Lễ Chịu Tuổi Của Người Khmer Nam Bộ - UBND Tỉnh Cà Mau

Lễ chịu tuổi trong Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ ở Cà Mau diễn ra trong 3 hoặc 4 ngày của tháng 4 dương lịch (dl) hàng năm. Ba ngày (từ ngày 13 đến ngày 15) đối với năm thường; 4 ngày (từ ngày 13 đến ngày 16) đối với năm nhuần. Theo quan niệm của người Khmer, Tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tết Chôl Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để bắt đầu mùa vụ mới.

Nghi lễ tắm tượng Phật của người Khmer.

Lễ chịu tuổi hay Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra với nhiều nghi lễ như: Lễ rước Đại lịch (Mahasangkran), được tổ chức vào ngày đầu tiên (13/4dl). Người Khmer do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, nên họ tính đầu năm mới bằng 2 cách: Chôl tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con giáp trong một kỳ. Chnăm tính theo chuyển động của mặt trời. Chôl được tính vào tháng 4dl, còn Chnăm thì thay đổi theo chu kỳ mặt trăng nên mỗi năm giờ luôn thay đổi. Giờ giao thừa có năm là 19h ngày 13/4 dl, có năm là 11h ngày 13/4dl... Người Khmer quan niệm mỗi năm có một vị thần xuất hiện trong lễ rước Đại lịch tương ứng với 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại.

Lễ tắm tượng Phật được tổ chức vào ngày thứ ba, ngày cuối cùng của lễ chịu tuổi.

Lễ rước Đại lịch: Ý nghĩa lễ rước Đại lịch của người Khmer cũng tương tự như lễ đón giao thừa của người Kinh. Những nghi lễ này đều nhằm mục đích tống tiễn những điều không may trong năm cũ và chào đón những điều may mắn trong năm mới. Người Khmer tham gia lễ rước Đại lịch ở chùa vì đa số không thờ ông bà, cha mẹ ở nhà mà đặt hài cốt ông bà ở chùa,trong các mộ tháp. Theo truyền thống, lễ chịu tuổi chỉ được tổ chức ở chùa, không tổ chức ở từng gia đình. Chỉ trong những buổi sáng, trước khi mang cơm lên chùa, người Khmer thắp nhang mời ông bà cha mẹ cùng theo họ lên chùa.

Lễ dâng cơm cho các vị sư thưởng thức vật thực.

Lễ dâng cơm: Lễ dâng cơm ngày thường, các vị sư, sãi mang bình bát đi vào các phum sóc người Khmer khất thực vào các buổi sáng. Nhưng Lễ chịu tuổi thì người Khmer trong phum sóc mang cơm đến chùa dâng cho các vị sư sãi, nghe tụng niệm kinh Phật. Mở đầu buổi lễ dâng cơm là lời tụng niệm, thuyết pháp của các vị Acha, sau đó các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn những người thân quá cố. Sau đó các vị sư thưởng thức vật thực và tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Đó là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Khmer được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lễ đắp núi cát được tổ chức vào chiều ngày thứ 2 của lễ chịu tuổi, nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp núi cát.

Lễ đắp núi cát: Lễ này được tổ chức vào chiều ngày thứ hai của lễ Chịu tuổi trong tết Chôl Chnăm Thmây, nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp núi cát. Mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian. Vì thế, người Khmer rất hăng hái đắp núi cát, để mong Đức Phật ban phước lành. Ngày nay, việc đắp núi cát chỉ được tổ chức trong những năm chùa đang xây dựng, cát do người dân mang đến sẽ được dùng vào việc xây dựng chùa. Một số chùa thay núi cát bằng đắp núi lúa, núi gạo. Số lúa và gạo được dùng vào việc cung cấp lương thực cho các vị sư sãi hoặc hỗ trợ cho dân nghèo.

Lễ chịu tuổi là nét văn hóa tiêu biểu nhất của đồng bào Khmer trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây.

Lễ tắm tượng Phật: Lễ này được tổ chức vào ngày thứ ba, ngày cuối cùng của lễ chịu tuổi. Ở các chùa Khmer Cà Mau, lễ tắm tượng Phật thường diễn ra vào buổi chiều. Các vị Acha đặt tượng Phật vào thau lớn có hoa tươi, nước tinh khiết ướp nước hoa. Vị Acha đọc kinh, các vị sư sãi dùng cành hoa nhúng vào nước thơm tắm tượng Phật.

Sau khi làm lễ tắm tượng Phật ở chùa, trở về nhà, người Khmer tiếp tục làm lễ tắm tượng Phật ở gia đình.
Lễ cầu siêu được tổ chức vào buổi chiều ngày cuối cùng kết thúc lễ chịu tuổi.

Lễ cầu siêu: Lễ này được tổ chức vào buổi chiều ngày cuối cùng kết thúc lễ chịu tuổi. Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, tắm sư sãi, mọi người cùng các vị Acha tập trung khu vực tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho linh hồn các nhà sư viên tịch và những người thân của mình được siêu thoát. Lễ cầu siêu là nghi lễ cuối cùng kết thúc những ngày lễ chịu tuổi trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ.

Hài cốt để cầu siêu cho linh hồn các nhà sư viên tịch và những người thân của mình được siêu thoát.

Lễ chịu tuổi: Lễ này trong Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer còn được được tổ chức với những nghi lễ, những sinh hoạt văn nghệ, trò chơi dân gian tại những nơi sinh hoạt cộng đồng, Salatet... Đồng thời, cũng là dịp mọi người nghỉ ngơi thư giản, thăm viếng người thân, vun bồi tình cảm giữa người với người sau những ngày lao động vất vả. Đây là nét văn hóa tiêu biểu nhất của đồng bào Khmer trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây.

Từ khóa » Dân Tộc Khmer Nam Bộ