai đoạn mới phát hoặc toàn phát chưa có biến chứng): dùng rễ sậy, kim ngân hoa (mỗi vị 16 g), thạch cao (40 g), hoàng cầm, liên kiều (mỗi vị 12 g) và bạc hà (8 g) (4).

Điều trị bại liệt ở trẻ em (ở giai đoạn mới phát): dùng rễ sậy (8 g), đậu sị (4 g), liên kiều, ngưu bàng, kinh giới (mỗi vị 6 g), kim ngân (12 g), bạc hà, cát cánh, cam thảo (mỗi vị 2 g). Nếu trẻ kèm theo ho thì dùng thêm 8 g quy nam (tức tiền hồ), nếu trẻ bị bại liệt có kèm theo nôn mửa thì thêm 4 g tinh cây tre (là vị thuốc trúc nhự). Mỗi ngày sắc 1 thang như trên, uống kiên trì trong nhiều ngày để thấy hiệu quả.

Lưu ý

Trong sậy trúc có hoạt chất làm tăng huyết áp khi dùng với liều thấp và gây hạ huyết áp khi dùng ở liều cao (kết quả thí nghiệm trên chó). Do vậy, những người bị bệnh về huyết áp cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng (4).

Sậy là nguồn thuốc lành tính, không độc nhưng cũng không nên lạm dụng. Ngoài ra, cũng như nhiều vị thuốc Nam khác, rễ sậy, thân sậy cần được dùng kiên trì để thấy hiệu quả.

Nguồn tham khảo

  1. Phragmites australis, https://vi.wikipedia.org/wiki/Phragmites_australis, ngày truy cập: 29/09/2019.
  2. Sậy núi, https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BA%ADy_n%C3%BAi, ngày truy cập: 29/09/2019.
  3. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, trang 477. ngày truy cập: 29/09/2019.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 720. ngày truy cập: 29/09/2019.
  5. 芦苇, https://zh.wikipedia.org/zh-hans/芦苇, ngày truy cập: 29/09/2019.
  6. 芦苇, http://www.bydsd.com/a/shengwuziyuan/zhiwuziyuan/20180810/651.html, ngày truy cập: 29/09/2019.

Từ khóa » Cây Lau Sậy Sống ở đâu