Lê Thanh Hòa: 'Tôi Vay Tiền để Giữ Cửa Hàng Thời Dịch' - VnExpress

- Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến công việc và doanh thu của anh?

- Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát, tôi có kế hoạch ra mắt bộ sưu tập váy cưới đầu tiên. Bộ ảnh lookbook cũng đã thực hiện xong, đến nay là gần bốn tháng, mùa cưới đã đi qua nhưng vẫn không thể tung ra. Có những khách hàng hỏi mua nhưng không biết hôn lễ khi nào mới tổ chức, nên việc đặt hàng cũng phải chờ hết giãn cách xã hội.

Hồi tháng 3, tôi làm show ra mắt bộ sưu tập Resort ở Phú Quốc, đón đầu mùa du lịch, nghỉ dưỡng hè 2021. Tôi đặt nhiều kỳ vọng bởi các thiết kế mang tính ứng dụng cao, nhưng cũng chưa kịp bán thì dịch đến. Do đó, doanh thu ba tháng qua của ba chi nhánh ở Hà Nội và TP HCM bằng 0.

Tôi được giảm giá thuê mặt bằng từ 30-80%, nhưng số tiền còn lại vẫn lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tôi phải vay tiền người thân để duy trì các cửa hàng. Dù nhân viên nghỉ làm, tôi trợ cấp hàng tháng để họ đỡ vất vả. Nguồn tài chính dự phòng đã cạn, mọi thứ với tôi gần như quay lại vạch xuất phát. Tuy vậy, tôi vẫn cố gồng gánh vì tin mình sẽ vượt qua giai đoạn này.

Show diễn giới thiệu bộ sưu tập Resort 2021 của nhà thiết kế hồi tháng 3. Video: Long Kan team

Show diễn giới thiệu bộ sưu tập Resort 2021 của nhà thiết kế hồi tháng 3. Video: Long Kan team

- Anh làm gì để vượt qua khó khăn về vật chất, tinh thần?

- Tôi từng nghĩ năm nay là cột mốc đặc biệt trong đời, khi dành dụm đủ tiền thực hiện ước mơ mở showroom ở vị trí mình yêu thích tại Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, tôi ở nhà suốt bốn tháng, mỗi sáng mở mắt lại lo lắng về những khoản chi. Tôi tham gia bếp ăn từ thiện của câu lạc bộ Suối mát từ tâm để có việc làm và đỡ nặng đầu. Khi đi trao quà cho những khu trọ có công nhân thất nghiệp, những F0 đang tự cách ly, tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Vì vậy, tôi bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn. Chúng ta còn sức khỏe, tiền bạc mất rồi có thể kiếm lại sau.

Những ngày này, tôi đọc nhiều bộ sách hay về quản trị kinh doanh, quản lý nhân sự, văn hóa... Tôi cũng xem các phim liên quan văn hóa và thời trang, các show diễn kinh điển của quốc tế để học hỏi và đỡ nhớ nghề. Ngoài ra, tôi chăm chỉ tập gym tại nhà và giảm được 8 kg, điều chưa từng làm được trước đây.

Lê Thanh Hòa đi làm tình nguyện viên suốt thời dịch để vơi nỗi lo lắng về kinh tế. Ảnh: nhân vật cung cấp

Lê Thanh Hòa đi làm tình nguyện viên suốt thời dịch để vơi nỗi lo lắng về kinh tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Anh đánh giá làng mốt Việt chịu tác động thế nào trong bốn tháng qua?

- Từ đầu tháng 5, dịch bùng phát cũng là lúc làng mốt đóng băng. Người ta nhắc đến nhu yếu phẩm nhiều hơn là các mặt hàng xa xỉ. Các bộ sưu tập Xuân Hè và show diễn đã biến mất. Thời trang cao cấp - với đặc thù là sản phẩm phải được may theo số đo của từng khách hàng - không thể thực hiện trong thời gian này. Mỗi khi chạy xe ngang con phố sầm uất ngày nào giờ chỉ còn những cửa hàng đóng cửa im lìm, tôi xót xa.

Các người mẫu trẻ không thể bám trụ với nghề, phải tìm công việc khác. Ngoài ra, ngành nghề liên quan như trang điểm, stylist, nhiếp ảnh, tổ chức sự kiện... đều chịu ảnh hưởng nặng vì thất nghiệp đầu tiên và có lẽ được đi làm lại sau cùng.

- Anh dự tính thế nào về các show diễn trong tương lai?

- Dù TP HCM đã nới lỏng giãn cách, các show thông thường sẽ khó thực hiện, vì phải tập trung trên 50 người. Giải pháp mà tôi nghĩ đến là chụp ảnh hay quay video để ra mắt các bộ sưu tập mới. Bên cạnh đó là những buổi tiệc riêng tư với quy mô nhỏ, đảm bảo nguyên tắc phòng dịch dành cho khách VIP. Việc bán các bộ sưu tập cũng sẽ được đẩy mạnh trên nền tảng trực tuyến.

Nhưng nói thật, tôi vẫn nhớ không khí của thảm đỏ hoặc các sàn diễn ngoài trời với đầy đủ âm thanh, ánh sáng và năng lượng của hàng trăm con người hòa quyện. Tôi tin rằng cái đẹp, sự lãng mạn vẫn luôn là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Hiệu ứng công nghệ có tốt đến mấy cũng không thể mang lại cảm xúc như khi ngồi xem thời trang trên đỉnh núi phủ đầy sương hay dưới ánh hoàng hôn trên biển. Thời trang cao cấp không thể được bán với hình thức livestream, rao hàng như một cái máy và chốt đơn được.

Bổ sung video show diễn Another Day Bổ sung video show diễn Another Day

Show diễn "Another day" trị giá 10 tỷ đồng của Lê Thanh Hòa ở Sapa, năm 2019. Video: Long Kan team

- Tư duy thiết kế của anh sẽ thay đổi thế nào để thích ứng thời thế?

- Nhu cầu, xu hướng tiêu dùng trong thời trang chắc chắn thay đổi. Cần chờ thêm một thời gian để nhìn rõ bức tranh toàn cảnh về thị trường. Nhưng theo tôi, mọi người sẽ ưu tiên trang phục tiện dụng, có độ bền cao, mặc được trong nhiều dịp để tránh lãng phí. Những bộ váy giá nghìn USD sẽ khó tiêu thụ. Khi các sự kiện giải trí, thời trang chưa được phép hoạt động trở lại, tôi cũng không thể ra mắt váy dạ hội. Hơn nữa, với tâm lý lo lắng vì dịch, khán giả không còn nhu cầu chưng diện. Bằng chứng là dù tôi đã bán online lại, rất ít người hỏi thăm, tương tác trên fanpage.

Hiện, tôi chuẩn bị cho bộ sưu tập Thu Đông 2021. Để an toàn, đó sẽ là đồ công sở. Nhưng tôi cũng trăn trở giữa sáng tạo nghệ thuật và giữ sự sống còn của thương hiệu. Trước đây, mỗi năm, tôi đều thực hiện vài bộ sưu tập tinh thần Haute Couture để thỏa đam mê, dù biết không bán được. Nhưng trong tình hình này, làm gì cũng phải tính toán kỹ giữa yếu tố nghệ thuật, chuyên môn và nhu cầu khách hàng. Tôi sợ "cơm áo không đùa với khách thơ".

Vân An

  • Show 10 tỷ đồng của Lê Thanh Hòa ở Sapa
  • Làng mốt Việt nỗ lực sống chung với dịch

Từ khóa » đầm Thiết Kế Lê Thanh Hoà