Lễ Hiển Linh Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa
Có thể bạn quan tâm
Jean Luc Muller
Église en fêtes, Tequi, 1990, tr. 51-59
Lễ Hiển Linh được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua, và do các truyền thống đi kèm, lễ này chủ yếu cử hành việc Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua. Thật vậy, trong thế giới cổ đại, từ Hy Lạp Epiphanie cũng có nghĩa là sự can thiệp lạ lùng của thần thánh vì con người, sự xuất hiện đầy hân hoan của một lãnh chúa như khi lên ngôi hay lúc khải hoàn tiến vào thành. Trong Tân Ước, từ này được dùng để chỉ sự tỏ mình của Đức Kitô như là Con Thiên Chúa: “Ngài bày tỏ vinh quang của mình và các môn đệ tin vào Ngài” (Ga 2, 11)
Nguồn gốc của ngày lễ
Thời giáo hội sơ khai, chỉ có ngày lễ Phục Sinh là được cử hành hằng năm cách đặc biệt và mỗi ngày Chúa Nhật được xem như một ngày “tiểu phục sinh”. Vào thế kỷ thứ III và IV, tại Đông phương và Tây phương, xuất hiện các ngày lễ trọng mừng Đấng Cứu Thế đến giữa loài người. Trong khi ở Tây phương, lễ Giáng Sinh được cố định vào ngày 25 tháng Chạp, nhằm tiết Đông chí, để thay thế các cuộc lễ ngoại giáo mừng sự trở lại của Mặt trời và Ánh sáng, thì lễ Thiên Chúa Nhập Thể được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng tại Đông phương. Tại Ai Cập và Ả Rập, ngày này trùng hợp với một ngày lễ rất cổ xưa của người ngoại giáo tôn vinh thần Mặt Trời, tương tự với ngày Đông chí ở Roma.
Như thế, lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với ngày lễ Giáng Sinh, như các nghi lễ được cử hành tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V đã chứng minh: vào buổi chiều ngày 5 tháng Giêng, vị giám mục cùng với hàng giáo sĩ và giáo dân đến Giêrusalem. Sau buổi cầu nguyện, người ta đi thành đoàn rước đến hang đá Giáng Sinh để công bố đoạn Tin Mừng về sự hạ sinh của Đức Kitô. Sau đó là cuộc canh thức dài kết thúc bằng một thánh lễ vào những giờ đầu tiên trong ngày với bài đọc Tin Mừng về các Đạo Sĩ đến thờ lạy Chúa. Rồi người ta vừa hát bài Benedictus vừa quay trở lại Giêrusalem để cử hành một thánh lễ trọng thể nữa tại Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh.
Ngày lễ của ba phép lạ
Từ Đông phương, lễ Hiển Linh lan sang Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ IV và được nói đến lần đầu tiên tại xứ Gaule vào năm 361; ngược lại, Đông phương cũng đã chấp nhận ngày lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp. Đến cuối thế kỷ này, hầu hết các Giáo Hội đều cử hành hai ngày lễ trọng bổ túc cho nhau này.
Ý nghĩa của hai ngày lễ này đã có sự biến chuyển sau đó, cả ở Tây phương lẫn Đông phương.
· Ban đầu, ở Tây phương, người ta có thói quen cử hành chung các biến cố hạ sinh của Đức Kitô vào ngày Giáng Sinh, biến cố các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa và cuộc tàn sát các Thánh Anh Hài. Nhưng khi Roma bắt đầu mừng lễ Hiển Linh thì hai biến cố cuối cùng này được tách rời ra khỏi ngày lễ 25 tháng Chạp để dành tôn kính các Đạo Sĩ là chủ đề chính cho ngày lễ trọng mới vào ngày 6 tháng Giêng. Như thế, lễ Hiển Linh trong phụng vụ Roma mang thông điệp chính là sự mạc khải của Đức Kitô cho mọi dân tộc được biểu tượng qua các Đạo Sĩ.
· Còn đối với Giáo Hội Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành đại lễ mừng thiên tính của Đức Kitô; mầu nhiệm Nhập Thể và sự thờ lạy của các Đạo Sĩ vì thế được cử hành vào ngày lễ Giáng Sinh. Thế rồi sau đó lễ Hiển Linh ngày càng được hiểu như là lễ Đức Kitô Chịu Phép Rửa (chịu ảnh hưởng của Ai Cập vì phụng vụ này đã sáp nhập biến cố này vào lễ ngày 6 tháng Giêng để nhấn mạnh đến thiên tính thật sự của Đức Kitô ngay từ khi sinh ra). Do đó mà ở Đông phương có tục lệ làm phép nước rửa tội, nước giếng rửa tội, các nguồn nước và sông suối vào dịp lễ Hiển Linh. Vào ngày này, nhiều đám đông kéo nhau đến bờ sông Giođan để dìm mình ba lần trong trong dòng sông theo như nghi thức rửa tội của Đông phương.
Phép lạ tại Cana là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa của Đức Kitô sau mạc khải tại sông Giođan. Trong phụng vụ Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành ngày lễ của ba phép lạ mà dấu vết vẫn còn tìm thấy được trong bài điệp ca Magnificat của giờ kinh chiều: “Chúng con mừng kính ngày thánh này được điểm tô bằng ba phép lạ: hôm nay ngôi sao đã dẫn dường cho các Đạo sĩ đến hang đá; hôm nay nước đã biến thành rượu tại tiệc cưới; hôm nay tại sông Giođan, Đức Kitô đã muốn chịu phép rửa bởi Gioan để cứu chuộc chúng ta”. Thật vậy phụng vụ Roma cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào tuần bát nhật và phép lạ Cana vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau đó.
Các Đạo sĩ
Nhưng các đạo sĩ đến kính viếng Vua dân Do Thái này chính xác là những ai? Tin Mừng chẳng nói gì ngoài việc họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.
Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời. Chính vì thế mà đối với người Ai cập, khi xuất hiện sao Thiên Lang (Sirius) là điềm báo trước lũ lụt mang lại phù sa của sông Nil, mặc dầu chẳng có liên quan nhân quả gì giữa hai hiện tượng này.
“Vua dân Do Thái vừa sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện và chúng tôi đến để triều bái Ngài” (Mt 2, 2). Câu hỏi mà các Đạo sĩ đặt ra khi vừa đến Giêrusalem nằm trong bối cảnh thiên văn của phương Đông cổ đại, thế nhưng còn cần phải giải thích rằng các Đạo sĩ hướng thẳng đến xứ Palestine và xin gặp đích thân Vua dân Do Thái chính là bởi vì ngôi sao đưa đường cho những vị này được hiểu như là một dấu hiệu quá rõ ràng. Điều này giả định rằng những nhà thông thái đến gặp Đức Kitô đã biết rõ những lời tiên tri của Cựu Ước nối kết sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế với một dấu hiệu của ánh sáng: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp” (Ds 24, 17); “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Nếu chính họ không theo tôn giáo của người do Thái thì ít ra họ cũng có quan hệ với môi trường Do Thái, có thể là những người Do Thái tản mác (Diaspora) ở xứ Babylone.
Lưu ý rằng thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ, cũng không nói họ là vua. Trong các bức hoạ hay tranh ghép cổ thời, người ta vẽ hai, ba, bốn ông hay nhiều hơn thế nữa, các Kitô hữu ở phương Đông quen tính đến hơn chục ông. Con số ba theo truyền thống chắc chắn là do ba lễ vật dâng lên cho Chúa Kitô. Ta cũng có thể thấy sự lựa chọn con số này biểu trưng cho Ba Ngôi. Về việc trình bày các Đạo sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa” (Is 60, 1-6).
Ngôi sao Bêlem
Nhiều người cho câu chuyện các Đạo sĩ đi theo ánh sao chỉ là truyền thuyết. Như chúng ta đã nói ở trên, nếu ngôi sao không di chuyển bên trên các Đạo sĩ như một ngọn đèn chiếu, thì các hiện tượng thiên văn bất thường (sao chổi, ngôi sao mới, các hành tinh giao nhau) rất thường xảy ra vào thời Đức Kitô sinh hạ. Trước khi chê bai nội dung của Tin Mừng nhân danh điều được cho là khoa học, ta cần phải xem lại chính xác những gì mà khoa học đã nói, ở đây là khoa thiên văn.
Nhờ vào máy tính, ngày nay người ta có thể tính toán vị trí các vì sao mãi cho đến tận thời xa xưa nhất, người ta thấy rằng vào năm 7 trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh có ba lần Thổ tinh (Saturne) và Mộc tinh (Jupiter) giao nhau. Quả thế, qua ba lần các ngày 29 tháng năm, 29 tháng Chín và 4 tháng Chạp, hai hành tinh này gặp nhau trên bầu trời Babylone. Người ta có thể dễ dàng mường tượng ra sự suy đoán của các Đạo sĩ, thêm vào đó là Mộc tinh được xem như “Ngôi sao của các vị Vua” được nhân hoá bằng vị thần chính của vùng Babylone là Marduk, còn Thổ tinh (saturne) rất được người Do Thái sùng bái, ngày Sabbat được lấy từ tên của ngôi sao này. Với tất cả những điều này, cùng với lời tiên tri của Balaam và Isai, con đường đã được vạch sẵn cho các đạo sĩ của chúng ta. Dựa vào những sự kiện trên, các nhà thiên văn đã đưa ra giả thuyết sau đây: sau khi đã chấm tử vi về vị vua sẽ sinh ra, các Đạo sĩ lên đường vào lần giao nhau thứ hai của Thổ tinh – Mộc tinh vào ngày 29 tháng Chín để rồi đến Giêrusalem vào cuối tháng Mười Một và đầu tháng Chạp.
Ghi chú:
Ở đây chúng ta không cố tìm lại ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, đã được sử gia và các nhà chú giải tranh luận rất nhiều, mà chỉ chứng minh rằng không có lý do gì để nghi ngờ về sự kiện Ngôi sao Bêlem, một trong những dấu hiệu của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Có rất nhiều giả thiết về năm sinh của Đức Kitô, các năm -2 và -1 có rất nhiều hiện tượng thiên văn. Dựa trên chứng từ của các Giáo phụ và niên biểu của Denys le Petit được cho là vẫn có giá trị, Hugues de Nanteuil cho rằng Chúa Giêsu chính xác sinh vào ngày 25 tháng Chạp năm -1. Theo Jean Aulagnier thì Denys le Petit đã nhầm đến bốn năm, Chúa Giêsu được sinh ra vào tháng Chạp năm -5.[1]
Sứ điệp của lễ Hiển Linh
1. Chúa Giêsu được mạc khải như là
Vua, Thiên Chúa và con người.
Lễ vật các đạo sĩ dâng cho Chúa Kitô đã mạc khải cách biểu trưng về ý nghĩa của ngày lễ Hiển Linh: “Được Ngôi sao đưa đường đến tận nhà Giacóp, đến với Đấng Emmanuel, qua lễ vật dâng tiến, họ muốn bày tỏ Đấng mà họ thờ lạy là ai: với mộc dược thì đó là Đấng phải chết và chịu mai táng vì nhân loại phải chết; với vàng thì đó là Vua mà triều đại của Ngài không bao giờ chấm dứt; với nhũ hương thì đó là Thiên Chúa được nhìn nhận ở xứ Giuđê đồng thời cũng là Đấng tỏ mình cho những ai không tìm thấy Ngài”.[2]
Tiến dâng vàng, các Đạo sĩ nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô, hậu duệ cuối cùng của giòng dõi Đavít, như ngôn sứ Isai đã tiên báo: “Một chồi non sẽ trồi ra từ gốc Giesê, một mầm non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy, Thánh Thần của Yavê sẽ ngự trên vị này …” (Is 11, 1-2). Họ đến quỳ gối trước vị vua mà quyền năng bao trùm vạn vật; không phải bằng quân đội và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu vô bờ qua việc phục vụ và tự hiến chính mình.
Nếu vương quốc của Đức Kitô đạt đến độ toàn hảo như vậy chính bởi vì nó không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với Philatô trong cuộc thẩm vấn. Quyền lực mà Đức Giêsu Kitô có được là do Chúa Cha ban cho và đó là ý nghĩa của lễ dâng trầm hương vì sản vật này dành riêng cho Thiên Chúa trong các nghi lễ tại Đền Thờ. Như vậy các Đạo sĩ đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô ngay từ khi hạ sinh, trước khi Ngài bày tỏ cho con người bằng các phép lạ.
Hoàn toàn là Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng hoàn toàn là con người. Chính vì thế mà các Đạo sĩ đã tiến dâng lễ phẩm thứ ba là mộc dược, thứ hương liệu dùng để băng bó vết thương và tẩm liệm xác chết. Khi nhập thể, quả thật Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào kiếp con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi, mà không cần sử dụng đến quyền năng Thiên Chúa,
2. Khám phá Thiên Chúa với trí óc và con tim.
Lên đường để nhận biết Đức Kitô là vị Vua thật, Thiên Chúa thật và là Con Người thật, đó là hành trình của các Đạo sĩ. Việc các Đạo sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi dạy chúng ta phải biết kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Như đã thấy, các Đạo sĩ là những người thông thái, học thức, được mọi người trong đất nước mình nhìn nhận khả năng. Chính nhờ kiến thức, tính toán mà họ có thể khám phá ra Ngôi Sao dẫn đưa họ đến tận hang đá. Nhưng một khi đặt chân đến Giêrusalem, những con người khoa học này không còn cậy dựa vào kiến thức của mình nữa: họ dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: như các đạo sĩ, cần phải lắng nghe các ngôn sứ, cả thời xưa lẫn thời nay, để nhờ họ mà có thể nhận biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tình yêu Ngài mang đến cho mọi loài thụ tạo.
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trích “Bản Thông Tin” giáo phận Qui Nhơn, số tháng 12/2010
[1] Hugues de Nanteuil, Sur les dates de naissance et de mort de Jésus.
Jean Aulagnier, Le premier siècle chrétien
[2] Irénée de Lyon, Adversus Haereses III, 9, 3
nguồn: https://xuanbichvietnam.wordpress.com
Từ khóa » Dấu Lạ Hiển Linh
-
Dấu Lạ Hiển Linh | Thánh Ca Giáng Sinh | Nhạc Sĩ Thiên Lý - YouTube
-
Dấu Lạ Hiển Linh - Thiên Lý - YouTube
-
Dấu Lạ Hiển Linh - Thiên Lý (tải File PDF Và PPT)
-
Dấu Lạ Hiển Linh - Thiên Lý (tải File PDF Và PPT) - Giáo Xứ Đại Phú
-
Song By Hoàng Hiệp, Tốp Ca - Dấu Lạ Hiển Linh
-
Thiên Lý & Dấu Lạ Hiển Linh - Album By Songs4God | Spotify
-
Dấu Lạ Hiển Linh
-
Lễ Hiển Linh 05/01/2014 -.†.Thánh Ca Việt Nam.†.
-
Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,34-44) - TGP SÀI GÒN
-
SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 777, LỄ CHÚA HIỂN LINH, 02/01/2022
-
Lễ Hiển Linh Năm A ( Mt 2, 1-12 ) - 2019 - Lời Chúa - Suy Niệm
-
Lễ Hiển Linh A ( Mt 2, 1-12 ) - Lời Chúa - Suy Niệm - Giáo Xứ Núi Sập
-
Lễ Chúa Hiển Linh - Giáo Phận Vĩnh Long