Liên Tục Xảy Ra Nhiều Vụ Lừa đảo Qua Mạng ở Các Huyện Miền Núi

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hàng loạt thủ đoạn qua mạng xã hội không chỉ đang diễn biến phức tạp ở các thành phố, thị xã  mà từ đầu tháng 4-2022 đến nay, loại tội phạm này nhằm vào người dân vùng cao các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (tỉnh Bình Định) để lừa đảo.
Công an huyện An Lão làm việc với bị hại một vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
Công an huyện An Lão làm việc với bị hại một vụ lừa đảo qua mạng xã hội.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2021; trong đó 2 huyện miền núi là An Lão xảy ra 3 vụ, Vĩnh Thạnh xảy ra 2 vụ. Đây là những vụ việc có bị hại báo cáo, song còn rất nhiều vụ lừa đảo vì tế nhị, sợ người thân biết nên người dân không báo cáo cơ quan chức năng. Hầu hết các thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng diễn lại không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, lợi dụng người dân vùng cao có một số người ít tiếp cận công nghệ thông tin, sự cả tin nên dễ dàng dính bẫy các đối tượng lừa đảo. Điều đáng nói, có bị hại đã vay tiền người thân, thậm chí vay nóng để chuyển cho các đối tượng lừa đảo.

Ngày 12-4-2022, có 2 đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát điện thoại cho Nguyễn Thị Trúc L. (1997, trú xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) và thông tin rằng chị có liên quan đến đường dây ma túy, rồi sau đó yêu cầu chị L. làm theo các hướng dẫn. Vì bị đối tượng hù liên quan đến vi phạm pháp luật, nên chị L. đã truy cập trang web, cho số tài khoản, mã OTP để “chứng minh trong sạch”. Dù đây là thủ đoạn lừa đảo đã quá cũ, tuy nhiên sau khi làm theo các bước mà 2 “cán bộ điều tra” chỉ dẫn, chị L. phát hiện tài khoản của mình mất 160 triệu đồng.

Một thủ đoạn cũ khác, thường xảy ra đối với những người sử dụng mạng xã hội là “người quen” nhắn tin mượn tiền. Mới đây, chị Trần Thị X. (1967, trú thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) đã bị lừa vì chiêu trò này. Ngày 7-5-2022, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều tài khoản Facebook đã bị hack, giả mạo là chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chiếm đoạt số tiền 23 triệu đồng của chị Trần Thị X. Được biết, chị X. mới được con cái lập cho tài khoản facebook nên cũng chưa thành thạo khi sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, khi bị nhắn tin mượn tiền thay vì gọi điện, kiểm tra, chị X. đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

Đối tượng lừa đảo còn nhắm đến lòng tham của một số người dân vùng đồng bào muốn tìm việc. Thực tế không hề có "việc nhẹ lương cao", đây chỉ là những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Cuối tháng 4-2022, chị Nguyễn Thị N. (trú xã An hòa, huyện An Lão) tham gia vào một hội nhóm mạng xã hội có tên: "Công việc bán thời gian”. Theo đó, chị N. đã chuyển 369 triệu đồng cho bên công ty để được nhận làm. Tuy nhiên, chị N. chờ mãi không thấy Công ty phản hồi về công việc, đối tượng hướng dẫn cắt liên lạc, chị N. biết mình bị lừa nên đến Công an huyện An Lão trình báo. Đáng nói để có số tiền trên, chị N còn phải vay mượn người thân mới có đủ.

Một thủ đoạn lừa đảo khác mà rất nhiều phụ nữ đã sập bẫy, đó là được “bạn trai” ngoại quốc tặng quà. Đầu tháng 4-2022, chị Đặng Thị Hồng H. (1975, trú An Hòa, H. An Lão) kết bạn Facebook với tài khoản có tên “Paulino Jeff”, tự xưng ở nước ngoài cần về Việt Nam sinh sống, muốn gửi tiền nhờ chị H. mua giúp nhà, đất và xin số căn cước công dân, số điện thoại để chuyển tiền về. Đến ngày 10-5-2022, có một phụ nữ gọi điện thông báo có gói hàng gửi từ nước ngoài về đến Hải quan Việt Nam, yêu cầu chị H. nộp phí hải quan 36 triệu đồng vào 1 số tài khoản và chị H. đã đồng ý. Sau đó, người phụ nữ nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu chị H. chuyển thêm tiền. Từ ngày 10-5 đến 18-5-2022, chị H. đã chuyển tổng cộng 500 triệu đồng vào số tài khoản trên. Sau khi nhận tiền, người phụ nữ trên không cho chị H. nhận hàng và cắt đứt liên lạc. Ngày 27-5-2022, chị H. đến Công an huyện An Lão trình báo vụ việc.

Chị H. cho biết: “Quá trình nộp tiền tôi vẫn liên lạc được với người bạn nước ngoài nên cứ nghĩ người ta gửi tiền thật cho mình”. Chị H. không biết rằng người mà chị kết bạn và người tự xưng là hải quan chỉ là một băng nhóm cấu kết lừa đảo. Ngây thơ hơn chị H. giấu người thân để làm theo yêu cầu của đối tượng và còn nhắn tin năn nỉ các đối tượng trả lại tiền trước khi đến Cơ quan Công an trình báo.

Lợi dụng tính tình thật thà, sự nhẹ dạ cả tin, những người mới sử dụng mạng xã hội của đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, đối tượng lừa đảo đang tăng cường chiêu trò về các huyện miền núi. Trước tình hình này, Công an các huyện miền núi chỉ đạo Công an các xã, các đội nghiệp vụ tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, khuyến cáo người dân không nên cho tài khoản ngân hàng, mã OTB cho bất cứ ai khi chưa kiểm chứng.

Thượng tá Huỳnh Ngọc Ánh- Phó trưởng Công an huyện An Lão, cho hay: “Trong năm 2021 trên địa bàn huyện An Lão không xảy ra các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, tuy nhiên những tháng đầu năm nay, đối tượng lừa đảo tấn công địa bàn miền núi. Để không mất tiền, người dân khi nhận các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, giao dịch tiền thì tuyệt đối không chuyển mà báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất”.

LÊ GIANG

Từ khóa » Các Chiêu Lừa đảo Qua Mạng