Lê Cát Trọng Lý Và 'Những Khúc Ca Việt Cổ' - Nhạc - VOH
Có thể bạn quan tâm
- Trang chủ
- Tin Tức
- Radio
- Kiến thức
- Podcast
- Video
- Sự kiện
Sau 2 đêm diễn tại Hà Nội, concert Những Khúc Ca Việt Cổ của Lê Cát Trọng Lý tiếp tục cuộc hành trình 4 đêm tại nhà hát VOH Music One TPHCM. Khác hoàn toàn với những concert trước đó, lần này Lê Cát Trọng Lý không hát những sáng tác của mình, mà mang đến cho khán giả một trải nghiệm âm nhạc hoàn toàn mới mẻ.
Tại đêm nhạc Những Khúc Ca Việt Cổ, Lê Cát Trọng Lý đã chọn thể hiện những ca khúc cổ xưa của nhiều dân tộc trên khắp cả nước như Mông, Giáy, Dao, Thái, Bana, Chămpa, Mường, Paco. Những lời ca của đồng bào dân tộc được Lê Cát Trọng Lý và người bạn của mình là nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tú chuyển soạn sang lời Kinh rồi phối khí lại cho dàn nhạc thính phòng nhỏ để trình diễn.
Thực tế, việc chuyển soạn những câu hát Việt cổ từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ Kinh vốn đã không dễ, lại phải làm sao để ca từ thật đẹp, thật thơ như đúng phong cách của Lý thì lại càng khó khăn hơn gấp bội. Qua đó lại càng thấy được sự tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tú, người đã đồng hành cùng Lê Cát Trọng Lý trong suốt 8 năm qua và góp phần không nhỏ vào sự thành công của Lý.
Các ca khúc được Lê Cát Trọng Lý thể hiện theo thứ tự từ Bắc vào Nam, từ những khúc hát ru con của người dân tộc H'Mong (Sapa) cho đến những khúc hát than thân của cộng đồng người Chăm (Bình Thuận).
Đồng hành cùng Lê Cát Trọng Lý trong 4 đêm diễn tại TPHCM là 2 "nghệ nhân làm rẫy" - chị Thào Thị Sớ (người H'Mông đen) và cô Qua Thị Hồng Loan (người Chăm).
Với mong muốn khán giả của mình có thể cảm nhận trực tiếp từ những khúc ca của người dân tộc, Lê Cát Trọng Lý đã "đánh liều" mời những nghệ nhân vốn không phải là nghệ sĩ tham gia trình diễn. Thậm chí, giọng ca 35 tuổi còn tiết lộ bản thân không yêu cầu các nghệ nhân phải tập luyện gì trước, cứ lên sân khấu cảm xúc thế nào thì trình diễn y như vậy.
Trong đêm diễn đầu tiên tại TPHCM, chị Thào Thị Sớ không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng vì lần đầu trong đời phải đi một quãng đường xa như vậy, lại còn đứng trước đông đảo khán giả trong một không gian hoàn toàn xa lạ. Nhưng đến đêm diễn thứ 4, chị dường như đã dần quen và thoải mái hơn khi chia sẻ, trò chuyện với mọi người.
Chị tiết lộ rằng nỗi nhớ các con, nhớ nương rẫy ở quê nhà đã bắt đầu xâm lấn mình, bởi đây cũng là lần đầu tiên chị đi xa nhà lâu như vậy. Có lẽ cũng chính vì thế nên khi thể hiện những khúc hát ru con, dù không thể hiểu ngôn ngữ của người H'Mông, nhưng khán giả vẫn cảm nhận được những khắc khoải, tâm tư chị gửi vào từng câu hát.
Hay như cô Qua Thị Kiều Loan trong đêm diễn cuối cùng đã hào hứng kể với mọi người về những phong tục đặc biệt của dân tộc mình. Những điều này vốn chưa được cô tiết lộ ở những đêm diễn trước. Chỉ khi đã thật sự thoải mái, thân quen với khán giả, cô mới có thể mở lòng mình mà chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị.
Theo dõi đêm diễn, khán giả sẽ được nghe các nghệ nhân thể hiện khúc ca bằng ngôn ngữ gốc và chất giọng mộc mạc của mình. Sau đó thì đến lượt Lê Cát Trọng Lý sẽ thể hiện phần nhạc đã được chuyển soạn sang tiếng Kinh. Đây thật sự là một trải nghiệm âm nhạc hoàn toàn mới lạ với người nghe, giúp khán giả có thể cảm nhận rõ hơn về cái hay trong những khúc ca Việt cổ.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng thực hiện dự án Những Khúc Ca Việt Cổ, Lê Cát Trọng Lý cho biết sau khi đi đến nhiều nơi, tìm hiểu về nhiều nền âm nhạc của nước ngoài, bản thân chị nhận ra mình vẫn chưa biết gì nhiều về âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong khi những giai điệu đó rất hay và đẹp, chỉ nghe một lần là Lý rất thích, nên Lý mong muốn có thể chia sẻ cái hay và đẹp đó đến với khán giả của mình.
Quả thật, khi theo dõi concert Những Khúc Ca Việt Cổ của Lý, người xem như được đắm chìm vào một không gian âm nhạc hoàn toàn khác. Sân khấu không có những background cầu kỳ, chỉ có Lê Cát Trọng Lý cùng cây đàn trên tay, bên cạnh là các nhạc công và những nghệ nhân. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, giản đơn và chân thành, nhưng vẫn từng bước chạm vào trái tim người nghe với những rung cảm tuyệt vời.
Thậm chí, sau 2 tiếng thưởng thức, khán giả vẫn chưa chịu về nhà mà cứ đòi Lý "hát thêm một bài nữa". Dường như 4 đêm nhạc liên tiếp vừa qua vẫn là chưa đủ với những ai luôn yêu mến âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý và đồng cảm với những giai điệu Việt cổ mà Lý mang đến.
Nhiều người nhận xét âm nhạc của Lý khá kén người nghe bởi vì luôn có 1 chiều sâu nhất định. Nhưng mỗi đêm diễn của Lý dù là ở Hà Nội hay TPHCM đều luôn chật kín khán giả. Thậm chí, dù concert đã kết thúc, nhưng vẫn có không ít người hâm mộ đang "kêu gào" vì không mua kịp vé nên đành lỡ hẹn với Lý lần này.
Được biết, Lê Cát Trọng Lý sẽ phát hành DVD concert dưới dạng audio để mọi người đều có thể nghe được. Vậy nên nếu chẳng may lỡ hẹn lần này thì bạn cũng đừng lo lắng nhé!
Dấu ấn của Lê Cát Trọng Lý sau Những Khúc Ca Việt Cổ:
'Từ khóa » Giá Vé Show Lê Cát Trọng Lý
-
Lê Cát Trọng Lý - CẬP NHẬT TÌNH HÌNH VÉ CONCERT (HẾT VÉ)...
-
Lê Cát Trọng Lý | Facebook
-
Concert Của Lê Cát Trọng Lý Cháy Vé Trước Một Tháng | TTVH Online
-
Cháy Vé Khi Lê Cát Trọng Lý 'ca Việt Cổ' - Tiền Phong
-
Lê Cát Trọng Lý Tổ Chức đêm Nhạc Vào Cửa Bằng... Sách - Phunuonline
-
TP Hồ Chí Minh: Vé Lê Cát Trọng Lý 23/1/2021
-
“Cháy” Vé đêm Nhạc Lê Cát Trọng Lý Tại Tp HCM - Hànộimới
-
Lê Cát Trọng Lý | MUSICSHOW.VN
-
Thêm Một Ca Sĩ Sẽ Comeback Với Lịch Trình Dày đặc Trong Năm 2022
-
Vé Xem Tùng Dương - Lê Cát Trọng Lý Cao Ngất Ngưỡng - Webtretho
-
Lê Cát Trọng Lý Và Những Ca Khúc Việt Cổ - Báo Giáo Dục Thời đại
-
Lê Cát Trọng Lý: Ca Sĩ Việt Nam - Du Học Trung Quốc
-
Đọc Sách Theo Cách Lê Cát Trọng Lý - Báo Cần Thơ Online