Lệ Phí Trước Bạ ô Tô Giảm 50%, đón Thời điểm Mua Xe Tốt Nhất

Kích cầu ô tô

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 10/2021 đạt 29.797 xe, tăng 120% so với tháng 9/2021. Trong đó, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước. Với các DN ngoài VAMA thì TC Motor có doanh số bán đạt 8.855 xe, tăng mạnh so với 4.079 xe của tháng 9/2021.

Doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà phục hồi sau thời gian thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Theo các dự báo, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ hơn nữa khi quyết định giảm lệ phí trước bạ được Chính phủ ban hành trong những ngày tới.

{keywords}
Doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà phục hồi.

Năm 2020, trước khó khăn của ngành ô tô do đại dịch Covid gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 28/6 đến hết 31/12/2020. Ngay sau khi được giảm, doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lập tức tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Nhất là những tháng cuối năm, tháng 11/2020 tăng 14,7% so với tháng trước và tháng 12/2020 tăng 25% so với tháng trước.

Các hãng xe được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ nửa cuối năm 2020 là Hyundai, Toyota, Kia, Mazda, Honda, Ford và VinFast. Theo số liệu của VAMA, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp của các DN thành viên 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 67.516 xe, trong khi doanh số từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi so với nửa đầu năm.

Tương tự như vậy là TC Motor (DN ngoài VAMA), 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt doanh số bán 28.014 xe thì 6 tháng cuối năm đạt 53.354 xe, tăng gần gấp đôi so với nửa đầu năm.

VAMA cũng cho biết, các DN đang rất mong chờ quyết định giảm lệ phí trước bạ lần này của Chính phủ kéo dài tới giữa năm 2022. Đây là cơ hội để ô tô sản xuất lắp ráp trong nước bứt phá và thị trường ô tô bước vào giai đoạn sôi động mới.

Hiện ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Nếu được giảm 50% thì số tiền khách hàng nộp lệ phí trước bạ sẽ được giảm một khoản lớn.

Theo tính toán, khi mua những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15-90 triệu đồng. Chẳng hạn, chiếc Toyota Fortuner Legender 2.8 AT 4x4 sản xuất lắp ráp trong nước, có giá bán 1,42 tỷ đồng, bình thường khách hàng mua xe sẽ phải nộp từ 142-170,4 triệu đồng lệ phí trước bạ. Khi lệ phí trước bạ giảm 50%, khách hàng sẽ giảm được khoảng 71-85,2 triệu đồng.

Xe sang sản xuất lắp ráp trong nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trong các thương hiệu xe sang, chỉ có Mercedes Benz Việt Nam sản xuất lắp ráp trong nước. Giá bán xe thấp nhất là 1,39 tỷ đồng và cao lên tới 4,97 tỷ đồng. Nếu mua những mẫu xe này, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 70-298 triệu đồng tùy từng xe.

Chẳng hạn, chiếc Mercedes S450 L Luxury lắp ráp trong nước có giá bán 4,97 tỷ đồng, lệ phí trước bạ bình thường phải nộp từ 497-596 triệu đồng, nếu giảm một nửa sẽ còn 248,5-298 triệu đồng.

{keywords}
Thị trường ô tô bắt đầu sôi động.

Thị trường sôi động

Lệ phí trước bạ giảm đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được coi là “đòn bẩy” kích cầu cho thị trường ô tô Việt Nam. Giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các DN ô tô trong nước do đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Tuy nhiên, việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ tạo ra lợi thế của xe nội với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đứng trước sức ép này, xe nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm giá để cạnh tranh.

Thực tế cho thấy nửa cuối năm 2020, để cạnh tranh với xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu đã tăng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, hỗ trợ khách hàng, nhiều mẫu xe đã giảm giá bán, tặng 50% lệ phí trước bạ... khiến thị trường ô tô rất sôi động.

Về phía khách hàng, giai đoạn 6 tháng tới sẽ là thời điểm tốt để mua xe, với số tiền bỏ ra hiệu quả nhất, dù là mua xe nhập khẩu hay xe lắp ráp trong nước.

Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô còn giúp tăng thu ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy, ban đầu Bộ Tài chính ước tính giảm thu 3.700 tỷ đồng nếu giảm phí vào nửa cuối 2020. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, quyết định này đã giúp thu ngân sách từ ô tô tăng hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng là doanh số bán xe tăng mang lại.

Bộ Tài chính nhận định, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và có tác dụng làm lan tỏa sang các ngành kinh tế khác.

Các DN dự báo, từ cuối năm 2021, thị trường ô tô sẽ bắt đầu sôi động, khu vực sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tăng trưởng cao gấp 1,5 lần trong 6 tháng tới so với hiện tại nhờ được hưởng lợi từ giảm lệ phí trước bạ, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hồi phục.

Trần Thủy

 

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô từ 15/11

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô từ 15/11

Việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản. 

 

Từ khóa » Phí Trước Bạ ô Tô 2020