Lễ Hội đền Quả Sơn - Cục Di Sản Văn Hóa

Lễ hội đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, không chỉ nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô lớn và linh thiêng, là nơi thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang - vị tri châu Nghệ An, người có nhiều công lao xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang bảo vệ bờ cõi Đại Việt dưới triều đại Lý.

Để tướng nhớ vị tri châu đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, người dân xứ Nghệ đã lập nhiều đền, miếu để thờ tự và suốt đời ghi nhớ công ơn của ông. Người tiếp nối chủ trương chính sách của Lý Nhật Quang là Lý Đạo Thành đã tâu xin triều đình cho sửa sang và nâng cấp đền Quả Sơn với quy mô to lớn, đồng thời cho xây chùa Bà Bụt (tên chữ gọi là “Tiên Tích Tự”, tương truyền Bà là người có công giúp Lý Nhật Quang). Lễ hội được tổ chức hàng năm, hiện nay, dân xã tổ chức đều kỳ: ba năm hai lần.

Sau năm 1953, lễ hội chỉ được tổ chức hạn hẹp trong nội bộ dân xã Bạch Ngọc. Từ năm 1998, lễ hội được khôi phục, tổ chức quy mô lớn vào năm chẵn, có cả rước thủy và rước bộ; năm lẻ chỉ tổ chức rước thủy.

Lễ hội đền Quả Sơn do 7 làng (Thanh Xuân, Trạc Thanh, Tập Phúc, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung và Phúc Yên), thuộc 3 xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, phân công nhau và chịu trách nhiệm từng phần việc để tiến hành lễ hội. Các địa điểm chính là nơi làm lễ khai hội tại đền Quả Sơn (làng Tập Phúc), nơi dâng hương, tạ ơn Bà Bụt tại chùa Bà Bụt (làng Trạc Thanh) và đoạn sông Lam từ đền Quả Sơn ngược lên chùa Bà Bụt. Ngoài ra, khi đoàn rước đi qua chùa Nhân Bồi, đình Tập Phúc, đình Phúc Hậu, đình Nhân Trung, đình Trạch Thanh đều có người dân tập trung để nhập vào đoàn rước.

Lễ hội được tổ chức vào hai ngày 19 và 20 tháng Giêng Âm lịch, tục truyền gọi là lễ Hạ linh - hay thường gọi là lễ Tạ ơn chùa Bà Bụt. Lễ hội đền Quả Sơn ngày nay về cơ bản vẫn giữ được những lễ nghi truyền thống như: lễ “Khai quang, tẩy uế”, lễ “Yết cáo”, lễ “Chính tế” (tức là lễ tế Thần Uy Minh vương Lý Nhật Quang, còn gọi là lễ “Xuất Thần”, di tượng của Lý Nhật Quang ra kiệu để rước lên chùa Bà Bụt làm lễ tạ ơn). Nét độc đáo của lễ hội đền Quả Sơn là cuộc hành rước vào sáng sớm ngày 20 với hai cánh quân thủy, bộ.

Đội quân bộ gồm các nam thanh của các xã Bồi Sơn, Lam Sơn và Ngọc Sơn được chia làm hai bộ phận: đội “chính binh” và đội “dân binh”. Mỗi đội khoảng 90 người, mặc áo lụa đỏ, lụa vàng có nẹp, đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp, tay cầm gươm đao, giáo, phạng, dùi đồng, phụ việt, bát xã mâu. Đứng đầu mỗi đội là viên suất đội mình mặc võ phục, đầu đội võ quan xưa, lưng đeo kiếm, chân đi hia, cổ đeo tù và tay cầm trống lệnh. Đội chính binh chia thành cánh tả, hữu thực hiện duyệt binh quanh sân đền trong tiếng trống dồn dập, tiếng bước chân rầm rập và tiếng cổ vũ của bà con. Khi đã lộn đủ 3 vòng thuận, cánh quân tả quay đi vòng vào trong, cánh quân hữu quay ra vòng ngoài tiếp tục lộn đủ 3 vòng nghịch mới kết thúc. Sau đó, cánh quân tả tiến ra cửa tả quan, cánh quân hữu kéo ra cửa hữu quan làm thành hai hàng xen dọc vào đội hình “dân binh” đang làm nghi trượng rước để khởi hành. Kiệu Đức Thánh Lý Nhật Quang theo cửa chính từ từ tiến ra ngoài, theo sau là xe ngựa, voi, cờ, quạt… Tất cả từ từ tiến quân hướng về chùa Bà Bụt.

Từ cửa đền đến Động Ngự chỉ vài trăm mét. Đoàn rước thủy đã sẵn sàng dưới sông. Tại đây diễn ra lễ duyệt thủy binh. Lực lượng tham gia gồm các xã Đặng Sơn, Bắc Sơn và Tràng Sơn với 6 thuyền rồng, mỗi thuyền bố trí 1 người cầm cờ chỉ huy, 16 người cầm bơi chèo. 6 thuyền chia làm 2, một đi vòng thuận bên phải, một đi vòng nghịch bên trái. Thuyền rước hướng về Động Ngự. Tâm điểm trên dòng sông Lam là kiệu Đức Thánh được thả neo cố định, các thuyền tham gia lộn quân xuất phát hướng dọc bờ sông. Hai đội thuyền lấy thuyền rước làm tâm chèo vòng quanh 3 vòng ngược chiều nhau, khi hai đội thuyền đã chèo đủ 3 vòng, thuyền rước kiệu nhắm hướng chùa Bà Bụt từ từ di chuyển. Sau thuyền rước là 6 thuyền của các xã. Toàn bộ đoàn thuyền xếp hàng dọc rước thủy ngược dòng lên Bến Chùa.

Sau khi duyệt thủy binh, đoàn rước bộ tiếp tục đi qua các chùa Nhân Bồi, đình Tập Phúc, đình Phúc Hậu, đình Nhân Trung, đình Trạch Thanh, kiệu Đức Thánh và kiệu các vị thần linh dừng lại chốc lát để quan viên chức sắc và nhân dân các làng đó làm lễ bái tạ, lạy mừng.

Hai đoàn rước thủy, bộ tập kết tại chùa Bà Bụt, số thuyền rồng rước neo đậu ở bến sông trước cửa chùa. Kiệu Đức Thánh đặt chính giữa, hai bên là kiệu Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương quay mặt hướng vào chùa. Nhân dân tề tựu trước sân chùa để dâng hương, thực hiện cổ lễ/lễ tạ ơn, sau đó làm lễ xuất thần. Thực hiện xong các nghi lễ, hai đoàn quân thủy, bộ tổ chức lễ duyệt quân để chuẩn bị rước về đền Quả Sơn theo trình tự lúc rước đi.

Đến khoảng 17 giờ, cả đoàn quân thủy và quân bộ cùng tiến về đền Quả Sơn. Lúc này, đội thủy quân cho thuyền hướng vào bến trước đền. Đội dân binh, chính binh đứng thành hai hàng ở ngoài cổng đền. Đức Thánh đã yên vị và nhân dân làm lễ yên vị cho Ngài.

Bên cạnh nghi lễ, lễ hội đền Quả Sơn còn có các trò chơi dân gian như: chơi đu, chọi gà, cờ tướng, thi đấu vật dân tộc, đập niêu, kéo co..., các hoạt động thể thao thu hút sự tham gia của nhân dân.

Lễ hội đền Quả Sơn nhằm tái hiện lịch sử oai hùng của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân, giáo dục ý thức tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ ngày nay. Lễ hội phần nào phản ánh phong tục tập quán, truyền thống trọng đạo nghĩa, gắn kết cộng đồng và tinh thần thượng võ của người dân xứ Nghệ.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Quả Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Thuyết Minh đền Quả Sơn