Lịch Sử Các Vua Hùng Và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Mỗi dân tộc hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và mang sắc thái khác nhau nhưng dân tộc nào cũng có nhu cầu tâm linh là giải thích quá khứ hình thành, tồn tại của mình. Các dân tộc đều có ý thức lựa chọn cho mình những biểu trưng, thí dụ người Pháp chọn con gà trống, người Mỹ chọn chim ưng, người An Ba Ni, Người Nga chọn con đại bàng v.v… Dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta thường gắn biểu trưng cho dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên. Thời kỳ truyền thuyết kéo dàì trong lịch sử là bộ phận của đời sống tinh thần, tâm linh tạo nên cốt lõi cho sự hình thành bản sắc dân tộc về văn hóa đồng thời cũng chứa đựng những hạt nhân của thực tiễn lịch sử.

LTG: Trong những năm 2000, tôi được bầu vào Ban Tuyên huấn của Đảng ủy Cục Lưu trữ Nhà nước, hàng tháng đều được Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng thuộc Ban Tư tưởng, Văn Hóa TW (sau này là "Ban Tuyên giáo TW") triệu tập đến Câu lạc bộ Ba Đình ở số 01 phố Hoàng Văn Thụ hoặc số 10 phố Nguyền Cảnh Chân, Quận Ba Đình, Hà Nội để nghe các đồng chí lãnh đạo của các Bộ, ngành truyền đạt Nghị quyết của các kỳ Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc các vấn đề Chính trị, Văn hóa, Xã hội… mới để sau đó truyền đạt lại cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan.

Trong Hội nghị tháng 2-2000, ông Dương Trung Quốc-Tổng Thư ký của Hội Sử học Việt Nam đã được mời đến thuyết trình về chuyên đề “Lịch sử các Vua Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương” (phần thuyết trình của ông Quốc đã được “Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng” ghi lại. Tôi xin mạn phép ông Dương Trung Quốc và “Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng” biên soạn lại cho gọn và gần với chủ đề hơn. Nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Lịch sử các Vua Hùng

Khi nói về thời đại Hùng Vương, trong tâm linh mỗi người đều rất trân trọng nhưng trong suy nghĩ của mỗi người không khỏi có dấu hỏi về tính hiện thực của nó. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hai tiếng “Hùng Vương” đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Đối với mỗi chúng ta khi nói đến hai tiếng “Hùng Vương” là nói đến một thời kỳ xa xưa đã được khẳng định về mặt niên đại, về mặt thời gian và gắn liền với sự hình thành của một cộng đồng dân tộc trên lãnh thổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã đạt tới một trình độ tổ chức xã hội tương đối cao, là Nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang có Kinh đô đóng ở Phong Châu, có một cộng đồng bao gồm lạc dân, lạc tướng, lạc vương. Ông cha ta đã khai thác triệt để yếu tố đó không phải chỉ trên góc độ tính thuyết phục lịch sử về việc giải thích nguồn gốc cộng đồng của mình, quan trọng hơn là để khẳng định bản sắc dân tộc trong mối quan hệ với quốc gia lân bang, đặc biệt là với phương Bắc điều như sau này Nguyễn Trãi đã viết trong áng văn bất hủ của mình nói về nước ta là một nước văn hiến, bờ cõi phân chia.

Mặc dù sử sách có nói đến thời đại mà ngày nay chúng ta gọi là thời đại các Vua Hùng nhưng cũng có một thực tế rất buồn và rất đáng lo ngại là hiện nay những tri thức, những hiểu biết về dân tộc chúng ta ở thời kỳ đó còn rất ít so với những gì mà chúng ta hiểu biết về một nền văn minh lớn ở bên cạnh -Văn minh Trung Hoa. Nếu thời đại các Vua Hùng cách đây khoảng 4000 năm tức là kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên thì tương đương với thời đại các hoàng đế Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc.

Trong truyền thuyết, trước thời Hùng Vương là Kinh Dương Vương cùng thời với Phục Hy, rồi Lạc Long Quân cùng thời với Thần Nông ở Trung Quốc. Chúng ta nói có nhiều Vua Hùng nhưng cũng có cả một hệ thống truyền thuyết để giải thích. Người sinh ra Vua Hùng là Lạc Long Quân, người sinh ra Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương. Hiện nay không phải chỉ có đền thờ Vua Hùng trên đất Phú Thọ mà ở Thuận Thành (Bắc Ninh) còn có cả nơi thờ và nơi có mộ Tổ được gọi là mộ của Kinh Dương Vương.

Những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương như: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bánh chưng, bánh dày, trầu cau…có phải là sự hư cấu viển vông không? Những kết qủa của khảo cổ học đã giúp chúng ta khẳng định rằng có một thời đại Hùng Vương thực sự trong lịch sử Việt Nam. Rất nhiều di chỉ nổi tiếng như những cái mốc trong sự phát triển của 2000 năm lịch sử gắn liền với thời đại Hùng Vương đã được khẳng định: tại Bảo tàng được xây dựng vào năm 1993 ngay trên đất Tổ Hùng Vương với trên 3000 hiện vật, 5 phòng trưng bày giới thiệu 700 hiện vật gốc, 176 tài liệu khoa học, 5 video có liên quan, đặc biệt có chiếc trống đồng phát hiện tại xã Hy Cương thuộc loại Hegơ I có kích thước mặt lớn nhất (93cm) trong các loại Hegơ I phát hiện ở Việt Nam và chiếc trống đồng Tân Long cũng thuộc Phú Thọ có đường kính mặt lớn nhất (103 cm) trong các loại trống đồng tìm thấy ở Việt Nam, cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng, đó là một thời đại thực sự trong lịch sử Việt Nam.

Sử sách nước ngoài cũng ghi chép về thời đại Hùng Vương. Thư tich cổ đời Đường ở Trung Hoa có ghi: “Đất Giao Chỉ rất phì nhiêu, nhiều dân di cư đến, họ là những người đầu tiên khai khẩn đất. Đất đen và bốc hơi mạnh. Bấy giờ những cánh đồng đó gọi là Hùng điền và dân là Hùng dân.

Có một ông Chúa gọi là Hùng Vương và Hùng Vương có các chức việc giúp việc gọi là Hùng hầu. Lãnh thổ đất Hùng thì chia cho các Hùng Tướng”.

Tóm lại, thời đại Hùng Vương là thời đại có trong truyền thuyết nhưng phản ánh một hiện thực lịch sử là sự hình thành cộng đồng dân tộc Việt Nam từ rất sớm.

Có một vấn đề chúng ta phải đặt câu hỏi, thời đại các Vua Hùng kéo dài hơn 2000 năm; trong sử sách ghi chép rất cụ thể có 18 đời Vua Hùng, làm một phép tính đơn giản, người ta thấy một điều bất hợp lý là tuổi thọ của mỗi Vua Hùng trung bình trên 100 năm, vậy giải thích như thế nào? Đây cũng là đề tài giới sử học đã tranh luận khá lâu và có nhiều ý kiến khác nhau. Tất nhiên con số tuyệt đối như thế là không chính xác, không phù hợp với hiện thực nhưng giải thích thế nào về 18 đời Vua Hùng có tên hẳn hoi? Các nhà khoa học xã hội cho rằng con số 18 chỉ là con số phiếm chỉ, một con số có liên quan đến hằng số tư duy của người phương Đông, cấp số nhân của con số 3, 3-6-9-18 v.v…cũng có một điều rất tương ứng, trên mặt trống đồng, vòng ngoài cùng cũng có 18 con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Có người giải thích rằng hay là 18 dòng, và trong mỗi dòng đó có thể có nhiều vị khác nhau nhưng thực ra đó chỉ là con số phiếm chỉ, con số 18 muốn nói về sự trường tồn của dân tộc. Đó là một cách giải thích của ông cha ta để vừa mang tính thuyết phục, tính hiện thực nhưng vẫn chứa đựng trong đó những yếu tố có tính ước lệ.

Như thế, khi nói về thời kỳ Hùng Vương, chúng ta nói về một truyền thuyết, cũng như các dân tộc khác để giải thích về nguồn gốc của mình nhưng truyền thuyết đó cùng với thời gian nó có căn cứ lịch sử khẳng định sự tồn tại lâu dài và lâu bền của dân tộc Việt Nam ta, trải qua nhiều thử thách, nó giữ được tính liên tục trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng Vua Hùng ăn sâu vào tâm thức trở thành một phần trong bản lĩnh chính trị, bản sắc dân tộc của người Việt Nam ta. Chính vì thế nó ăn sâu vào trong đời sống văn hóa của người Việt Nam mà cách thể hiện có tính truyền thống đó là thông qua các lễ hội. Có thể nói dân tộc Việt Nam chúng ta cũng như nhiều dân tộc khác, đặc biệt là các dân tộc phương Đông, các dân tộc gắn liền với nền văn minh lúa nước có rất nhiều lễ hội. Những lễ hội đó là một hình thức để biểu thị bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong đời sống tinh thần và đời sống tâm linh của mình. Cho đến nay, theo giải thích của các đồng chí phụ trách quản lý khu di tích Đền Hùng cho rằng di tích Đền Hùng hiện nay ở đất tổ Phú Thọ cũng như những truyền thuyết liên quan đến nó chứng minh rằng mảnh đất tổ Phú Thọ đã có từ rất lâu đời, nó gắn liền với một hệ thống các lễ hội từ rất xa xưa. Hiện nay người ta đã sưu tầm được trên 200 truyền thuyết liên qua đến thời đại các Vua Hùng, truyền thuyết Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, về bọc trăm trứng; về các anh hùng ca: Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh; về những câu chuyện gọi là cổ tích nhưng nó gắn liền với thời đại Hùng Vương như bánh chưng, bánh dày v.v…Biểu tượng Vua Hùng sớm gắn sâu vào tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” khi nói đến sự nghiệp của Hai Bà Trưng, người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa chống Bắc thuộc được thể hiện bằng hai câu thơ:

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt Nam, nền văn minh của thời đại Hùng Vương là một cái mốc để con người Việt Nam có thể vượt qua mọi trở ngại để vươn lên khẳng định cội nguồn của mình.

Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Với ý thức “uống nước nhớ nguồn” nhân dân ta từ lâu đã xây dựng đền thờ các Vua Hùng. Từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ XIV các đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng để thờ 18 đời Vua Hùng cùng các thần núi Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn…các con gái của Vua Hùng là Mỵ Nương, Tiên Dung và Ngọc Hoa thờ ở Đền Giếng. Đến thế kỷ XV đền Hùng bị giặc Minh tàn phá nhưng sau khi thắng giặc ngoại xâm nhân dân ta đã xây dựng lại để tiếp tục nối đời hương khói về Đức Quốc Tổ.

Cổng Đền Hùng-Phú Thọ (nguồn Wikipedia)

Đền Hùng-Phú Thọ (nguồn Wikipedia)

Lễ hội Đền Hùng trước kia chỉ giới hạn là một lễ hội của địa phương:

Sơn Tây vui nhất hội Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tầy hội He

He là tên nôm của làng Trẹo (nay là làng Triệu Phú) tức làng Cả, một làng được giao trông nom việc thờ cúng các Vua Hùng trước đây.

Chỉ đến thời Lê, với mục tiêu chính trị rõ ràng, nhằm khẳng định bề dạy lịch sử của dân tộc mình, sự thừa kế của triều đại mình đối với các bậc tiên liệt, Lê Thánh Tông đã phong ngọc phả, giải thích cội nguồn Vua Hùng và kể từ đó lễ hội của địa phương trở thành một hình thức lễ hội mang tính chất Nhà nước.

Như vậy, kể từ thời Hồng Đức, việc giỗ Tổ được quy định một cách chặt chẽ hơn và được giao cho địa phương phụ trách thực hiện. Cứ năm năm một lần nhà vua ban cho 3 đấu gạo để nấu bánh chưng dâng lên Tổ. Lúc đầu ngày giỗ Tổ là 12-3 âm lịch theo tập quán của địa phương nhưng từ thời Lê quy định vào ngày 10-3 âm lịch có đại diện Triều đình về cùng quan hàng tỉnh cúng lễ, dâng hương từ đó trở thành nếp.

Đến năm 1917, lúc đó Bắc kỳ là đất bảo hộ nằm trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp, lần đầu tiên chính quyền bảo hộ cho phép các quan chức của địa phương chính thức tổ chức lễ hội. Năm đó một hệ thống các di tích vật thể được xây dựng và trùng tu tại khu đất Tổ hiện nay.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1946 nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, Phó Chủ tịch nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lên Đền Hùng dâng hương và dâng theo một tấm bản đồ nước Việt Nam độc lập.

Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thật là kỳ diệu bởi vì lúc đó do nhiều nguyên nhân khác nhau việc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương còn rất hạn chế nhưng Bác Hồ là người đầu tiên đã khẳng định một thời đại khai sinh của lịch sử dân tộc với công lao của các Vua Hùng, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với tổ tiên, đối với đất nước.

Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đưa giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một ngày lễ lớn của dân tộc, một ngày Quốc Lễ là một dấu mốc rất quan trọng không chỉ đối với lịch sử tồn tại của một lễ hội cụ thể trong rất nhiều lễ hội của dân tộc mà còn thể hiện bước phát triển rất quan trọng về nhận thức của Đảng và Nhà nước ta, gắn liền sự nghiệp Cách mạng với truyền thống dân tộc, gắn liền sức mạnh của thời đại với cả bề dày lịch sử và bản lĩnh được tạo dựng trong quá khứ. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa đồng thời cũng rất quan trọng đòi hỏi chúng ta phải quán triệt từ các cơ quan có trách nhiệm đến nhân dân để làm tốt Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, tạo sức bật mới để thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển của đất nước . /.

Từ khóa » Sự Tích đất Tổ Hùng Vương