Lệ Thu: Xin Còn Gọi Tên Nhau - Tuổi Trẻ Online

Lệ Thu: Xin còn gọi tên nhau - Ảnh 1.

Lệ Thu trong một live show tại Việt Nam năm 2016 - Ảnh: GIA TIẾN

Còn nuôi chút êm vui ngày đầu/ Cho mình mãi gọi thầm tên nhau...!

Bài hát Xin còn gọi tên nhau và nhiều bài ca khác qua giọng ca Lệ Thu vang lên ở nhiều nơi trong ngày 16-1, khi công chúng hâm mộ tưởng niệm Lệ Thu qua việc mở lại các ca khúc bà hát...

Riêng tôi, tôi từng bị hớp hồn bởi ca khúc này, ca khúc Mai chị về (thơ Nguyễn Đình Tiên, một thời gian dài bị lầm là của Quang Dũng, nhạc Cung Tiến): Quê chị về xa tít dặm xa/ Rừng thu chiều xao xác canh gà/ Sương buông khắp lối đường muôn ngả/ Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua...

Lời thơ buồn hơn cả cuộc đời của người con gái lấy chồng xa xứ, nhưng chính người hát đã truyền thẳng tới trái tim người nghe nỗi buồn sâu thẳm ấy. Người hát đó là Lệ Thu - một trong ba giọng ca nữ (theo tôi là Khánh Ly và Thái Thanh) "lừng lẫy" của đất Sài Gòn trong hai thập niên 1960 và 1970.

Theo nguồn tin thân cận với gia đình, hồi 19h ngày 15-1-2021 (10h ngày 16-1-2021 giờ Việt Nam), nữ ca sĩ Lệ Thu đã qua đời vì COVID-19 tại bệnh viện ở Orange County, Mỹ, sau một thời gian điều trị.

Nữ ca sĩ Lệ Thu, sinh năm 1943, tại Hải Phòng. Chị tên thật là Bùi Thị Oanh, do hoàn cảnh riêng éo le, chị theo mẹ vào Nam năm 1953. Năm 1959, khi đang là học sinh, chị "hát chơi" trên sân khấu phòng trà Bồng Lai, Sài Gòn, sau đó ký hợp đồng hát tại phòng trà này song vẫn đi học.

Khi ký hợp đồng, phòng trà hỏi nghệ danh, chị bật thốt Lệ Thu. Sau này, chị kể lại rằng cái tên ấy "không biết từ đâu bật ra" và chị chọn nghệ danh là để "giấu gia đình".

Có lẽ cái tên "Lệ Thu" đã vận vào cuộc đời ca hát của chị. Dù hát khá nhiều ca khúc nhưng Lệ Thu gần như chỉ được người nghe yêu thích những ca khúc buồn hay rất buồn. Nhạc Việt hay thường buồn nhưng để truyền được cái buồn ấy từ ca khúc trên giấy đến trái tim người nghe là một chặng đường dài. Lệ Thu đã làm được điều đó.

Cứ nghe khúc đầu của Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi - nhạc Phạm Duy) qua giọng ca Lệ Thu, chúng ta sẽ cảm nhận ngay điều đó: Chiều nay sương khói lên khơi/ Thùy dương rũ bến tơi bời/ Làn mây hồng xa ráng trời/ Sóng Ðà Giang, thuyền qua xứ người/ Thuyền ơi viễn xứ xa xôi/ Một lần qua giạt bến lau thưa/ Hò ơi giọng hát thiên thu/ Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về...

Lệ Thu: Xin còn gọi tên nhau - Ảnh 2.

Hai danh ca Lệ Thu và Khánh Ly gắn bó, thân thiết nhau như hai chị em. Ca sĩ Khánh Ly đã liên tục gọi "Thu ơi" khi nghe tin Lệ Thu qua đời - Ảnh: GIA TIẾN

Sau một thời gian đi hát ở phòng trà, chị nghỉ học và bước hẳn vào làng ca hát.

Lệ Thu thực sự nổi tiếng từ giữa thập niên 1960 và trở thành một trong vài ngôi sao ca nhạc rực sáng của thập niên 1960 - 1970. Lệ Thu đã từng là giọng ca không thể thiếu của nhiều phòng trà, vũ trường ở Sài Gòn như Queen Bee, Jo Marcel, Tự Do, Ritz...

Với giọng ca nữ trung trầm ấm rất đặc trưng, nữ danh ca Lệ Thu từng hớp hồn nhiều lớp người yêu âm nhạc ở Việt Nam. Chị thành công với khá nhiều ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn...

Sau năm 1975, chị cũng rất thành công với ca khúc Hà Nội niềm tin và hi vọng của Phan Nhân. Những ca khúc Lệ Thu từng trình bày như Thuyền viễn xứ, Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh), Chiều tím (Đan Thọ - Đinh Hùng), Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển)... đều là những ca khúc buồn có thể coi là những tác phẩm sống mãi trong lòng người yêu nhạc qua giọng ca của chị.

Giữa năm 1980, chị định cư tại Nam California, Mỹ, Lệ Thu vẫn tiếp tục hoạt động ca hát trong các chương trình của người Việt. Chị lập gia đình hai lần và có ba người con gái.

Lệ Thu đã thu âm 24 album riêng và 8 album chung với các ca sĩ khác. Đây là số lượng tác phẩm để lại không nhỏ với một giọng ca.

Lệ Thu là người dễ mến, thân tình, dễ gần gũi và không bao giờ coi mình là ngôi sao dù chị thật sự là ngôi sao sáng trong làng ca hát.

Sao rơi đáy nước vương chân ngựa

Buồn dâng đôi mi, hàng lại hàng.

(Mai chị về)

Chị đã vĩnh viễn đi xa để lại cho người yêu nhạc nỗi buồn tiếc thương...

Giọng ca vàng ròng

Giọng của Lệ Thu là giọng nữ trung trầm (mezzo-alto), có một chút khào, lạnh và đanh. Bà hát vang và hào sảng tuyệt vời. Ngày xưa, giới nghệ sĩ đặt biệt danh "giọng ca vàng mười, giọng ca vàng ròng" vì quá rõ ràng, giọng hát đẹp như vàng nguyên chất.

Giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ thán phục vì ít ai trên 70 tuổi mà vẫn còn hát cực kỳ tốt và khỏe như Lệ Thu. Sự trường sức trong giọng hát là do cơ địa và khả năng giữ giọng của ca sĩ. Riêng với Lệ Thu, bà rất nghị lực và chuyên nghiệp trong giữ giọng.

Ca sĩ Quang Thành kể bà tập thể dục rất chăm chỉ và đều đặn để giữ sức khỏe, giữ được trí tuệ minh mẫn khi xử lý bài hát. Trong một chia sẻ vào năm 2011, danh ca Lệ Thu hoài niệm con đường nghệ thuật: "Tôi rất tin vào định mệnh. Ca hát là cái nghiệp, bởi vì nghề thì đâu có lâu như vậy".

Ca sĩ Quang Thành cho biết hiện tại tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ đang rất căng thẳng, các nhà tang lễ đang quá tải nên việc an táng cho danh ca Lệ Thu sẽ phải trì hoãn trong khoảng thời gian vài tuần. (MI LY)

Lệ Thu: Tiếng hát vàng ròng cho đến cuối đời Lệ Thu: Tiếng hát vàng ròng cho đến cuối đời

TTO - Danh xưng 'Tiếng hát vàng ròng', 'tiếng hát vàng mười' được giới nghệ sĩ trân trọng đặt cho danh ca Lệ Thu vì bà có giọng ca tuyệt đẹp như vàng, gắn với những ca khúc buồn và mỹ lệ về mùa thu.

Từ khóa » Xin Còn Gọi Tên Nhau Lệ Thu Trước 1975