Lễ Hội đền Bạch Mã Năm 2019 - Ban Quản Lý Di Tích Tỉnh Nghệ An

Hàng năm cứ vào ngày 9 và ngày 10 tháng 02 âm lịch nhân dân lại nô nức về Đền Bạch Mã để tham gia lễ hội. Đền Bạch Mã là một một trong bố ngôi đền linh thiêng của xứ Nghệ “Nhất Cờn - Nhì Quả - Tam Bạch Mã - Tứ Chiêu Trưng”.

Đền Bạch Mã, xã Võ Liệt (Thanh Chương) được nhân dân xây dựng nên để thờ thần Phan Đà, một vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Theo truyền thuyết Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du, nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

.Phan Đà mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ được ông già tên Bảy làm nghề rèn ở xã cưu mang. Tuổi trẻ Phan Đà là cậu bé thông minh, tuấn tú, giỏi võ nghệ, cung tên, nhân dân gọi là “trẻ kỳ đồng”. Khi có giặc ngoại xâm, Phan Đà đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu. Là vị tướng mưu lược và dũng cảm làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận Phan Đà thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”.

Trong một lần bị phục kích bất ngờ ở bờ bắc Lam Giang, ông bị thương nặng, được ngựa mang về, gần đến Võ Liệt thì trút hơi thở cuối cùng tại Công Trung, Lai Thành (nay là thôn Trung Thành xã Thanh Long). Thi thể ông được mối vùi lấp, rất linh ứng, đã cứu giúp nhân dân qua khỏi thiên tai, dịch bệnh và phù trợ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù, nhân dân đã lập miếu thờ ông. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Phan Đà, Người cấp tiền của, giao cho quân dân sở tại xây ngôi đền bề thế và tổ chức các nghi lễ quốc tế hàng năm, đồng thời sắc phong “đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Đền Bạch Mã có quy mô tương đối lớn với nhiều hạng mục có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao như: Nghi môn, Tam quan, nhà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, tả hữu vu. Đặc biệt, với  các đề tài “tứ linh” đã được các nghệ nhân xưa thể hiện thông qua nghệ thuật chạm bong kênh rất sắc nét và tinh tế có giá trị nghệ thuật cao, bên cạnh đó tại di tích còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như 3 bộ long ngai bài vị lớn với nội dung vị hiệu rõ ràng, bảng ghi lại thần tích và nội dung sắc phong ban cho thần bạch mã. Chính vì những giá trị vật thể và phi vật thể còn được bảo lưu tại di tích nên ngày 24/3/1994, Đền Bạch Mã, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là“Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia”.

Từ thời Lê đến thời Nguyễn, lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức rất trang nghiêm với quy mô lớn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan Đà (13/6 âm lịch), triều đình phong kiến lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Nhân dân tổng Võ Liệt còn mở hội rước sắc và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú như: vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, đánh trận giả, thi hát ca trù, hát bội. Trong những năm gần đây đền Bạch Mã tiếp tục được Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo quan tâm, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Hàng năm cứ vào ngày 9 và ngày 10 tháng 02 âm lịch, Huyện ủy và UBND huyện Thanh Chương cùng toàn thể nhân dân trong vùng tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã. Lễ hội đã thu hút hàng vạn nhân dân và du khách thập phương về đền thăm viếng và tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống của vùng Thanh Chương.

Nguyễn Thị Hưng

Từ khóa » Sự Tích đền Bạch Mã ở Thanh Chương