Lịch Sử Hà Nội

Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cũng là kinh đô của rất nhiều vương triều Việt cổ. Do đó, lịch sử Hà Nội gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam qua các thời kì.

Thời thượng cổ

Miền đất Hà Nội được hình thành cách nay khoảng 4000 năm sau thời kì biển thoái. Hà Nội từ chỗ là vũng biển đã được phù sa bồi đắp thành rừng rậm, đầm lầy. Những cư dân cổ từ trung du đã di cư xuống gây dựng nền văn minh đầu tiên của Hà Nội thuộc Văn minh Sông Hồng[1]. Khoảng 2000 – 1500 năm TCN, Hà Nội bắt đầu bước vào thời kì đồng thau. Và khoảng 500 năm TCN là thời kì đồ sắt. Đã có rất nhiều di vật và di chỉ khảo cổ được phát hiện trên địa bàn Hà Nội mà đáng chú ý có thể kể đến các di chỉ Thành Dền (Mê Linh), Đình Chàng (Đông Anh), Trung Màu (Gia Lâm), gò Chùa Thông (Thanh Trì)…

Thời Hồng Bàng (khoảng thế kỉ VI TCN – 179 TCN)

Hà Nội bấy giờ chỉ là một vùng quê nhỏ ven sông Tô Lịch, ít người sinh sống, thuộc trung tâm phía nam Văn Lang. Trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá và săn bắn là những ngành kinh tế chủ yếu của cư dân nơi đây. Thời Hồng Bàng có Tứ bất tử (四不死). Hai trong số này là người Hà Nội gồm Thánh Gióng (Gia Lâm) biểu trưng cho công cuộc giữ nước và Sơn Tinh (Ba Vì) biểu trưng cho công cuộc chống lũ của người dân Văn Lang. Năm 207 TCN, sau khi đánh bại quân Tần, An Dương Vương Thục Phán lập nước Âu Lạc và dời đô về Chạ Chủ, xây thành Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh). Hà Nội bắt đầu trở thành trung tâm chính trị, xã hội của Việt Nam. Năm 179 TCN, Triệu Đà diệt Âu Lạc, Hà Nội trở thành một bộ phận của nước Nam Việt.

Thời Bắc thuộc (179 TCN – 938)

Khởi nghĩa Hai bà Trưng (40 – 43): Nhân dân Hà Nội đã hưởng ứng tích cực cuộc khởi nghĩa này với sự tham gia của nhiều nghĩa quân điển hình là Đô Tam Trinh ở Mai Động (Hoàng Mai). Nhiều nữ tướng tham gia vào cuộc chiến có thể kể đến như Lê Thị Lan (Đường Lâm), Quốc Hương (Kiêu Kị), Hồ Đề (Lão Mai), Nàng Tía (Vĩnh Ninh), Vĩnh Huy (Vân Hà)… nam thì có ông Cai, ông Đông Bảng, Đào Kì. Hai bà Trưng sau khi đánh bại quân Hán đã đóng đô ở Mê Linh (ngoại thành phía tây Hà Nội). Vạn Xuân (542 – 602): Năm 542, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa. Các nhân sĩ Hà Nội cũng tham gia tích cực vào cuộc chiến, nổi bật có Tinh Thiều (Sơn Tây), Phạm Tu (Thanh Trì) – 2 người đứng đầu ban văn và võ trong triều đình Tiền Lý sau này. Sau khi chiến thắng quân Lương, Lý Bí lập nước Vạn Xuân và cho dựng thành Tô Lịch (545) – một toà thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Lý Nam Đế đã dựng chùa Khai Quốc (nay là Trấn Quốc) trên bãi sông Nhị (năm 1615, do bãi sông bị lở, nhân dân đã dời chùa vào đảo Kim Ngư trong hồ Tây). Tống Bính: Trong khoảng 454 – 456, nhà Lưu Tống đã lập huyện Tống Bình tại vùng đất nay là trung tâm Hà Nội, sau Nam Tề đổi lại thành quận Tống Bình gồm 3 huyện (Nghĩa Hoài, Tuy Ninh, Xương Quốc). Năm 679, nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ. Hà Nội trở thành trị sở của chính quyền đô hộ. Khởi nghĩa Phùng Hưng (khoảng 766 – 779): Phùng Hưng nổi dậy ở Đường Lâm (Ba Vì) và đã xây dựng được quyền tự chủ trong vòng 7 năm. Đại La: Năm 767, Tiết độ sứ Trương Bá Nghi đắp thành Đại La. Sau nhiều lần sửa đắp, năm 866, Cao Biền đã đắp lại thành to lớn hơn gọi là An Nam La thành. Dương – Khúc giành quyền tự chủ (905 – 938): Năm 905, hào trưởng Khúc Thừa Dụ chiếm thành Đại La và tự xưng Tiết độ sứ. Năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược, lật đổ họ Khúc. Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân từ Thanh Hoá tấn công Tống Bình, giành lại quyền tự chủ. Năm 938, Ngô Quyền lại đánh bại quân Nam Hán và sau đó xưng vương, định đô ở Cổ Loa (xuân 939).

Thời Lý – Trần (1010 – 1397)

Năm 1010, Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) về Đại La. Theo truyền thuyết, năm 1009, khi Lý Công Uẩn về thăm quê ở châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh) có đi qua Đại La. Vua đã nhìn thấy nơi chân thành có đám mây hình một con rồng vàng đang bay lên. Vua cho rằng đó là điềm báo nên dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (rồng bay lên). Từ đó, Hà Nội – Thăng Long thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn nhất Việt Nam. Ngay từ năm đầu định đô (1010), nhà Lý đã cho đắp vòng thành bao quanh các cung điện gọi là Thăng Long thành (từ đời Lê đổi là Hoàng thành). Năm 1029, Lý Thái Tông xây thêm 1 khu đặc biệt dành cho vua và hoàng gia gọi là Long Thành (đời Lê gọi là Cấm thành). Thời Lý, đã có nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật được xây dựng tại Hà Nội tiêu biểu như chùa Diên Hựu (1049, chùa Một Cột), chùa Báo Thiên (1957), Văn Miếu (1070), Quốc Tử Giám (1076 – trường đại học đầu tiên của Việt Nam)… Đến thời Trần, thành Thăng Long tiếp tục được mở rộng và phát triển. Thăng Long được chia thành 61 phường với những đặc trưng nghề thủ công khác nhau như dệt vải (Nghi Tàm), làm giấy (Yên Thái), nhuộm điều (Hàng Đào), nung vôi (Hà Tân), làm quạt (Tả Nhất)… Thương nghiệp thời Trần cũng rất phát triển, thu hút nhiều lái buôn trong và ngoài nước tới. Từ 1258 – 1288, đế chế Mông – Nguyên đã 3 lần xâm lấn Đại Việt. Trong 3 lần đó, vua tôi nhà Trần đều rút khỏi kinh thành và thực hiện sách lược “vườn không nhà trống”. Trên địa bàn Hà Nội cũng đã diễn ra những trận đánh lớn, quan trọng điển hình là trận Đông Bộ Đầu ngày 29/1/1258 đã kết thúc cuộc tấn công xâm lược lần 1 của quân Mông Cổ. Nhân vật Hà Nội nổi bật nhất trong cuộc kháng chiến này là Bà chúa kho Lý Thị Châu (Châu Nương), người làm nhiệm vụ bảo vệ kho lương và hậu cần. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô ở An Tôn (Thanh Hoá) và dời đô về đó. Thăng Long được đổi tên thành Đông Đô.

Thời Hậu Lê (1428 – 1778)

Năm 1406, quân Minh sang xâm lược Đại Ngu (tên nước Việt Nam lúc bấy giờ). Ngày 21/1/1407, thành Đông Đô thất thủ. Đông Đô bị đổi tên thành Đông Quan là nơi đặt bộ máy cai trị Đại Việt. Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra ở tỉnh Thanh Hoá năm 1418. Tháng 8/1426, Lê Lợi kéo quân ra bắc đánh bại quân Minh. Viện binh do Vương Thông cầm đầu cũng đại bại ở Tốt Động – Chúc Động (thuộc Chương Mỹ ngày nay). Ngày 22/11/1426, nghĩa quân Lam Sơn phát động chiến dịch giải phóng Đông Quan. Bốn đạo nghĩa quân đóng tại Bồ Đề, Cảo Đông, Sa Đôi và Tây Phù Liệt vây hãm thành buộc tổng binh Vương Thông phải xin hoà hoãn để chờ viện. Tuy nhiên, đội cứu binh này cũng đại bại khiến vua Minh Tuyên Tông buộc phải tuyên bố bãi binh. Ngày 10/12/1427, Lê Lợi tổ chức cuộc gặp với chủ tướng bại quân là Vương Thông ở phía nam thành Đông Quan (gọi là Hội thề Đông Quan) như một hình thức định ước đình chiến. Ngày 29/4/1428, Thái Tổ Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, khôi phục cái tên Đông Đô và định đô ở đó. Đến năm 1430 thì đổi tên thành Đông Kinh. Năm 1466, Hà Nội lại có tên là phủ Trung Đô, gồm 2 huyện Quảng Đức, Vĩnh Xương (sau là Thọ Xương). Năm 1527, sau khi Thái Tổ Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Hà Nội đã trở về với tên Thăng Long. Năm 1588, nhà Mạc đắp thêm 3 lần luỹ ngoài thành Đại La. Đến thời Lê Trịnh năm 1749, Trịnh Doanh điều động dân phu, dựa theo thành Đại La cũ, đắp lại vòng thành ngoài gọi là Đại Đô. Ở thời kì này, Thăng Long còn được gọi với tên Kẻ Chợ. Thương nghiệp Hà Nội phát triển mạnh với một mạng lưới chợ dày đặc, lớn nhất có chợ Cửa Đông, Cửa Nam, Dịch Vọng, Thịnh Quang… Dân số Thăng Long tăng nhanh. Các nghề thủ công đa dạng. Quần thể kiến trúc Thăng Long cũng có thêm những điểm mới với phủ Chúa (1592 – 1749), Nguyệt đài, Thuỷ Tạ, đình Tả Vọng… Năm 1786, quân Tây Sơn lật đổ chúa Trịnh. Cuối năm 1788, quân Thanh được sự hậu thuẫn của Lê Chiêu Thống vào chiếm Thăng Long. Xuân 1789, Quang Trung đã tiến ra giải phóng Thăng Long, đánh bại quân Thanh chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần với 4 trận đánh lớn là Hạ Hồi (Thường Tín), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Đống Đa và Thăng Long. Quang Trung lên ngôi vua, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Thăng Long trở thành thủ phủ của Bắc Thành (Bắc Bộ Việt Nam ngày nay).

Thời Nguyễn, Pháp thuộc (1802 – 1945)

Năm 1802, Gia Long diệt Tây Sơn, Thăng Long vẫn là thủ phủ Bắc Thành. Những năm 1803 – 1805, Gia Long ra lệnh phá thành cũ, xây lại một toà thành mới kiểu Pháp. Năm 1931, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long cũ và 4 phủ. Tuy không còn là thủ đô, nhưng ở thời kì này, Hà Nội vẫn là trung tâm kinh tế, văn hoá lớn. Các công trình kiến trúc đặc sắc đã được xây dựng, tu bổ trong thời gian này. Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra lo sửa sang đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và xây đài Nghiên, tháp Bút. Năm 1912, nhà Nguyễn cho xây dựng Kỳ Đài (hay Cột Cờ). Khi thực dân Pháp vào xâm chiếm Việt Nam, nhân dân Hà Nội đã dũng cảm đấu tranh, không chịu khuất phục. Hai lần Pháp tiến đánh Bắc Kì (1873 và 1882 – 1883), họ đều hứng chịu những thất bại nặng nề ở Cầu Giấy. Ngày 1/10/1888, Hà Nội chính thức trở thành thành phố nhượng địa của Pháp. Tổng thống Pháp, Marie François Sadi Carnot, ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội là đô thị cấp 1. Hà Nội trở thành thủ phủ Liên bang Đông Dương (gồm 5 bang: Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì thuộc Việt Nam và Lào, Campuchia). Bộ mặt xã hội và kinh tế của Hà Nội đã có những biến chuyển nhanh chóng. Thực dân Pháp xây dựng ở Hà Nội nhiều trường đại học, cao đẳng chung cho Đông Dương, thành lập Nha Khí tượng, Viện Vi trùng, xây cầu Long Biên (1902)… Nhiều công ti, xí nghiệp lớn của tư bản Pháp đặt trụ sở ở Hà Nội. Trong thời kì Pháp thuộc, Hà Nội cũng đã diễn ra nhiều phong trào yêu nước mà nổi bật như cuộc hưởng ứng hoạt động của Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (1905), phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907), vụ Hà thành đầu độc (1908)… Hà Nội cũng là nơi ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (cuối tháng 3 năm 1929 tại số 5D Hàm Long). – Đông Kinh nghĩa thục: là một ngôi trường do các sĩ phu tiến bộ, đứng đầu là Lương Văn Can mở tháng 3/1907. Đông Kinh nghĩa thục tuyên truyền cải cách, khơi gợi tinh thần yêu nước, đã tạo được ảnh hưởng tích cực về mặt tư tưởng cho một bộ phận quần chúng. Trường bị thực dân Pháp buộc đóng cửa tháng 11/1907. – Hà thành đầu độc: là vụ đầu độc binh lính, sĩ quan Pháp tối 27/7/1908 do hội Nghĩa Hưng thực hiện. Hội Nghĩa Hưng là một nhóm phái viên của Hoàng Hoa Thám ở Hà Nội, được thành lập nhằm tuyên truyền binh sĩ người VIệt trong quân đội Pháp. Vụ Hà thành đầu độc là một phần trong kế hoạch đánh úp Hà Nội của hội. Trong giai đoạn 1930 – 1945, Hà Nội đã diễn ra nhiều cuộc mitting, biểu tình, rải truyền đơn của các tầng lớp nhân dân. Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Hà Nội đã đứng lên tổng khởi nghĩa và giành chính quyền từ tay thực dân Pháp.

Thời kì kháng chiến (1945 -1975)

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hà Nội lại trở về với vai trò là một thủ đô. Từ 19/12/1946 – 17/2/1947, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chống lại cuộc tấn công xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Để bảo toàn lực lượng, Trung đoàn Thủ đô đã rút lui tạm để Pháp chiếm đóng Hà Nội (từ tháng 3 năm 1947). Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, nhân dân Hà Nội đã phải chống trả không ít những cuộc không kích của không quân Mĩ (từ tháng 4/1966 đến tháng 11/1968). Sau nhiều lần tấn công thất bại, Mĩ quyết định dùng B52 – máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ – hòng đưa Hà Nội quay trở về thời kì đồ đá. Sau 12 ngày đêm chiến đấu (18/12 – 30/12/1972), cuộc tập kích bằng đường không của Mĩ đã hoàn toàn thất bại. Quân dân Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay Mĩ với 23 chiếc B52, 2 chiếc F111. Thắng lợi này đã góp phần buộc Mĩ phải kí hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Từ khóa » Trình Bày Lịch Sử Hà Nội Thời Bắc Thuộc