Lịch Sử Nghìn Năm Và Những đổi Thay Nơi Vùng đất Bốn Bề Sông Biển

Trong đó có bộ sách về học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người Thái Bình. Mở đầu câu chuyện nhân kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21-3-1890 / 21-3-2020), TS Nguyễn Hồng Chuyên cho biết:

- Ngày 20-8-2000, người dân đã phát hiện cặp trống đồng cổ tại xã Minh Tân, huyện Hưng Hà còn nguyên khuôn đúc. Các nhà khoa học đã xác định niên đại của cặp trống này khoảng 2.500 năm. Phát hiện này cùng với các nghiên cứu khác đã cho thấy, mảnh đất Thái Bình với những hoạt động của con người đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm. Và như vậy, 130 năm chỉ là một chặng trong lịch sử cổ xưa của vùng đất Thái Bình...

Những dấu mốc từ thuở hồng hoang

Phóng viên (PV): Vùng đất Thái Bình ra đời và định hình trong lịch sử theo chúng tôi thấy là khá đặc biệt. Đây là vùng bốn bề sông biển, được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Những diễn tiến lịch sử đến trước ngày thành lập tỉnh Thái Bình có thể được khái lược như thế nào, thưa đồng chí?

TS Nguyễn Hồng Chuyên: Vào khoảng thế kỷ 7-6 trước Công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hóa, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên một đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.

Cùng với quá trình hình thành đất đai và cư dân, địa vực Thái Bình đã được đưa vào địa dư hành chính quốc gia với nhiều cấp độ và thay đổi khác nhau. Đầu Công nguyên, Thái Bình nằm trong vùng đất phía nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Thế kỷ thứ X, khi Ngô Quyền xưng vương, Thái Bình thuộc đất Đằng Châu (bao gồm cả Thái Bình, Hưng Yên sau này). Thời Tiền Lê, năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), Lê Đại Hành đổi đạo làm lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương. Khi Lê Long Đĩnh lên ngôi (1005-1009) đổi Đằng Châu là phủ Thái Bình, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” tên phủ Thái Bình có từ đấy.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Hồng Chuyên. (Ảnh: VIỆT HÀ)

Phải đến đời Trần, thế kỷ 18 trở đi, địa vực Thái Bình mới thật sự rõ nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Năm 1252, Trần Thái Tông đổi 24 lộ làm 12 lộ phủ, dưới lộ phủ là huyện, hương. Thái Bình thuộc lộ phủ Long Hưng và các lộ phủ Kiến Xương, An Tiêm. Thời Lê sơ (1428-1527) chia nước làm 5 đạo, dưới đạo là trấn, phủ, huyện, châu, xã. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Lê Thánh Tông chia nhỏ các đạo thành 13 đạo và bỏ đơn vị hành chính trung gian như trấn, lộ; lúc này Thái Bình thuộc Nam Đạo sau là đạo Sơn Nam, đến năm 1741, Lê Hiển Tông đổi đạo làm trấn và chia đạo Sơn Nam thành hai trấn: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ ba (1822), lúc đầu toàn bộ Thái Bình vẫn thuộc trấn Nam Định, sau thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Nam Định.

PV: Dấu mốc nào thể hiện Thái Bình là một tỉnh có địa giới độc lập và quá trình điều chỉnh các cấp hành chính của tỉnh cho đến ngày nay?

TS Nguyễn Hồng Chuyên: Dấu mốc ấy được xác định vào ngày 21-3-1890, khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm hai huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh-một đơn vị hành chính độc lập, gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.

Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 10-4-1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17-6-1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, thị xã Thái Bình được công nhận là thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29-4-2004 của Chính phủ).

Diện mạo mới trên “quê hương năm tấn”

PV: Với vị trí trọng yếu cửa ngõ, Thái Bình cũng sớm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Trong nhiều thập kỷ, người dân Thái Bình đã không ngừng bồi đắp ý chí kiên cường, bất khuất, lập nên bao kỳ tích trong đấu tranh để bảo vệ quê hương. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thái Bình là tỉnh đi đầu thực hiện phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, với những hy sinh to lớn và đóng góp xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những số liệu và tên tuổi nào trong giai đoạn này nói lên điều đó, thưa đồng chí?

TS Nguyễn Hồng Chuyên: Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhân dân Thái Bình đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử những dấu son chói lọi như: Đại tướng Hoàng Văn Thái-Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta, Thiếu tướng tình báo nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ, các anh hùng: Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận, Phạm Tuân...

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hơn 51.000 người con quê hương đã hy sinh; gần 33.000 thương binh, bệnh binh; 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với nước...

leftcenterrightdel
Lễ hội đền Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: PHÚC TUYÊN)

PV: Về Thái Bình hôm nay, có thể thấy rõ sự đổi thay nhanh chóng và một diện mạo mới của tỉnh nhà. Đồng chí có thể chấm phá một số nét tiêu biểu trong bức tranh sinh động ấy?

TS Nguyễn Hồng Chuyên: Hai mươi năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công Chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân tăng 7,2%/năm.

Riêng năm 2019 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số; sản xuất công nghiệp-xây dựng và thương mại, dịch vụ tăng cao hơn mức tăng trưởng của các năm trước. Tập trung, tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh; vốn đăng ký đầu tư đạt gần 17.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm trước; đặc biệt, đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Thu ngân sách từ nội bộ nền kinh tế vượt gần 35% dự toán và tăng 20,6% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gấp gần 2 lần kế hoạch đề ra. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, là một trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện đã hoàn thành các tiêu chí quốc gia; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN HOÀNG - DUY HÀ thực hiện

Từ khóa » Tỉnh Thái Bình Thành Lập Năm Nào