Liên Minh Công Nhân, Nông Dân, Trí Thức Trong Hội Nhập Quốc Tế Hiện ...

1- Nguồn gốc ra đời và lịch sử vẻ vang.

Lịch sử cho thấy đại đa số công nhân Việt Nam ra đời trong chế độ thực dân nửa phong kiến hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều xuất thân từ nông dân. Như vậy, ngay từ khi giai cấp công nhân Việt Nam mới ra đời, giữa công nhân và nông dân đã có mối quan hệ gắn bó máu thịt.

Gắn bó về xã hội đi đôi với gắn bó về kinh tế, chính trị trong cuộc sống. Cụ thể là, những người lao động từ nông thôn ra vùng mỏ đều cố giữ lấy một mảnh ruộng công hay tư ở quê nhà, dẫu phải chịu sưu cao hơn những người cùng đinh vô sản. Mục đích là nhằm khi thất cơ lỡ vận còn có thể trở về bám lấy cái cuống nhau làng xã mà sống. Cũng vậy, người nông dân khi ra vùng mỏ trở thành công nhân rồi vẫn gắn kết các cuộc đấu tranh của công nhân với các cuộc đấu tranh của nông dân quê hương. Liên minh công - nông từ đây đã hình thành một cách tự nhiên. Đông đảo nhất là công nhân các mỏ than (khu mỏ Hồng Gai) và công nhân đường sắt (Hà Nội - Lào Cai, Bắc - Nam...). Họ là những người đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc phong kiến, nơi đây đã cho ra đời những cơ sở đầu tiên của cách mạng và góp phần đào tạo nên nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng qua phong trào vô sản hóa. Nhắc qua các mối quan hệ kể trên để thấy, đó là tiền đề quý báu để xây dựng nên Liên minh công-nông vững chắc từ khi Đảng ra đời đến nay. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về “Liên minh công-nông’’, Đảng ta đã xây dựng nên khối đoàn kết rộng rãi giữa các giai cấp tầng lớp yêu nước, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy Liên minh công-nông làm cơ sở, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đường lối đó đem lại thành công to lớn qua các thời kỳ cách mạng.

Kế thừa di sản lịch sử thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã phát huy vai trò Liên minh công-nông trong công cuộc đổi mới với sáng tạo độc đáo Việt Nam là ‘’Đổi mới tư duy”. Đại hội nêu rõ: “Đảng phải đổi mới nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế’’. Điều này có tác dụng quan trọng đến việc củng cố liên minh công, nông, trí. Các Hội nghị TƯâ khóa VI tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đều có chú ý đến củng cố liên minh công, nông, trí: Hội nghị TW lần thứ 2 (4-1987) bàn những vấn đề cấp bách về “lưu thông phân phối”. Hội nghị TƯ lần thứ 6 (3-1989) quyết định rõ 12 chủ trương, chính sách lớn, trong đó nhấn mạnh đến những vấn đề quan trọng hàng đầu là điều chỉnh cơ chế kinh tế, tập trung thực hiện các mục tiêu của ba chương trình kinh tế, thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh, nhấn mạnh yếu tố thị trường, coi thị trường vừa là một căn cứ, vừa là một đối tượng của kế hoạch hóa. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (còn gọi là ‘’khoán 10’’) năm 1988, khoán đến hộ gia đình đã đưa sản xuất nông nghiệp phát triển. Thành quả cụ thể, như chúng ta đã biết: Lạm phát bị đẩy lùi từ ba con số xuống còn 2 con số, sản xuất nông nghiệp phát triển, từ chỗ phải nhập khẩu gạo (năm 1988 còn nhập 45 vạn tấn) thì từ năm 1989 trở đi chúng ta đã có gạo xuất khẩu… Đây là sự tháo gỡ quan trọng các khó khăn vướng mắc do thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội (1978-1985) để lại, đồng thời cũng là tháo gỡ khó khăn trong yêu cầu củng cố và phát triển khối liên minh công-nông.

2- Từ Liên minh công - nông đến Liên minh công, nông, trí.

Chính trong quá trình tìm đường thoát ra khỏi khủng hoảng, Trung ương Đảng đã coi trọng sử dụng trí thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khiến các ngành khoa học này có đóng góp đáng kể vào Đại hội VI và vào quá trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Nếu trước kia khoa học xã hội chỉ nhằm để thuyết minh các nghị quyết của Đảng thì từ nay các chương trình khoa học xã hội đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các Nghị quyết của Đảng, xây dựng Cương lĩnh, Chiến lược của Đảng và Nhà nước. Khoa học tự nhiên-kỹ thuật cũng được trọng dụng, đội ngũ khoa học kỹ thuật tăng lên đã đóng góp được nhiều vào công cuộc đổi mới. Nhờ thắng lợi do Đại hội VI đem lại, mà văn hóa, khoa học phát triển, đội ngũ trí thức tăng lên và được trọng dụng.

Đó là một trong những nguyên nhân làm chuyển biến nhận thức của Đảng, đưa đến sự ra đời Liên minh công, nông, trí trong Đại hội VII.

Đại hội VII nêu rõ: “Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi mở rộng nền tảng của khối liên minh công-nông, từ liên minh công-nông thành liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức’’ (Văn kiện Đại hội VII, Nxb ST, 1991, tr.114). Từ đây kinh tế xã hội tăng trưởng ngày một cao, văn hóa, khoa học ngày càng phát triển. Quá trình “Công-nông trí thức hóa” và “Trí thức công nhân hóa’’ diễn ra nhanh chóng. Nhiều gia đình công nhân, nông dân, trí thức có con cháu trở thành trí thức. Từ tiểu trí thức, tốt nghiệp cấp III phổ thông (xưa là tú tài) đến trung trí thức (đại học, cao đẳng - cử nhân, kỹ sư) đến trí thức cao cấp (tiến sĩ, giáo sư). Các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, kể cả các doanh nhân và lớp chủ trang trại làm ăn khá giả ngày càng nhiều, có khi bằng cấp không cao nhưng trí tuệ lại rộng, hàm lượng trí thức chứa trong sản phẩm lại cao. Tất cả đều mang trong mình cái chất mới của thời đại: chất công-nông-trí kết hợp ở thế kỷ XXI. Công, nông, trí đan xen lẫn nhau, thâm nhập vào nhau, chuyển hóa, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển... Ngoài quan hệ với nhau có tính chất máu thịt còn có quan hệ về kinh tế, văn hóa, xã hội… khiến sức mạnh của Liên minh công, nông, trí được nhân lên gấp bội. Những mâu thuẫn gay gắt về giai cấp như giữa tư sản và vô sản thường xẩy ra trong xã hội TBCN đã không bộc lộ gay gắt ở đây (nhờ có Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước điều chỉnh trong quan hệ phân phối sản phẩm lao động). Đến cả sự cách biệt về mức độ hưởng thụ, độ chênh lệch giữa giàu và nghèo cũng được từng bước giảm dần nhờ các chủ trương xóa đói giảm nghèo, tương trợ, hợp tác…

Bước đầu đã có những hình thức tổ chức mới để phát huy sức mạnh của Liên minh công, nông, trí như : -Tổ chức Liên kết 4 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn (báo Nhân Dân, 7-10-2003); - Liên kết giữa Mặt trận Tổ quốc và các ngành văn hóa thông tin trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở nông thôn, đô thị; - Liên kết giữa ngành Công nghệ Thông tin với các địa phương, các trường học, các cơ quan... nối mạng Internet về nông thôn; - Liên kết giữa ngành Bưu chính Viễn thông với các địa phương phát triển hệ thống các Nhà Bưu điện văn hóa xã, mà đến nay đã có hàng vạn đơn vị đi vào vận hành có hiệu quả…

3- Phát huy tác dụng của Liên minh công, nông, trí “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức””” trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hiện nay giai cấp công nhân Việt Nam đang phấn đấu để có thể đóng được vai trò chính trong phát triển lực lượng sản xuất đưa đất nước chuyển nhanh từ nền văn minh công nghiệp lên nền văn minh trí tuệ mà nền tảng là kinh tế tri thức.

Về kinh tế tri thức, trong phần “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Tranh thủ thời cơ thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa’’ (ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.87). Kinh tế tri thức tuy không phải là một hình thái kinh tế xã hội, nhưng lại là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của mỗi nước hiện nay và là một trong những nhân tố có tính quyết định trong sự phát triển của hình thái kinh tế xã hội XHCN của chúng ta. Kinh tế tri thức là nền kinh tế tạo ra sản phẩm xã hội mới là “người công nhân tri thức” (knowledge worker). Do đó, nét mới của thành phần trí thức trong Liên minh công, nông, trí hiện nay là: Cùng với số lao động và công nhân trí thức nói chung (Intellectuel labour, Intellectuel worker) được quy định theo bằng cấp, học hàm, học vị, cùng những lao động có tay nghề cao, có sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao trong mọi ngành sản xuất, còn có lớp người mà khoa học thế giới thống nhất gọi là lao động tri thức hay công nhân trí thức. Lớp người lao động này đang xuất hiện trong các ngành công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, trong công nghiệp điện tử, nguyên tử, vũ trụ học, điều khiển học, vật lý, hóa học, thiên văn, hàng không, bưu chính viễn thông, dầu khí vv... ở đây sản phẩm chủ yếu là từ tri thức mà ra. Để “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức” theo Nghị quyết của Đảng, chúng ta phải đặc biệt coi trọng phát triển nhanh đội ngũ “Công nhân trí thức” - đội ngũ chủ chốt của giai cấp công nhân trong nền văn minh trí tuệ.

Theo một quy định chung hiện nay đã được nhiều nước chấp nhận thì những “tiêu chí của nền kinh tế tri thức” được gói gọn trong con số 70% :

a/ Trên 70% GDP là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại; b/ Trong cơ cấu giá trị gia tăng, trên 70% là kết quả của lao động trí óc; c/ Trên 70% là công nhân trí thức; d/ Trên 70% vốn là vốn về con người.

Hiện nay, trong các tiêu chí a/, c/, chúng ta chỉ mới đạt được khoảng từ 10 đến 15%. Đảng và Nhà nước cần có chính sách đẩy nhanh sự phát triển của đội ngũ công nhân trong các công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, nguyên tử, vũ trụ học, công nghệ vật liệu mới, cũng như trong bộ máy Chính phủ điện tử, Thương mại điện tử nhất định sẽ phải ra đời... để có nhiều công nhân trí thức. Đây là những ngành đã được đề cập đến trong định hướng phát triển kinh tế xã hội do các Đại hội Đảng đề ra trong giai đoạn hiện nay.

Biện pháp cụ thể trong thực hiện mục tiêu này là: a/ Kiểm tra thực trạng các ngành công nghệ cao và đề ra chỉ tiêu cụ thể cho việc đào tạo, tuyển dụng, phát triển hàng năm và trong cả kế hoạch 5 năm. Một khi đã đề ra chỉ tiêu trong kế hoạch Nhà nước thì phải có chính sách và biện pháp hữu hiệu để thực hiện. b/ Có chính sách ưu tiên trong chu cấp kinh phí, tạo nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. c/ Có chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước. d/ Có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động. d/ Có chính sách khen thưởng, cổ vũ những “Nhân tài đất Việt” trong các lĩnh vực. e/ Mục tiêu nhằm đưa số lượng công nhân trí thức từ trên dưới 10% hiện nay, lên đạt tới 20% năm 2010...

Liên minh công, nông, trí với sự tăng cường số lượng công nhân tri thức sẽ có thể góp phần giải quyết được những yêu cầu mà hội nhập quốc tế đặt ra:

1/ Yêu cầu từ thực tiễn trong nước đặt ra với liên minh công, nông, trí là phải: a/ Làm thế nào để có thật nhiều cánh đồng cho trên 50 triệu đồng/ha sản phẩm năm? Có thật nhiều nông hộ có doanh thu trên 50 triệu đồng/năm? b/ Làm thế nào để nông sản biến thành sản phẩm công nghiệp, không phải xuất thô với giá rẻ mạt? c/ Làm thế nào để cung cấp đủ nhân lực có tay nghề đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số lao động dôi dư ở nông thôn có được việc làm, hạn chế được nạn thất nghiệp? d/ Làm thế nào để các khu công nghiệp mới triển khai xây dựng hay các trục giao thông cần mở rộng lại, được nông dân tích cực góp phần nhanh chóng giải phóng mặt bằng? đ/ Làm thế nào để ngăn chặn được nạn ma túy? e/ Làm thế nào để nhanh chóng xóa được đói, giảm được nghèo? g/ Làm thế nào để hạn chế được nạn tham nhũng hiện đang là quốc nạn?…

2- Yêu cầu do thực tiễn hội nhập quốc tế đặt ra đối với liên minh công, nông, trí là phải : a/ Làm thế nào để tăng được hàm lượng trí tuệ trong mọi loại sản phẩm xã hội? b/ Làm thế nào để ngoại thương của ta có thể mở rộng ra thị trường quốc tế và tăng cường được sức cạnh tranh quốc tế? c/ Làm thế nào để có thể cân bằng được xuất-nhập khẩu, cố gắng đạt tới xuất siêu, giảm thiểu nhập siêu? d/ Làm thế nào để bảo đảm được Việt Nam luôn có vai trò là một thành viên đáng tin cậy trong ASEAN, WTO và APEC... đ/ Liên minh công, nông, trí phải tăng cường sức mạnh của mình để góp phần tích cực, thậm chí đóng vai trò chủ chốt trong giải quyết các yêu cầu trên. Hay nói một cách khác là, tất cả đều cần đến bàn tay của Liên minh công, nông, trí mới đạt đuợc hiệu quả cao.

Thực tế lịch sử vừa qua đã cho thấy rõ: Từ thiếu đói những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay mới qua hơn 20 năm, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai, xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều đứng thứ nhất trên thế giới... Đó là điều chứng minh hùng hồn cho vai trò liên minh giữa nhà nông và công nhân nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp với các nhà khoa học nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng... Các ngành kinh tế khác cũng có những thành quả đáng khích lệ do Liên minh công-nông góp phần tạo nên.

Lịch sử đang mở ra một chân trời mới cho sự phát triển của Liên minh công, nông, trí. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của chúng ta./.

Từ khóa » Ví Dụ Về Liên Minh Giai Cấp