Lịch Sử Vương Triều Tây Hạ | Trung Học Cơ Sở Lê Lợi

Huỳnh Chương Hưng dịch từ nguyên tác Trung văn TÂY HẠ ĐÍCH LỊCH SỬ KHÁI HUỐNG 西夏的历史概况 Trong quyển TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ 中国风俗通史 LIÊU KIM TÂY HẠ QUYỂN 辽金西夏卷. Tác giả: Tống Đức Kim 宋德金, Sử Kim Ba 史金波. Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã – 2001.

Tây Hạ 西夏 trước sau có tất cả 10 vị hoàng đế, trị nước được 190 năm. Thời kì đầu tồn tại song song với triều Bắc Tống và triều Liêu; thời kì sau chia thế chân vạc với triều Nam Tống và triều Kim, hình thành cục diện “tam quốc” mới ở Trung Quốc. Lân cận còn có chính quyền Hồi Hột 回鹘, Thổ Phồn 吐蕃, khiến cho mối quan hệ giữa các vương triều càng thêm phức tạp, tế nhị. Thủ đô của Tây Hạ là phủ Hưng Khánh 兴庆 (về sau đổi tên là phủ Trung Hưng 中兴, tức nay là thành phố Ngân Xuyên 银川 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), dân tộc chủ thể là Đảng Hạng党项 thuộc tộc Khương 羌.

1- TỘC ĐẢNG HẠNG DI CƯ

Tộc Đảng Hạng có lịch sử lâu đời, là một nhánh của Tây Khương 西羌 thời Hán, “sau thời Nguỵ Tấn, Tây Khương suy yếu, có lúc thần phục Trung Quốc, có lúc lấn chiếm rừng núi. Từ sau khi họ Chu 周 diệt Đãng Xương 宕昌, Đặng Chí 邓至, Đảng Hạng bắt đầu hùng mạnh trở lại. Giới tuyến phía đông đến Tùng Châu 松州, phía tây tiếp giáp với Diệp Hộ 叶护, phía nam sống chung với tộc Khương Thung Tang 舂桑, Mê Tang 迷桑, phía bắc nối liền với Thổ Cốc Hồn 吐谷浑, ở vào khu vực thung lũng trải dài hơn 3 ngàn dặm” (1).

Thời kì đầu, tộc Đảng Hạnh chủ yếu phân bố tại thảo nguyên rộng lớn phía đông nam tỉnh Thanh Hải và phía tây bắc tỉnh Tứ Xuyên hiện nay. Lúc bấy giờ tộc Đảng Hạng đã có rất nhiều bộ lạc, mỗi bộ lạc là một họ, trong đó bộ lạc Thác Bạt 拓跋 là mạnh nhất, thời đó tộc Đảng Hạng hãy còn ở vào thời kì cuối của xã hội nguyên thuỷ. Đầu thời Đường, thủ lĩnh bộ lạc Thác Bạt của tộc Đảng Hạng là Thác Bạt Xích Từ 拓跋赤辞 quy thuận nhà Đường và được ban cho họ Lí 李.

Về sau, vương triều Thổ Phồn ở cao nguyên Tây Tạng hưng thịnh lên, không ngừng mở rộng thế lực. Tộc Đảng Hạng chịu sức ép dưới thế lực hùng mạnh của Thổ Phồn không thể không thỉnh cầu nhà Đường được dời vào sâu bên trong, từ đó đã mở màn cho cuộc đại thiên di của dân tộc Đảng Hạng. Từ thời trung Đường trở về sau, đại bộ phận người Đảng Hạng đã dần chuyển đến khu vực phía đông tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ và tây bắc tỉnh Thiểm Tây hiện nay, tại vùng đất mới này người Đảng Hạng đã sinh sôi không ngừng.

Năm Trung Hoà 中和 thứ nhất nhà Đường (năm 881), thủ lĩnh tộc Đảng Hạng Thác Bạt Tư Cung 拓跋思恭 được phong làm Định Nạn Quân Tiết độ sứ 定难军节度使, quản lĩnh 5 châu, trị sở tại Hạ Châu 夏州 (nay thuộc huyện Tĩnh Biên 靖边 tỉnh Thiểm Tây), 4 châu còn lại là: Ngân Châu 银州 (nay thuộc huyện Mễ Chi 米脂 tỉnh Thiểm Tây), Tuy Châu 绥州 (nay thuộc huyện Tuy Đức 绥德 tỉnh Thiểm Tây), Hựu Châu 宥州 (nay thuộc huyện Tĩnh Biên 靖边 tỉnh Thiểm Tây), Tĩnh Châu 静州 (nay thuộc huyện Mễ Chi 米脂 tỉnh Thiểm Tây), sự thực đã bắt đầu việc cát cứ địa phương. Thời Ngũ đại, chính quyền Đảng Hạng Hạ Châu trước sau dựa vào các vương triều ở trung nguyên như Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, đồng thời trong các cuộc đấu tranh đã liên kết hoặc phân hoá lực lượng với các phiên trấn lân cận, thế lực không ngừng lớn mạnh (2).

Đầu thời Tống, thủ lĩnh tộc Đảng Hạng quy thuận nhà Tống được ban cho họ Triệu 赵. Về sau, thủ lĩnh tộc Đảng Hạng Lí Kế Thiên 李继迁 (Triệu Bảo Cát 赵保吉) vì phản đối việc nhà Tống trực tiếp quản 5 châu và đã biến thân thuộc của thủ lĩnh tộc Đảng Hạng thành con tin, nên đã đào thoát sang Cân Trạch 斤泽 (nay thuộc Y Khắc Chiêu Minh 伊克昭盟 khu tự trị Nội Mông), công khai chống lại nhà Tống.Tự biết vây cánh của mình chưa đủ, Lí Kế Thiên dựa vào nước Liêu, được phong làm Hạ quốc vương, trải qua 15 năm giằng co, cuối cùng trở thành mối hoạ lớn cho nhà Tống, và năm Chí Đạo 至道 thứ 3 nhà Tống (năm 997), ép nhà Tống phong cho ông làm Định Nạn Quân Tiết độ sứ 定难军节度使, vẫn quản 5 châu.

Năm Hàm Bình 咸平 thứ 5 nhà Tống (năm 1002), Lí Kế Thiên lại công chiếm Linh Châu 灵州 (nay là tây nam huyện Linh Vũ 灵武 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ). Năm sau đổi Linh Châu thành phủ Tây Bình 西平, nơi đây trở thành trung tâm thống trị của chính quyền mới tộc Đảng Hạng. Sau khi Lí Kế Thiên mất, con là Lí Đức Minh 李德明 kế thừa vương vị, về đại thể đã giao hảo qua lại với nhà Tống. Nhà Tống mỗi năm ban cho một số lớn bạc, lụa, trà, và còn mở thị trường phát triển mậu dịch ở Bảo An Quân 保安军 (nay thuộc huyện Chí Đan 志丹 tỉnh Thiểm Tây).

Năm Thiên Hi 天禧 thứ 4 nhà Tống (năm 1020), Lí Đức Minh dời trung tâm thống trị đến trấn Hoài Viễn 怀远 ở chân núi Hạ Lan 贺兰, đổi tên là Hưng Châu 兴州 (nay là thành phố Ngân Xuyên 银川 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), và dần phát triển nơi đây thành một đại đô hội của khu vực tây bắc, thế lực ngày càng lớn mạnh. Năm Thiên Thánh 天圣 thứ 6 nhà Tống (năm 1028), Lí Đức Minh sai con là Nguyên Hạo 元昊 dẫn binh công chiếm Cam Châu 甘州 (nay là Trương Dịch 张掖 tỉnh Cam Túc), Lương Châu 凉州 (nay là Vũ Uy 武威 tỉnh Cam Túc).

Chẳng bao lâu, Qua Châu 瓜州 (nay là huyện An Tây 安西 tỉnh Cam Túc), Sa Châu 沙州 (nay là Đôn Hoàng 敦煌 tỉnh Cam Túc) cũng đến đầu hàng. Như vậy, chính quyền Đảng Hạng của Lí Đức Minh lại chiếm lĩnh trọn hành lang Hà Tây 河西, đặt nền móng kiến lập cơ sở cho bản đồ Tây Hạ.

2- TÂY HẠ LẬP QUỐC VÀ PHÁT TRIỂN

Thời Nguyên Hạo 元昊, thực lực Tây Hạ rất hùng mạnh, điều kiện kiến lập vương triều ngày càng chín mùi, Nguyên Hạo lại có hùng tài đại lược, sớm đề xuất chủ trương “anh hùng nên làm vương bá”. Nguyên Hạo không ngừng sáng tạo, chọn thực hiện một hệ thống chính trị, quân sự, văn hoá, tiến hành chính thức hoạt động chuẩn bị cho việc lập quốc. Ông ta bỏ họ Lí họ Triệu mà nhà Đường nhà Tống ban cho, đổi sang họ Nguy Danh 嵬名, thay danh hiệu tự xưng là “Ngột Tốt” 兀卒 (tiếng Tây Hạ có nghĩa là “hoàng đế”); đề cao phong tục dân tộc; sáng tạo văn tự, phiên dịch kinh điển; mô phỏng chế độ của trung nguyên thiết lập quan chế; hoàn thiện thủ phủ, đổi Hưng Châu thành phủ Hưng Khánh 兴庆; ra sức chỉnh đốn quân đội, đặt ra Giám quân ti trong địa phận của mình. Nguyên Hạo còn liên tiếp dùng binh đối với Bắc Tống, Thổ Phồn, Hồi Hột, tiến một bước mở rộng bản đồ, quản lí một khu vực rộng lớn đại bộ phận Cam Túc, Ninh Hạ, phía tây Nội Mông và phía đông Thanh Hải hiện nay, trở thành thế lực thứ 3 đối kháng với Tống, Liêu.

Năm Bảo Nguyên 宝元 thứ nhất nhà Tống (năm 1038, tức năm Thiên Thụ Lễ Pháp Diên Tộ 天授礼法延祚 thứ nhất nhà Tây Hạ), Nguyên Hạo lập đàn nhận sách, chính thức lập quốc xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Hạ 大夏, tức Tây Hạ, công khai dâng biểu với nhà Tống. Nhà Tống không thừa nhận địa vị của Nguyên Hạo, đối với Tây Hạ không ngừng dùng binh, hai bên phát sinh những trận đại chiến tại Tam Xuyên Khẩu 三川口 (nay là tây bắc Diên An 延安 tỉnh Cam Túc), Hảo Thuỷ Xuyên 好水川 (nay là phía bắc huyện Long Đức 隆德 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), Định Xuyên Trại 定川寨 (nay là tây bắc Cố Nguyên 固原 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), nhà Tống đều bị thảm bại.

Từ đó, việc phòng thủ quân sự và đàm phán chính trị giao thoa tiến hành; trải qua nhiều lần thương lượng, nhà Tống không đủ sức chinh phục Tây Hạ; Tây Hạ về tài chính cũng khó khăn, dân nhân cũng cùng cực khó tiến binh đánh trung nguyên. Hai bên đã tiến hành thoả thuận, Tây Hạ xưng thần với nhà Tống, nhà Tống thừa nhận địa vị thức tế của Tây Hạ, mỗi năm ban cho Tây Hạ nhiều rất bạc, lụa, trà. Nguyên Hạo làm hoàng đế 11 năm, sau vì cung định nội loạn bị giết chết, được truy là Cảnh Tông 景宗.

Sau khi Nguyên Hạo mất, vương triều Tây Hạ đối mặt với cục diện chính trị hoàng đế còn nhỏ, ngoại thích chuyên quyền. Con Nguyên Hạo là Lượng Tộ 谅祚 còn nằm trong tả đã lên ngôi, mẫu hậu là Một Tạng thị 没藏氏 và cậu là Một Tàng Ngoa Bàng 没藏讹庞 nắm chính quyền, cùng với nhà Tống có lúc hoà lúc đánh. Khi Lượng Tộ 14 tuổi, dưới sự ủng hộ của triều thần đã giết Một Tạng Ngoa Bàng vì có âm mưu cướp ngôi, bắt đầu thân chính.

Lượng Tộ tại vị 19 năm, đó là Nghị Tông 毅宗. Lượng Tộ mất, con là Bỉnh Thường 秉常 cũng lên ngôi từ lúc nhỏ, mẫu hậu là Lương Thị 梁氏 và cậu là Lương Ất Mai 梁乙埋 nắm lấy việc triều chính. Bỉnh Thường 16 tuổi thân chính, nhân vì muốn hướng đến nhà Tống xin sáp nhập, khác với chính kiến của Thái hậu nên đã bị cầm tù ở phủ Hưng Khánh. Nhà Tống thừa cơ đem đại quân của ngũ lộ tấn công Tây Hạ, cuối cùng vì do chỉ huy sơ suất nên đã thất bại. Năm Đại An 大安 thứ 8 nhà Tây Hạ (năm 1081), Tống và Hạ lại phát sinh chiến tranh tại thành Vĩnh Lạc 永乐 (nay là phía tây huyện Mễ Chi 米脂 tỉnh Thiểm Tây), quân Tống lại tổn thất thảm hại. Bỉnh Thường tại vị được 19 năm, đó là Huệ Tông 惠宗. Con Bỉnh Thường là Càn Thuận 乾顺 3 tuổi lên ngôi, mẫu hậu là Lương thị 梁氏 (cháu gái của mẹ Bỉnh Thường) và cậu là Lương Ất Bô 梁乙逋 (con của Lương Ất Mai) chuyên quyền.

Sau 15 năm, Càn Thuận thân chính, kết giao với Liêu. Năm Nguyên Đức 元德 thứ 4 (năm 1122), Kim diệt Liêu, Tây Hạ theo Kim, đồng thời trong cuộc chiến tranh Kim diệt Liêu đánh Tống, Tây Hạ được lợi, thừa cơ mở rộng bản đồ. Càn Thuận tại vị 53 năm, đó là Sùng Tông 崇宗. Ba triều thời kì này, mẫu đảng chuyên quyền, khiến làn sóng mâu thuẫn giữa hoàng tộc Tây Hạ và hậu tộc thay nhau nổi dậy, đồng thời theo sự tranh giành quyền lợi trong nội bộ giai cấp thống trị đã nhiền lần phát sinh đấu tranh nghiêm trọng giữa “Phiên lễ” 蕃礼 và “Hán lễ” 汉礼.

Giai đoạn này, kinh tế Tây Hạ lại có sự phát triển mới; quan hệ mậu dịch qua lại giữa Tống và Hạ lúc có lúc không. Mỗi khi Tống Hạ giao chiến, nhà Tống thường dừng việc giao nạp tài vật, bãi chợ, đóng thị trường. Điều này phản ánh sự phát triển của nền kinh tế Tây Hạ vẫn còn chưa hoàn thiện.

3- TỪ PHỒN VINH ĐẾN SUY VONG

Thời kì trước khi con của Càn Thuận 乾顺 là Nhân Hiếu 仁孝 trị vì, liên tiếp phát sinh những sự kiện chính trị nghiêm trọng. Sau khi Nhân Hiếu lên ngôi, chẳng bao lâu trong nước xảy ra cuộc phản loạn của Tiêu Hợp Đạt 萧合达 người Khất Đan 契丹, và cũng do bởi nạn đói nghiêm trọng nên cũng đã bộc phát cuộc khởi nghĩa đại quy mô do Đa Ngoa 哆讹 dẫn đầu. Trong quá trình bình định phản loạn và trấn áp cuộc khởi nghĩa nhân dân, ngoại thích Nhâm Đắc Kính 任得敬 đã dần nắm quyền bính, giữ chức tướng quốc, cuối cùng muốn chia nước tự lập. Dưới sự giúp đỡ của nhà Kim, Nhân Hiếu giết Nhâm Đắc Kính, diệt bè nhóm của Nhâm Đắc Kính, tránh được nguy cơ chia nước.

Thời kì này, nhà Kim tràn xuống phía nam, xâm lược nước Tống, Tây Hạ quy phụ vào Kim để tự bảo vệ. Thời kì Nhân Hiếu, sức sản xuất của xã hội Tây Hạ phát triển nhanh chóng, nông nghiệp, chăn nuôi đều có sự tiến bộ. Nhân Hiếu ra sức đề xướng văn giáo, đất nước thực hành khoa cử, triều thần tu đính luật lệnh, chùa miếu hiệu đính in ấn kinh Phật, văn nhân trứ thư lập thuyết, sự nghiệp văn hoá phồn vinh cao độ, đạt đến thời đại đỉnh thịnh của Tây Hạ. Nhân Hiếu tại vị 54 năm, đó là Nhân Tông 仁宗.

Sau khi Nhân Tông mất, Tây Hạ bước vào thời kì cuối, nội ưu ngoại hoạn gia tăng, đất nước bắt đầu xuống dốc. Lúc bấy giờ Mông Cổ đã quật khởi ở phía bắc, không ngừng xâm lược Tây Hạ.

Trong hơn 30 năm vãn kì của Tây Hạ, hoàng quyền không ổn định, 5 vị hoàng đế thay nhau: Hoàn Tông Thuần Hựu 桓宗纯佑 tại vị 3 năm; Tương Tông An Toàn 襄宗安全 tại vị 4 năm; Thần Tông Tuân Húc 神宗遵顼 tại vị 13 năm; Hiến Tông Đức Vượng 献宗德旺 tại vị 3 năm; Nam Bình Vương Hiển 南平王睍 tại vị 1 năm. Thời kì này Tây Hạ ngoại hoạn liên miên, lửa khói không dứt, Mông Cổ 6 lần xâm nhập.

Năm Bảo Nghĩa 宝义 thứ nhất (năm 1227), đại quân Mông Cổ đã công chiếm những cơ sở thành thị trọng yếu như: thành Hắc Thuỷ 黑水 của Tây Hạ (nay thuộc Ngạch Tế Nạp Kì 额济纳旗 khu tự trị Nội Mông), Sa Châu 沙州, Túc Châu 肃州 (nay là Tửu Tuyền 酒泉 tỉnh Cam Túc), Cam Châu 甘州, Linh Châu 灵州, bao vây phủ Trung Hưng 中兴. Vị hoàng đế cuối cùng là Hiển không đủ sức chống trả, bó tay chịu hàng và bị giết. Vương triều Tây Hạ hùng cứ khu vực tây bắc cáo chung.

———————————–

Chú thích của nguyên tác:

(1)- Cựu Đường thư 旧唐书 quyển 198 Đảng Hạng Khương truyện 党项羌传, Trung Hoa thư cục hiệu điểm bản (đoạn sau giống với chính sử). Bắc sử 北史 quyển 96 Đảng Hạng truyện 党项传; Tuỳ thư 隋书 quyển 83 Đảng Hạng truyện 党项传. (2)- Cựu Ngũ đại sử 旧五代史 quyển 138 Đảng Hạng truyện 党项传. Tống sử 宋史 quyển 485, 486 Hạ quốc truyện 夏国传 (thượng, hạ). Liêu sử 辽史 quyển 115 Tây hạ ngoại kí 西夏外记. Kim sử 金史 quyển 134 Tây Hạ truyện 西夏传. (Thanh) Ngô Quảng Thành 吴广成 Tây Hạ thư sự 西夏书事, Thanh Đạo Quang ngũ niên (1835)

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Từ khóa » đăng Châu Thời Tống