Lễ Cúng Chẩn Tế Của Cư Dân Nam Bộ (Thạc Sĩ Lam Phương)

Sau hàng nghìn năm du nhập vào nước ta, Phật giáo đã được đông đảo cư dân Việt tiếp nhận, vì Phật giáo không chỉ lý giải các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, mà còn có những hoạt động thực tế giúp giải quyết những mâu thuẫn xã hội. Trong số đó có lễ cúng chẩn tế, nghi thức này tuy chưa diễn tả hết tinh thần và tư tưởng Phật giáo, nhưng là một trong những nỗ lực của Phật giáo theo hệ tư tưởng Bắc truyền, nhằm vận dụng những hoạt động thực tiễn để đưa Phật giáo đến gần hơn với người dân. Phật giáo khi du nhập đến bất kỳ vùng đất nào đều có sự tiếp biến với văn hóa địa phương. Tại Nam bộ, lễ cúng chẩn tế đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa bản địa, đồng thời cũng tạo nhiều ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống cư dân nơi đây.

KHÁI NIỆM CÚNG CHẨN TẾ:

Chẩn tế có nguồn gốc từ chữ Hán, là dùng tiền hoặc thực phẩm, y phục,… để “cứu tế cho dân nghèo đói hoặc gặp tai họa”[1]. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có định nghĩa chẩn tế như sau: “chẩn” là phân phát; “tế” là cứu giúp, tế độ, đưa người khác ra khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo[2]. Trong tâm thức chung của cộng đồng, khi nói đến cúng chẩn tế, mọi người thường nghĩ đến cúng cho người chết, hay hiểu đơn giản “cúng chẩn tế là dâng các loại phẩm vật cho người đã chết”. Tuy nhiên, lễ cúng chẩn tế không chỉ cho người quá cố mà còn đáp ứng yêu cầu của người sống, là một phần trong lễ cầu an và cầu siêu.

Về niên đại lễ chẩn tế du nhập Việt Nam, hiện chưa có một tư liệu nào nói chắc chắn. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang cho rằng khoa nghi này do ngài Hứa Tông Đạo từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam đầu thế kỷ XIII. Hiện chúng ta còn có một tư liệu do Trúc Lâm Đệ tam tổ Huyền Quang soạn là: “Pháp sư đạo tràng công văn cách thức thủy lục chư khoa”.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN LỄ CÚNG CHẨN TẾ:

Quy trình này được sử dụng trong lễ cúng kỳ siêu bạt độ, dành cho những vong hồn đang chịu khổ ở địa ngục hoặc chết oan ức. Nghi thức chẩn tế cô hồn ở Việt Nam hiện gồm ba loại: Đại khoa, Trung khoa và Tiểu khoa (còn gọi là Tiểu Mông Sơn). Chữ “khoa” ở đây có thể hiểu là trình tự, các bước tiến hành nghi lễ.

Đại khoa hay còn gọi là Khoa Du Già, được thực hiện ít nhất 6 giờ đồng hồ. Trung khoa là phần lược của Đại khoa, gồm hai phần: Đàn thượng và Đàn hạ. Đàn thượng là các nghi thức nhập đàn, ấn chú, chân ngôn; còn Đàn hạ là phần thỉnh Thập loại cô hồn. Tiểu khoa là nghi lễ cúng cô hồn vào mỗi buổi chiều tại các chùa theo Phật giáo Bắc tông. Đây vốn xây dựng theo tinh thần của Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Kinh, sau này được phát triển thêm với tên gọi mới “Mông Sơn Thí Thực Nghi”, nghĩa là ngoài việc chú trọng cúng thí thức ăn, còn có phần quy y và thuyết giảng cho vong linh nghe. Trong các đàn Đại khoa và Trung khoa đều có phần “nhập Tiểu Mông Sơn”, chính là nghi thức Tiểu khoa này.

Lễ cúng chẩn tế có hai phần chính là mật pháp và hiển pháp. Trong đó, mật pháp thuộc về các ấn chú và quán tưởng. Hiển pháp gồm các bài kinh chú, hành động cử chỉ… mà mọi người có thể thấy và hiểu được. Sự gia giảm trong các đàn chủ yếu ở phần hiển pháp, riêng tâm pháp tuyệt đối không được lược giảm.

Một ban kinh sư thường có 5 – 7 vị gồm: Sám chủ (hay Đàn chủ, Đàn cả hoặc Thầy cả); Duy na (kinh sư đánh chuông); Duyệt chúng (kinh sư gõ mõ); Vĩ thuận và Vĩ nghịch (hai vị kinh sư đánh đẩu); Bốn Trung phan (các vị kinh sư tụng kinh, hòa, tán); Phi chung (kinh sư đánh chuông lớn); Phi cổ (kinh sư đánh trống lớn).

Lễ Thượng phan Sơn Thủy

Để triệu thỉnh tất cả hương hồn đã vong thân trên không, trên lộ, dưới nước về tại địa điểm có cây phan. Sau đó, sẽ được đưa vào đàn tràng để tham dự pháp hội, nghe pháp âm của Đức Phật mà tỉnh ngộ để thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Nghi thức Kiết giới Đàn tràng

Cả dưới đất lẫn trên không đều quy định khu vực đàn tràng, kiết giới là biến đổi nơi lập đàn tràng thành chốn trang nghiêm thanh tịnh.

Lễ Hạ phan Sơn Thủy

Thỉnh chư hương linh dựa vào Thần Phan, theo tiếng niệm Phật tiếp dẫn để an tọa tại đàn tràng.

Lễ Hưng Tác Thượng đại

Tràng phan

Sau khi an vị Phan Sơn Thủy xong, lễ Hưng Tác bắt đầu để cáo với giang sơn, hồn thiêng đất nước, chư Hộ pháp Long thần và Thổ địa Tôn thần tại nơi diễn ra buổi lễ biết rõ thời gian, địa điểm tổ chức trai đàn. Đồng thời, hướng dẫn âm linh cô hồn về dự trai đàn, theo lời triệu thỉnh trong Đại Tràng phan dài 36m, được viết bằng chữ Hán trên giấy ngũ sắc.

Lễ Bạch Tổ, Bạch Phật,

Khai Kinh

Cung thỉnh chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức quang lâm bảo điện để cung hành nghi lễ, Thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ.

Lễ Giải Oan Bạt Độ

Là nghi thức giải oan đoạn nghiệp. Đây là giây phút người sống và kẻ chết đều mong mỏi. Trước giờ hành lễ, tất cả trai chủ, Phật tử đều tập trung đầy đủ tại chánh điện (hoặc nơi làm lễ) để cung thỉnh vị Sám chủ và Ban kinh sư quang lâm cử hành lễ. Trong lễ Bạt Độ, đặc biệt nhất là nghi thức phá ngục để cứu hương linh đang chịu khổ trong đó ra. Khi ấy sẽ có một vị (tu sĩ hoặc người đời) đóng vai chèo đò đưa các thầy sang sông cứu vớt hương linh. Nghi thức này không phổ biến, chỉ khi nào gia chủ có nhu cầu và thường được thực hiện ở miền Trung. Ở miền Nam thay vào đó là nghi thức Phát Tấu, gồm phần Xá Hạc (chim Hạc) và Xá Mã (ngựa), nhờ hai con vật này chở tấu chương về tâu các nơi như thiên đình và thủy cung.

Đại lễ Trai đàn Chẩn tế

Các vị Gia Trì Sư và kinh sư sẽ cung hành nghi thức Tham lễ Giác Hoàng (lễ Phật). Tham lễ xong, vị Gia Trì Sư và chư vị kinh sư đi trước; gia chủ và những người khác đi sau ra ngoài đàn, đến trước án Tiêu Diện, Địa Tạng, Ngũ Phương Phật để cung thỉnh chư Phật chứng minh đàn tràng. Tiếp theo, đến Bàn Giác Hoa tiến hành nghi thức thỉnh vị Gia Trì Sư lên bảo tọa, thay Phật thuyết giới cho âm linh cô hồn.

Sau đó, Ngài kiết ấn, niệm chú vào sư tử tòa, bảo tọa, màn song khai và chính tự thân trước khi ngồi kiết già trên bảo tọa. Màn song khai mở ra, nghi thức chẩn tế bắt đầu: sái tịnh, cung thỉnh chư Phật và Bồ tát chứng minh, thỉnh chư hương linh và 12 hạng cô hồn cùng đến dự. Tiếp theo là nhập Tiểu Mông Sơn để biến hóa thức ăn phù hợp và dư đủ cho các hạng cô hồn dùng. Sau đó, sẽ rưới nước Cam lộ, vị Tả chức nhận bình nước đã làm phép từ Sám chủ đi từ từ đến phía trước và rưới nước. Tại vị trí đó, nhiều Phật tử chuẩn bị sẵn vật dụng để hứng nước Cam lộ[3]. Tiếp theo là hồi hướng công đức, cầu cho tất cả chúng sanh an lành, sanh về cực lạc. Sau khi hạ đàn, chư Tăng trở về nội đàn, đến bàn Phật làm lễ Tạ Phật hoàn Kinh, lễ đến đây hoàn mãn. Ngoài ra, lễ cúng còn có các phần: phóng đăng, phóng sinh…

BỐ TRÍ ĐÀN TRÀNG TRONG LỄ CÚNG CHẨN TẾ

Được chia thành hai phần: nội đàn và ngoại đàn.

Nội đàn gồm:

Bàn Phật (chùa có chánh điện, tư gia có bàn thờ Phật là nơi tham lễ Giác Hoàng); bàn kinh (nơi để chuông, mõ, pháp khí).

Ngoại đàn gồm:

Màn Sư tử tòa (bức màn có hình sư tử dáng vẻ oai nghiêm, treo sau lưng vị Gia Trì Sư, tượng trưng chỗ ngồi của Phật); Bảo tọa (chỗ ngồi của Gia Trì Sư, đại diện chư Phật để hoằng dương chánh pháp); Màn song khai (bức màn chia đôi trước bảo tọa, đóng lại hoặc mở ra tùy theo quy định của khoa nghi); bàn Kim đài (kinh sư ngồi hai bên tả hữu, mỗi bên ba hoặc bốn vị); Bàn Giác Hoa (Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, một Đức Phật ở cõi Ta bà); các án Ngũ phương Phật (gồm năm bàn thiết trí theo hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và Trung ương); bàn Hộc thực (vị trí thấp, để bài vị và đồ cúng cô hồn); bàn Tiêu Diện (cao hơn bàn Địa Tạng, thiết trí ba tượng Địa Tạng, Tiêu Diện và Hộ Pháp nên còn gọi là bàn Tam Bảo ngoại).

Vật phẩm trong đàn cúng chẩn tế chia làm hai phần:

1. Cung thỉnh chư Phật, Bồ tát, thần thánh… triệu thỉnh chư hương linh, vong hồn.

2. Vật phẩm cúng thường có 6 loại: hương, hoa, đăng, trà, quả, thức ăn, gọi chung là lục cúng. Thức ăn cúng Phật chỉ gồm đồ chay, thường là cơm và xôi chè. Riêng với thần thánh thì tùy người tổ chức, có thể cúng cả chay và mặn, ngoài ra còn có lá phan và bảo cái.

Thực phẩm cúng cho nhóm đối tượng thứ hai rất đa dạng. Ngoài hương, hoa, đăng, trà, quả, thức ăn, còn có một số khác bắt buộc, như: gạo, muối, cháo loãng, cốm nổ, xôi chè, tiền cúng, mía, các loại khoai,… tùy vào gia chủ mà có thêm vàng mã. Riêng miền Bắc sẽ có oản. Tùy điều kiện gia chủ, có thể thêm nhiều đồ cúng khác như: kẹo bánh, áo quần (thật). Vật cúng có thể treo lên “cộ” (giá đỡ hình chóp, bằng tre, dán giấy bên ngoài) hoặc xếp trên mâm và bàn.

Đặc biệt, nghệ thuật diễn xướng trong lễ cúng là đỉnh cao về nghệ thuật diễn xướng của âm nhạc Phật giáo. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Khê, “… nét nhạc của các bài tụng, tán thay đổi tùy theo miền, theo vùng. Mà thang âm, điệu thức dùng trong những bài tán, tụng rất gần thang âm điệu thức của tiếng hát ru và những điệu dân ca đặc biệt của mỗi vùng…. Có hai điệu thức chính được dùng: điệu Thiền (dùng hơi nhạc, hơi hạ trong nhạc tài tử miền Nam) và điệu Ai. Các điệu thay đổi tùy theo nội dung bài” [4].

Trong một lễ cúng, về phía ban kinh sư, một vị đàn chủ phải đầy đủ oai nghi phẩm hạnh, chất giọng tốt, am tường chữ Hán và nghệ thuật diễn xướng. Các lối diễn xướng được sử dụng trong lễ cúng gồm: Bạch, Nói, Thỉnh, Nguyện, Đọc, Tụng, Vịnh, Tán. Để một lễ cúng chẩn tế thành công, phải đầy đủ yếu tố hình thức và tâm thức.

Về hình thức, đây là lễ cúng theo nghi thức quỷ của Mật tông Tây Tạng, nên đàn tràng phải đúng pháp thức của khoa nghi Mật giáo. Về tâm thức, ban kinh sư và gia chủ cùng những người tham gia phải có sự chuyên tâm. Đàn tràng càng đông người thuộc mọi giới tham dự, càng vận động được nhiều sức mạnh ủng hộ của tập thể. Trong lễ cúng, nếu gia chủ và những người đến dự đều vui vẻ, hài lòng, toàn tâm toàn ý cầu nguyện, kết hợp với sự tinh chuyên của ban kinh sư sẽ giúp ích cho cả người sống lẫn người chết.

Ở miền Trung và miền Nam, lễ cúng chịu ảnh hưởng dòng thiền Lâm Tế. Nhà sư Nguyên Thiều và các đệ tử là những người đầu tiên đưa lễ này vào Đàng Trong. Tại đây, lễ cúng chủ yếu dựa vào bản kinh: “Chánh khắc Trung khoa Du Già tập yếu”, rút gọn từ “Du Già diệm khẩu thí thực đàn nghi” của sư Vân Thê Châu Hoằng. Tùy từng vùng, lễ cúng còn chịu ảnh hưởng của thổ âm địa phương. Trang phục và pháp khí trong lễ cúng chẩn tế Nam bộ cho thấy hiện tượng giao lưu văn hóa mạnh mẽ và mang đậm dấu ấn vùng miền.

ẢNH HƯỞNG CỦA LỄ CÚNG CHẨN TẾ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA PHẬT TỬ NGƯỜI VIỆT NAM BỘ

Nam bộ với điều kiện tự nhiên và thành phần dân cư đa dạng đã hình thành những đặc điểm văn hóa khác nhau, trong từng giai đoạn lịch sử. Đồng hành với quá trình phát triển đó, lễ cúng chẩn tế cũng đóng góp những giá trị thiết thực vào đời sống nhân dân nói chung và Phật tử nói riêng.

Trong đời sống cá nhân

Quan niệm coi trọng người đã khuất, các bậc tiền bối,… đã chứng minh cho tấm lòng thương nhớ, tính nhân bản của con người. Đó còn là sự cầu mong cuộc sống bình an, thể hiện yếu tố trọng lý và trọng tình trong văn hóa phương Đông. Mặt khác, tâm lý tiếc thương người thân đã mất đưa đến suy nghĩ người thân có thể đang chịu cảnh thiếu thốn, khổ đau và cần sự giúp đỡ.

Với cư dân Nam bộ, đặc biệt ở buổi đầu đất rộng người thưa, nhiều thú dữ và bệnh dịch, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình do vậy rất quan trọng. Sự ra đi vĩnh viễn của bất kỳ thành viên nào cũng khiến gia đình hụt hẫng, trống vắng. Ngoài ra, việc thường xuyên di chuyển chỗ ở khiến mồ mả người thân không có điều kiện trông nom. Vì vậy, việc tổ chức lễ cúng tưởng nhớ người thân đã khuất, cầu mong được cảm thông và tha thứ, mong giải tỏa oan khuất, dằn vặt, cầu nguyện cho họ được thanh thản siêu thoát, cầu xin người đã khuất phù hộ cho người sống bình an vô sự là chuyện nên làm khi điều kiện cho phép.

Trong đời sống cộng đồng

Ở cư dân nông nghiệp, yếu tố cộng đồng rất quan trọng, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Lễ cúng chẩn tế để cầu an hay cầu siêu, dù do cá nhân hay tập thể tổ chức, cũng phải đủ ba hoạt động: cúng Phật, cúng những vị thần ở địa phương diễn ra lễ cúng (thần Thành Hoàng Bổn Cảnh) và cúng hương linh, vong linh, tri ân các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn trong các cuộc chiến tranh và thiên tai bão lũ, cầu mong cho họ được sanh về cảnh giới an lành. Đặc biệt, trong các lễ cúng do cá nhân tổ chức, ngoài tên của người được cúng chính và ông bà tổ tiên gia chủ, những người đến tham gia cũng được khuyến khích gửi tên thân nhân của mình để cầu siêu.

Về tâm linh, một gia đình hay tập thể tổ chức lễ cúng thì lợi ích cho cộng đồng lớn hơn, chứ không đơn thuần chỉ cho đối tượng được xướng danh, như người xưa có câu: “nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương” (một người làm việc tốt nhiều người hưởng chung, trong vườn có cây hoa nở hoa thì cả vườn thơm lây).

Về thực tế, khi tổ chức một lễ cúng cần huy động rất nhiều người, ngoài những người gửi tên cầu siêu ra, những người không gửi hoặc là Phật tử cũng có thể đến giúp đỡ. Trong khi cử hành lễ cúng, về lý, vị Sám chủ đội mão Tỳ lư, mặc y gấm, là hình ảnh Bồ tát Địa Tạng đại diện cho Phật thuyết pháp và bố thí thức ăn cho vong hồn. Nhưng ở góc độ phi tôn giáo, hình ảnh thầy sám chủ mặc trang phục đẹp, ban kinh sư dùng pháp khí với nhạc lễ xung quanh,… tất cả những yếu tố đó tựa như một hình thức diễn xướng nghệ thuật. Không chỉ đối với Phật tử người Việt, lễ cúng chẩn tế còn là cơ hội giao lưu giữa các cộng đồng cư dân Chăm, Khmer, Hoa, Việt… trên vùng đất Nam bộ.

Về tôn giáo, lễ cúng chẩn tế thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo. Một việc làm vì nhiều người, không chỉ riêng cho cá nhân nào. Một lễ cúng không chỉ phục vụ nhu cầu thiết thực của gia chủ, mà còn hướng lợi ích an lạc cho nhiều đối tượng khác.

Có thể nói, được truyền vào Nam bộ từ thuở sơ khai, lễ cúng chẩn tế đã tồn tại và tiếp sức người dân và những Phật tử nơi đây. Trong đời sống, với hoàn cảnh khó khăn ở vùng đất mới, việc tổ chức cầu an, cầu siêu giúp người sống vơi bớt phần nào khổ đau, mất mát. Những hiểm họa bất an nơi vùng đất mới hoang vu cũng làm cho người dân canh cánh nỗi lo, nỗi sợ hãi, việc tổ chức lễ cúng chẩn tế ngoài mong muốn giúp người chết giải thoát, còn là khát vọng cho người sống được yên ổn, tránh bệnh tật và làm ăn thuận lợi. Lễ cũng là cơ hội để mọi người có dịp gần gũi, tìm hiểu và thông cảm nhau hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, những tiết tấu diễn xướng trong lễ cúng cũng góp phần làm cho cuộc sống người dân bớt đi sự buồn tẻ nơi đất lạ.

Tồn tại và phát triển ở Nam bộ, lễ cúng chẩn tế tiếp thu những yếu tố văn hóa địa phương, đồng thời chịu tác động từ các yếu tố khác như: hoạt động kinh tế, bối cảnh chính trị – xã hội, điều kiện tự nhiên,… Lễ cúng chẩn tế cũng phần nào phản ánh mối quan hệ, giao lưu, tiếp biến văn hóa của các cộng đồng dân tộc cùng sống cộng cư hoặc cận cư ở Nam bộ.

Chú thích:

* Th.S Đào Ngọc Lam Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).

[1] Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.142. [2] Thích Nhất Hạnh (2007), Đại trai đàn bình đẳng tế xuân Đinh Hợi 2007 tại Việt Nam, tr.19. [3] Quan niệm cho rằng nước Cam lộ giúp người uống hoặc sử dụng được khỏe mạnh. [4] Trần Văn Khê (2001), Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam, đăng trên Nguyệt san Giác ngộ (số 59, 2/2001, tr.23-24).

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Chí Cang (2000), Nghiên cứu chế độ lễ nghi Trung Quốc, Nxb ĐHSP Hoa Đông. 2. Trần Văn Khê (2001), Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam, đăng trên Nguyệt san Giác ngộ (số 59, 2/2001). 3. Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng 4. Trần Hồng Liên (2007), Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo Nam bộ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ”, Nxb Văn hóa Thông tin.

Download QR 🡻

Từ khóa » Cầu Siêu Bạt độ Là Gì