Lễ Hội ở Vương Quốc Anh
Có thể bạn quan tâm
Người vương quốc Anh có nhiều lễ hội – một số rất lâu đời, một số mới xuất hiện, một số được ăn mừng toàn quốc, số khác chỉ được kỷ niệm trong một cộng đồng nhỏ.
Mục lục
- 1 Những ngày quốc lễ ở Vương quốc Anh
- 1.1 Chào đón năm mới
- 1.2 Giáng sinh
- 1.3 Good Friday
- 2 Các lễ hội thú vị
- 3 Những Lễ hội và Sự kiện được chú ý của Hoàng gia
- 4 Lễ hội ở London
- 5 Lễ hội âm nhạc và sân khấu
Những ngày quốc lễ ở Vương quốc Anh
Từ cuối thế kỷ 19, những ngày quốc lễ ở Vương quốc Anh được gọi chung bằng một cái tên khá lạ lùng: Bank Holiday- cái tên xuất phát từ việc các ngân hàng đóng cửa nghỉ trong những ngày này. Ngoài ngân hàng thì các cơ quan nhà nước và tư nhân khác hầu hết cũng đóng cửa, đường sá đông đúc hẳn với những dòng người là các gia đình đi nghỉ hay đi thăm viếng nhau.
Có hẳn một đạo luật gọi là Đạo luật Bank Holidays 1871 liệt kê những ngày quốc lễ, đạo luật này được sửa đổi và bổ sung vào năm 1971. Các ngày quốc lễ ở Vương quốc Anh hiện nay bao gồm: New Year’s Day, Good Friday, Easter Monday, May Bank Holiday, Spring Bank Holiday, Summer Bank Holiday, Giáng sinh, Boxing Day – trong số này có những lễ hội quen thuộc trên toàn thế giới, có lễ tôn giáo, và có cả những lễ chỉ đơn thuần là một dịp nghỉ ngơi. Có những ý kiến tại Vương quốc Anh còn yêu cầu đặt thêm Bank Holiday giữa những khoảng thời gian… lâu rồi không được nghĩ.
Thật sự, người vương quốc Anh khá linh hoạt, họ bổ sung vào danh sách những ngày quốc lễ toàn dân được nghỉ mỗi năm tùy vào những sự kiện quan trọng diễn ra trong năm đó; chẳng hạn năm 2011 được nghỉ thêm một ngày mừng đám cưới của Hoàng tử William, năm 2012 có thêm ngày lễ mừng 60 năm trị vì của nữ hoàng…
Chào đón năm mới
Người ta tổ chức ăn mừng năm mới từ chiều tối ngày 31 tháng 12 sang đến ngày 1 tháng 1. Đúng nửa đêm theo đồng hồ Big Ben, chuông tại Tháp Đồng hồ sẽ ngân lên, và tất cả mọi người cùng hát bài hát Auld Lang Syne. Hàng trăm ngàn người tụ tập để xem trình diễn pháo hoa hoành tráng tại những điểm nổi tiếng như London Eye.
Năm mới không chỉ được đón mừng bằng những bữa tiệc và pháo hoa, mà một phần khác không kém quan trọng là những cuộc diễu hành hoành tráng trên những con đường lớn và kết thúc tại quảng trường Berkeley. Ở nhiều vùng ven biển người ta mặc những bộ trang phục bắt mắt và cùng nhau ùa xuống biển lạnh cóng để ăn mừng. Tuy nhiên, với một số người khác thì dịp năm mới này là lúc để họ “hồi phục” sau kỳ lễ Giáng sinh dài trước khi quay lại với công việc.
Tại Anh, cụ thể là vùng phía bắc, cũng có truyền thống tương tự như xông đất đầu năm của Việt Nam, người ta tin rằng vị khách nam đầu tiên bước vào nhà ngày đầu năm sẽ mang đến may mắn; ngược lại, phụ nữ tóc vàng hay tóc đỏ không nên là người đầu tiên đến nhà người khác bởi họ sẽ đem đến xui xẻo. Vị khách đầu tiên thường mang theo tiền, bánh mì hay than củi bởi đây được coi là những món quà đem lại thịnh vượng cho người nhận.
Giáng sinh
Vương quốc Anh nói chung và nước Anh nói riêng, cũng giống như rất nhiều nước phương Tây khác, coi Giáng sinh là một dịp lễ lớn và được trông đợi nhiều. Tuy nhiên tại đây, lễ Giáng sinh từ lâu đã kết hợp nhiều yếu tố đa thần giáo với truyền thống mừng sự ra đời của chúa Jesus tại Bethlehem hơn 2000 năm trước.
Bên cạnh những biểu tượng như ở những nơi khác trên thế giới, Giáng sinh tại Anh còn có những nhánh thường xuân, nhóm lửa, tổ chức tiệc tùng và thưởng thức những món ăn đặc biệt (gà tây nướng, bánh pudding, bánh patê…) và không thể thiếu hình ảnh một chú chim cổ đỏ.
Trong dịp lễ Giáng sinh, kể cả những người “lười” đi nhà thờ cũng sẽ đến nhà thờ để làm lễ. Các khu trung tâm trang hoàng rực rỡ và các gia đình mua cây thông về trang trí nhà cửa. Mỗi gia đình có cách mừng lễ Giáng sinh khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn gắn liền với việc sum họp, tặng quà, và những đứa trẻ tin rằng đó là quà của ông già Noel.
Good Friday
Vào thứ năm tuần Thánh (Lễ Tiệc ly hay Maundy Thursday), một ngày trước thứ sáu tuần Thánh (hay Lễ Thương khó – Good Friday), nữ hoàng ban những đồng tiền bạc mới – số lượng bằng tuổi của bà – cho những người đồng niên nghèo khó tại nhà thờ. Vào Lễ Thương khó, nhà thờ làm lễ suốt ngày, và các giáo dân mộ đạo cầu nguyện suốt ba giờ vào thời điểm chúa Jesus bị đóng đinh lên thập tự giá.
Các lễ hội thú vị
Không chỉ kỳ lạ ở tên gọi những ngày quốc lễ, Vương quốc Anh còn có nhiều lễ hội kỳ lạ ở hình thức thể hiện và mục đích. Hầu hết nguồn gốc của chúng đến nay không còn rõ nữa, tuy vậy điều này cũng không quan trọng, vui vẫn là chính.
Lễ hội đuổi bắt bánh pho mát Gloucester được tổ chức tại Cooper’s Hill là một trong những lễ hội ấn tượng nhất thế giới. Mỗi năm một lần từ hàng trăm năm nay, mọi người lại lao xuống sườn đồi dốc để đuổi theo một chiếc bánh pho mát địa phương nặng tầm 3,5 kg, người nào bắt được sẽ được bánh pho mát đó. Dù phải lăn lộn, quần áo lấm lem, nhiều người bị thương không nhẹ nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy vui vẻ.
Người ta không chỉ lăn pho mát xuống đồi mà còn thích “đùa” với lửa, vì nhiều lý do khác nhau – có thể là để xua đuổi tà ma, chào đón những thay đổi của tự nhiên hay để “hội đồng” một nhân vật bị ghét bỏ nào đó…
Chẳng hạn như khi qua Đông chí, ngày bắt đầu dài hơn, người Brighton ăn mừng việc này bằng lễ hội đốt giấy và đèn lồng trên bãi biển.
Một lễ hội lửa khác phổ biến và nổi tiếng hơn là lễ Guy Fawkes, hay còn gọi là Bonfire Night. Tuy không phải là quốc lễ nhưng Bonfire Night là một truyền thống nổi bật với những màn trình diễn pháo hoa, đốt hình nộm của kẻ định cho nổ tung Nhà Quốc hội năm 1605 và lửa được thắp lên tưng bừng trên toàn Vương quốc Anh. Nhiều người đã nhận xét rằng đêm 5 tháng 11 này là đêm mịt mù khói lửa nhất trong năm, khiến cho lực lượng an ninh, cứu hỏa phải cảnh giác và tăng cường lực lượng gấp nhiều lần để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Người Anh cũng có những lễ hội dựng lại thói quen, truyền thống cũ. Chẳng hạn như…
Lễ hội Rochester Sweeps diễn ra tại thị trấn Rochester: Cho đến thế kỷ 19, tại Anh vẫn có những đứa trẻ làm nghề thông ống khói, và khi hè đến là lúc chúng có thể ăn mừng vì thành quả lao động của mình. Ngày nay, việc ăn mừng này được tái hiện lại bằng một lễ hội ba ngày trên đường phố.
Lễ hội Up Helly Aa tại Shetland tái hiện không khí tiệc tùng hoang dã của những người Viking ngày xưa. Lễ hội kéo dài 24 giờ với hàng ngàn người tham gia vào các hoạt động như hóa trang theo phong cách Viking, thắp lửa và đốt con tàu Viking dài và thả ra biển…
Tại Quận Hồ vẫn còn tổ chức các lễ hội trải hoa vốn có nguồn gốc từ xa xưa, khi nền nhà thờ còn bằng đất và người ta mang rơm, cành cây và hoa đến trải lên sàn nhà thờ để giữ ấm và tạo mùi thơm.
Và đó chưa phải đã là toàn bộ những sự kiện thú vị diễn ra tại đất nước này.
Những Lễ hội và Sự kiện được chú ý của Hoàng gia
Sự yêu thích lễ hội của người vương quốc Anh được minh chứng rõ nhất qua… Hoàng gia. Có rất nhiều cơ hội mà ở đó người ta có thể mục kích sự hào nhoáng của hoàng gia. Lịch tham gia các sự kiện hàng ngày của họ thậm chí được đăng trên báo The Times, trong một cột riêng.
Tuy sinh nhật của nữ hoàng hiện tại là vào ngày 21 tháng 4 nhưng theo truyền thống, những người đứng đầu hoàng gia sẽ tổ chức sinh nhật công khai vào một ngày mùa hè, trong khoảng thời gian tiết trời đẹp nhất. Lễ rước cờ – bao gồm duyệt binh và diễu hành – diễn ra vào thứ bảy đầu tiên của tháng 6, là hoạt động chính thức mừng sinh nhật của nữ hoàng và cũng là sự kiện lớn nhất của hoàng gia mỗi năm. Nghi lễ này được tổ chức hàng năm, trừ năm 1955 do cuộc đình công của ngành đường sắt.
Đổi gác là một trong những nghi thức cổ xưa và nổi tiếng nhất ở điện Buckingham, ngoài ra còn diễn ra tại lâu đài Windsor. Tuy đây không hẳn là lễ hội nhưng vẫn được coi là một trong những điều “phải xem”, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách khi đến thăm London. Ngoài việc đổi phiên gác, trong khoảng 45 phút diễn ra nghi thức này còn có nhiều màn trình diễn diễu hành và âm nhạc.
Lễ khai mạc Nghị viện là sự kiện nhiều màu sắc nhất và cũng quan trọng nhất với Quốc hội bởi đây là dịp tập hợp ba bộ phận của cơ quan lập pháp: Nữ hoàng, Thượng và Hạ viện. Diễn ra vào tháng 11 hàng năm, nghi lễ này đã thay đổi nhiều kể từ thế kỷ 17. Với tư cách là người đứng đầu nhà nước, Nữ hoàng sẽ từ cung điện Buckingham đi xe ngựa đến và đọc lời khai mạc – trình bày về hoạt động của cơ quan lập pháp cho năm tới. Sự kiện này thường được phát sóng trực tiếp trên đài BBC.
Lễ phong chức là một ngày rất đặc biệt khi một cá nhân vinh dự nhận được sự công nhận từ nữ hoàng hoặc từ các thành viên khác trong hoàng gia.
Có khoảng 25 dịp lễ thế này được tổ chức mỗi năm, phần lớn diễn ra tại điện Buckingham nhưng cũng có thể được tổ chức tại các cung điện, lâu đài khác, thậm chí ở nước ngoài. Tước phong mà một công dân Vương quốc Anh có thể nhận được và được đông đảo những người ngoại quốc chúng ta biết đến là tước Hiệp sĩ. Những người được phong hiệp sĩ sẽ có thêm “Sir” trước tên của mình. Người này, trong buổi lễ, sẽ quỳ trước nữ hoàng, và nữ hoàng sê chính thức phong tước bằng một thanh kiếm vốn là của Vua George VI.
Hoàng gia Anh cũng có những sự kiện không thường xuyên khác diễn ra với nhiều nghi lễ quan trọng: lễ kỷ niệm năm trị vì của nữ hoàng, đám cưới của các thành viên trong hoàng tộc…
Lễ hội ở London
Có những cuộc diễu hành và lễ hội được tổ chức chỉ riêng ở thủ đô London, phô trương những nghi thức long trọng và kiểu cách. Các sự kiện này diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau:
Giải việt dã London diễn ra vào tháng 4, thu hút khoảng 30.000 vận động viên tham gia cùng hàng ngàn người đứng chặt hai bên đường cổ vũ;
Cuộc đua xe cũ London-to-Brighton được tổ chức vào tháng 11 để kỷ niệm sự tiến bộ trong tốc độ của ô tô, tăng tốc độ tối đa từ 6 lên 19km/h năm 1896, tham gia cuộc đua phải là xe sản xuất từ trước ngày 1 tháng 1 năm 1905.
Khoảng ngày 29 tháng 5 lại có lễ diễu hành Royal Hospital Chelsea (Bệnh viện Hoàng gia Anh) – một bệnh viện dành cho cựu chiến binh được Vua Charles II thành lập từ năm 1692. Những cựu chiến binh, thường đã ngoài 80 tuổi và được gọi là cựu binh Chelsea, ưỡn ngực kiêu hãnh, phô huân huy chương được phong tặng trong trận mạc khi thành viên trong hoàng gia đến thăm.
Một trong những lề hội thu hút sự chú ý nhất ở London là Lord Mayor’s Show diễn ra vào ngày thứ bảy tuần thứ hai của tháng 11. “Lord Mayor” là một quan chức được các doanh nghiệp lựa chọn, ngồi trong cổ xe mạ vàng thắng sáu chiến mã vùng Shire, diễu hành từ Tòa Thị chính tới Tòa án Công lý Hoàng gia trên phố strand. Đại diện của mười hai đại phường hội, cầm trong tay sắc phong hoàng gia, tháp tùng theo sau. Tiệc chiêu đãi của thị trưởng được tổ chức vào ngày thứ hai sau lễ hội ở Tòa Thị chính. Vào các dịp lễ khác, thị trưởng tổ chức tiệc ở nhà riêng (Mansion house). Cho dù nghi lễ và trang phục cổ kính, quang cảnh của các buổi tiệc này cho thấy sức mạnh của giới tài chính, và các chính khách hàng đầu coi buổi tiệc như vũ đài thể hiện các chính sách của mình.
Ra đời năm 1964, Lễ hội Hóa trang Notting Hill là lễ hội rực rỡ sắc màu với hàng đoàn xe rước trang trí sặc sỡ, sân khấu di động và dàn nhạc tưng bừng, được tổ chức ở phía bắc London vào tuần cuối cùng của tháng tám. Lễ hội mang đậm nét văn hóa của người Mỹ gốc Phi, với các ban nhạc Antilles, những hoạt động bên lề và các món ăn đặc sản vùng Caribe.
Lễ hội âm nhạc và sân khấu
Tại vương quốc Anh còn thường xuyên diễn ra các liên hoan âm nhạc và sân khấu tưng bừng trên khắp đất nước, từ những liên hoan uy tín và nổi tiếng tại Brighton (giữa tháng năm), Bath (cuối tháng năm), Ross-on- Wye (tháng tám) và Cheltenham (tháng mười) cho đến những liên hoan địa phương quy mô nhỏ hơn tại hàng loạt thị trấn. Ngoài ra còn có các liên hoan nhạc pop, rock và nhạc dân gian, trong đó liên hoan ở Glastonbury (tháng sáu) và Cambridge (tháng bảy) là hai liên hoan lớn và nổi tiếng nhất, thu hút các ban nhạc hàng đầu thế giới tham dự.
Từ khóa » Nghỉ Lễ Uk
-
Anh Quốc Có Những Ngày Lễ đặc Biệt Nào? Khám ... - Du Học INDEC
-
THÔNG BÁO NGÀY NGHỈ LỄ NĂM 2022 - Vietnam Embassy In The UK
-
Ngày Nghỉ Và Ngày Lễ Cho Du Học Sinh Anh Quốc - Go Abroad
-
Các Ngày Lễ ở Vương Quốc Anh Vào Năm 2022 - Timesles
-
Ngày Lễ Quốc Gia Hoặc "Ngân Hàng" ở Vương Quốc Anh
-
Các Ngày Nghỉ Lễ ở Vương Quốc Anh - IOE
-
Độc đáo Và Thú Vị Những Ngày Quốc Lễ ở Anh
-
Lịch đóng Cửa Văn Phòng Nhân Dịp Tết Nguyên Đán | Hội đồng Anh
-
16 Sự Kiện Không Nên Bỏ Lỡ Tại Vương Quốc Anh - British Council
-
Lịch Nghỉ Lễ - Thunderbird
-
Tìm Hiểu Các Kỳ Nghỉ Của Du Học Sinh Tại Nước Ngoài
-
UK ACADEMY THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ THÁNG 04 - Facebook
-
Khám Phá Những Lễ Hội Anh Quốc Qua 12 Tháng Trong Năm
-
Tìm Hiểu Ngày Nghỉ Bank Holiday - VietHome