“Lên Ruột” Với Gờ Giảm Tốc Bằng Bê-tông! - PLO

Chúng được xây um lên thành hình cầu, bề dày hơn một tấc. Nhiều gờ bê-tông dỏm bị vỡ làm nham nhở mặt đường.

Chẳng là lâu nay bà con nặng đầu tìm cách đối phó với nạn cướp giật và phóng xe của một số thanh niên mới lớn, cuối cùng thì nghĩ ra kế này. Với những gờ giảm tốc quá khổ, kẻ cướp có phần nhụt chí vì giật đồ xong rồi chạy cà giựt thì khả năng bị tóm là rất cao. Đường sá gồ ghề cũng làm mấy anh thanh niên mất hứng rồ ga. Ngặt nỗi, việc đi lại cũng như sinh hoạt bình thường của bà con cũng bị ảnh hưởng. Nhiều cặp vợ chồng hết muốn đẩy xe đưa con đi hóng mát khi hở chút lại vấp gờ bê-tông. Đường tối, người đi bộ và cả người đi xe chưa quen đường rất dễ vấp ngã. Với những loại xe tay ga có gầm thấp, nếu điều khiển không khéo thì gầm xe sẽ va đập vào cục bê-tông. Không hiếm người lái xe đã lạng quạng, thiếu điều muốn té nhào xuống đường.

Theo tôi được biết, việc xây gờ giảm tốc nhằm mục đích cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi tiến vào khu vực nguy hiểm. Tuy không thống nhất nhưng chắc chắn là gờ giảm tốc phải được vạch bằng sơn và chỉ gồ lên một chút so với mặt đường. Một cán bộ cầu đường bảo cho tôi biết vạch sơn gờ giảm tốc thường rộng chừng 20 cm, cao 6 mm. Hồi tháng 10-2008, khi ban hành Quyết định 3915 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường Tây Bắc Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu thiết kế gờ giảm tốc bằng công nghệ sơn nóng, dày 6 mm.

Cách dùng bê-tông đắp cao cả tấc ở khu vực tôi vừa làm xấu mặt đường, gây nguy hiểm, cản trở giao thông mà lại còn phạm luật. Vì theo Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2001 đang có hiệu lực thi hành, các hành vi gây cản trở giao thông là hành vi bị nghiêm cấm.

Gia Nghi (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gờ Giảm Tốc Bằng Bê Tông