Lêkima: Loài Hoa Gắn Liền Với Người Nữ Anh Hùng Võ Thị Sáu

Câu chuyện về hoa lêkima có lẽ là ví dụ tiêu biểu cho mô típ “một phút huy hoàng” sau mấy trăm năm tồn tại “le lói.” Có thể nói màn xuất hiện ngắn ngủi trong câu chuyện về người nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu đã giúp hoa lêkima trở thành ngôi sao bất đắc dĩ trong kho tàng văn nghệ cách mạng của Việt Nam.

Hồi tiểu học, tôi được chọn vào đội tuyển của trường để tham gia một cuộc thi đố vui cấp quận. Ở mỗi vòng thi, các đội sẽ ghi điểm bằng cách trả lời loạt câu hỏi về kiến thức tổng hợp dành cho học sinh cấp I. Giáo viên phụ trách đã làm một chồng phiếu học tập cho năm đứa chúng tôi học gạo những thông tin thường thức như: phloem và xylem là gì, vận động viên Việt Nam nào giành được huy chương vàng SEA Games đầu tiên, hệ mặt trời có bao nhiêu hành tinh, v.v. Đó là những ngày êm đẹp khi mà Sao Diêm Vương còn chưa bị các nhà thiên văn học "giáng cấp."

Loài hoa gắn liền với hình ảnh chị Võ Thị Sáu

Nhờ cuộc thi hóc búa này mà tôi biết đến hoa lêkima, một hình ảnh rất thơ trong câu chuyện về liệt sĩ Võ Thị Sáu, người chiến sĩ anh hùng trong cuộc cách mạng chống Pháp đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chị Sáu đã tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, làm du kích trong nhiều cuộc mưu sát nhắm vào sĩ quan Pháp và người Việt phục vụ cho chính quyền thực dân.

Trong một trận tập kích, lựu đạn của chị không phát nổ và chị đã bị bắt. Khi chị Sáu tròn 18 tuổi, quân Pháp đã đưa chị ra Côn Đảo để xử bắn. Người con gốc Bà Rịa-Vũng Tàu sau đó đã trở thành một biểu tượng bất tử của sự hi sinh quên mình vì cách mạng, của tuổi trẻ hết lòng cống hiến và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trước nòng súng của quân thù.

Dù ra đi rất sớm, nhưng tên tuổi Võ Thị Sáu vẫn sống mãi. Cho đến nay, chị vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ viết nên những câu chữ và lời ca đẹp đẽ và hào hùng. Trong nhiều tác phẩm, hình ảnh người nữ anh hùng được khắc họa ở ranh giới giữa huyền thoại và thực tế. Tựu chung, từ một nữ du kích trẻ tuổi, hình ảnh của chị đã được nâng tầm thành một hình tượng thiêng liêng trong lòng dân chúng. Và có lẽ đền thờ chị Sáu tại Côn Đảo là một minh chứng rõ cho niềm tin ấy.

Hằng năm, người dân từ mọi miền đất nước thường hành hương đến mộ chị để nguyện cầu hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên, bài viết này không phải là để làm rõ các tình tiết thực hư trong câu chuyện cuộc đời chị Sáu, mà là để bàn về loài hoa gắn liền với hình ảnh của chị.

Khi bị áp giải từ nhà ngục đến trường bắn, chị đã dừng lại bên một cây lêkima đang ra hoa, đưa tay ngắt một nhành hoa tươi và cài lên mái tóc.

Trong câu chuyện về chị Sáu được kể lại nhiều nhất, khi bị áp giải từ nhà ngục đến trường bắn, chị đã dừng lại bên một cây lêkima đang ra hoa, đưa tay ngắt một nhành hoa tươi và cài lên mái tóc. Hành động giản đơn ấy lại mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc: trải qua bao tháng ngày bị giam cầm trong điều kiện hà khắc, chị Sáu vẫn giữ được một tâm hồn biết rung động trước vẻ đẹp bình dị của quê hương trong nhành hoa đang nở. Khả năng cảm thụ vẻ đẹp ấy chẳng phải là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và hoang thú hay sao?

Trước khi ôn bài cho cuộc thi cấp quận năm nào, tôi chưa từng được thấy hoặc nghe về loài hoa lêkima, nhưng sau khi đọc câu chuyện này, tôi tin rằng loài hoa ấy hẳn rất đẹp. Vì dù gì, cũng đã có người yêu thích hoa lêkima đến mức cài nó lên tóc trong những giây phút cuối đời của mình.

Có thể bạn chưa biết:

Thịt quả lêkima có màu vàng tươi, có vị bùi bùi giống lòng đỏ trứng gà luộc kỹ và nêm thêm đường.

Loại quả lạ kỳ đến từ Nam Mỹ xa xôi

Dù chưa nhìn thấy hoa lêkima nhưng tôi đã được ăn trái lêkima: quả tròn trĩnh, vỏ màu vàng, nhọn nhọn ở một đầu trông giống trái xoài. Thịt quả lêkima không những có màu vàng tươi, mà còn có vị bột bột bùi bùi giống lòng đỏ trứng gà luộc kỹ và nêm thêm đường. Có lẽ vì thế mà quả này còn được gọi là quả trứng gà. Lêkima ít khi được bán ở chợ vì không đắt hàng như xoài hay chôm chôm, một phần là vì ít ai biết cách ăn loại quả này.

Tuy sự góp mặt trong câu chuyện về Võ Thị Sáu đã giúp lêkima được người Việt yêu thích, nhưng "những quả trứng gà mọc trên cây" này không phải là thực vật bản địa của Việt Nam hay châu Á. Tên gọi lạ lẫm của cây cũng phần nào nói lên điều đó. Lêkima (tên khoa học là Pouteria lucuma) có nguồn gốc từ dãy núi Andes ở Nam Mỹ, cụ thể hơn là phía tây Chile và Peru, và được gọi là lúcuma, bắt nguồn từ cụm từ lluku uma trong tiếng Quechua có nghĩa là “đầu ông già.”

Cây lêkima lần đầu được khoa học ghi nhận vào năm 1531, qua các ghi chép của người châu Âu sinh sống tại Ecuador. Tuy nhiên, các cư dân địa phương đã trồng loại cây này từ thời cổ đại, và hình ảnh cây lêkima đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy trên đồ gốm sứ tại khu chôn cất của các cộng đồng thổ dân ở Peru.

Trong những thế kỷ sau đó, lúcuma dần dần Bắc tiến đến các nước Trung Mỹ như Costa Rica và Guatemala theo chân những người tha hương trở về quê nhà. Loại quả này cập bếp Hoa Kỳ vào năm 1915, nhưng không ai biết chắc chắn lêkima đã đến châu Á khi nào và bằng cách nào. Nhiều người cho rằng thức quả này đã được mang lên những chuyến hải trình của Columbus. Ngày nay, lêkima không chỉ được tìm thấy ở Việt Nam, mà còn ở Thái Lan, nơi loại quả này được gọi là dien taw.

Lêkima và sự nổi tiếng bất đắc dĩ

Chị Sáu hy sinh vào năm 1952, nhưng phải đến ba năm sau, hoa lêkima mới bước vào câu chuyện về người nữ anh hùng. Năm 1955, nhà thơ và cựu chiến binh Phùng Quán đã viết tiểu thuyết Vượt Côn Đảo và trường ca Tiếng Hát Trên Địa Ngục Côn Đảo.

Bản trường ca đã sử thi hóa câu chuyện về những ngày cuối cùng của Võ Thị Sáu trên Côn Đảo với những chi tiết như: Chị hát vang lời ca cách mạng trong nhà ngục, nhớ lại tuổi thơ dữ dội của mình trong lực lượng kháng chiến, và cài nhành hoa lêkima lên tóc. Bài thơ được đông đảo độc giả đón nhận và giành được các giải thưởng văn học quốc gia. Vần thơ hùng hồn của Phùng Quán về người chiến sĩ từ chối bịt mắt khi bị hành quyết đã khắc sâu vào trái tim người đương thời, khiến họ nhớ mãi về người con gái kiên cường đã ra đi ở tuổi trăng tròn, trên mái tóc xanh của nàng có cài nhành hoa lêkima của miền Đất Đỏ quê hương.

*Huyện Đất Đỏ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là quê hương của chị Võ Thị Sáu.

‘Biết Ơn Chị Võ Thị Sáu’ là một trong những bài hát nổi tiếng mà thế hệ chúng tôi thuộc lòng cả lời ca lẫn giai điệu dù chẳng nhớ tên bài hát hay biết người sáng tác là ai. Những câu hát dễ thuộc dễ hát ấy sẽ lưu lại trong “bộ nhớ” của chúng tôi mãi mãi về sau, và hình ảnh mùa hoa lêkima nở cũng thế. Bài hát khá hay nhưng tôi không khỏi cảm thấy buồn cười khi biết được sự thật về mối liên hệ giữa chị Sáu và loài hoa này: Rất có thể chị chưa hề chạm tay vào nhành hoa chứ đừng nói là cài nó trên tóc, bởi vì chi tiết đó chỉ là thủ pháp nghệ thuật của nhà thơ Phùng Quán.

‘Biết Ơn Chị Võ Thị Sáu’ là một trong những bài hát nổi tiếng mà thế hệ chúng tôi thuộc lòng cả lời ca lẫn giai điệu dù chẳng nhớ tên bài hát hay biết người sáng tác là ai.

Trong tập tạp văn Chuyện Đời Vớ Vẩn, nhà văn Nguyễn Quang Lập có kể lại khoảng thời gian ông đến thăm Hà Nội và ở chung phòng với nhà thơ Phùng Quán. Khi đó ông được nghe vô số câu chuyện thú vị của nhà thơ, bao gồm cả quá trình sáng tác bản trường ca về Võ Thị Sáu:

“Anh [Phùng Quán] đâu biết lêkima là cây gì, nghe cái tên đẹp thì tưởng hoa của nó chắc đẹp lắm. Sau này mới biết lêkima thực ra là cây quả trứng gà, hoa đã xấu lại đầy nhựa, 'ngắt một nhành hoa cài mái tóc' có mà dở hơi. Anh Quán cười khà khà, nói sau này hễ viết về chị Võ Thị Sáu thì người ta lại bê nguyên chi tiết này vào.”

Nếu chỉ đánh giá các loại trái cây qua ngoại hình và hương vị thì có lẽ nhiều người sẽ chấm cho quả lêkima điểm trung bình, và nhận định rằng thức quả này nổi tiếng là nhờ một phút ngẫu hứng trong thi ca mà thôi. Nhưng điều đó có quan trọng không nhỉ? Lêkima vẫn cho ta món sinh tố dễ ăn, truyền cảm hứng sáng tác nên một bài hát bất hủ, và với nhiều người, đó là lời nhắc nhở thân thương về những ngày thơ bé hồn nhiên vui chơi quanh gốc cây lêkima trong sân nhà.

Từ khóa » Hoa Ki Lê Ma