Lễ Hằng Thuận Trong Phật Giáo – Một Hình Thức Giáo Dục đời Sống Và ...

Phật giáo vốn là đạo xuất thế, nhưng những giá trị nhập thế của đạo Phật được thể hiện rất rõ trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo có những đóng góp to lớn trong việc cố kết nhân tâm, chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự chủ; đến khi đất nước thái bình, Phật giáo tích cực tham gia xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Với tinh thần từ bi và trí tuệ, giáo lý nhà Phật nhằm giúp mỗi cá nhân thấu hiểu lẽ thật về cuộc sống, con người và thế giới thông qua lý Duyên khởi, biết tôn trọng và chịu trách nhiệm với chính mình cũng như mọi người, mọi loài thông qua lý Nhân quả… Từ đó, con người có được cuộc sống lành mạnh, hài hòa, cân bằng giữa vật chất và tinh thần thông qua các phương pháp thực hành đơn giản, cụ thể như: Niệm Phật, tọa thiền, kinh hành, lễ sám… Trong thời đại ngày nay, giáo lý nhà Phật ngày càng chứng tỏ giá trị chân thực của mình, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội như: Giáo dục đạo đức, lối sống; bảo vệ môi trường; an sinh xã hội…, đặc biệt giáo dục đạo đức từ trong gia đình, định hướng cho mỗi cá nhân trở thành một công dân tốt ngay trong ngôi nhà của mình, từ đó lan rộng ra cộng đồng và xã hội.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành nên nhân cách của mỗi cá nhân”. Nhưng hiện nay, giáo dục trẻ em và các thành viên trong mỗi gia đình dường như mới chỉ dừng ở mức độ “Khung hành vi” để mỗi cá nhân không vi phạm vào các phạm trù đạo đức, pháp luật… mà chưa thực sự khơi dậy ý thức tự giác, trách nhiệm nơi tự tâm mỗi con người, đối với mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chính mình.

Trong những năm gần đây, xu hướng mới được nhiều bạn trẻ hoan hỷ đón nhận và hưởng ứng một cách đầy tự hào, giống như một phước lành mà chỉ những em may mắn, sinh ra trong các gia đình Phật tử thuần thành mới được thừa hưởng, đó là việc tổ chức lễ đính hôn tại chùa, được gọi là Lễ Hằng thuận.

NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG CỦA LỄ HẰNG THUẬN

Nguồn gốc

Hằng thuận có nguồn gốc sâu xa từ hai sự kiện thời Phật còn tại thế. Một lần, khi Đức Phật và Tăng đoàn ghé về thăm kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu, 迦毗羅衛) qua thỉnh mời của Tịnh Phạn vương (Suddhodana, 淨飯王) nhân dịp cử hành lễ đăng quang và kết hôn lễ của Thái tử Nan Đà (Nanda, 難陀, em cùng cha khác mẹ với Thái tử Tất Đạt Đa, Siddhattha, 悉達多) với Công chúa Tôn Đà Lợi (Sundarī, 孫陀利) [1].

Trong những năm gần đây, xu hướng mới được nhiều bạn trẻ hoan hỉ đón nhận và hưởng ứng một cách đầy tự hào, giống như một phước lành mà chỉ những em may mắn, được sinh ra trong các gia đình Phật tử thuần thành mới được thừa hưởng, đó là việc tổ chức lễ đính hôn tại chùa, được gọi làlễ Hằng thuận.(Ảnh: Internet)

Tại đây, Ngài và chư Tăng đã được vua Tịnh Phạn cùng các triều thần trong hoàng tộc cung thỉnh tham dự, đồng thời Ngài đã chứng minh và chúc phúc cho hai người. Lần khác, Đức Phật và Tăng đoàn nhận lời dự lễ cúng dường tại hôn lễ của con gái trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika, 給孤獨) là đồng nữ Thiện Vô Độc (善無獨) ở thành Xá Vệ (Śrāvastī, 舍衛城) vốn là một Phật tử thuần thành, có thiện tâm và năng lực tu tập giải thoát với con trai của trưởng giả Mô Thi La (模尸羅) là đồng tử Ngưu Thọ (牛壽) ở thành Phúc Tăng (福增) [2]. Trước khi nhận lời gả con gái cho con trai trưởng giả Mô Thi La, trưởng giả Cấp Cô Độc đã tới trình, xin ý kiến Phật về duyên sự này. Đức Phật quán sát, thấy rõ nhân duyên của đồng nữ sẽ làm được nhiều Phật sự lớn lao trong đời, nên ngài khuyên trưởng giả Cấp Cô Độc hãy gả đồng nữ cho con trai trưởng giả Mô Thi La. Sắp tới ngày hôn lễ, Đức Phật gián tiếp nhận lời đồng nữ Thiện Vô Độc qua việc thắp hương cung thỉnh Ngài từ xa [3]. Trong buổi cúng dường hỷ sự ấy, Đức Phật và Tăng đoàn đã chứng minh, ban pháp thoại cho toàn thể chúng hội, gồm: Chư Thiên, Long bát bộ, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, ngoại đạo phát nguyện quy y Tam bảo và chứng đắc quả vị khác nhau.

Đây là những sự kiện đặc biệt hy hữu khi Đức Phật và chư Tăng tới chứng minh hôn lễ của cư sĩ tại gia. Bởi theo lời Phật dạy, chư Tăng không bao giờ có mặt tại một đám cưới của người tại gia, vì nơi đó thường diễn ra các hình thức ăn uống, ca hát, chúc tụng… theo phong tục của thế gian, không hợp với người tu hành. Đó là câu chuyện thời Phật tại thế; còn ở nước ta thì lễ Hằng thuận xuất hiện khi nào?

Nhiều nguồn tư liệu cho rằng [4], người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu Đồ Nam Tử (1883 – 1940). Ông quê ở Hải Dương, vốn là một nhà Nho, sau quy y đạo Phật. Với nhiệt tâm phụng sự Phật pháp, ông nung nấu ý nghĩ tổ chức lễ cưới cho các bạn trẻ tại chùa sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn và thiết thực đối với đời sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của người Phật tử, đặc biệt là một đời sống đạo đức tâm linh thiện lành, bền vững.

Năm 1940, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám là người đầu tiên tổ chức lễ cưới cho con gái đầu của ông là Lê Thị Hoành và Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, TP. Huế.

Đến năm 1940, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám tổ chức lễ cưới cho con gái đầu của ông là Lê Thị Hoành và Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, TP Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta.

Năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, trụ trì Tổ đình Ấn Quang chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là “lễ Hằng thuận”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người dân miền Nam, nghi lễ chúc phúc (gọi theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy) đã có từ xa xưa, gắn liền với phong tục, tập quán của người Khmer Nam bộ cũng như nhân dân các nước theo Phật giáo Nguyên thủy. Khi gia đình Phật tử tổ chức hôn lễ cho con em mình, họ đều theo tục lệ, cung thỉnh chư Tăng tới tư gia để chứng minh và chú nguyện, chúc phúc cho tân lang, tân nương cùng bà con hai họ với nội dung tương tự như lễ Hằng thuận của Phật tử người Kinh hiện nay. Đây là một phong tục đã xuất hiện từ lâu trong đời sống tín ngưỡng của người con Phật khu vực miền Nam.

Ý nghĩa của lễ Hằng thuận

Theo tên gọi này, “Hằng” nghĩa là thường xuyên, luôn luôn; “Thuận” là hòa thuận, thuận theo. “Hằng thuận” là hai người bạn đời luôn đồng thuận hướng về một mục tiêu chung là những điều tốt đẹp, cao thượng và chân thiện trong đời sống.

“Hằng thuận” có nghĩa là đôi vợ chồng cùng phát nguyện luôn chung sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn lẫn nhau; cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ và con cái trong gia đình, làm tròn trách vụ của một Phật tử đối với ngôi Tam bảo, một công dân với quê hương, đất nước và chúng sinh vạn loại; đồng thời, hướng đến con đường thực tập sống tỉnh thức trong mọi lúc, mọi nơi, nhằm đảm bảo đời sống thực sự an vui, hạnh phúc.

Hình thức và nội dung của lễ Hằng thuận

Hiện nay, mỗi chùa đều có nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận riêng. Nhưng nhìn chung, đều gồm một số nội dung chính dưới đây: Đầu tiên là tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự và chương trình buổi lễ. Sau đó, chư Tăng cử hành nghi thức tụng kinh cầu nguyện. Tiếp đến là truyền Tam quy, ngũ giới cho đôi bạn trẻ (nếu các em chưa được quy y). Sau đó, trụ trì hay chủ lễ giảng giải về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Hằng thuận, chữ “Nhẫn” trong hôn nhân; đồng thời chỉ dạy về bổn phận của vợ chồng trong đời sống hàng ngày (xem Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường bộ 2).

Tiếp theo là lễ chú nguyện đôi nhẫn cưới để đôi bạn trẻ trao cho nhau, vị chủ lễ trao chứng nhận và điệp quy y, hướng dẫn đảnh lễ bày tỏ sự tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau, đảnh lễ niệm ân ông bà, cha mẹ hai bên. Tiếp theo là lời dạy của đại diện hai gia đình đối với đôi bạn trẻ và lời phát nguyện của đôi tân hôn. Cuối cùng, thầy chủ lễ và gia đình trao quà tặng cho đôi tân hôn và chụp hình lưu niệm. Buổi lễ kết thúc bằng nghi thức cúng dường trai Tăng và thụ trai tại chùa.

LÝ DO VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC TỔ CHỨC LỄ HẰNG THUẬN TẠI CHÙA

Vì sao cần phải thực hiện lễ Hằng thuận?

Trong đời sống hôn nhân của giới trẻ hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn, tỉ lệ ly hôn trong các cặp vợ chồng độ tuổi từ 20 đến 35 khá cao. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Hòa – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM, tỷ lệ ly hôn/kết hôn hiện nay ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ khoảng ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn [5]. Riêng ở TP. HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn [6] (tức tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 37%), tương tự ở Hà Nội. Đây là những con số đáng báo động về thực trạng hôn nhân trong các gia đình trẻ ở nước ta, cho thấy ngày nay đối diện với nhiều vấn đề, nguy cơ rạn nứt đời sống hôn nhân, rạn vỡ gia đình.

Theo tên gọi này, “Hằng” có nghĩa là thường xuyên, luôn luôn, còn “Thuận” là hòa thuận, thuận theo. “Hằng thuận” là hai người bạn đời luôn đồng thuận hướng về một mục tiêu chung là những điều tốt đẹp, cao thượng và trong đời sống

Theo khảo sát của tác giả qua phỏng vấn trực tiếp các phụ huynh [7] của 20 cặp vợ chồng trẻ tổ chức kết hôn theo nghi lễ Hằng thuận tại chùa từ năm 2000 đến 2015 (dưới hình thức điện thoại hỏi thăm về đời sống của các em), kết quả cho thấy: trong 20 cặp kết hôn thì chỉ có 3 cặp ly hôn và 1 cặp ly thân nhưng đã tái hòa hợp (tỷ lệ ly hôn là 15%). Tuy đây chỉ là mẫu điều tra nhỏ (do số cặp vợ chồng trẻ tổ chức kết hôn theo nghi thức Hằng thuận còn ít, bởi lễ Hằng thuận mới được phổ biến ở miền Bắc trong khoảng 20 năm nay), nhưng nếu tạm đem so sánh con số này với tỉ lệ ly hôn chung ở TP. HCM và Hà Nội nói trên, thì thấy rằng, tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ được gia đình tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa chỉ bằng nửa số cặp vợ chồng không được tổ chức lễ Hằng thuận. Nghĩa là, cuộc sống gia đình của các bạn trẻ được tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa có nguy cơ tan vỡ chỉ bằng một nửa so với những cặp vợ chồng không phải Phật tử.

Tất nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu khảo sát quy mô lớn, toàn diện hơn để khẳng định điều đó. Nhưng ta có thể thấy được những giá trị và lợi ích mà lễ Hằng thuận đem lại cho các cặp vợ chồng trẻ trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Bởi một khi hai vợ chồng đã cùng nhau thành tâm đối trước ngôi Tam bảo, sự chứng minh, chúc phúc của chư Tôn đức Tăng, Ni và của ông bà, cha mẹ, bạn bè hai bên, tự mình phát lời nguyện cùng tôn trọng, gìn giữ chung sống với nhau trọn đời theo lời Phật dạy, chính họ đã tự nguyện xây nên trong tâm mình một nền tảng vững chắc cho ngôi nhà đạo đức – tâm linh với đủ tiện nghi là nhân nghĩa, thuận hòa và bình an.

Những lợi ích và giá trị mà lễ Hằng thuận mang lại

Khi một đám cưới được tổ chức ở bên ngoài, có không biết bao nhiêu sinh mạng chúng sinh bị giết hại để phục vụ tiệc cưới. Điều này làm giảm phúc, thọ của gia đình và mọi người đến dự. Còn với gia đình tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa, không chỉ những thành viên trong gia đình ấy tránh được nghiệp sát sinh, mà cả thân nhân, quyến thuộc, bằng hữu gần xa cũng có cơ hội tham dự tiệc chay, lễ Phật, tụng kinh, nghe quý thầy giảng dạy về giáo lý, đạo đức, nhân nghĩa… theo lời Phật dạy, khiến mọi người tham dự đều được lợi lạc, tăng trưởng phúc đức.

Đôi tân lang, tân nương được quý thầy dạy răn (nên ghi nhớ và thực hành không dám quên) về đạo lý vợ chồng đối với nhau, sống sao cho có nghĩa tình, thủy chung; rồi bổn phận làm con, cháu, làm cha mẹ, bổn phận của người Phật tử tại gia, của một công dân trong xã hội… Trong buổi lễ, tân lang và tân nương được thực hành nghi thức đảnh lễ tôn trọng sự bình đẳng lẫn nhau, đảnh lễ tri ân ông bà, cha mẹ với rất nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp trong gia đình, khiến cho mọi người tham dự đều rất hoan hỷ và xúc động.

Lễ Hằng thuận giúp cho đôi bạn trẻ hiểu về Nhân quả, nắm bắt được những giá trị thiện lương, cao quý phát sinh ra từ chính lối sống của mình và người bạn đời, ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình. Từ đó, biết trân trọng cuộc sống, giúp nhau cùng tiến bộ theo hướng thanh cao, an lạc, hạnh phúc, thay vì cứ mãi chạy theo những thói thường, để rồi bị cuốn vào xu hướng hưởng thụ dục lạc, lối sống ích kỷ của số đông bên ngoài.

Tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa cũng là cơ hội tốt để gieo duyên lành cho tất cả mọi người hiểu được và quay về nương tựa ngôi Tam bảo, thực tập sống một đời sống tỉnh thức, giản dị, bình an, từ đó tạo ra những “kháng thể” mạnh mẽ cho mỗi “tế bào của xã hội”. Vì vậy, khi đôi bạn trẻ cùng nhau quay về dưới mái chùa, cúi đầu đảnh lễ trước Tam bảo thiêng liêng, nghe lời chư Tôn đức dặn dò, khuyên nhủ… cũng là lúc đôi uyên ương mở ra cánh cửa của ngôi nhà hạnh phúc, bước vào cuộc sống mới với ánh sáng từ bi và trí tuệ soi đường.

Từ năm 2000 về trước, lễ Hằng thuận chủ yếu được tổ chức tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, nhất là ở TP. HCM, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, phong trào tổ chức lễ Hằng thuận ở chùa đã lan rộng ra các tỉnh miền Bắc, nhất là ở Hà Nội. Hiện nay, xung quanh Hà Nội có nhiều chùa thường xuyên tổ chức lễ Hằng thuận cho các đôi bạn trẻ như: Chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), chùa Bằng (quận Hoàng Mai), Chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm) Chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn), chùa Cót (quận Cầu Giấy), hệ thống các Thiền viện như: Trúc Lâm Sùng Phúc (quận Long Biên, Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Tuệ Đức (Sông Lô, Vĩnh Phúc)… Đây là những nơi thường xuyên tổ chức các buổi lễ Hằng thuận từ hàng chục năm nay, nên hình thức và nội dung của buổi lễ mang tính chuẩn mực và hài hòa, trang nghiêm mà long trọng, phù hợp với không gian văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng thiện hóa gia đình, hướng thiện cho các thế hệ trẻ nên ngày càng được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng.

THAY CHO LỜI KẾT

Với tinh thần nhập thế của mình, đạo Phật đã khơi nguồn tuệ giác, gìn giữ những nét đẹp và giá trị tâm linh truyền thống trong đời sống của nhân dân. Việc định hướng cho các gia đình Phật tử tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa sẽ đem lại hạnh phúc chân thực và và bền vững cho các thế hệ gia đình Phật tử trẻ, giúp họ có một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” và thuận lợi hơn trên bước đường tu học Phật pháp. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, vì tự thân lễ Hằng thuận đã nói lên những giá trị tích cực và sinh động của nó trong xã hội ngày nay, khi nền tảng đạo đức xã hội và những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống ngày càng bị xem nhẹ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng triển khai sâu, rộng phong trào tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa, bởi đây không chỉ là một Phật sự quan trọng đối với chư Tăng, Ni làm công tác Hoằng pháp, mà còn là hình thức giáo dục gia đình cho các bạn trẻ có hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực nhất, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân và cộng đồng dân cư một cách tự nguyện, tự giác, góp phần lành mạnh hóa “các tế bào của xã hội”, tránh được những bạo lực trong gia đình và tệ nạn ngoài xã hội, làm cho đất nước ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.

ĐĐ. Thích Tuệ Tâm Minh

Chú thích:

[1] Mingun Sayadaw, Đại Phật sử (Ma ha Buddhavamsa, Thích Minh Huệ (dịch),… [2] Kinh Phật nói Nhân duyên con gái trưởng giả Cấp Cô Độc được độ (Đại Tạng kinh, T009 A hàm, bài kinh 130). [3] Câu chuyện này cũng chính là sự tích về nguồn gốc và ý nghĩa của việc thắp hương khấn nguyện có từ thời Đức Phật. [4] HT. Thích Huệ Thông-Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương (Lễ Hằng thuận là gì, xuất xứ và ý nghĩa của Lễ Hằng thuận, https://phatgiao.org.vn). [5] Tuấn Anh (ĐSPL), website báo Tri thức và Cuộc sống ngày 11/06/2019. [6] Kết quả nghiên cứu khoa học về tình trạng ly hôn của thanh niên trên địa bàn TP. HCM của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tài – Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP. HCM. [7] Là những Phật tử thuần thành thuộc các đạo tràng trên địa bàn Hà Nội, trong đó hơn ½ số họ đã và đang sinh hoạt tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, số còn lại sinh hoạt ở một số chùa lớn khác như: chùa Bằng, chùa Vạn Phúc…

Download QR 🡻

Từ khóa » Tổ Chức Lễ Cưới ở Chùa