Liên Kiều: Công Dụng Và Cách Dùng Của Loài Thảo Dược Hiếm

Nội dung bài viết

  • 1. Tổng quan về Liên kiều
  • 2. Tác dụng dược lý
  • 3. Công dụng theo y học cổ truyền
  • 4. Đơn thuốc có Liên kiều

Liên kiều còn được gọi là Trúc căn, Hoàng thọ đan, Hạ liên tử. Tên khoa học là Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl., thuộc họ Nhài (Oleaceae). Liên kiều là quả phơi hay sấy khô của cây Liên kiều.

1. Tổng quan về Liên kiều

1.1. Nhận biết dược liệu

Liên kiều là một cây cao từ 2m đến 4m. Cành non gần như 4 cạnh có nhiều đốt; giữa các đốt là thân rỗng. Lá đơn mọc đối hoặc có khi mọc thành vòng 3 lá, cuống dài 0,8 – 2cm. Phiến lá hình trứng, dài 3 – 7cm, rộng 2 – 4 cm, mép có răng cưa không đều, chất lá hơi dài. Hoa màu vàng tươi. Đài và tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thùy, 2 nhị thấp hơn tràng.

Quả khô, hình trứng dẹt, hai bên có cạnh lồi, đầu nhọn. Khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống hay chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Trong quả có nhiều hạt, nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại một ít.

Cây Liên kiều có thể cao đến 4m
Cây Liên kiều có thể cao đến 4m

1.2. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây Liên kiều chưa thấy ở Việt Nam, vị thuốc được dùng vẫn phải nhập từ Trung Quốc. 

Dùng làm thuốc chia thành 2 loại: Thanh kiều và Lão kiều.

  • Thanh kiều được hái vào các tháng 8 – 9 khi quả chưa chín, nhúng vào nước sôi rồi lấy ra phơi khô hay sấy khô.
  • Lão kiều hái vào tháng 10 khi quả đã chín vàng. Không có mùi đặc biệt, vị đắng.

1.3. Bộ phận dùng

Quả, thu hoạch vào mùa thu. Lúc quả chín còn màu lục, loại bỏ tạp chất, đồ chín phơi khô gọi là Thanh kiều. Loại quả chín nục, loại bỏ tạp chất, phơi khô gọi là Lão kiều. 

1.4. Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu sơ bộ của hệ Dược học, Viện Nghiên cứu Y học Bắc Kinh thì trong thảo dược có chứa 4,89% saponin, 0,2% ancaloid, vitamin P và tinh dầu. 

Hạt Liên kiều
Hạt Liên kiều

2. Tác dụng dược lý

2.1. Tác dụng kháng khuẩn

Các chất forsythosid A, C và D có tác dụng diệt khuẩn đối với Staphylococcus aureus, Diplococcus pneumonia, Streptococcus A, B, Bacillus dysenteriae.

2.2. Tác dụng kháng nấm

Dạng chiết cồn của Liên kiều có tác dụng ức chế nấm Candida albicans và một số nấm khác gây bệnh. 

2.3. Tác dụng chống viêm

Dạng chiết cồn dùng với liều 20 mg/kg tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng chống hiện tượng thẩm thấu tăng của các mao mạch ở vùng gây viêm thực nghiệm. Dịch tiêm chiết từ Liên kiều dùng với liều 3 – 4g/kg (tính theo dược liệu), tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do albumin gây nên. 

2.4. Tác dụng hạ sốt

Nước sắc Liên kiều dùng với liều 4g/kg bằng đường uống thí nghiệm trên thỏ gây sốt thực nghiệm, có tác dụng hạ sốt rõ rệt. Thân nhiệt sau khi hồi phục bình thường còn có thể tiếp tục giảm xuống dưới mức bình thường.

2.5. Tác dụng chống nôn

Nước sắc Liên kiều dùng bằng đường uống thí nghiệm trên bồ câu có tác dụng ức chế nôn do tiêm tĩnh mạch chế phẩm digitalis gây nên. Trên chó ức chế nôn tương đương với tác dụng của chlorpromazin sau khi dùng thuốc 2 giờ.

2.6. Tác dụng lợi tiểu

Dịch tiêm chế từ Liên kiều (100%) dùng với liều 0,25g/kg tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Sau khi dùng thuốc 30 – 60 phút, lượng nước tiểu tăng gấp 2,2 và 1,6 lần so với đối chứng.

>> Khá nhiều vị thuốc có công dụng lợi tiểu như Mã đề, Mộc thông, Trúc diệp… Tìm hiểu thêm: Mộc thông: Vị thuốc có công dụng lợi tiểu.

2.7. Tác dụng đối với tim mạch

Acid oleanolic chiết tách từ Liên kiều có tác dụng cường tim nhẹ. Dịch tiêm chế từ Liên kiều dùng với liều 0,25g/kg tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng hạ huyết áp. Dùng với liều 0,5g/kg tiêm tĩnh mạch cho thỏ gây mê thì huyết áp hạ rất nhanh, nhưng không ảnh hưởng đến hô hấp. Dùng nhiều lần không có hiện tượng quen thuốc. 

Hoa của cây Liên kiều với màu vàng rực rỡ
Hoa của cây với màu vàng rực rỡ

3. Công dụng theo y học cổ truyền

Tính vị Liên kiều theo Đông y: vị đắng, hơi hàn, không độc. Quy vào 4 kinh tâm, đởm, tam tiêu và đại trường. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán kết, tiêu thũng.

Liên kiều được dùng chữa phong nhiệt, cảm sốt, họng sưng đau, mụn nhọt, phát ban, mẩn ngứa, mày đay, tiểu tiện khó. Trong nhân dân, Liên kiều còn được dùng chữa nôn mửa, rối loạn kinh nguyệt và trường hợp mao mạch dễ bị vỡ.

Liều dùng: ngày 10 – 30g (dùng riêng), 6 – 12g (dùng với các vị thuốc khác) dưới dạng sắc nước uống hoặc để rửa ngoài.

Ở Trung quốc, Liên kiều được dùng để chữa viêm thận cấp. Liên kiều 20g, sắc với nước 500ml, cô nhỏ lửa còn 150ml, chia làm 3 lần uống trước bữa ăn, trẻ em uống ít hơn. Tùy theo bệnh của từng người, một đợt điều trị kéo dài 5 – 10 ngày.

Đã dùng điều trị cho 8 bệnh nhân viêm thận, đều có phù, huyết áp 140 – 200/90 – 110mmHg, nước tiểu có albumin và hồng cầu, bạch cầu. Sau khi dùng thuốc Liên kiều, 6/8 bệnh nhân hết phù hoàn toàn, còn 2 bệnh nhân phù giảm rõ rệt. Tất cả 8 bệnh nhân huyết áp đều hạ một cách rõ rệt, kiểm tra nước tiểu có 6/8 chuyển âm tính.

4. Đơn thuốc có Liên kiều

4.1. Chữa sốt ở trẻ em

Liên kiều, Phòng phong, Cam thảo (chích), Sơn chi tử, các vị lượng bằng nhau. Tất cả nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 6g sắc với 250ml nước, còn 150ml, bỏ bã uống làm nhiều lần trong ngày.

4.2. Chữa mụn nhọt, áp xe giai đoạn đầu, sốt, sợ lạnh

Liên kiều, Khương hoạt, Độc hoạt, Kinh giới, Phòng phong, Sài hồ, Thăng ma, Cát cánh, Cam thảo, Xuyên khung, Ngưu bàng tử (sao), Đương quy vĩ (rửa bằng rượu), Hồng hoa (rửa bằng rượu), Tô mộc, Thiên hoa phấn, mỗi vị 5 – 10g. Sắc với nước – rượu, bỏ bã, uống dần dần trong ngày.

4.3. Chữa dị ứng, nổi mẩn, phát ban, thủy đậu

Liên kiều, Vừng đen, 2 vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g. Hoặc dùng bài thuốc gồm Liên kiều 8g, Hạ khô thảo 6g, Hải tảo 5g, Cam thảo 5g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.

Có thể dùng dược liệu để chữa mẩn ngứa
Có thể dùng dược liệu để chữa mẩn ngứa

4.4. Chữa đau đầu gối, đầu gối sưng đau, đi lại khó khăn

Liên kiều, Phòng phong, Kinh giới (sao), Đương quy, Tang phiêu tiêu (sao nước muối), mỗi vị 9g. Ba kích thiên (sao nước muối) 15g. Xuyên khung (sao), Ngưu tất, mỗi vị 4,5g. Thông bạch (nõn Hành) 10cm. Sắc nước uống (Liên kiều tiêu thũng thang).

4.5. Chữa lưỡi bị nứt, loét

Liên kiều 15g, Hoàng bá 9g, Cam thảo 6g. Sắc nước ngâm.

4.6. Chữa nôn mửa

Liên kiều, Tô diệp mỗi thứ 12g. Xuyên liên 8g, nước Gừng 5ml. Ba vị  trên sắc với nước còn 100 – 150ml, chia làm nhiều lần uống với nước Gừng.

4.7. Chữa tràng nhạc và ổ gà (viêm hạch ở nách)

  • Đơn thuốc 1: Liên kiều và Vừng đen hai vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
  • Đơn thuốc 2 gồm nhiều vị: Liên kiều 8g, Hạ khô thảo 6g, Hải tảo 5g, Cam thảo 5g, nước 600ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Liên kiều với công dụng và cách dùng như trên, đã và đang mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Từ khóa » Hoa Liên Kiều