Lịch Sử Và ý Nghĩa Ra đời Của 3 Tổ Chức Cộng Sản Năm 1929

1. Hoàn cảnh lịch sử

Từ cuối 1928 đến đầu 1929, phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta đặc biệt là phong trào công nhân, nông dân theo con đường cách mạng vô sản phát triển mạnh mẽ trong đó Bắc Kỳ là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh so với các vùng khác trong cả nước.

>> Xem thêm:

  • So sánh Luận cương chính trị 10/1930 và Cương lĩnh chính trị đầu tiên
  • Nội dung và hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10/1930
  • Nội dung, ý nghĩa Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng
  • Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời Đảng cộng sản Việt Nam

Sự phát triển của phong trào cách mạng đòi hỏi phải được tổ chức và lãnh đạo cao hơn. Trước tình hình đó, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên không còn đủ sức để lãnh đạo nữa, cần phải thành lập một Đảng cộng sản để tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân, giai cấp nông dân cùng các lực lượng yêu nước đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, tay sai giành độc lập dân tộc. Đó là lý do để dẫn đến sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bắc Kỳ (3/1929). Họ hoạt động tích cực để thành lập 1 Đảng cộng sản thay thế.

Vì thế, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 6/1929, An Nam cộng sản Đảng (7/1929) và Tân Việt cũng tự cải tổ thành Đông Dương cộng sản liên đoàn (9/1929).

2. Quá trình thành lập 3 tổ chức cộng sản

(i) Sự ra đời của Đông Dương cộng sản Đảng( 6/1929)

Cuối tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kỳ, trong đó có Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh đã họp ở số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) để lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm 7 người, tích cực chuẩn bị tiến tới thành lập một ĐCS thay thế cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tại đại hội toàn quốc lần thứ 1 của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (5/1929) khi kiến nghị của mình đưa ra về việc thành lập Đảng cộng sản không được chấp nhận, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã rút khỏi hội nghị về nước, rồi ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, các tầng lớp nhân dân cách mạng nước ta ủng hộ chủ trương thành lập Đảng cộng sản.

Ngày 17/6/1929 đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc họp đại hội, quyết định thành lập Đông Dương cộng sản Đảng thông qua tuyên ngôn, điều lệ cyar Đảng, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận. Đông Dương cộng sản Đảng ra đời đáp ứng yêu cầu bức thiết của quần chúng nên được nhiệt liệt hưởng ứng, uy tín và tổ chức của Đảng phát triển mạnh, nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

(ii) Sự ra đời của An Nam cộng sản Đảng (7/1929)

Sự thành lập của Đông Dương cộng sản Đảng đã tạo đà trực tiếp với sự ra đời các tổ chức cộng sản tiếp theo. Tháng 7/1929 tổng bộ thanh niên cùng kì bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên quyết định thành lập An Nam cộng sản Đảng. An Nam cộng sản Đảng ra tờ “báo đỏ” ở Hương Cảng – Trung QUốc để tuyên truyền về trong nước. Tháng 11/1929 An Nam cộng sản Đảng đã họp đại hội thông qua đường lối chính trị, bầu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

(iii) Sự thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn

Sự phân hóa trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên dẫn tới sự ra đời của hai tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng ( 6/1929) và An Nam cộng sản Đảng ( 7/1929). Cũng từ đó xu hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng lôi cuốn những đảng viên tiên tiến trong Tân Việt cách mạng Đảng. Các đảng viên tiên tiến ấy từ lâu chịu ảnh hưởng của Hội VNCMTN nay cũng tách ra để thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn (9/1929). Đây cũng là một bước phát triển mới của tổ chức này từ một đảng Tiểu tư sản chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên có xu hướng vô sản nay đã phân hóa chuyển thành Đảng cộng sản.

Như vậy, chỉ trong vòng không đấy bốn tháng (từ tháng 6 đến 9/1929) đã có 3 tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở nước ta.

3. Ý nghĩa

Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản là xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê nin và phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở nước ta. Sự ra đời đó đã khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng nước ta. Từ đây cách mạng Việt Nam đã xuất hiện những tổ chức chính trị của giai cấp vô sản, đó là các tổ chức cộng sản. Đồng thời, sự ra đời của ba tổ chức cộng sản đã chứng tỏ hệ tư tưởng vô sản đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta. Với sự ra đời này, đã tạo điều kiện để đưa đến sự thành lập một Đảng cộng sản duy nhất ở nước ta vào đầu 1930.

Nguồn: Tổng hợp

Từ khóa » Sự Ra đời Của Ba Tổ Chức Cộng Sản ở Việt Nam Cuối Năm 1929 Là