“Lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiểu dân, vì dân và tập hợp, đoàn kết được toàn dân sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn.
Danh nhân Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Khi nhà vua hỏi tướng quân Trần Hưng Đạo về kế sách giữ nước, ông đã khuyên: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”.
Thấy được sức mạnh của Nhân dân nên từ khi giành được độc lập (năm1945), bên cạnh bảo vệ chính quyền non trẻ thì chăm lo cuộc sống người dân được Đảng, Bác Hồ đặt lên hàng đầu. Các phong trào “Hũ gạo cứu đói”, "bình dân học vụ”, “chia ruộng cho người cày” đã được phát động, đặt người dân làm chủ đất nước, quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc; bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Đến Đại hội Đảng lần thứ VI đã tổng kết và đề ra phương châm “Lấy dân làm gốc” làm tư tưởng chiến lược trong đường lối cách mạng Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021 xác định, bổ sung thêm quyền “dân giám sát, dân thụ hưởng” vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...” được đề ra từ nhiệm kỳ khóa 7. Cũng lần đầu tiên Đảng ta đưa chiến lược “thế trận lòng dân” đặt lên trước thế trận quốc phòng, an ninh trong văn kiện đại hội. Trong bài viết mới đây về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đó cũng là mô hình chính trị tổng quát, xác định quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng, Nhà nước ta.
Nhìn lại lịch sử từ ngày thành lập đến nay, dù phải trải qua những khó khăn, thăng trầm của đất nước nhưng Đảng ta đã tập hợp, quy tụ được mọi tầng lớp Nhân dân làm nên những trang sử hào hùng.
Trong 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra nghiêm trọng, chưa có tiền lệ nhưng Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo đối phó kịp thời với dịch bệnh. Chủ trương “chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” nên chủ trương “ngoại giao vắc-xin” được đặt ra, chủ động có đủ nguồn vắc-xin tiêm miễn phí cho toàn dân. Chính phủ phát động và được toàn dân hưởng ứng đóng góp hàng ngàn tỷ đồng phòng, chống dịch, những “cây ATM gạo”, “ATM oxy”,“siêu thị 0 đồng”, hỗ trợ cho người dân bị cách ly... là mối quan hệ tương hỗ tích cực giữa Chính phủ và người dân.
Những chủ trương, chính sách thích ứng kịp thời của Đảng, Chính phủ đã làm cho kinh tế đất nước tiếp tục đạt tốc độ dương, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng những tồn tại. Có một bộ phận cán bộ được Nhân dân che chở, đùm bọc trong chiến tranh nhưng đã nhanh quên quá khứ, quên ơn người dân che chở, nuôi dưỡng trong gian khó. Nơi này nơi khác đã có một bộ phận quan liêu, xa dân, chưa thật sự tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của dân.
Để tiếp tục sự nghiệp của Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn thì “xây dựng thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước mang ý nghĩa quyết định sống còn. Đòi hỏi người đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải nói và làm thực tâm theo ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Cần đề cao vai trò của Nhân dân được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội Đảng lần thứ VII: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên. Tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. Đảng viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo cần nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, có lối sống trong sáng, “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, trở thành người công bộc, là chỗ dựa, niềm tin yêu của Nhân dân. Cần chống cho được biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Chúng ta cần thấm nhuần bài học “Nước lấy dân làm gốc”; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Người dân không chỉ được làm chủ thật sự mà còn được “giám sát” và “thụ hưởng” những thành quả của chế độ xã hội mang lại, khích lệ tinh thần tích cực của Nhân dân, phát huy vai trò, vị trí người dân trong mọi quan hệ xã hội. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ dặn: “Cái gì quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiệm các sai phạm”. Đó chính là ý nghĩa lý sâu xa của “Lấy dân làm gốc” mà Đảng ta đã đề ra và tiếp tục hướng tới.
Nguyễn Văn Hòa
https://baothuathienhue.vn/lay-dan-lam-goc-nguon-goc-cua-moi-thanh-cong-a109718.html