Lịch Tiêm Chủng đầy đủ Nhất Cho Trẻ Theo Từng Tháng Tuổi - VNVC
Có thể bạn quan tâm
Trẻ càng nhỏ, khả năng mắc bệnh truyền nhiễm càng cao, biến chứng càng nặng. Tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là trong những năm đầu đời giúp trẻ được bảo vệ tốt trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tránh nguy cơ biến chứng, nhập viện và điều trị tốn kém. Nếu trễ lịch tiêm, trẻ cần được tiêm bù trong thời gian sớm nhất, tiêm sớm, phòng bệnh sớm.
Dưới 5 tuổi là giai đoạn hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, sức đề kháng kém, đặc biệt đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng. Trong khi đó, điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường… rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như lao, phế cầu, cúm, rotavirus, các vi khuẩn gây bệnh về não (viêm màng não do não mô cầu khuẩn, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu khuẩn), thuỷ đậu, sởi…
Chưa kể sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng tăng cao và tăng nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài hơn do “khoảng trống miễn dịch”. Hiện tượng này xảy ra do trẻ không được tiêm chủng vắc xin đầy đủ trong thời gian dài, khả năng tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên cũng tăng cao, khiến sức đề kháng của trẻ kém và trở nên vô cùng mong manh trước các tác nhân gây bệnh.
Chính vì thế, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ trong những năm đầu đời, tiêm bù, tiêm đuổi nếu đang trễ lịch tiêm. Lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ chính là việc chủ động sử dụng vắc xin để giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt virus, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
Trẻ càng nhỏ, mắc bệnh càng nặng, trong khi đó chi phí bỏ ra cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị cũng như những đau đớn không thể so sánh được do các bệnh truyền nhiễm.
1. Bảng lịch tiêm chủng cho bé theo khuyến nghị của bác sĩ
Dưới đây là lịch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo từng tháng, phụ huynh nhất định phải ghi nhớ hoặc lưu lại để đảm bảo bé được tiêm chủng vắc xin đủ mũi, đúng lịch.
Ghi chú:
Lịch tiêm chủng tiêu chuẩn |
Lịch tiêm khuyến cáo |
(*) Lịch tiêm có thể thay đổi tùy theo loại vắc xin, sự tuân thủ phác đồ tiêm chủng và cập nhật hướng dẫn của cơ quan y tế.
(**) Viêm gan B liều sơ sinh để phòng lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con. Nếu tiêm vắc xin phối hợp có thành phần viêm gan B thì theo lịch tiêm của vắc xin phối hợp.
Chi tiết các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng
1. Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):
- Vắc xin Heberbiovac (Cu Ba), Gene-HBvax (Việt Nam) liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.
- Vắc xin BCG liều sơ sinh phòng bệnh lao.
Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng lao và viêm gan B. Đây là những mũi tiêm đầu đời, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trẻ, tránh lây truyền virus từ mẹ sang con. Chậm trễ trong việc tiêm vắc xin phòng lao ở trẻ sơ sinh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ, thậm chí nhiều trẻ có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh, khi hệ miễn dịch của trẻ còn khá non nớt, không đủ khả năng tự bảo vệ trước những tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài. Hệ quả, lao gây bệnh tại phổi và có thể lây lan sang các cơ quan khác như xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim, màng não… Trong các thể lao, lao màng não ở trẻ sơ sinh có thể để lại những hậu quả nặng nề với trẻ như: liệt tay chân, động kinh, bại não, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần,…
Viêm gan siêu vi B là vấn đề sức khỏe toàn cầu, là tác nhân gây ung thư đứng thứ 2 sau thuốc lá và là nguyên nhân của hơn 80% các trường hợp ung thư nguyên phát. Nếu thai phụ nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm cho thai nhi là 30% – 40%. Mẹ có thể lây truyền virus viêm gan B cho thai nhi từ trong tử cung, lúc sanh hoặc sau sanh. Nếu trẻ được tiêm vắc xin phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sanh, hiệu quả bảo vệ trước virus viêm gan B có thể lên đến 95%.
⇒ Xem chi tiết hơn về Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh ← tại đây.
2. Vắc xin cho trẻ từ 6 tuần tuổi:
- Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) 6 trong 1 Infanrix hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) hoặc 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B) (mũi 1).
- Vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ), Rotavin (Việt Nam) phòng Rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấp (liều 1).
- Vắc xin Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 1).
- Đến lúc trẻ 2 tháng tuổi, cần cho trẻ tiêm thêm mũi 1 vắc xin phong các bệnh do não mô cầu khuẩn nhóm B gây ra: Vắc xin Bexsero (Ý)
Khi trẻ tròn 6 tuần tuổi đã có thể tiêm vắc xin phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do Hib, tiêu chảy do Rota virus, các bệnh do phế cầu khuẩn như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn. Để hạn chế đau đớn cho trẻ khi phải tiêm nhiều mũi, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại, Ba Mẹ có thể chọn tiêm vắc xin kết hợp 6 trong 1 phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib); hoặc vắc xin 5 trong 1 (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B).
Bên cạnh vắc xin kết hợp 6 trong 1, 5 trong 1, vắc xin phòng tiêu chảy cấp do virus Rota đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy thì có 1 trẻ tiêu chảy do Rotavirus. Đây là căn bệnh rất phổ biến đứng thứ 2 sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ. Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus thường nôn ói, đi ngoài phân lỏng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phế cầu khuẩn là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của trẻ em và cả người lớn như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính,… Trung bình mỗi 20 giây, viêm phổi lại giết chết 1 đứa trẻ. Hằng năm, viêm phổi tước đoạt mạng sống của hơn 4000 trẻ em Việt Nam, trong tổng số 2,9 triệu ca mắc. Đáng lo ngại, phế cầu ngày càng kháng kháng sinh gây khó khăn trong việc điều trị và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh như điếc, mù, liệt, chậm phát triển tâm thần kinh. Tiêm vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ từ 2 tháng tuổi là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả.
Đến khi trẻ đạt 2 tháng tuổi, phụ huynh cần nhanh chóng cho trẻ tiêm vắc xin phòng viêm màng não và các bệnh do vi khuẩn não mô cầu nhóm B gây ra với vắc xin thế hệ mới nhất – Bexsero (Ý) được VNVC tiên phong đưa về Việt Nam, triển khai tiêm chủng cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc. Vắc xin Bexsero (Ý) cung cấp cho trẻ từ 2 tháng tuổi khả năng miễn dịch cao, chống lại sự tấn công, xâm nhập của vi khuẩn não mô cầu nhóm B, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm, di chứng tàn tật suốt đời thậm chí tử vong nhanh chóng trong vòng 24h kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
3. Trẻ 3 tháng tuổi tiêm vacxin gì?
- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Tiêm mũi 2. (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 2).
Khi trẻ được 3 tháng tuổi sẽ tiêm/ uống liều thứ 2 của vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 và vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus. Tiêm mũi 2 giúp củng cố và gia tăng hiệu lực bảo vệ của vắc xin hình thành sau mũi 1, giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh mạnh hơn, kéo dài thời gian hơn.
4. Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi:
- Vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 3 (nếu tiêm vắc xin kết hợp 5 trong 1 thì tiêm thêm mũi viêm gan B).
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/ Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 2).
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 3).
- Vắc xin phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn nhóm B (mũi 2).
Khi trẻ được 4 tháng tuổi, trẻ tiêm mũi 3 vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1, mũi 2 vắc xin phòng phế cầu khuẩn và uống liều 3 vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, nhìn chung, trẻ đã trở nên cứng cáp hơn so với 3 tháng đầu đời. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây là lúc trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên nên rất dễ gặm các đồ đạc xung quanh, vô tình tạo điều kiện cho các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể. Vì vậy, Bố Mẹ chú ý giữ vệ sinh và tiêm vắc xin đúng lịch cho trẻ trong giai đoạn này để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
5. Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi:
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influvac Tetra (Hà Lan)/ GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng bệnh cúm (Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng).
- Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1).
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 3).
6 đến 36 tháng tuổi còn được biết đến là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ. Vì trước 6 tháng trẻ nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai củng cố hệ miễn dịch. Từ 6 đến 36 tháng, kháng thể của mẹ truyền sang con không còn nữa, trong khi cơ thể chưa thể sinh ra đầy đủ kháng thể để tự bảo vệ trước nguy cơ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin trong giai đoạn này càng trở nên đặc biệt quan trọng và không thể thiếu. Trẻ 6 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng cúm, mũi 1 vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu B+C và mũi 3 vắc xin phòng viêm màng não do phế cầu khuẩn.
6. Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi:
- Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2).
- Vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam) phòng bệnh sởi (mũi 1).
- Vắc xin Varilrix (Bỉ) phòng bệnh thủy đậu (mũi 1).
- Vắc xin Imojev (Thái Lan) phòng Viêm não Nhật Bản (mũi 1).
- Vắc xin Priorix (Bỉ) phòng Sởi – quai bị – rubella (mũi 1).
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu ACYW-135 (mũi 1).
Ở giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm mũi 2 vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C và nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác như: Sởi đơn, Sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu ACYW-135.
Sởi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường tấn công trẻ em. Trong đa số các trường hợp, người bệnh hồi phục tốt sau khi ban xuất hiện và thường hồi phục hoàn toàn sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, có đến 40% bệnh nhân gặp biến chứng khi mắc sởi như: Viêm tai giữa, viêm phổi nặng, viêm não, tiêu chảy, ói mửa, suy dinh dưỡng nặng, mờ và loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa… Các biến chứng do bệnh sởi thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Trẻ trước 12 tháng tuổi hầu như được bảo vệ khỏi sởi, quai bị và rubella nhờ vào miễn dịch thụ động từ người mẹ đã tiêm vắc xin trước khi mang thai. Tuy nhiên, kháng thể từ mẹ giảm dần theo thời gian, không còn đủ khả năng bảo vệ khi trẻ trên 6 tháng. Khoảng trống miễn dịch từ thời điểm 6 – 12 tháng khiến trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Vắc xin Priorix là vắc xin thế hệ mới nhất phòng ngừa 3 bệnh Sởi – Quai bị – Rubella được sử dụng sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn.
Nhiều người vẫn nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da, không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, thủy đậu có thể dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng, như: nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não,… Có đến 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân nhiễm virus.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nghiêm trọng ở trẻ em, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30%, di chứng khoảng 50%. Trẻ từ 0-14 tuổi chiếm đến 75% các ca tử vong. Đáng lo ngại, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản; các phương pháp hiện tại chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị một ca viêm não Nhật Bản thường khá dài, chi phí lớn, khả năng hồi phục thấp.
7. Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi:
- Vắc xin 3 trong 1 MMR-II (Mỹ), MMR (Ấn độ) phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (mũi 1) (Nếu trẻ chưa Priorix phòng sởi-quai bị-rubella).
- Vắc xin Varivax/Varicella phòng bệnh thủy đậu (mũi 1) (Nếu chưa tiêm Varilrix).
- Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: Tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần (mũi 1) (Nếu chưa tiêm Imojev).
- Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A (mũi 1). Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 4).
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu ACYW-135 (mũi 2).
- Vắc xin Twinrix (Bỉ) phòng bệnh viêm gan A+B. Hai mũi cách nhau 6 tháng.
- Vắc xin phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn nhóm B (mũi 3).
12 tháng tuổi, ngoài tiêm các loại vắc xin phòng thủy đậu, viêm não Nhật Bản, các bệnh do phế cầu và vắc xin kết hợp phòng 3 căn bệnh sởi, quai bị, rubella, trẻ còn có thể tiêm vắc xin phòng viêm gan A.
Trẻ em là một trong những đối tượng dễ tổn thương và biến chứng nặng do viêm gan A. Không phải trẻ nào nhiễm virus viêm gan A cũng tiến triển thành bệnh. Nhiều trẻ mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, kể cả khi không biểu hiện triệu chứng virus viêm gan A vẫn cư trú trong gan và sẽ hoạt động khi gặp điều kiện thuận lợi như suy gan, viêm gan cấp, sức khỏe suy giảm,… Các cơ quan y tế khuyến cáo, trẻ từ 12 tháng tuổi, những người làm việc trong môi trường hoặc có lối sống dễ nhiễm bệnh, những người đã mắc viêm gan B, C hoặc bệnh lý viêm gan mạn tính cần tiêm vắc xin phòng viêm gan A.
Hãy xem thêm bài viết: Lịch tiêm chủng cho bé dưới 1 tuổi được WHO khuyến cáo
8. Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi:
- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 (mũi 4) (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B).
- Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc).
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influvac Tetra (Hà Lan)/ GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng bệnh cúm (mũi nhắc lại – sau mũi 2 là 1 năm).
Giai đoạn từ 15 đến 24 tháng, trẻ chủ yếu được tiêm các mũi nhắc lại như viêm gan A và cúm. Sở dĩ trẻ cần được tiêm các mũi nhắc vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm một loại vắc xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Do vậy trẻ đã được tiêm chủng vẫn có khả năng mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ phát huy hiệu quả với các loại vắc xin đã tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với những loại vắc xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau được xem như là tiêm mới. Ngược lại, một số vắc xin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm thì việc tiêm các mũi bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các lần tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.
9. Tiêm phòng cho trẻ đủ 24 tháng tuổi:
- Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3).
- Vắc xin Typhim VI/Typhoid VI phòng bệnh thương hàn.
- Vắc xin Tả mORCVAX (Việt Nam) gồm 2 liều uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, liều hai sau liều một 2 tuần).
24 tháng tuổi, trẻ tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản Jevax mũi 3, cùng các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135; vắc xin phòng thương hàn, tả.
Các bệnh do não mô cầu khuẩn có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho người bệnh. 50% bệnh nhân tử vong vì không được điều trị kịp thời, 8-15% ca tử vong dù đã được điều trị và 20% trường hợp sống sót phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bệnh mang lại như chậm phát triển tinh thần, mất thính lực 2 bên, giảm vận động,… trong suốt quãng đời còn lại.
Thương hàn cho đến nay vẫn đang là nỗi lo của toàn thế giới, khi có khoảng 16 triệu ca mắc mới và 600 ngàn người tử vong do bệnh. Trong những trường hợp nặng, người mắc thương hàn có thể sốt cao kéo dài, đau đầu, nôn khan, táo bón, tiêu chảy,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong, loét thanh mạc, thủng ruột.
Tả từng được xem là “Cái chết đen” gây tử vong cho hàng chục triệu người trên thế giới. Bệnh tả ở trẻ em thường diễn biến phức tạp và khó lường. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, tả có thể khiến người bệnh mất một lượng lớn chất lỏng và chất điện giải, dẫn đến tử vong trong vòng 2 đến 3 giờ.
10. Từ 3 tuổi trở lên:
- Vắc xin 3 trong 1 MMR-II phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (mũi nhắc).
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influvac Tetra (Hà Lan)/ GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng bệnh cúm (Tiêm nhắc lại hàng năm).
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135 (mũi nhắc cho trẻ từ 15 tuổi đến người lớn 55 tuổi).
- Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi nhắc, lúc 5 tuổi). Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến khi 15 tuổi.
- Vắc xin Tetraxim (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt) hoặc vắc xin Adacel (Canada)/Boostrix (Bỉ) (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, và nhắc lại mỗi 10 năm.
Từ 3 tuổi trở lên, cơ thể trẻ đã cứng cáp hơn, tuy nhiên vẫn có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài. Chính vì vậy việc tiêm đầy đủ các mũi nhắc như vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella vắc xin Menactra phòng viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135, vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản Jevax là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, ở độ tuổi này, trẻ có thể tiêm vắc xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván, bại liệt.
Xem thêm: Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi chi tiết theo Bộ Y tế
Kinh nghiệm đưa trẻ đi tiêm chủng bố mẹ nào cũng cần biết
1. Chuẩn bị trước khi đưa trẻ đi tiêm ngừa
Để chuẩn bị sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm chủng, Ba Mẹ nhớ mang theo sổ tiêm chủng để bác sĩ có thể theo dõi lịch sử tiêm phòng của trẻ trước đó và đánh dấu những mũi tiêm tiếp theo. Nếu trước đó, trẻ đã được tiêm tại VNVC, toàn bộ lịch sử tiêm chủng đã được lưu lại trên hệ thống, thuận tiện cho việc tra cứu và sắp xếp lịch tiêm tiếp theo của trẻ.
Trước khi đi tiêm phòng, trẻ sẽ được bác sĩ khám sàng lọc. Ba Mẹ nên thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe trước đây của trẻ (như trẻ có tiền sử bệnh gì hay không, có bị dị ứng không, có đang phải uống thuốc kháng sinh không…) để bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phác đồ tiêm vắc xin phù hợp với trẻ.
Việc khám sàng lọc trước tiêm được thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt của Bộ Y Tế theo quyết định số 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019, tập trung vào việc đánh giá tình trạng sức khỏe chung của cơ thể bao gồm: Đo thân nhiệt, đánh giá tri giác, quan sát nhịp thở, nghe phổi, nghe tim, phát hiện các bất thường khác.
⇒ Tham khảo thông tin chi tiết hơn tại đây: Trước khi tiêm phòng cho trẻ nên làm gì? 9 điều mẹ cần biết
2. Trong khi tiêm
Trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, điều dưỡng của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC sẽ giới thiệu cho khách hàng những thông tin cần biết về loại vắc xin sẽ tiêm như: Tên vắc xin, hạn sử dụng, nước sản xuất, phản ứng có thể gặp sau tiêm,… Ba Mẹ nên nghe kỹ và hỏi lại nếu chưa nắm rõ thông tin.
Nên tiêm kết hợp nhiều loại vắc xin cùng lúc nếu điều kiện sức khỏe của trẻ đảm bảo, trẻ đủ tuổi. Việc tiêm kết hợp nhiều loại vắc xin giúp bảo vệ trẻ tốt hơn, vì trẻ càng nhỏ càng dễ nhiễm bệnh, diễn tiến nặng; tiêm vắc xin sớm cho trẻ trong giai đoạn dễ nhiễm bệnh giúp bảo vệ trẻ tốt hơn. Tiêm kết hợp nhiều mũi còn giúp trẻ giảm đau, giảm quấy khóc, giảm số lần gặp các phản ứng phụ như sốt sau tiêm, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Tại VNVC, các điều dưỡng viên được đào tạo bài bản kỹ thuật tiêm không đau, kỹ năng tương tác tốt và yêu thương trẻ, giúp việc đi tiêm của trẻ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
3. Sau khi tiêm
An toàn tiêm chủng là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đó không chỉ là việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng vắc xin, mà còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng của bố mẹ. Để đảm bảo con khỏe mạnh sau khi tiêm chủng, bố mẹ nên lưu ý một số điểm dưới đây:
⇒ Xem thêm: Những điều cần biết sau khi tiêm chủng
Theo dõi sau tiêm chủng:
- Bố mẹ cần theo dõi con tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện những bất thường như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, thở nhanh, thở ngắt quãng, nghẹt thở hoặc khó thở, thở rít, tím tái, da nổi mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế.
- Sau 24 – 48h, trẻ cần tiếp tục được theo dõi về: da niêm mạc, toàn trạng, thân nhiệt, nhịp thở, sinh hoạt hằng ngày bao gồm ăn, ngủ, chơi đùa…
- Quan sát vùng tiêm và da toàn thân của trẻ xem có ngứa, phát ban, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, sưng phù mí mắt.
Chăm sóc sau tiêm chủng:
- Nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nước nhiều, nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều.
- Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, ibuprofen với liều phù hợp.
- Trường hợp tại vết tiêm sưng, đỏ, bố mẹ có thể chườm mát để trẻ giảm sưng, giảm đau.
- Bố mẹ không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm của trẻ, không thoa hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
- Không tự ý dùng Aspirin và các liều thuốc ho, thuốc hạ sốt khác vì những loại thuốc này có thể tăng liều paracetamol.
- Tóm lại, Bố mẹ nên chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, và theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của bé. Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng sẽ giúp bố mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất, cho quá trình tiêm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và phần nào an tâm hơn về những phản ứng sau tiêm.
⇒ Xem thêm: Nên tiêm ngừa cho bé ở đâu? Trung tâm đáp ứng 5 tiêu chí an toàn.
Trường hợp nào không được tiêm phòng cho trẻ?
Rất nhiều bố mẹ thắc mắc khi nào trẻ không được tiêm phòng? Trước khi tiến hành tiêm chủng, bố mẹ luôn được hướng dẫn đưa trẻ đi khám sàng lọc để phát hiện những bất thường, từ đó bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định phù hợp. Dưới đây là những trường hợp trẻ không được tiêm phòng:
- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc xin trước đó, kể cả vắc xin có chứa thành phần: Sốt cao trên 39 độ, sốt co giật hoặc dấu hiệu viêm não, viêm màng não, tím tái, khó thở.
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận…
- Không tiêm vắc xin sống với trẻ bị suy giảm miễn dịch như bệnh suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch nặng.
- Không tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin cụ thể.
Để phát hiện những trường hợp trẻ không được tiêm phòng, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của bé thông qua đo thân nhiệt, đánh giá tri giác, quan sát nhịp thở, nghe tim để phát hiện các bất thường.
Trường hợp nào cần tạm hoãn việc tiêm chủng
Theo quyết định số 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế, những trường hợp tạm hoãn tiêm chủng bao gồm:
- Trẻ suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, thận, gan,…). Trẻ được tiêm chủng trở lại khi sức khỏe ổn định.
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính nhiễm trùng, sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C cũng sẽ được tiêm chủng trở lại sau khi khỏe mạnh, hết sốt.
- Trẻ dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan A, B) tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc điều trị bằng Corticoid liều cao (tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày); hóa, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng tạm hoãn vắc xin sống, giảm độc lực.
- Trẻ có cân nặng dưới 2.000g cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ có tiền sử phản ứng sau tiêm tăng dần sau các lần tiêm chủng trước với cùng 1 loại vắc xin. Ví dụ, lần 1 trẻ tiêm không sốt; lần 2 sốt 39 độ C,… cần khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh mạn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư cần khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
⇒ Tham khảo thêm: Bé đang bệnh có chích ngừa được không?
Tiêm chủng cho trẻ sai hoặc chậm lịch có sao không?
Không phải lúc nào trẻ cũng đảm bảo sức khỏe tốt nhất và Bố Mẹ nhớ chính xác lịch tiêm phòng hoặc cũng có khi vắc xin cần tiêm lại khan hiếm. Lúc ấy, trẻ sẽ không được tiêm phòng đúng lịch, nhất là với những mũi tiêm nhắc lại. Điều này khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo ngại về tính hiệu quả của vắc xin. Liệu vắc xin có còn phát huy hiệu quả tốt nếu trẻ tiêm sai hoặc chậm lịch không?
Thực tế, trẻ chỉ bị ảnh hưởng nếu tiêm sớm hơn lịch hẹn, còn việc tiêm trễ lịch các mũi tiêm nhắc không làm giảm tác dụng của thuốc và cũng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Lịch hẹn tiêm nhắc là thời gian tối thiểu để trẻ tiêm mũi vắc xin tiếp theo và không có thời gian tối đa. Khi quá lịch hẹn, trẻ nên tiếp tục tiêm. Liều tiêm trước đó sẽ không bị mất tác dụng.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, tiêm phòng đúng lịch, đúng phác đồ sẽ phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin; đặc biệt là các liều tiêm nhắc lại sẽ giúp phát huy gần như tối đa khả năng bảo vệ của vắc xin đối với trẻ.
Nếu vì bất cứ lý do gì trẻ phải hoãn tiêm khi đến lịch, ngay khi có thể tiêm phòng trở lại, Bố Mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
⇒ Xem thêm Lịch tiêm chủng cho trẻ sinh non ← tại đây.
Nên chọn tiêm chủng dịch vụ hay tiêm chủng mở rộng cho bé
Từ khi ra đời năm 1981, chương trình Tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã mang lại cho trẻ em trên khắp cả nước cơ hội được tiếp cận những loại vắc xin phòng bệnh cần thiết hoàn toàn miễn phí, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống nói chung.
Ngoài các loại vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn rất nhiều loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong chương trình tiêm chủng dịch vụ được Bộ Y tế khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng vì lợi ích cho sức khỏe trẻ em, nhất là trong tình hình nhiều dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Ngoài các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ sẽ mang đến cho trẻ cơ hội được tiếp cận các loại vắc xin như: Vắc xin phòng thủy đậu, vắc xin kết hợp phòng sởi – quai bị – rubella, vắc xin phòng viêm gan A, vắc xin phòng viêm màng não do mô cầu nhóm B, C, vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus, vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng dại, vắc xin phòng thương hàn, vắc xin phòng ung thư cổ tử cung.
Tham khảo các loại vắc xin cần thiết cho trẻ em và người lớn tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tại đây.
Với hàng trăm trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, VNVC là Hệ thống tiêm chủng uy tín, hàng đầu Việt Nam cả về quy mô và chất lượng. Danh mục vắc xin đa dạng với đầy đủ các loại vắc xin cần thiết, được khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ em và người lớn, nguồn vắc xin dồi dào được vận chuyển và bảo quản bằng Hệ thống dây chuyền lạnh chuẩn quốc tế GSP.
Từ khi ra đời đến nay, VNVC đã có nhiều đóng góp trong việc tìm kiếm các nguồn vắc xin chất lượng cao, đặt dấu chấm hết cho tình trạng khan hiếm vắc xin trẻ em như tình trạng khan hiếm vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1 nhiều năm về trước. Bên cạnh đó, VNVC còn đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi, cao cấp, dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng với giá hợp lý và phù hợp khả năng chi trả của nhiều người dân.
VNVC còn áp dụng chính sách bình ổn giá vắc xin trên toàn quốc, cam kết không tăng giá cả trong thời điểm vắc xin khan hiếm, triển khai nhiều chương trình ưu đãi giá, trả góp không lãi suất để ngày càng có nhiều trẻ em được tiếp cận với vắc xin, có cơ hội tiêm chủng phòng bệnh.
Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP tại tất cả trung tâm trên toàn quốc là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo chất lượng và sự an toàn của vắc xin từ khâu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển cho đến khi đưa vào sử dụng trong điều kiện nhiệt độ tốt nhất từ 2 đến 8 độ C. Cùng với hệ thống xe lạnh, thiết bị vận chuyển chuyên dụng giúp VNVC lưu trữ và cấp phát nhanh chóng đến các trung tâm tiêm chủng trong ngày.
100% đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, được đào tạo bài bản các thao tác trước, trong và sau tiêm giúp đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Lịch tiêm chủng cho bé theo từng độ tuổi giúp quý phụ huynh chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch, đúng phác đồ; mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho bé yêu. Liên hệ hotline 028 7102 6595, truy cập fanpage trungtamtiemchungvnvc để được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc về các loại vắc xin cần tiêm phòng cho trẻ em và người lớn.
Từ khóa » Trình Tự Các Mũi Tiêm Phòng Cho Trẻ
-
Lịch Tiêm Phòng Cho Trẻ Sơ Sinh Cha Mẹ Cần Biết
-
Lịch Tiêm Phòng đầy đủ Cho Trẻ Từ 0 - 24 Tháng Tuổi
-
Lịch Tiêm Phòng Cho Trẻ Sơ Sinh Từ 1 đến 5 Tuổi - VNVC
-
Những Mũi Tiêm Chủng Cho Trẻ 6 Tháng Tuổi Mẹ Cần Biết - Medinet
-
Lịch Tiêm Chủng Cho Bé Theo Từng Tháng Tuổi đầy đủ Nhất Các Mẹ Cần ...
-
Các Mũi Tiêm Phòng Cho Bé Theo Tháng Mà Mẹ Cần Biết - Huggies
-
LỊCH TIÊM CHỦNG THƯỜNG XUYÊN
-
TIÊM CHỦNG CHO TRẺ TỪ 0 -12 THÁNG TUỔI NHỮNG ĐIỀU CHA ...
-
Table: Lịch Tiêm Chủng Khuyến Nghị Cho Trẻ 0-6 Tuổi - MSD Manuals
-
Chương Trình Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ Có Những Loại Vắc Xin Nào?
-
[PDF] LỊCH TIÊM CHỦNG - Know VPD!
-
Tiêm Phòng COVID-19 Cho Trẻ Em: Mỹ đẩy Nhanh Việc Tiêm Mũi Tăng ...
-
Hướng Dẫn Tự Theo Dõi Sức Khỏe Sau Tiêm Vắc-xin Phòng COVID-19