Lễ Nhương Sao, Giải Hạn

  • Hoi An
  • Hoi An
  • Hoi An
  • Hoi An
  • Hoi An
  • Hoi An
  • Trang nhất
  • Giới thiệu
  • tự nhiên và lich sử
    • Lich sử và văn hóa
    • tự nhiên
  • Di sản văn hoá
    • Giới thiệu
    • Di sản văn hóa vật thể
    • Di sản văn hóa phi vật thể
  • Khu dự trữ sinh quyển
    • Giới thiệu
    • Hệ sinh thái
    • Di sản văn hóa vật thể
    • Di sản văn hóa phi vật thể
  • Bảo tàng
    • Giới thiệu
    • Lịch sử - Văn hóa
    • Gốm sứ mậu dịch
    • Văn hoá Sa Huỳnh
    • Văn hóa dân gian
    • Lưu niệm Cao Hồng Lãnh
    • Nhà truyền thống C.Mạng
  • Tài liệu nghe nhìn
    • Video Clip
    • Bản đồ tham quan
    • Album Ảnh
  • Đặc san bảo tồn di sản
  • Văn Bản pháp quy
    • Văn bản quốc tế
    • văn bản trung ương
    • văn bản địa phương
Chúng tôi trên mạng xã hội

Chúng tôi trên mạng xã hội

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ

  • (+84)5103.862367
  • hoiancmmp@gmail.com
  • Trang nhất
  • Di sản văn hoá
  • Di sản văn hóa phi vật thể
  • Lễ hội truyền thống

Lễ nhương sao, giải hạn

Lễ nhương sao, giải hạn Thứ tư - 10/10/2012 15:05 Theo hệ thống lịch mặt trăng Âm lịch, một năm có 3 kỳ: Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười). Trong ba kỳ trên thì quan trọng nhất vẫn là vào dịp đầu năm Âm lịch, Tết Nguyên Tiêu - Rằm Tháng Giêng. Cũng có khi còn kéo dài sang cả Rằm tháng Hai Âm lịch, người Hội An thường đi chùa dâng sớ cầu an đồng thời với việc cúng nhương sao giải hạn cho chính bản thân mình và cả cho những người thân trong gia đình. Nếu không có điều kiện thì ghi danh nhờ nhà chùa nhập lễ chung gọi là lễ nhương sao giải hạn. Số khác lại tự mua hương đèn về mời thầy hoặc tự cúng tại nhà. Nếu tự cúng thường chọn ngày mồng 8 tháng Giêng là ngày ĐẠI HỘI CHƯ TINH, vì cúng ngày này thì khỏi cúng cả năm. Theo một số sách cổ Trung Hoa nói rằng, trên trời có các ngôi sao phát sáng, quyển 18 Đường Thư Lịch Chí viết có chín ngôi. Bao gồm Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao này gọi là Cửu Diệu được phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Về sau có sách thêm sao thứ mười là Thái Bạch. Mỗi năm, đời người ngoài các yếu tố khác chi phối còn ứng với một sao hạn. Đầu năm làm lễ cúng nhương sao để mong tốt cho cả năm. Còn hàng tháng tùy theo tập tính từng sao nhiều người thận trọng vẫn làm lễ cúng. Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục cúng nhương sao giải hạn. Chung quy đến nay người Hội An phổ biến lấy theo 9 sao (Cửu Diệu) luân phiên chiếu mệnh một đời người, gồm: La Hầu: Sao chủ mồm miệng, cửa quan, tai mắt,máu huyết sản nạn, buồn rầu (La Hầu tháng Bảy tháng Giêng, coi chừng kẻo gặp tai khiên đến mình). Đây là hung tinh của nam giới. Sao này thường đem lại sự không may, có thể liên quan đến luật pháp, kiện thưa, tranh cãi, tai nạn, bệnh tật, hao tài, sầu bi… nhất là tháng Giêng và tháng Bảy.Tổ Tú: Sao chủ về tiểu nhân, xuất hành không thuận, nhà cửa không vui, chăn nuôi thua lỗ. Sao hạn này thường đem lại sự trở ngại, xung khắc miệng tiếng, gia đạo bất hòa. Sức khỏe không được tốt, hay đau yếu luôn. Hiện tượng này thường xảy ra vào tháng Tư, tháng Tám. Thủy Diệu: Sao chủ tài, lộc, hỷ. Chỉ phòng việc đi sông nước và điều ăn tiếng nói (Thổ Tú Thủy Diệu giữ mình, tháng Tư, tháng Tám động tình ai bi). Sao hạn này thường đem lại buồn phiền, tang khó, miệng tiếng, thị phị. Chuyện không đâu cũng dây dưa dính vào mình làm khó chịu, bất an... và thường thấy xuất hiện vào tháng Tư và tháng Tám. Thái Bạch: Sao chủ hao tán tiền của, tiểu nhân, quan phụng, bệnh nội tạng (Nhằm sao Thái Bạch ra chi, tháng Năm trùng kỵ gắng ghi đề phòng). Đây là một hung tinh thường đem lại sự hao tán, mất mát tiền bạc. Của cải có thể trắng tay nhất là tháng Năm và tháng Tám. Thái Dương: Sao chủ hưng vượng tài, lộc (Thái Dương chúa tể nhật cung, tháng Mười, tháng Sáu vận thông sắc, tài). Sao hạn này đem lại sự tốt lành phát triển về công danh tiền bạc cho nam mạng, còn nữ mạng lại hay bị đau ốm nhất là tháng Sáu và tháng Mười. Vân Hớn: Sao chủ sự chủ cựu. Phòng thương tật ốm đau, sản nạn, nóng nảy,mồm miệng, quan tụng, giấy tờ (Gặp sao Vân Hớn tháng Hai, cũng là tháng Tám xảy hoài thị phi). Kế Đô: Sao chủ hung dữ, ám muội, thị phi, buồn rầu (Kế Đô sao ấy đến kỳ, tháng Ba, tháng Chín sầu bi khóc thầm). Sao này là hung tinh của nữ giới, thường đem lại tai nạn, hao tán, tang khó, bệnh tật... nhất là các tháng Ba và tháng Chín.Thái Âm: Sao chủ hung dữ, ám muội, thị phi, buồn rầu. Nhưng có chút toại nguyện về danh lợi. Nữ phòng ốm đau, tật ách, sản nạn. (Nguyệt cung Hoàng hậu Thái Âm, tháng Chín được tốt, tháng một -11- hay lâm khổ nàn). Sao hạn này thường tốt đối với nam giới về công danh và tiền bạc nhưng lại gây nên đau ốm bệnh tật cho nữ giới. Mộc Đức: Sao chủ hướng tới sự an vui hòa hợp. (Tới sao Mộc Đức vui an, nội trong tháng Chạp-12- đăng quang phước lành). Sao này thường đem lại sự an vui tốt lành may mắn về nhiều mặt nhất là tháng Mười và tháng Chạp. Nhìn chung, có một số sao tốt cho nam nhưng lại xấu cho nữ. Ví dụ: Sao Thái Dương tốt cho nam, xấu cho nữ, sao Thái Âm tốt cho nam, bất lợi cho nữ, sao Mộc Đức tốt cho cả nam lẫn nữ. Sao Thái Bạch rất tai hại cả nam lẫn nữ. Trong khi sao Kế Đô là hung tinh của phái nữ thì sao La Hầu lại là hung tinh của phái nam... Vì thế, vào năm gặp sao hạn, mọi người đều tìm cách để giải hạn. Cúng nhương sao chính là hình thức giải hạn, dẫu không thể làm triệt tiêu xấu nhưng cũng phần nào hóa giải bớt những rủi ro. Ngày nay giải thích trên phương diện khoa học rằng đấy là chu kỳ sinh học của con người. Và cũng là quy luật của vũ trụ. Có nóng tất có lạnh, có sáng sẽ có tối, có tiến lên thì cũng có đứng lại. Cũng như có mùa Hè tất có mùa Đông... Đối nghịch để tồn tại để phát triển. Trong cơ thể con người cũng tồn tại 2 yếu tối tiêu cực và tích cực. Để tránh tai ương, cần có biện pháp cúng nhương sao (dâng sao giải hạn), mong được nhẹ nhõm, bớt gánh âu lo. Qua tìm hiểu một số thầy cúng và các cụ bô lão ở Cẩm Châu, Minh An và Cẩm Phô… thấy phổ biến trong dân quan niệm rằng con người là thành phần của vũ trụ, sinh trưởng theo mệnh số tức là chịu sự chi phối của các sao. Trong khi đó, vũ trụ thuộc về thế giới các vì sao. Mỗi người đều có số mệnh ràng buộc. Nếu căn cứ lá số tử vi từng người sẽ thấy rõ sự chi phối ràng buộc giữa các vì sao. Từ sự đan xen ấy nhưng trong các vì sao tử vi thì có hệ thống sao trên là lớn hơn cả. Hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng chi phối của một vì sao thường gọi là sao chiếu mệnh. Năm nào gặp sao tốt thì vận mệnh tốt, hưng thịnh trong làm ăn, khỏe mạnh trong cuộc sống. Năm nào gặp sao xấu sẽ có nhiều xui xẻo, tai ương tật ách khôn lường. Đáng sợ nhất là sao La Hầu và Kế Đô. Đây là sao xấu, thuộc loại ám hư tinh vì hai sao này luôn ở vùng tối không bao giờ thấy mặt trời. Để giải hạn, người Hội An xưa phải căn cứ các đặc tính các vì sao để có cách giải hạn riêng. Việc nhương sao không đòi hỏi lễ vật nhiều. Bởi có câu: Nén hương thấu tới Thiên Đình, cốt là ở tấm lòng mình ơn trên. Ở một số vùng nông thôn, xa thầy cúng bày vẽ, người ta chỉ đặt một cái bàn nhỏ trên đó có lễ vật gồm hương (3 cây), hoa, quả (một dĩa trái cây) ba ly nước lọc nhỏ và cắm 2 cây nến.. Ở trên phố Hội An việc cúng nhương sao có vẻ bài bản phức tạp hơn, bởi người ta quan niệm rằng nhương là đồng thời tiễn sao xấu và nghinh sao tốt. Lễ vật nhương sao chung cho mọi người trong gia đình gồm: hoa, quả, trầu, cau, bánh, chè, gạo, muối, hạt nổ ngũ sắc, trà, rượu, áo binh, vàng bạc và một cặp người thế nam - nữ. Với người Hoa có quy mô bề thế về lễ vật hơn. Có lẽ đây là lễ vật của giới thương gia giàu có xưa thường lênh đênh trên biển. Gồm: 9 quả trứng sống. 9 dĩa xôi nhỏ. 9 đĩa quả. 9 mũ sao (CỬU DIỆU). 9 bài vị. 9 lát vàng thoi kê dứơi bài vị. 9 chén nước trong. 9 đĩa gạo muối. 9 miếng thịt luộc. 9 xấp vàng tiền. 9 chén rượu. 9 chén trà. 1 bình hoa tươi. Khi cúng thường có một chậu nước để bên cạnh dùng cho rửa tay và đổ rượu trà trong ba tuần dâng cúng. Trong hành lễ này người ta kiêng cữ nhất là việc để cho đèn tắt. Đèn nhương sao thường bằng đèn cầy và phải cẩn trọng. Tích xưa kể rằng ngài Gia Cát Khổng Minh ở nước Thục thời Tam Quốc do đang làm lễ nhương sao bị Ngụy Diên tự nhiên chạy ào vào làm đèn phụt tắt nên không gia hạn được thêm tuổi thọ. Trong dân truyền miệng "việc để tắt đèn là rất không nên".Riêng cho việc nhương sao từng người thì với từng loại sao, bài vị và cách khấn có khác nhau: Sao Thái Dương: Mỗi tháng ngày 27, cúng vào 21 đến 23 giờ, thắp 12 ngọn đèn, hướng chính Đông làm lễ. Bài vị bằng giấy vàng, trên đề Nhật Ưng Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân. Lễ vật gồm mũ vàng, cùng hương hoa, phẩm ỏan. Tiền vàng và 36 đồng tiền. Lời khấn khởi đầu là : Cung thỉnh Thiên Đình Uất Ly Cung Đại Thánh Đang Nguyên Hải. Nhật Cung Thái Dương Tinh Đương Vị Tiến. Về nội dung văn khấn giải hạn các sao, qua sưu tầm thấy nhiều dị bản nhưng tựu chung là giống nhau, chỉ thay đổi tên sao. Phần mở đầu văn cúng thấy cao nhât là Đức Phật, kế đó là Ngọc Hoàng Thượng Đế, sau đó mới dến một danh sách các vị Thánh Thần và các Vì Sao. Ví dụ để nhương sao Thái Dương có chi tiết như sau:Nam mô a di Đà Phật! Nam mô Hiệu Thiên chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Thượng đế. Nam mô Đức Trung Thiện tinh. Bắc cực Tử Vi Tràng Sinh Đại đế. Nam mô Tả Nam Tào Lục Ty Duyên Thọ Tinh quân. Nam mô Đức Hữu Bắc Đẩu Cửu Hàm Giải ách Tinh quân. Nam mô Đức Nhật cung Thái Dương Thiên tử Tinh quân. Nam mô Đức Thượng Thanh Bản mệnh Nguyên Thần Chân quân. Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quân.Tín chủ là:.. Trú quán tại… Hôm nay là ngày... tháng... năm..., xin thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, thiết lập linh án tại (địa chỉ)... để làm lễ giải hạn sao Thái Dương (hoặc sao khác) chiếu mệnh: Kính mong chư vị chấp kỳ lễ bạc phù hộ độ trì giải trừ vận hạn; ban phúc, lộc, thọ cho con gặp mọi sự may mắn tốt đẹp mọi bề mọi việc, gia nội bình an, khang ninh, thịnh vượng. Tín chủ con lễ bạc tâm thành, trước xin kính lễ, sau nữa cúi xin phù hộ độ trì. Nam mô A di Đà Phật! Sao Thái Âm: Mỗi tháng ngày 26, cúng vào 19 đến 21 giờ, thắp 7 ngọn đèn hướng chính Tây làm lễ. Bài vị bằng giấy vàng trên đề Nguyệt Cung Âm Hoàng Hậu Tinh Quân.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Kết Lâu Cung Đại Thánh, Tổ Diệu Nguyệt - Phu Thái Âm Tinh Quân Vị Tiến. Sao Mộc Đức: Mỗi tháng ngày 25, cúng vào 19 đến 21 giờ, thắp 20 ngọn đèn, hướng chính Đông làm lễ. Bài vị bằng giấy xanh, trên đề Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh Quân. Lễ vật gồm: Hương, hoa, Tiền vàng; - Bài vị màu xanh; - Mũ xanh; - 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là : Cung thỉnh Thiên Đình Thánh Vân Cung Đại Thánh - Trùng Quan Triều Nguyên Mộc - Đức Tinh Quân Vị Tiến. Sao Vân Hớn: Mỗi tháng ngày 29, cúng vào 21 đến 23 giờ, thắp 15 ngọn đèn, hướng chính Nam làm lễ. Bài vị bằng giấy hồng, trên đề Nam Phương Bính. Lễ vật gồm: Hương, hoa, tiền vàng, trái cây, Bài vị màu đỏ, Mũ đỏ, 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Minh Ly Cung Đại Thánh Hóa Đức Vân Hớn Tinh Vị Tiến. Sao Thái Bạch: Mỗi tháng ngày 15, cúng vào 19 đến 21 giờ, thắp 8 ngọn đèn, hướng chính Tây làm lễ. Bài vị bằng giấy trắng, trên đề Tây Phương Canh, Tân Kim Đức Thái Bạch Tinh Quân. Lễ vật gồm: Hương hoa, Tiền vàng, trái cây, Bài vị màu trắng, Mũ trắng, 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Hạc Linh Cung Đại Thánh Kim Đức Thái Bạch Tinh Quân Vị Tiến. Sao Thủy Diệu: Mỗi tháng ngày 21, cúng vào 19 đến 21 giờ, thắp 7 ngọn đèn, hướng chính Bắc làm lễ. Bài vị bằng giấy đen, trên đề Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Diêm Tinh Quân. Lễ vật gồm: Tiền vàng, trái cây, Hương hoa, Mũ đen, 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Thủy, Đức Kim Nữ Cung Đại Thánh Bắc Phương Nhâm, Quý Thùy Diêm Tinh Quân Vị Tiến. Sao Thủy Tú: Mỗi tháng ngày 19, cúng vào 21 đến 23 giờ, thắp 5 ngọn đèn, hướng chính Bắc làm lễ. Bài vị bằng giấy vàng, trên đề Trung Ương Mậu Kỳ Thổ Đức Tinh Quân.Lễ vật gồm: Hương, hoa, tiền vàng, trái cây, Mũ vàng; Bài vị màu vàng; 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Hoàng Trung Đại Thánh Thổ Địa, Đại La Thổ Tú Tinh Quân Vị Tiến.Sao La Hầu: Mỗi tháng ngày 18, cúng vào 21 đến 23 giờ, thắp 9 ngọn đèn, hướng chính Bắc làm lễ. Bài vị bằng giấy vàng, trên đề Thiên Cung Thìn Thủ La Hầu Thần Thủ Trung Tinh Quân.Lễ vật gồm: Hương hoa; Tiền vàng, trái cây, Mũ vàng; 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Đại Thánh Bắc Phương Nhâm Thần Thủ La Hầu Tinh Quân Vị Tiến.Sao Kế Đô: Mỗi tháng ngày 18, cúng vào 21 đến 23 giờ, thắp 21 ngọn đèn, hướng chính Tây làm lễ. Bài vị bằng giấy vàng, trên đề Thiên Cung Phân Vĩ Kế Đô Tinh Quân.Lễ vật gồm: Hương hoa, Tiền vàng, trái cây, Mũ màu vàng; 36 đồng tiền.Cách khấn sẽ là: Cung thỉnh Thiên Đình Bảo Vi Cung Đại Thánh Thần Vi Kế Đô Quân Vị Tiến.Lễ cúng nhương sao ở Hội An là một tập tục có tự lâu đời. Trước hết đây là sinh hoạt tín ngưỡng tuy phục vụ cá nhân nhưng lại nằm trong cộng đồng và huy động cộng đồng một cách tự giác, đồng loạt đồng bộ. Từ người giàu đến người nghèo, người có chức vị hay thường dân, ai cũng có bản mệnh thì cũng đều tìm cách giữ bản mệnh cho mình thật tốt. Khi đã có ý thức giữ bản mệnh thì cũng đồng nghĩa với việc duy trì cách sống tốt, góp phần an ninh xã hội. Cùng cộng đồng duy trì trật tự kỷ cương sao cho mọi người biết dựa vào nhau, giúp nhau vươn lên đấu tranh với những trở ngại để duy trì phát triển cuộc sống hài hòa tốt đẹp. Mặt khác, việc cúng nhương sao không chỉ là cách thể hiện bản ngã của con người trước thiên nhiên mà còn bộc lộ niềm khát khao được sống bình an, hòa bình trong lòng nhân ái chung của cả cộng đồng. Nếu bóc lớp tín ngưỡng đi thì thấy rõ tính nhân bản cao cả của người Hội An, đấy là ý thức vươn lên, hy vọng, tin tưởng, không chịu khuất phục đến cả số mệnh, có thể bằng tâm đức của mình để cải tạo số mệnh, mặc dù số mệnh có thể đã được an bài tận trên cao xanh vời vợi. Ngày nay, do công việc bề bộn, do điều kiện sống hiện đại chen lấn các phương tiện truyền thông, do quan niệm và nhận thức từng người nên việc cúng nhương sao giải hạn có biến cải đơn giản hóa nhiều nhưng phần lớn vẫn được duy trì sâu trong ý thức hệ của cộng đồng. Đấy là điều đáng quý, đáng trân trọng. Chính hoạt động này góp phần tạo nên mạch sóng ngầm rộn rã sôi động tới hai ba tháng trời sau Tết Nguyên Đán ở Hội An và là nguồn Văn hóa Phi Vật thể vô cùng quý giá được các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa đánh giá cao.Có thể hoạt động này được du nhập theo các lớp cư dân từ nhiều nơi trong khu vực nhưng trong quá trình chung sống, qua nhiều thế hệ đã có sự hòa trộn thẩm thấu giao hòa, để hôm nay đọng lại lấp lánh như ánh sáng các vì sao rất riêng, rất Hội An, không thể thiếu trong lòng mỗi con người Hội An. Vì thế, đây là tập tục tốt, thấm đượm nhân văn rất đáng trân trọng và cần thiết phải duy trì trong cả hệ thống Văn hóa Phi Vật thể ở Di sản Văn hóa Thế giới Hội An cùng các tập tục khác, đặc biệt trpong đó là tập tục cúng đêm Rằm, Mồng Một hàng tháng đang được thường xuyên thực hiện trong cộng đồng cư dân Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Từ khóa » Cắt Sao Giải Hạn 36 đồng Xu