LỄ ĐỘNG THỔ XÂY DỰNG NHÀ MÁY XỬ LÝ NƯỚC MẶT SÔNG ...

    Hôm nay, ngày 27/5/2021, Lễ động thổ xây dựng Nhà máy xử lý nước mặt sông Vàm Cỏ Đông đã diễn ra tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

   Tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch, Lễ động thổ diễn ra trong quy mô hẹp dưới 20 đại biểu là các lãnh đạo tỉnh Long An: ông Phạm Văn Rạnh - Nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Phan Nhân Duy - Bí thư huyện ủy huyện Đức Hòa, ông Lê Trường Chinh- chủ tịch UBND huyện Đức Hòa; Bà Đỗ Thị Kim Liên- Chủ tịch HĐQT Công ty AquaOne Việt Nam; đại diện Tổng Công ty VLXD số 1 FICO là cổ đông; đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Long An, các nhà thầu thi công và cán bộ công nhân viên Công ty AquaOne.

    Nhà máy xử lý nước mặt sông Vàm Cỏ Đông theo quy hoạch cấp nước đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt được xây dựng tại thị trấn Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), với diện tích 71,5ha, bao gồm các hạng mục công trình đầu mối: Công trình thu + tuyến ống nước thô; Hồ chứa nước thô kết hợp xử lý sục khí; Trạm bơm nước dâng; Nhà máy xử lý nước và Hệ thống tuyến ống truyền dẫn nước sạch. Nhà máy có công suất thiết kế giai đoạn 1 (dự kiến vận hành thương mại vào quý1/2023) là 200,000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (đến năm 2025) là 300,000 m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Tổng công suất lắp đặt của Nhà máy đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm sau khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn đầu tư. 

    Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước quy mô “vùng” này được đánh giá là vô cùng cấp thiết, được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa “cơn khát” nước sạch cho Long An nói riêng và các địa phương vùng lận cận nói chung.

    Hiện, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân, trong đó có 13 triệu người sống ở khu vực nông thôn. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn… tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Thực tế cho thấy, trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu không đủ nguồn cấp, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Cùng đó, các lý do khách quan như công trình cấp nước tập trung nông thôn không “vươn” tới hết các hộ dân; nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình bị suy giảm, cạn kiệt… dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt là khá phổ biến.  

    Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2019 - 2020; Quyết định số 504/QÐ-TTg ngày 10-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí, phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ÐBSCL; theo đó, hỗ trợ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu mỗi tỉnh 60 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp cấp bách.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp diễn, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn; đòi hỏi các giải pháp tổng thể và đồng bộ để cùng khắc phục.  

  Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và vận hành Nhà máy xử lý nước mặt sông Vàm Cỏ Đông sẽ góp phần giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch tại Long An và tiến tới là các tỉnh trong khu vực kế cận.

Bà Đỗ Thị Kim Liên- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne cho biết: “Hạn hán, ngập mặn tại vùng ĐBSCL trong thập kỷ qua mỗi năm lại có xu hướng tăng nặng. Có những nơi, những lúc, nước sạch thực sự “quý như máu”. Đây là lý do khiến chúng tôi mong muốn và nỗ lực để thúc đẩy việc triển khai xây dựng và trong tương lai gần đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Vàm Cỏ Đông tại Long An. Đặc biệt, tiếp nối thành công từ những dự án trước đó của Tập đoàn, Nhà máy này sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch; bảo đảm chất lượng, an toàn, và đáp ứng các yêu cầu về xây dựng hệ thống hạ tầng địa phương trong xu hướng phát triển các vùng công nghiệp, khu đô thị thông minh, đô thị sinh thái và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

    Nhà máy xử lý nước mặt sông Vàm Cỏ Đông được thực hiện bởi tổng thầu công nghệ ( EPC) và hỗ trợ vận hành do Công ty Aone Deutschland AG (CHLB Đức) đảm nhiệm. Tổng thầu xây dựng Công ty Phục Hưng- Kycons, Tư vấn giám sát là Intertek Group (USA). Đặc biệt, đơn vị tổng thầu công nghệ và vận hành Aone Deutschland AG là một công ty thuộc Tập đoàn Tilia, có trụ sở chính tại Leipzig – CHLB Đức. Aone Deutschland AG có bề dày kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các tiện ích hạ tầng đô thị, các công ty công nghiệp, các công ty cung cấp giải pháp, xử lý và phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, bền vững.

 

 

 

 

Từ khóa » Nhà Máy Nước Vàm Cỏ đông