Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển - Huyện Krông Nô
Có thể bạn quan tâm
1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và địa lý hành chính
Năm 1987, huyện Krông Nô thành lập có diện tích tự nhiên là 103.616 ha. Năm 2004, khi thành lập tỉnh Đắk Nông, địa giới hành chính huyện Krông Nô có sự điều chỉnh, tách hai xã Nam Ka và Ea R’Bin về lại huyện Lắk (Đắk Lắk), cho nên diện tích tự nhiên của huyện còn 81.365,7 ha. Huyện Krông Nô nằm ở hướng đông bắc tỉnh Đắk Nông, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 100 km; phía đông giáp tỉnh Đắk Lắk[1], phía tây giáp huyện Đắk Mil và huyện Đắk Song, phía bắc giáp huyện Cư Jút, huyện Đắk Mil, phía nam giáp huyện Đắk Glong.
Krông Nô có diện tích rừng và đất sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm gần 90% tổng diện tích tự nhiên, thuận lợi cho phát triển nông, lâm, công nghiệp. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với độ che phủ của rừng bị thu hẹp làm cho nguồn nước giảm đáng kể vào mùa khô; thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống. Sau khi công trình thủy điện Buôn Tua Sar đưa vào sử dụng, tình trạng lũ lớn không xảy ra nhưng lại làm thay đổi lưu lượng dòng chảy gây sạt lở, ngập úng nhiều diện tích đất ven sông. Tình hình đó đặt ra yêu cầu vừa phải bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, vừa phải bảo đảm giữ và phát triển rừng, tăng độ che phủ của rừng, đa dạng sinh học, bảo đảm môi trường sống.
Hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện phân bố tương đối đồng đều, trong đó Krông Nô là dòng sông lớn nhất chạy theo hướng bắc – nam, ngăn cách giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trên cơ sở cấu tạo địa chất và dòng chảy, Krông Nô có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như hồ tự nhiên Ea Snô huyền thoại (Nâm N’Đir), thác Bảy tầng (Nâm Nung)…, trong đó hai thắng cảnh Đray Sáp và Đray Sáp Thượng (Thác Gia Long) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa[2], hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á đang được các nhà khoa học nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”.
Mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển của địa phương. Quốc lộ 28 chạy qua địa bàn 7 xã và thị trấn của Krông Nô với chiều dài 54 km trong tổng số gần 300 km toàn tuyến[3], tỉnh lộ 3 nối thị trấn Đắk Mâm với Đắk Mil, cùng hệ thống đường liên xã, thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đã góp phần vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng và mở rộng như trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện huyện, trạm y tế, công trình thủy lợi, thủy điện, đường lưới điện quốc gia, trạm thu - phát sóng, chợ, điểm giao dịch, nhà văn hóa, công viên, điểm du lịch… từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng trong tình hình mới.
Ngành nông – lâm – ngư nghiệp có bước phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích canh tác của huyện tăng nhanh từ 1.668[4] ha năm 1987 lên 53.045 ha năm 2015, tăng bình quân hàng năm là 17,12%. Huyện phát triển vùng chuyên canh cây lương thực như lúa, khoai, rau củ, quả… ở xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir và Buôn Choah; nuôi cá sông, cá tầm… ở hồ thủy điện Buôn Tua Sar (Quảng Phú), trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của tỉnh Đắk Nông. Trong khi đó các loại cây công nghiệp tăng nhanh như cà phê, hồ tiêu, cao su... không chỉ giúp nông dân ổn định cuộc sống mà nhiều gia đình vươn lên khá giả. Ngành chăn nuôi của huyện từng bước phát triển theo hướng thị trường; mở rộng và đẩy mạnh quy mô truồng trại, chuyển đổi con giống, vật nuôi, tiếp thu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất ngày một cao làm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với thế mạnh là khai thác cát, đá, sản xuất gạch xây dựng; chế biến nông, lâm sản; sửa chữa nông cụ sản xuất, phương tiện giao thông... Lĩnh vực thương mại - dịch vụ với các điểm danh lam thắng cảnh và hệ thống cửa hàng, chợ… ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từng bước làm thay đổi diện mạo của huyện.
Theo Quyết định số 212-HĐBT, ngày 9 tháng 11 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Krông Nô được thành lập, bao gồm 6 đơn vị hành chính cấp xã: Nam Đà, Đắk Rồ, Nam Nung, Đức Xuyên, Quảng Phú và Nam Ka. Năm 1996, huyện Krông Nô có 11 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm: Đắk Sôr, Nam Đà, Đắk Mâm, Đắk Rồ, Buôn Choah, Nam Nung, Đức Xuyên, Đắk Nang, Quảng Phú, Ea R’Bin và Nam Ka. Ngày 27 tháng 7 năm 1999, thành lập thị trấn Đắk Mâm trên cơ sở diện tích và dân số xã Đắk Mâm[5]; tách xã Nam Nung thành lập xã Nâm N’Đir và đổi tên xã Nam Nung thành xã Nâm Nung theo Nghị định số 100/2003/NĐ-CP, ngày 29 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ.
Năm 2004, tỉnh Đắk Nông được thành lập theo Nghị quyết số 22/QH của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 26 tháng 11 năm 2003. Theo đó, tách hai xã Nam Ka và Ea R’Bin về lại huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk, đơn vị hành chính của huyện gồm thị trấn Đắk Mâm và 9 xã: Đắk Sôr, Nam Đà, Đắk Rồ, Buôn Choah, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Đức Xuyên, Đắk Nang và Quảng Phú.
Nghị định số 70/2005/NĐ-CP, ngày 6 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ thành lập xã Tân Thành trên cơ sở 8.689 ha diện tích tự nhiên và 2.552 nhân khẩu của xã Đắk Rồ và đổi tên xã Đắk Rồ thành xã Đắk Drô. Thành lập xã Nam Xuân trên cơ sở điều chỉnh 2.394 ha diện tích tự nhiên, 6.687 nhân khẩu của xã Đắk Sôr và 619 ha diện tích tự nhiên của xã Nam Đà theo Nghị định số 155/2007/NĐ-CP, ngày 18 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ. Từ cuối năm 2007 đến năm 2015, huyện Krông Nô có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Đắk Mâm và 11 xã: Đắk Sôr, Nam Xuân, Nam Đà, Đắk Drô, Buôn Choah, Tân Thành, Nâm Nung, Nâm N’Đir, Đức Xuyên, Đắk Nang và Quảng Phú.
2. Dân cư và truyền thống lịch sử
Năm 1987, khi thành lập huyện Krông Nô dân số có 13.385 người, đến năm 2020 tăng lên 81.821 người, tăng bình quân hàng năm là 6,7%. Trong số 23 thành phần dân tộc như: Kinh, M’Nông, Ê Đê, Tày, Nùng, Thái, Sán Chay, Dao, Khơ Me... người Kinh có dân số đông nhất, chiếm trên 60%; hai dân tộc thiểu số tại chỗ là M’Nông và Ê Đê, chiếm khoảng gần 10%; các dân tộc thiểu số khác chiếm khoảng 30%.
Về bản sắc văn hóa các dân tộc, trong cuốn “Lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Krông Kô (1945-1997)” khái quát truyền thống văn hóa các dân tộc: Kinh, M’Nông, Ê Đê, Bih[6], Thái, Tày, Nùng, Dao, Mường. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Krông Nô, 1996-2015” xuất bản lần này chỉ nêu vài nét về đặc điểm văn hóa của một số dân tộc và sự chuyển biến về đời sống của dân tộc M’Nông và Ê Đê.
Dân tộc H’Mông (Mèo, Mẹo, Hoa, Ná Mẻo, Mán Trắng),thuộc nhóm ngôn ngữ Mèo – Dao (Mông - Dao). Người H’Mông đến cư trú tại địa bàn huyện vào đầu những năm 2000, đến năm 2015 có 1.629 người, sống tập trung chủ yếu ở xã Quảng Phú. Đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người H’Mông trên địa bàn huyện Krông Nô có nhiều thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại; tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc như ngày lễ, tết... vẫn được lưu giữ trở thành nét văn hóa độc đáo của người H’Mông.
Hoạt động kinh tế của đồng bào H’Mông cũng như nhiều dân tộc khác khi vào sinh sống tại Krông Nô chủ yếu làm nông nghiệp với nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, cà phê, điều, hồ tiêu…; chăn nuôi trâu, bò, ngựa, chó, gà.
Tết cổ truyền của người H’Mông tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm. Trong 3 ngày Tết, dân làng thường tụ họp để gặp gỡ, trò chuyện, uống rượu, chúc mừng năm mới; nam nữ thanh niên vui xuân thổi khèn gọi bạn. Nhạc cụ của người H’Mông có nhiều loại khèn và đàn môi. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thanh niên dùng khèn, đàn môi gọi bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước.
Dân tộc Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận), thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Người Sán Chay vào sinh sống tại Krông Nô từ cuối những năm 1990, sống tập trung chủ yếu ở xã Đắk Nang.
Hoạt động kinh tế của người Sán Chay chủ yếu làm nông nghiệp như trồng lúa nước, cà phê, hồ tiêu, khoai... phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.
Đời sống tinh thần của người Sán Chay phong phú với nhiều truyện cổ, thơ ca, hò, vè, tục ngữ, ngạn ngữ, trong đó sình ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia. Ngoài ra còn có múa trống, múa xúc tép, múa chim gâu, múa đâm cá, múa thắp đèn. Nhạc cụ của người Sán Chay sử dụng các loại thanh la, não bạt, trống, chuông, kèn. Vào ngày lễ hội, tết... dân làng thường tụ tập vui chơi giải trí, có những trò diễn sôi nổi như: đánh quay, “trồng cây chuối”, “vặn rau cải”, tung còn...
Hiện nay trang phục của người Sán Chay thường giống người Kinh hoặc người Tày; thường ngày phụ nữ dùng chiếc dây đeo bao dao thay cho thắt lưng. Trong những dịp lễ, Tết, hội hè, các cô gái thường mang 2-3 chiếc thắt lưng bằng lụa hoặc bằng nhiễu, với những màu sắc khác nhau.
Dân tộc Hoa (Hán, Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Hạ, Xạ Phang…), thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa. Người Hoa đến sinh sống tại Krông Nô vào những năm 1990, cư trú chủ yếu ở xã Nâm N’Đir và xã Quảng Phú. Trải qua nhiều thế hệ sinh sống tại Việt Nam, cùng với định cư rải rác nên văn hóa truyền thống của người Hoa bị mai một, từ trang phục, đến tiếng nói, tín ngưỡng cơ bản giống người Kinh.
Hoạt động kinh tế của họ làm nhiều nghề nghiệp khác nhau như nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán... nhưng chủ yếu trồng cà phê, điều, hồ tiêu, cao su…
Người Hoa thích hát “sơn ca” (san cưa), gồm các chủ đề khá phong phú: tình yêu trai gái, cuộc sống, quê hương, tinh thần đấu tranh... Ca kịch cũng là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật được ưa chuộng. Nhạc cụ của người Hoa thường có kèn, sáo, nhị, hồ, trống, thanh la, não bạt, đàn tỳ bà, tam thập lục... Ngày tết thường biểu diễn múa sư tử, múa quyền thuật và các trò chơi chơi đua thuyền, vật, đánh cờ...
Dân tộc Khơ Me (Cur, Cul, Cu, Thổ,.. ),thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me. Người Khơ Me đến Krông Nô sinh sống vào đầu những năm 1990, cư trú chủ yếu ở xã Đắk Nang.
Hoạt động kinh tế của Người Khơ Me chủ yếu làm nông nghiệp trồng lúa, ngô, cà phê và điều…; họ có kỹ thuật khá cao về làm thủy lợi và thâm canh cây lúa nước.
Đã từ lâu chùa là tụ điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khơ Me. Thanh niên trước khi trưởng thành thường đến chùa tu học để trau dồi đức hạnh và kiến thức. Nhà chùa thường dạy kinh nghiệm sản xuất, dạy chữ Khơ Me. Khi đến Krông Nô sinh sống, người Khơ Me không có điều kiện thường xuyên để thực hiện các nghi lễ trên, họ thường tổ chức tại gia đình hoặc trong những dịp lễ, tết tại các ngôi chùa.
Đồng bào Khơ Me có các ngày lễ lớn trong năm như Chôm Chơ Nam Thơ Mây (năm mới) vào giữa tháng tư (dương lịch), Phật đản vào rằm tháng 4 (âm lịch), Đôn Ta (xá tội vong nhân) vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (âm lịch), Oóc Bom Boóc (cúng trăng) vào rằm tháng 10 (âm lịch).
Dân tộc Sán Dìu (Sán Déo, Trại, Trại Đất...),thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa. Dân tộc Sán Dìu đến địa bàn huyện Krông Nô vào đầu những năm 1990, họ sinh sống chủ yếu ở hai xã Nâm Nung và Đắk Nang.
Hoạt động kinh tế, người sán Dìu bên cạnh trồng nhiều loại cây như cà phê, điều, ngô, sắn… họ thường bố trí một mảnh ruộng trồng lúa để tự túc được lương thực cho gia đình. Hàng ngày, người Sán Dìu dùng cả cơm lẫn cháo, nước cháo loãng dùng thay nước uống.
Trang phục của người Sán Dìu đã và đang đổi thay gần giống trang phục người Kinh. Phụ nữ Sán Dìu có tập quán ăn trầu và thường mang theo mình chiếc túi vải đựng trầu hình múi bưởi có thêu hoa văn sặc sỡ, và kèm theo con dao bổ cau có bao bằng gỗ được chạm khắc tỷ mỉ. Trong ngày lễ, Tết họ thường sử dụng các nhạc cụ như tù, kèn, trống, sáo, thanh la, não bạt làm nhạc điệu cho thanh niên ca hát, nhảy, múa.
Dân tộc Thổ (Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng), thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Dân tộc Thổ đến huyện Krông Nô vào năm 2000, cư trú tại Nam Xuân và Nâm Nung.
Hoạt động kinh tế của người Thổ chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cà phê, điều, hồ tiêu và một số loại cây hoa màu. Do cần cù lao động, được sự hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật của Nhà nước và các tổ chức xã hội khác cho nên đời sống kinh tế của người Thổ thay đổi nhanh, có thu nhập khá.
Xưa kia người Thổ có tục “ngủ mái”, nam - nữ thanh niên được nằm tâm tình với nhau để chọn bạn trăm năm, đến nay phong tục này không còn lưu giữ nhưng người con trai phải tốn không ít tiền của và ngày công làm việc cho nhà vợ tương lai để được chấp thuận.
Người Thổ có nhiều ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ, các điệu ca hát của người lớn, những bài đồng dao của trẻ em... song vốn văn nghệ dân gian Thổ đến nay đã bị quên lãng, mất mát nhiều. Đám tang của người Thổ khi khiêng người chết đi chôn để chân hướng về phía trước, còn mộ thường để chân hướng xuôi theo chiều nước chảy.
Dân tộc M’Nông (M’Nông Preh, M’Nông Nor, M’Nông Prâng) là một trong hai dân tộc bản địa ở Krông Nô, năm 2015 có 6.129 người sống ở các buôn thuộc xã Đắk Mâm, Nâm Nung, Đắk Nang và Đắk Drô.
Hoạt động kinh tế của người M’Nông có nhiều thay đổi, họ chuyển dần sang hình thức thâm canh, chuyên canh cây nông nghiệp, công nghiệp chứ không còn tình trạng du canh, du cư như trước đây. Tuy nhiên, đời sống kinh tế của họ còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế trong việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật, vật tư vào sản xuất.
Người M’Nông sống tập trung theo các bon (còn gọi là buôn) có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống gần gũi. Nhà sàn và nhà cộng đồng hiện nay còn rất ít thay vào đó họ làm nhà xây, lợp mái tôn.
Tôn giáo của người M’Nông đa phần theo đạo Tin Lành. Trong các nghi lễ của người M’Nông thì lễ cưới truyền thống cũng được coi trọng. Ở người M’Nông Gar, phong tục gái hỏi chồng (theo nghi thức mẫu hệ) hiện nay không còn nữa, thay vào đó là nghi thức phụ hệ (trai hỏi vợ).
Người M’Nông nói chung có nền văn hoá nghệ thuật rất đa dạng và đậm đà bản sắc. Kho tàng truyện cổ, tục ngữ, dân ca và đặc biệt là tập quán kể chuyện sử thi của người M’Nông tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá quý báu. Nhạc cụ của người M’Nông với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đặc biệt đàn đá mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Dân tộc Ê Đê (Ê Đê Kpă, Ê Đê Adham, Ê Đê Mdhur…) cùng với người M’Nông là cư dân sống lâu đời trên một số tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên và Khánh Hòa. Năm 2015, có 1.235 người, họ cư trú ở các xã Đắk Nang, Nâm Nung và một số địa phương khác.
Người Ê Đê làm rẫy là chính trồng lúa, ngô, cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao... Những phương thức sản xuất theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất; chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải… bị mai một.
Trong gia đình vai trò của người phụ nữ rất lớn, con cái mang họ mẹ, trước đây con trai không được hưởng thừa kế, bây giờ có sự bình đẳng. Hiện nay vai trò của người người đàn ông được nâng cao, khi lập gia đình người thanh niên chủ động tình bạn gái và quyết định việc cưới xin.
Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú, thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’Lan... ; họ yêu ca hát, thích tấu nhạc cùng với các nhạc cụ như cồng chiên, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Tuốc.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các dân tộc Krông Nô có truyền thống yêu nước nồng nàn. Ngay trong những năm đầu của thế kỉ XX, khi thực dân Pháp tiến hành xâm chiếm vùng đất Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Krông Nô cùng các địa phương khác tổ chức chống quân xâm lược, như cuộc khởi nghĩa của N’Trang Gưh (1900-1914)[7], cuộc khởi của N’Trang Lơng (1912-1936) đã làm cho quân thù gặp nhiều khó khăn trong việc cai trị vùng đất này. Đến đầu những năm 1940, những cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên được xây dựng tại Đắk Mil và từng bước phát triển đến đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa trong cả nước của Tổng bộ Việt Minh, quân và dân Krông Nô đã đứng lên lật đổ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhân dân các dân tộc Krông Nô tiếp tục đứng lên chống quân xâm lược bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Krông Nô trở thành là địa bàn chiến lược quan trọng trong tuyến hành lang đông - tây, nối bắc Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Năm 1960, Nâm Nung[8] thuộc địa bàn Krông Nô được Trung ương Đảng chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến B4 Liên tỉnh IV, trở thành nơi đứng chân cho quân và dân tỉnh Quảng Đức tiến hành tổ chức kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, đất nước được thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986. Những thành tựu to lớn trong hơn 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi mới thành lập huyện điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, bộ máy chính quyền chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự vào cuộc của các cơ quan ban, ngành và sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc, Krông Nô từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, lòng tin của quần chúng đối với Đảng được củng cố. Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin và đi theo, Đảng bộ Krông Nô có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ khóa » Dân Số Huyện Krông Nô
-
Krông Nô – Wikipedia Tiếng Việt
-
Krông Nô - Wikiwand
-
Huyện Krông Nô - Đắk Nông - Trang Cá Nhân Của Trịnh Đình Linh
-
Bản đồ, Dân Số, Zip Code Huyện Krông Nô - Đắk Nông Mới Nhất
-
Giới Thiệu Khái Quát Huyện Krông Nô - Tỉnh Đắk Nông
-
Huyện Krông Nô, Tỉnh Đắk Nông
-
Tỉnh Đắk Nông - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Huyện Krông Nô, Tỉnh Đắc Nông: Thực Hiện Tốt Chương Trình 132 ...
-
Xã Hội Tỉnh Đắk Nông đến Năm 2020
-
Đắk Nông
-
Đặc điểm Tự Nhiên - Trang Chủ - UBND Huyện Lắk
-
TTYT H. Krông Nô - Đắk Nông - CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
-
Giới Thiệu - Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Tỉnh Đăk Nông