Lấy đuôi Cây Lẹm Chằm Nón Khỏi Hốc Mắt Bé 4 Tuổi

Đến lần phẫu thuật thứ 3, các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới có thể tiếp cận được dị vật và lấy ra mảnh đuôi của cây lẹm dùng để chằm nón lá ra khỏi xương bờ sau hốc mắt trái của bệnh nhi.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi Đ.V.P. (SN 2011, ngụ Sóc Trăng) trong tình trạng có vết thương ở dưới mắt, đã được may sơ cứu tại địa phương. Theo lời kể của người nhà, trong lúc cha mẹ sơ ý, cháu bé đã bị ngã vào đống lá dùng để chằm nón và bị cây lẹm (dụng cụ chằm nón) nằm lẫn trong đống lá đâm vào mặt. Cây lẹm bị gãy và một phần đuôi - đoạn dùng để xỏ chỉ - đã mất, nên nghi ngờ dị vật đã mắc lại trong cơ thể bé.

Cây chằm nón với phần đuôi bị gãy dài 10,5 mm - dị vật trong mắt cháu bé Cây chằm nón với phần đuôi bị gãy dài 10,5 mm - dị vật trong mắt cháu bé Hình ảnh dị vật qua chẩn đoán hình ảnh Hình ảnh dị vật qua chẩn đoán hình ảnh

Bé P. được các bác sĩ quyết định cho phẫu thuật để lấy dị vật ra. Tuy nhiên, do đặc điểm của những dị vật nhỏ là luôn di chuyển trong cơ thể bệnh nhân, vị trí của vật khi vào cuộc phẫu thuật so với kết quả chẩn đoán hình ảnh trước đó sẽ khác nhau.

Trong cuộc phẫu thuật đầu tiên, sau 30 phút gây mê, các bác sĩ thuộc khoa Răng - Hàm - Mặt và Tai - Mũi - Họng vẫn chưa tìm ra dị vật, do lo ngại nếu cố tìm thêm cũng như kéo dài quá trình gây mê sẽ ảnh hưởng đến bé nên đã đóng vết thương trở lại.

Ca mổ thứ hai với sự tham gia trực tiếp của bác sĩ siêu âm ngay tại bàn mổ, dị vật vẫn không thể tiếp cận. Đến ca mổ thứ 3, nhờ sự định vị chi tiết hơn của CT Scanner, các bác sĩ mới lấy được mảnh dị vật đã rỉ sét khỏi cơ thể cháu bé. Khi đó, dị vật găm vào bờ trong của xương hốc mắt, cách vị trí trên phim X-quang ban đầu tới 2,5 cm và đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên sâu để tiếp cận bởi đường vào bị nhãn cầu che khuất.

 3 ngày sau phẫu thuật, vết thương đã ổn định. Các bác sĩ đang kiểm tra lại vết thương cho bé

3 ngày sau phẫu thuật, vết thương đã ổn định. Các bác sĩ đang kiểm tra lại vết thương cho bé

"Rất may, đuôi của cây lẹm không làm tổn thương tới nhãn cầu. Qua đó, chúng tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh cẩn thận hơn khi chăm sóc con em. Bởi chỉ cần chút lơ là hay bỏ quên những vật nguy hiểm gần vị trí trẻ chơi, những tai nạn khó lường có thể xảy ra" - BS Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt và Phẫu thuật tạo hình, thành viên ê kíp phẫu thuật, khuyến cáo.

Sức khỏe bé P. diễn tiến tốt sau mổ. Dự kiến chiều nay 28-12, bé sẽ xuất viện.

Từ khóa » Cây Lẹm