Liệt Mặt Vì Nhiễm Lạnh - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Có nhiều người đột ngột bị méo miệng, mắt nhắm không kín. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Trong đó, phần lớn do nhiễm lạnh đột ngột.
Căn bệnh ở mọi lứa tuổi
Y sĩ YHCT Lê Văn Tư chiếu đèn hồng ngoại cho bệnh nhi.
Sáng 4-6, tại Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) Cần Thơ, có dịp tiếp xúc với 4 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thì trong đó có 2 trẻ em. Anh Dương V.Th., ở tỉnh Cà Mau, đang nuôi con là bé Dương Đ.Kh., 3 tuổi, Khoa Nội nhi, kể: “Khoảng 20 ngày trước, tôi thấy miệng cháu hơi méo, tưởng cháu giỡn nhưng qua sáng hôm sau thì méo nhiều hơn. Gia đình đưa đến BV ở địa phương điều trị 1 tuần nhưng không thuyên giảm. Về nhà, người ta chỉ trị bằng cách kéo máu lươn. Tôi làm cho cháu, mất hơn 1 tuần mà cũng không bớt nên gia đình đưa cháu lên BV YHCT Cần Thơ điều trị được 2 ngày nay”. Theo anh Th., trong lúc cháu ngủ, do trời nóng nên gia đình có bật quạt gió.
Còn bé Trần H.Ph., thì sau giấc ngủ với quạt gió, bị méo miệng, mắt nhắm không kín. Mẹ bé Ph. kể: “Thấy con bị vậy, tôi đưa đi khám bác sĩ tư, uống thuốc 5 ngày không giảm. Tôi tiếp tục đưa cháu đi bấm huyệt, mát-xa cả tuần cũng không hết. Lên BV YHCT Cần Thơ điều trị được 9 ngày nay, bé đỡ nhiều, mắt nhắm kín, miệng giảm méo, khi uống nước, ăn không còn bị chảy thức ăn ra ngoài”.
Bác sĩ Phạm Gia Nhâm, Phó Giám đốc BV YHCT Cần Thơ, cho biết: “Bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào cuối mùa nắng, đầu mùa mưa. Khoảng 1 tháng nay, lượng bệnh đến BV điều trị bệnh này tăng. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân được điều trị sớm, tích cực (điều trị từ 7-10 ngày) thì hiệu quả phục hồi 100%”. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV YHCT Cần Thơ, trong năm 2019, BV điều trị ngoại trú 348 bệnh nhân; trong đó có 3 trẻ em. Về nội trú, điều trị 75 bệnh nhân, trong đó có 6 trẻ em. Từ đầu năm 2020 đến ngày 4-6, điều trị ngoại trú 111 bệnh nhân (trong đó có 8 trẻ em); nội trú 23 bệnh nhân, (trong đó có 6 trẻ em).
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân theo tây y: viêm nhiễm (mổ xương hàm), do lạnh (thường gặp nhất), chấn thương té, đụng giập... gây liệt dây thần kinh số 7. Đông y thì xác định nguyên nhân do phong hàn, phong nhiệt, huyết ứ. Về điều trị, theo bác sĩ Phạm Gia Nhâm, điều trị bệnh này cần đông tây y kết hợp thì hiệu quả cao hơn. Ở BV YHCT Cần Thơ, bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc tây (kháng viêm, vitamin, bổ thần kinh), kết hợp thêm thuốc thang, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp, châm cứu (riêng trẻ em sử dụng miếng dán huyệt đạo), tập phục hồi chức năng... Quan trọng là người nhà xoa bóp thường xuyên, giúp người bệnh mau phục hồi.
Điều trị sớm, hiệu quả cao
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Duy, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV YHCT Cần Thơ, khi có biểu hiện bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế điều trị sớm, hiệu quả cao, thời gian điều trị ngắn. Nếu đến trễ, thời gian điều trị kéo dài, khó phục hồi hoàn toàn.
Như trường hợp bệnh nhân Cao Th.B., xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cách đây 4 năm, mắt bị giật tưởng là “điềm xui” nên không đến bác sĩ. Sau đó lan xuống giật ở miệng, bệnh tiếp diễn, một con mắt của chị B. không khép được, miệng méo nhưng do gia đình nghèo, nên mấy tháng sau chị mới đi BV ở TP Cần Thơ rồi lên TP Hồ Chí Minh điều trị mà không hết, bác sĩ cho biết cơ mặt đã co cứng. Chị B. hiện ăn uống rất khó khăn, thức ăn bị rơi ra ngoài, nhai rất khó. Chị B. kể: “Khó chịu quá nên cuối năm 2019, tôi đến BV YHCT Cần Thơ điều trị. Sau 20 ngày, bệnh giảm nhiều. Bác sĩ hẹn qua Tết lên điều trị tiếp mà gia đình lu bu nên đợt này mới lên tiếp tục điều trị”.
Còn bệnh nhân Võ T.R., 79 tuổi ở phường Thới Long, quận Ô Môn, kể: “Tôi bật quạt ngủ trưa, thức dậy miệng đã bị méo. Tôi đến BV YHCT Cần Thơ châm cứu được 4 ngày thì do dịch COVID-19 nên không đến BV điều trị. Giờ dịch bệnh giảm, tôi xuống BV tiếp tục điều trị”. Ở BV YHCT Cần Thơ, trong quá trình điều trị, bác sĩ cho biết thường bệnh nhân hay áp dụng các biện pháp dân gian như: kéo máu lươn (bôi máu lươn lên phần mặt bị liệt), đắp thuốc, mát-xa, bấm huyệt ở các thầy lang… Nhưng theo bác sĩ Phạm Gia Nhâm, các phương pháp dân gian không có hiệu quả rõ ràng, làm trì hoãn thời gian điều trị, cơ mặt bệnh nhân co cứng gây khó khăn cho việc điều trị, tốn kém thời gian của người bệnh.
Theo y sĩ YHCT Lê Văn Tư, khi bị bệnh, bệnh nhân tránh lạnh, đi ngủ mang kiếng (để che mắt không khép kín); tránh để máy lạnh chiếu trực tiếp; không nằm nơi gió lùa; tránh ra mưa; đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa mặt nước ấm, không uống đá lạnh. Khi sử dụng quạt gió nên để quạt xoay chiều, tránh gió thổi trực tiếp vào mặt.
Bài, ảnh: H.Hoa
Từ khóa » Cách Chữa Méo Miệng Bằng Lươn
-
Cách Chữa Bệnh Méo Miệng, Xếch Mắt Do Phong Hàn - Báo Đắk Lắk
-
Cách Chữa Liệt Dây Thần Kinh Số 7 Bằng Lươn Chi Tiết Nhất
-
Bỗng Dưng Méo Mặt Vì Liệt Dây Thần Kinh Số 7
-
Máu Lươn Trị Méo Miệng
-
Bài Thuốc Trị 'méo Miệng' Của Người Sán Dìu - VnExpress
-
Tự ý Chữa Méo Miệng Cho Con Theo Mẹo Dân Gian, Mẹ Hốt Hoảng Khi ...
-
Cảnh Báo: Trời Rét đậm Khiến Nhiều Người Bị Méo Miệng, Liệt Mặt
-
️Chia Sẻ Kinh Nghiệm Người đã Từng Bị Liệt Dây Thân Kinh Số 7 ...
-
Kinh Nghiệm Chữa Méo Miệng Trong Dân Gian Hiệu Quả
-
Chữa Liệt 7 Ngoại Biên Bằng Huyết Lươn Và Châm Cứu L ...
-
Bị Méo Miệng Là Bệnh Gì? Miệng Méo Tướng Số Ra Sao? Cách Chữa
-
Điều Trị Hiệu Quả Bệnh Liệt Mặt, Méo Miệng Bằng Phương Pháp Y Học ...
-
2 Cách Chữa Ngủ Dậy Méo Miệng, Liệt Mặt Hiệu Quả Nhất - Đẹp Khỏe
-
Bài Thuốc Chữa Liệt Mặt (Khẩu Nhãn Oa Tà), Bệnh Dây Thần Kinh ...