Liên Xô Tan Rã: Bốn Lý Do Chính Khiến Liên Xô Giải Thể Cuối 1991 - BBC

Liên Xô tan rã: Bốn lý do chính khiến Liên Xô giải thể cuối 1991
  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com
24 tháng 12 2021
Liên Xô tan rã

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh, Trước khi Mikhail Gorbachev từ chức hôm 25/12/1991, ba lãnh đạo Nga, Ukraine và Belarus đã khai tử Liên Xô bằng tuyên bố chung 08/12 coi Liên bang Xô-Viết "chấm dứt tồn tại trong quan hệ quốc tế"

Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô- Viết tan rã, việc xác định ngày cụ thể của sự sụp đổ vẫn là đề tài tranh luận của các sử gia.

Trên mạng xã hội ngày hôm nay, và trong các sách lịch sử từ 30 năm qua, ngày Liên Xô chính thức giải thể vẫn được ghi là 25, hoặc 26 tháng 12 năm 1991.

Về mặt kỹ thuật, cả hai ngày 25 và 26 đều có thể coi là ngày Liên Xô chấm dứt tồn tại, tuy cũng chỉ là về mặt hình thức.

Vì ngày 8/12/1991, lãnh đạo ba quốc gia châu Âu là thành viên chủ chốt của Liên Xô: Nga, Belarus và Ukraine, đã cùng ra tuyên bố "Liên Xô, với tư cách là một chủ thể của quan hệ quốc tế và thực thể địa chính trị (geopolitical reality) nay chấm dứt tồn tại."

Ngày nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng phê phán quyết định bất ngờ đó của ba lãnh đạo các nước cộng hòa châu Âu, nói tiếng Nga, thuộc Liên Xô: Boris Yeltsin (Nga), Leonid Kravchuk (Ukraine) và Stanislav Shushkevich (Belarus), "đơn phương tuyên bố xóa sổ Liên Xô".

Nhưng cũng quyết định này - sau được lãnh đạo CH Kazakhstan ủng hộ - khiến Tổng thống cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev không còn "quốc gia nào để lãnh đạo".

'Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ'

Thượng đỉnh Biden-Putin chỉ giúp hai bên nhìn rõ khác biệt?

Vĩnh biệt người về từ Ngục tù Gulag

Ngôi làng thần tượng Gorbachev

Ngày 25/12/1991, sau khi gọi điện thông báo cho Tổng thống George Bush (cha), ông Gorbachev tuyên bố từ chức.

Về lý thuyết, các ủy viên của Xô-Viết Tối cao của Liên Xô có thể bầu chọn ra một tổng thống khác, thay ông Gorbachev.

Nhưng họ đã bất đồng và sống trong tâm lý rã đám tới nên số người dự họp ngày 26/12 không có nhiều. Khi họ đến họp trong hội trường ở Điện Kremlin, ai đó đã dọn cả lá cờ Liên Xô khỏi phòng, và một nhóm nhỏ đại biểu có mặt cuối cùng đã bỏ phiếu thừa nhận một sự đã rồi là Liên Xô giải thể.

Mikhail Gorbachev, Raisa Gorbachova (giữa) và Margaret Thatcher trong một chuyến thăm London năm 1989

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Mikhail Gorbachev, Raisa Gorbachova (giữa) và Margaret Thatcher trong một chuyến thăm London năm 1989

Khi đưa tin về các sự kiện này, các báo Phương Tây như The Guardian hoặc chọn ngày 25/12 là ngày Tổng thống Gorbachev từ chức, hoặc ngày 26/12, (The New York Times) khi Xô-Viết tối cao Liên Xô bỏ phiếu tự chấm dứt hoạt động của mình.

Tờ báo Mỹ có tựa đề khá hình ảnh hôm 26/12/1991 "END OF THE SOVIET UNION; The Soviet State, Born of a Dream, Dies- Dấu chấm hết của Liên Xô: Nhà nước Xô-Viết, sinh ra như một Giấc Mơ, đã chết"

Theo nhận xét của David Krugler trong bài "The Collapse of the Soviet Union in December 1991" trên một trang lịch sử ở Hoa Kỳ, thì "điều trớ trêu là cơ quan ít có quyền lực nhất (Xô-Viết Tối cao Liên Xô), lại có tiếng nói cuối cùng đại diện cho Liên Xô".

Quả thật, dù chỉ đóng vai trò hình thức, Xô-Viết tối cao, gồm các đại biểu của cả Liên Xô, từ Nga đến các dân tộc khác trong Liên bang, là cơ quan có quyền "đóng dấu" phê chuẩn -theo Đảng Cộng sản chỉ đạo - mọi hiệp ước quốc tế của Liên Xô.

Vì thế, về pháp lý, sau nghị quyết ngày 26/12/1991, Liên Xô chính thức không còn tồn tại như một quốc gia trên trường quốc tế, gây sốc cho cả Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Phải mất một thời gian sau, trong một số trường hợp là đến hết 1992, nước Nga mới giải quyết xong mọi thủ tục "tiếp quản" di sản của Liên Xô và trở thành quốc gia kế thừa, gồm cả các đại sứ quán, căn cứ quân sự, và quan trọng hơn cả là kho vũ khí hạt nhân đóng rải rác ở nhiều nước trong Liên bang (cũ)

Sụp đổ bất ngờ nhưng sau một quá trình tụt dốc

Khi nói đến Liên Xô cũ, người ta nêu ra các cột mốc khác nhau, kể từ năm 1989 để nói về quá trình tan vỡ (break-up) của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đứng đầu là Liên Xô.

Điều đa số các sử gia phương Tây đồng ý được với nhau là quá trình Liên Xô sụp đổ diễn ra không phải một lúc, mà từ nhiều năm trước, bắt đầu với thời kỳ trì trệ (stagnation) của TBT Leonid Brezhnev.

Theo Jonathan Hasham trong cuốn "Russia's Cold War", thì Liên Xô sụp đổ trước hết là do các mâu thuẫn nội tại (underlying antagonism).

Các trường phái khác nhau nay nhấn mạnh vào yếu tố bên ngoài: biến đổi tại Đông Âu, quan hệ với Hoa Kỳ, cuộc chạy đua khoa học, khủng hoảng dầu hỏa, cuộc chiến Afghanistan...hay yếu tố bên trong: chủ nghĩa dân tộc, bộ máy nhà nước bảo thủ, lạc hậu...đã làm lung lay Liên Xô trong khoảng 20 năm trước khi Anh Cả Đỏ của khối cộng sản thế giới ngã kềnh.

Nhà tù có một khu vực đặc biệt "khu chế độ khắc nghiệt" - một phần của hệ thống Gulag tàn khốc của Stalin

Nguồn hình ảnh, RADCHENKO EVGENY

Chụp lại hình ảnh, Dấu tích "khu khắc nghiệt" - một phần của hệ thống Gulag tàn khốc thời Stalin. Dù đạt nhiều thành tích công nghệ, xã hội, Liên Xô đã đàn áp thẳng tay người dân của chính mình trong nhiều thập niên bằng hệ thống ngục tù khủng khiếp

Xét ra yếu tố nào cũng quan trọng nhưng không phải là duy nhất khiến Liên Xô tan rã mà quá trình suy thoái mang tính hệ thống xảy ra từ gốc rễ: Liên Xô chọn một mô hình phi thực tế và sử dụng bạo lực, quân đội, công an quá lớn nhằm duy trì quyền chính trị của một đảng toàn trị, bóp nghẹt mọi sáng kiến Đổi Mới từ bên trong.

Gorbachev, theo đánh giá của Svetlana Savranskaya trong cuốn "The End of The Soviet Union" (2016, viết cùng Thomas Blanton), đã quá tin tưởng rằng hệ thống Liên Xô thực sự tốt về bản chất, chỉ cần chỉnh sửa, làm mới là nó sẽ tồn tại.

Nhưng trên thực tế, như quan điểm của George Friedman viết trên Geopolitical Futures, thì Gorbachev hay ai khác cũng sẽ chỉ là một diễn viên trên sân khấu chính trị đã thoái trào của Liên Xô, bị thời cuộc đưa đẩy. Đổ lỗi cho ông "làm Liên Xô tan rã" là không công bằng.

Bốn yếu tố chính quật ngã Liên Xô

Dù tuyên truyền chống Liên Xô của Hoa Kỳ, Anh và Tây Âu đề cao vai trò của chủ nghĩa tự do như yếu tố đã đánh bại khối Đông Âu về tinh thần, trên thực tế nước Mỹ đã bị choáng khi Liên Xô tan rã.

Vẫn theo Svetlana Savranskaya thì các hồ sơ giải mật của Hoa Kỳ gần đây cho thấy đến cuối 1989, Hội đồng An ninh Quốc gia vẫn tư vấn cho Tổng thống Bush đường lối gìn giữ sự toàn vẹn của Liên Xô và thay đổi chiến lược chống Moscow có từ thời Truman sang "đưa Liên Xô vào cộng đồng quốc tế" (integration of the USSR into the existing international system").

Hoa Kỳ thực sự lo ngại Liên Xô tan vỡ và trong chuyến thăm đến Kiev tháng 8/1991, Tổng thống Bush từ chối ủng hộ khẩu hiệu "Ukraine tự do", gây thất vọng cho giới đấu tranh, gồm cả Đảng Cộng sản ở nước này đã muốn nhân đây tách khỏi Liên Xô.

Tuy thế, việc bỏ vào phút chót học thuyết kiềm chế Liên Xô (containment - do Harry Truman nêu từ 1947, phần nào dẫn tới các hệ quả kinh hoàng như chiến tranh hai phe tại Việt Nam), đã không kịp để Hoa Kỳ "nâng đỡ Liên Xô" đi tiếp.

Hoa Kỳ bị phê phán là đã tin tưởng quá nhiều vào cá nhân Gorbachev mà không hiểu hết động lực bên trong của hệ thống Xô-Viết, nhất là các ước vọng của hàng chục dân tộc trong Liên bang.

Có bốn nguyên nhân chính được cho là làm Liên Xô tan rã: perestroika và glasnost; sự chối bỏ ý thức hệ cộng sản của đa số người dân; kinh tế suy sụp (gồm cả đầu tư thái quá vào công nghiệp nặng và quốc phòng), và chủ nghĩa dân tộc.

Khác với nhiều sử gia, gồm cả cách nhìn cho tới nay ở Việt Nam tin rằng đổi mới, minh bạch và mở cửa sẽ khiến chế độ XHCN lâm nguy, tác giả James Nickels cho là perestroika chỉ mang tính "văn hóa", có tạo ra xúc tác nhất định cho một môi trường sinh hoạt chính trị mới nhưng không đóng vai trò quyết định về số phận của Liên Xô.

Sau nội chiến, lãnh đạo Liên Xô (bản thân xuất thân từ nhiều dân tộc khác nhau, mà nhân vật cao nhất Stalin là người Georgia), nhận ra rằng họ không thể xây dựng Liên Xô của một quốc gia, một dân tộc.

"Điệm Kremlin từ những năm 1930 đã ra chính sách korenizatsia, nhấn mạnh đến việc đào tạo cán bộ Đảng của các nước và dân tộc thuộc Liên Xô với ngôn ngữ và văn hóa riêng, [trong khi họ vẫn chia sẻ tiếng Nga]."

Đây cũng là một phần của ý thức hệ XHCN hiện thực, với mong muốn chứng minh rằng mô hình đó có khả năng biến đổi mọi nền văn hóa, đưa về một tiêu chuẩn chung trong tương lai.

Nhưng nó làm xảy ra tình trạng khi chất keo "xã hội chủ nghĩa" mỏng dần đi, "cơn sốt chủ nghĩa dân tộc" (fervent nationalism) đã ra cú đánh cuối cùng, dứt khoát, "quật ngã" đế chế to lớn mà quyền lực trải từ Trung Âu tới Biển Nhật Bản.

Paul Stewart

Nguồn hình ảnh, Paul Stewart

Chụp lại hình ảnh, Đồi thánh giá ở Siauliai, miền bắc Lithuania, nơi người dân quốc gia Baltic này nuôi dưỡng tinh thần dân tộc suốt trong cả thời Liên Xô

Vì khi mà hơn 50% dân số Liên Xô, sống ở nhiều nước cộng hòa thành viên khác nhau, bằng cách này hay cách khác - có nơi là biểu tình, xuống đường, có nơi là trưng cầu dân ý, hoặc thông qua các cán bộ Đảng cao cấp người địa phương như ở Ukraine, Georgia, Kazakhstan - không còn muốn kéo dài mô hình chung sống trong Liên bang, thì Liên bang phải giải tán, theo James Nickels.

Quả vậy, gần đây, chính Tổng thống Putin đã nói Liên Xô tan rã làm "nước Nga lịch sử mất đi 1/4 diện tích truyền thống, tích lũy trong cả 1000 năm" (xem thêm bài BBC).

Trong vòng chưa đầy hai thế kỷ, nước Nga đã nhân đôi diện tích, đưa vào vòng kiểm soát của chế độ Nga hoàng, và sau 1924 là Liên Xô, hàng trăm vùng lãnh thổ, hàng chục dân tộc. Quá trình này cũng khiến các vấn đề tiềm ẩn về dân tộc, biên giới không bao giờ thực sự nguôi đi.

Nhưng sau 30 năm, liệu ông Putin có bằng cách nào đó "phục hồi" được không gian mà ông cho là "của Nga", nhất là làm sao thuyết phục được người dân ở các nước bên ngoài Nga trở lại với Nga bằng một hình thức liên kết nào đó hay không, thì thật khó trả lời.

Xem thêm:

Chưa thấy hài cốt phi công Nga và Việt rơi ở Tam Đảo năm xưa

Raisa Gorbacheva: Người phụ nữ Nga khả ái 'làm Liên Xô sụp đổ'

Lithuania: Ngọn đồi Thánh giá và biểu tượng niềm tin

Những người mẹ Nga ngóng con từ lòng biển trở về

Vì sao Việt Nam từng chia cắt ở sông Bến Hải?

Chủ đề liên quan

  • Nước Nga
  • Vladimir Putin
  • Quan hệ Việt - Nga

Tin liên quan

  • Vasily Kovalyov là một cựu tù nhân ở trại cải tạo lao động vùng Kolyma

    Vĩnh biệt người về từ Ngục tù Gulag

    25 tháng 7 năm 2018
  • Cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev trong một buổi lễ kỷ niệm tại Điện Kremlin hôm 12/6/2016

    'Biết ơn Gorbachev vì có công khiến Liên Xô sụp đổ'

    26 tháng 12 năm 2016
  • Kravchuk and Shushkevich (seated left), with Yeltsin (right)

    Ba lãnh đạo Nga, Ukraine và Belarus 'khai tử Liên Xô' là ai?

    25 tháng 12 năm 2016

Tin chính

  • 'Mắt thần' Trung Quốc trong mỗi gia đình Việt Nam: Hệ lụy nào từ camera giám sát?

    8 tháng 7 năm 2024
  • Ông Uông Văn Bân nhậm chức đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, nói 'muốn tăng cường quan hệ 'sắt son'

    8 tháng 7 năm 2024
  • Những người Mỹ chật vật khi giá thực phẩm tăng cao: 'Joe Biden, ông ở đâu?'

    8 tháng 7 năm 2024

BBC giới thiệu

  • Ông Hun Sen và ông Hun Manet

    Trung Quốc đang làm gì tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia? (bài 2)

    4 tháng 7 năm 2024
  • Căn cứ Ream

    Căn cứ Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2019 đến nay? (bài 1)

    3 tháng 7 năm 2024
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tinh thần công an chỉ biết "còn Đảng thì còn mình".

    Ông Nguyễn Phú Trọng nói gì với lực lượng công an ‘còn Đảng thì còn mình’?

    6 tháng 7 năm 2024
  • Ông Joe Biden, ông Donald Trump

    Sáu bang 'dao động' mang tính quyết định cho cuộc bầu cử Mỹ

    16 tháng 6 năm 2024
  • Sư Thích Minh Tuệ chọn đứng ngoài mọi giáo hội, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam

    Sư Thích Minh Tuệ: Nhu cầu bức thiết thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam

    11 tháng 6 năm 2024
  • Việt Nam vẫn thiếu tự do học thuật khi giáo dục luôn đặt trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

    Tự do học thuật ở Việt Nam: khi giáo dục đi liền với chính trị

    23 tháng 6 năm 2024
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cuốn sách dày 900 trang vừa ra mắt hôm 21/6

    Tổng Bí thư tiếp tục ra sách: Truyền bá 'Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng'?

    24 tháng 6 năm 2024
  • Jenny Stüber và Morris K Ple Roberts

    Những đứa con bất hạnh trong Chiến tranh Việt Nam

    11 tháng 6 năm 2024
  • Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm

    Công an và Quốc phòng: Bộ nào có 'quyền lực chính trị' hơn?

    21 tháng 5 năm 2024

Đọc nhiều nhất

  1. 1Thượng tọa Thích Chân Quang: khi ‘sư phụ’ trù đệ tử ‘đọa làm cầm thú’
  2. 2'Mắt thần' Trung Quốc trong mỗi gia đình Việt Nam: Hệ lụy nào từ camera giám sát?
  3. 3Những người Mỹ chật vật khi giá thực phẩm tăng cao: 'Joe Biden, ông ở đâu?'
  4. 4Ông Uông Văn Bân nhậm chức đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, nói 'muốn tăng cường quan hệ 'sắt son'
  5. 5Người lưu vong Tây Tạng bất an về tương lai không Đạt Lai Lạt Ma
  6. 6Bầu cử Pháp: Kịch tích khi phe cánh tả dự báo đánh bại cực hữu và khả năng một quốc hội treo
  7. 7Ông Nguyễn Phú Trọng nói gì với lực lượng công an ‘còn Đảng thì còn mình’?
  8. 8‘Khiêu dâm trẻ em từ Việt Nam tràn qua Campuchia’
  9. 9Tổng thống Biden không dập được mối lo ngại của Đảng Dân chủ giữa làn sóng kêu gọi rút lui
  10. 10Việt Nam để tuột mất hàng tỷ đô la đầu tư do thiếu ưu đãi

Từ khóa » Sự Tan Rã Của Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở Liên Xô Và đông âu Có ảnh Hưởng Gì đến Quan Hệ Quốc Tế