Lê Thành Nhơn: Một Nghệ Sĩ Lớn - Tienve
Có thể bạn quan tâm
|
Hoàng Ngọc-Tuấn | Lê Thành Nhơn: một nghệ sĩ lớn |
Lời người viết: Bài này được viết vào ngày 9 tháng 1 năm 2000, nhân cuộc triển lãm hội hoạ Lê Thành Nhơn mệnh danh "Giao Hưởng của Âm và Sắc", tại Turbine Gallery, Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney. Suốt hơn hai mươi lăm năm qua, trong số bằng hữu nghệ sĩ người Việt, tôi chưa từng gặp ai đem đến cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ về sức sáng tạo như Lê Thành Nhơn. Từ những ngày đầu tiên biết anh ở Đại Học Duyên Hải Nha Trang vào năm 1973, cho đến lần tôi xuống Melbourne thăm xưởng vẽ của anh cuối năm ngoái, mỗi lần gặp anh là một lần tôi nhận thấy anh như một đại thụ nẩy thêm những nhánh mới rất tinh khôi và cường tráng, sản sinh thêm nhiều hoa trái làm tôi choáng váng và sung sướng. Năm ngoái, ghé thăm xưởng vẽ của anh, vừa bước vào, tôi đã thấy ngợp cả người. Xưởng vẽ của anh tràn ngập tác phẩm mới. Chữ "mới" tôi dùng ở đây không có nghĩa đơn giản để nói về những tác phẩm mới được hoàn thành, mà để nói về những tác phẩm đạt đến cái mới về mỹ học. Lê Thành Nhơn luôn luôn mới như thế. Mỗi một bức tượng anh hoàn thành, một loạt tranh anh đưa ra, là một bằng chứng rõ ràng về thái độ tiếp cận mới đối với kỹ thuật thể hiện, và về sự vượt thắng cảm thức mỹ học sẵn có của bản thân. Anh thường nói: "Như một con người, tôi yêu thương kỷ niệm. Nhưng như một nghệ sĩ, tôi không nhìn lại những gì đã làm xong ngày hôm qua." Thực thế, như một nghệ sĩ, anh chỉ phóng mình về phía trước. Tôi thấy rõ điều này khi nhìn vào chiếc thùng rác khổng lồ đựng chất sơn dầu cạo ra từ những bức tranh không vừa ý của anh. Ngay cả ở tuổi 60, anh vẫn là một nghệ sĩ rất dã man đối với chính mình: anh có thể cạo bỏ hẳn một bức tranh sau nhiều tháng miệt mài làm việc. Có lần tôi nghe anh kể bằng một giọng hết sức thản nhiên, với lối diễn ngôn hết sức 'Lê Thành Nhơn': "Ông biết không, làm art là sẵn sàng đổ máu. Chứ giỡn sao? Work, work, work, work mãi. Như đánh giặc. Như điên. Mà thấy không tới, là cạo liền. Không hề thương tiếc gì cả. Tôi bỏ ra 3 tháng trời, làm việc ngày đêm cho một bức tranh. Đi mỗi đường sketch là mỗi lần thấy... 'đã'... Anatomie. Cuồn cuộn. Cuồn cuộn. Rồi lên màu. Từng mảng, từng mảng dày cộm. Đói. Mệt. Nhức xương. Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Như điên. Khi màu lên tới mức, là xong. Tôi để đó, đóng cửa xưởng, đi nhậu để tự thưởng. 'Đã' lắm... Tôi chơi lòng vòng vài ngày cho giãn gân, rồi quay lại xưởng để xem lại ra sao. Ông biết không, vừa mở cửa bước vô là tôi chới với liền. Trên bức tranh của tôi, linh hồn Michelangelo chui ra, nhe răng cười. Toàn là ám ảnh Michelangelo. Chỗ cuồn cuộn này là hồn ông ấy. Chỗ cuồn cuộn kia là bắp thịt ông ấy. Michelangelo. Michelangelo. Suốt 3 tháng trời quá 'đã' như thế, mà Michelangelo chui lổn ngổn vào hồi nào không biết. Thế là tôi đè cổ ra mà cạo. Cạo sạch trơn. Rồi phết trắng lên như mới. Rồi làm lại. Vậy đó. Rồi lại 3 tháng nữa. Work, work, work. Như điên. Rồi Picasso, Klee, Miro... thò ngón tay ra chỗ này, thò ngón chân ra chỗ nọ... Lại chới với. Lại cạo. Lại tô trắng. Lại 3 tháng nữa..." Quả vậy, có những bức tranh Lê Thành Nhơn vẽ 9 tháng mới xong, với không biết bao nhiêu sơn dầu cạo bỏ. Anh đi tìm tiếng nói của chính mình. "Nói qua giọng người khác, dù có hay cách mấy, cũng vô ích", anh tuyên bố như thế. Bức Tứ Đại, gồm 4 phần: Đất, Nước, Gió, Lửa (bằng sơn dầu, cao 2 mét, dài 24 mét) anh thực hiện từ năm 1994 đến đầu năm 1999 mới hoàn tất. Đó là một công trình to lớn làm người xem ngộp thở. Lặng lẽ và cẩn thận quan sát từng chi tiết trong tác phẩm đồ sộ này, người xem mới có thể cảm thấu được ý nghĩa của chữ "kỳ công". Nhưng không phải lúc nào Lê Thành Nhơn cũng đối xử dã man với chính mình như vậy. Có những lúc anh được hưởng cái ân huệ lạ lùng để chỉ trong vài ngày đã kết thúc một tác phẩm hoàn mỹ. Ân huệ đó đem đến cho anh những bức tranh khổ vừa (mỗi bề từ 1 mét đến 1 mét rưỡi). Anh liên tục hưởng những ân huệ như vậy suốt trong thời gian làm một công trình đồ sộ. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy bao giờ bên cạnh một tác phẩm đại quy mô, anh cũng có một loạt tác phẩm khổ vừa vô cùng đặc sắc. Tôi luôn luôn thấy trong xưởng vẽ của anh có một vài bức sắp hoàn thành. Anh giải thích, khôi hài một cách tự nhiên: "Tôi không bao giờ thực sự nghỉ tay trong giờ làm việc. Nghỉ tay ở bức này nghĩa là quay sang bức khác. Có những bức đã chín tới, chỉ cần đưa thêm một nhát cuối cùng là xong. Nhưng tôi nghỉ tay, vì nhát cuối cùng là nhát quyết định. Hỏng một chút là vào sọt rác ngay. Tôi cứ để đó cho nó chín hết mức. Tôi quay sang làm việc trên những bức khác. Một lúc nào đó, tôi trở lại với nó. Đưa một nhát. Xong. Nếu không, thì... treo cổ lên." Lê Thành Nhơn là một nghệ sĩ thực sự lớn. Có tác phẩm triển lãm nhiều nơi trên thế giới chưa phải đã lớn. Anh đã triển lãm như thế quá nhiều. Lớn, khi chúng ta nhìn vào những thành tựu của anh, những thành tựu nhất định sẽ được bảo tồn rất dài lâu và gắn liền với lịch sử: tượng đồng chân dung Phan Bội Châu (nặng 10 tấn, cao 4 mét rưỡi, ngang 6 mét, sâu 5 mét), hoàn thành năm 1969, hiện đang toạ lạc tại Bến Ngự, đã được UNESCO đưa vào danh sách World Cultural Heritage (Di Sản Văn Hoá Thế Giới); tượng Thích Ca (cao 4 mét rưỡi), hiện đang toạ lạc trong khuôn viên Phật Học Viện Huệ Nghiêm; tượng đồng Joy (cao 2 mét rưỡi) trong khuôn viên Viện Đại Học Monash; tượng đồng Phillip Laws ở Viện Bảo Tàng Antartica; tượng đồng Đức Phật ở Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia Úc, Canberra, v.v... Quả là lớn. Tuy nhiên, tôi còn muốn nghĩ đến chữ "lớn" trong vài ý nghĩa khác. Lớn, trước hết là ở quy mô của những công trình. Từ những ngày đầu gặp anh ở Đại Học Duyên Hải Nha Trang, tôi đã trực tiếp thấy điều này. Năm 1973, khi trường vừa được chuyển giao một ngọn đồi bát ngát ở Rù Rì để thành lập thêm một campus mới, anh đã đưa ra ngay ý tưởng xây dựng một chiếc cổng đồ sộ với hình tượng đôi bàn chân Giao Chỉ khổng lồ. Rồi anh đưa ra kế hoạch trồng một hàng phượng trải dài suốt cả ngọn đồi. Rủi thay, dự án đôi bàn chân Giao Chỉ chưa hoàn thành thì đất nước đã tan hoang. Anh cùng gia đình tỵ nạn sang Úc. Tôi ở lại với những ngày tháng lang thang và tù ngục. Năm 1983, khi vừa ở trại cải tạo A.30 về, tôi đi ngang qua ngọn đồi ấy. Mười năm đã qua, một hàng phượng vững vàng vươn lên và đỏ rực hoa trên ngọn đồi bỏ hoang làm tôi rơi nước mắt. Vâng. Lớn, trước hết là ở quy mô của những công trình. Anh không ngừng nhắm đến những công trình đồ sộ. Tượng đồ sộ, tranh đồ sộ, hết công trình này đến công trình khác, cứ thế. Từ những ngày đầu anh đặt chân lên đất Úc vào năm 1975, với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, anh đã thực hiện ngay những công trình đồ sộ. Lúc ấy, vừa quần quật với áo cơm như một người thợ sơn xe hơi, anh đã hoàn thành ngay trong năm 1975 một bức tranh sơn dầu dài 7 mét có nhan đề Nước Tôi, Dân Tôi. Gần đây nhất, cuối năm 1999, anh đi Monaco 3 tháng, và ở đó anh đã hoàn thành tác phẩm hoàng tráng Bài ca của Đá và Ô-liu, một bố cục dài 130 mét, kết hợp 4 ngàn tấn đá và những rễ cây ô-liu già hơn 300 năm. Lớn, kế đến là ở chủ đề tư tưởng. Về con người, anh xây dựng tác phẩm từ hình tượng của Đức Phật, Mẹ Maria, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mẹ Việt Nam, Phan Bội Châu... Về sự vật, anh để tư duy sáng tạo chụp bắt hình ảnh của vũ trụ, của đất, nước, gió, lửa, bầu trời... Về vấn đề của đời sống, anh tập trung vào sinh, lão, bệnh, tử, dân tộc, nhân quyền, tự do, hoà bình... Lớn, kế đến là số lượng tác phẩm. Tôi chưa hỏi anh tổng cộng bao nhiêu tác phẩm anh đã hoàn thành, nhưng trong suốt mười lăm năm tới lui với anh ở Úc, tôi luôn luôn bị choáng ngợp vì số lượng ngồn ngộn của những tác phẩm mới. Hàng dãy, hàng loạt, từ tượng đồng, tượng thạch cao, tượng đá, tượng kim loại, đến tranh sơn dầu, tranh màu nước, tranh chì than, tranh lụa, đến đồ gốm, thiết kế kiến trúc... Tôi hỏi anh tại sao anh luôn nghĩ đến những đề tài lớn, kích thước lớn. Anh đáp rằng anh không thể nghĩ khác, vì anh bị ám ảnh bởi tầm lan xa của chiếc trống đồng, bởi chiều dài của dãy Trường Sơn, bởi dòng nước vĩ đại của Cửu Long Giang, và bởi những kiến trúc uy nghi của những tháp Chàm rải dọc suốt miền Trung vào miền Nam, nơi anh ra đời và lớn lên. Anh là một nghệ sĩ lớn. Hẳn ai cũng công nhận như thế. Nhưng theo tôi, cái lớn nhất của anh vẫn không phải ở những công trình quy mô lớn có giá trị lịch sử, ở đề tài lớn, hay ở số lượng tác phẩm lớn. Cái lớn nhất của anh ở ý chí sáng tạo. Chính cái lớn này làm sinh ra tất cả những cái lớn kia. Thực vậy, không một thử thách nào của đời sống khuất phục nổi ý chí ấy. Dù khi anh đang làm một giáo sư bận rộn ở Việt Nam (Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, Đại Học Duyên Hải Nha Trang) hay ở Úc (Học Viện Kỹ Thuật Hoàng Gia Melbourne), hay khi anh đang làm một người thợ sơn xe với đồng lương nhỏ bé ở hãng Ford để nuôi bốn đứa con, hay anh đang làm một người bán vé xe tram chịu đựng những lời chửi rủa và những quả đấm của bọn kỳ thị chủng tộc khiến anh đổ máu và ngã gục trên mặt đường Melbourne, anh vẫn không hề đưa ra một lý do nào để tự cho phép mình tạm ngưng sáng tạo. Thậm chí, trong những thời gian khó khăn chật vật nhất, anh vẫn thong thả và rộng lượng hiến tặng nhiều tác phẩm mang mồ hôi, máu và nước mắt của mình để gây quỹ cho những công cuộc cứu người vượt biển, cứu nạn lụt, cứu thảm nạn Kosovo, xây cất chùa chiền và trường học. Rồi anh tiếp tục sáng tạo. Khắc khe với chính ý tưởng mình, dã man với chính thể xác mình, kiên nhẫn cùng cực, chịu đựng cùng cực để thai nghén và sản sinh những tác phẩm đầy sáng tạo, không ngừng. Lê Thành Nhơn là một nghệ sĩ lớn. Thực sự lớn. Một độ lớn khác thường của sức sống, của niềm yêu thương và của sự bền bĩ. Một độ lớn không ngừng làm nẩy sinh nhiều hoa trái khiến chúng ta choáng váng và sung sướng. Sydney, 9/01/2000 |
Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021
Từ khóa » Một Nghệ Sĩ Lớn
-
Chứng Minh: Nguyễn Du - Một Trái Tim Lớn, Một Nghệ Sĩ Lớn
-
Nguyễn Du được Xem Là "một Trái Tim Lớn, Một Nghệ Sĩ ... - TailieuXANH
-
Nguyễn Du được Xem Là “một Trái Tim Lớn, Một Nghệ Sĩ Lớn”. Em Hãy ...
-
Nguyễn Du được Xem Là Một Trái Tim Lớn Một Nghệ Sĩ Lớn - 123doc
-
Nguyễn Du Một Trái Tim Lớn, Một Nghệ Sĩ Lớn / Hoài Thanh
-
Phi Phụng: Một Số Nghệ Sĩ Trẻ Thiếu Tôn Trọng Người Lớn, Mắc Bệnh ...
-
Sau Triệu Vy, Một Nghệ Sĩ Lớn Bị Phong Sát, Giới Nghệ Sĩ Nín Thở Chờ ...
-
Nhạc Sĩ Hồng Đăng - Một Nghệ Sĩ Lớn Với Dấu ấn đặc Biệt Trong Nền ...
-
Văn 9 - Một Trái Tim Lớn , Một Nghệ Sĩ Lớn - HOCMAI Forum
-
Nói đến Nguyễn Du Là Nói đến Một Nghệ Sĩ Lớn... Nguyễn Du đã Tái ...
-
Nguyễn Tuân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Văn Nghệ Sĩ Và Trách Nhiệm Lớn Lao Với Cuộc Sống
-
Xuân Diệu- Một Nghệ Sĩ Lớn,... - Chuyện Gia Đình Hanh Phúc