Lịch Tiêm Phòng đầy đủ Và Mới Nhất Năm 2022 - VNVC

Lịch tiêm phòng vắc xin năm 2022 đã có những khuyến nghị và cập nhật mới nhất. Năm 2022, bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam tiếp tục có những tiếp diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới có nguy cơ xâm nhập, lây lan và phát triển thành dịch.

lịch tiêm phòng

Tiêm phòng là biện pháp phòng tránh các bệnh nguy hiểm, làm giảm xuống mức thấp nhất gánh nặng bệnh tật, chi phí điều trị y tế và tỷ lệ tử vong. Từ khi vắc xin xuất hiện, nước ta đã bảo vệ được hơn 3 triệu trẻ em và phụ nữ có thai hằng năm khỏi hơn 30 bệnh lý nguy hiểm; thanh toán được bệnh thủy đậu từ năm 1979, bệnh bại liệt từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005; tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí chăm sóc y tế.

Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả trẻ em và người lớn nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo lịch chủng ngừa để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và toàn xã hội.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, danh mục các bệnh và lịch tiêm chủng vắc xin với trẻ em và người lớn được điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp với mô hình bệnh tật và yếu tố dịch tễ tại Việt Nam.

Theo đó, các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những vắc xin thuộc diện bắt buộc phải tiêm để duy trì miễn dịch cộng đồng. Tiêm chủng bắt buộc là để tạo miễn dịch bảo vệ đặc hiệu phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không chỉ cho đối tượng được tiêm mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng. Nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng và có nguy cơ lây cho những đối tượng chưa có miễn dịch, nhất là những đối tượng chưa đủ tuổi để tiêm chủng hoặc có chống chỉ định tiêm chủng.

Tuy nhiên, danh mục vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta hiện nay chỉ có khoảng hơn 10 loại. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 30 loại vắc xin phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành. Do đó, bên cạnh các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, việc chủ động tiếp cận với các loại vắc xin dịch vụ là cực kỳ quan trọng nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, tránh nguy cơ mắc bệnh và tử vong đáng tiếc vì những căn bệnh đã có vắc xin phòng ngừa.

Năm 2022, Việt Nam có thêm một số loại vắc xin mới như vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn tuýp ACYW-135, vắc xin thủy đậu Varilrix (Bỉ) và sắp tới là vắc xin Covid-19… khiến lịch tiêm chủng cho trẻ em, vị thành niên, thanh thiếu niên và người trưởng thành có những khuyến nghị và cập nhật mới.

Cập nhật danh mục các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia:

  • Vắc xin phòng bệnh lao;
  • Vắc xin phòng bệnh viêm gan B;
  • Vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu;
  • Vắc xin phối hợp có chứa thành phần ho gà;
  • Vắc xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván hay vắc xin uốn ván đơn giá;
  • Vắc xin phòng bệnh bại liệt;
  • Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib;
  • Vắc xin phòng bệnh sởi;
  • Vắc xin phối hợp có chứa thành phần rubella;
  • Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản;

Cập nhật lịch tiêm chủng vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

STT Tuổi Vắc xin
1 Sơ sinh Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh
Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao
2 02 tháng Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 1 (vắc xin 5 trong 1)
Uống vắc xin bại liệt lần 1
3 03 tháng Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 2
Uống vắc xin bại liệt lần 2
4 04 tháng Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3
Uống vắc xin bại liệt lần 3
5 05 tháng Tiêm vắc xin bại liệt đa giá (IPV)
6 09 tháng Tiêm vắc xin sởi mũi 1
7 18 tháng Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4
Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR)
8 Từ 12 tháng tuổi Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1
Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (1-2 tuần sau mũi 1)
Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)

Xem thêm Lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ

Cập nhật danh mục vắc xin dịch vụ năm 2022

Trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân về tiêm chủng đầy đủ các vắc xin để phòng bệnh ngày một gia tăng. Bên cạnh các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vẫn còn nhiều vắc xin chủng ngừa hàng loạt bệnh truyền nhiễm khác cần tiêm phòng đầy đủ là:

  • Vắc xin 6in1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B
  • Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus
  • Vắc xin phòng viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do H. Influenzae không định tuýp
  • Vắc xin phòng 3 bệnh: sởi – quai bị – rubella
  • Vắc xin phòng viêm gan A
  • Vắc xin phòng viêm gan B
  • Vắc xin phòng viêm gan A+B
  • Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu B+C
  • Vắc xin phòng cúm
  • Vắc xin phòng dại
  • Vắc xin phòng thương hàn
  • Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh gây ra do virus HPV
  • Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản;
  • Vắc xin phòng 3 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà
  • Vắc xin phòng thủy đậu
  • Vắc xin phòng các bệnh do Hib
  • Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135
  • Vắc xin sốt vàng

Cập nhật lịch tiêm phòng vắc xin dịch vụ cho mọi lứa tuổi năm 2022

lich tiem phong day du nam 2021

Xem clip: Những loại vắc xin cần thiết cho trẻ em

Những lưu ý quan trọng khi tiêm chủng vắc xin

Đối với trẻ nhỏ:

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ cần lưu ý:

1. Mang theo phiếu/sổ tiêm chủng.

2. Thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ như:

  • Trẻ đã đủ cân nặng (2kg) chưa (đối với trẻ sơ sinh);
  • Trẻ có bú (ăn), uống, ngủ, chơi bình thường trong những ngày gần đây không;
  • Trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không;
  • Trẻ có đang dùng thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào trong 3 tháng qua không;
  • Trẻ có tiêm vắc xin nào trong 4 tuần gần đây không;
  • Trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn nào không;
  • Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng (sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm…) ở những lần tiêm trước hay không.

3. Đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

4. Trong khi tiêm chủng giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

5. Cho trẻ ở lại 30 phút tại trung tâm tiêm chủng sau khi tiêm để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường xảy ra.

6. Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

7. Đưa trẻ tới ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như:

  • Sốt cao (>390C);
  • Co giật hay mệt lả, lừ đừ, không có phản ứng khi được gọi;
  • Tím tái, khó thở, thở rít, rút lõm lồng ngực khi thở;
  • Quấy khóc dữ dội, kéo dài
  • Ăn/bú kém cùng các phản ứng thường gặp như: sốt nhẹ, quấy khóc, phát ban… kéo dài trên 1 ngày.

8. Nếu bố mẹ không yên tâm về sức khỏe của con sau khi tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám tư vấn.

Đối với người lớn

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người đi tiêm chủng cần thực hiện:

1. Mang theo sổ tiêm chủng (nếu có).

2. Cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và sức khỏe hiện tại, gồm: Các bệnh đã mắc, đang mắc, những loại thuốc – liệu pháp điều trị đang dùng; Các loại thuốc, vắc xin đã tiêm gần đây (trong vòng 4 tuần) và phản ứng của cơ thể ở những lần tiêm thuốc, tiêm chủng trước đây hoặc các phản ứng, dị ứng đã gặp do các nguyên nhân khác.

3. Với phụ nữ, ngoài các thông tin cơ bản như trên, cần thông báo cho bác sĩ biết mình đang có thai hay không, hoặc thời gian dự định có thai.

4. Nên có người đi cùng nếu người tiêm vắc xin có sức khỏe kém.

5. Ở lại trung tâm tiêm chủng 30 phút sau tiêm để được nhân viên y tế theo dõi phản ứng sau tiêm. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, nôn ói, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.

6. Tiếp tục theo dõi tại nhà 48 giờ sau tiêm; nếu có sưng đau vết tiêm hoặc phản ứng khác cần liên hệ trung tâm tiêm chủng hoặc tới cơ sở y tế gần nhất.

7. Người trưởng thành có thể tiêm nhiều mũi trong 1 lần đi tiêm để tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển…, đồng thời có hiệu quả miễn dịch sớm với nhiều bệnh cùng lúc.

Để tư vấn về vắc xin và tiêm chủng cho trẻ em, người lớn, vui lòng liên hệ hotline 028 7102 6595, inbox fanpage TrungtamtiemchungVNVC, hoặc truy cập website vnvc.vn.

Từ khóa » Tiêm ở Vnvc