LIỆU PHÁP NỘI TIẾT TRONG UNG THƯ VÚ

1. Hormon là gì?

2. Liệu pháp điều trị nội tiết là gì?

3. Các phương pháp điều trị nội tiết ung thư vú?

4. Chỉ định điều trị nội tiết trong ung thư vú?

5. Liệu pháp nội tiết có thể dùng để dự phòng ung thư vú?

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc nội tiết?

Điều trị nội tiết đem lại hiệu quả tốt đối với bệnh nhân UTV có thụ thể nội tiết dương tính

1. Hormon là gì?

Hormon là chất được tiết ra bởi một hoặc nhiều tế bào trong cơ thể, có chức năng như “người truyền tin” trong cơ thể. Chúng gửi các tín hiệu từ các tế bào, cơ quan này đến các mô, cơ quan khác thông qua đường máu để thực hiện các chức năng tại cơ quan tiếp nhận đó.

Estrogen và progesterone là hormon được sản xuất bởi buồng trứng ở các phụ nữ chưa mãn kinh và một vài mô khác bao gồm mỡ, da ở phụ nữ đã mãn kinh hay nam giới. Hai loại hormon này giúp duy trì các đặc tính đặc trưng ở nữ giới và sự phát triển của xương. Ngoài ra, nó còn kích thích sự hình thành và phát triển một số loại ung thư vú, hay còn gọi là ung thư vú nhạy cảm với hormon.

2. Liệu pháp điều trị nội tiết là gì?

Điều trị nội tiết trong ung thư vú giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các khối u vú nhạy cảm với nội tiết bằng cách tác động lên thụ thể nội tiết trên bề mặt các tế bào ung thư, ngăn tổng hợp hormon. Các khối u không có các thụ thể nội tiết trên bề mặt tế bào u không đáp ứng với điều trị nội tiết.

Các bác sỹ sẽ đánh giá khối u của bạn bằng biện pháp sinh thiết hoặc làm xét nghiệm sau khi khối u bị lấy bỏ bởi phẫu thuật. Các khối u được coi là nhạy với điều trị nội tiết khi trên bề mặt tế bào ung thư có các thụ thể estrogen (ER dương tính) hay thụ thể progesteron (PR dương tính).

3. Các phương pháp điều trị nội tiết ung thư vú?

Có nhiều biện pháp điều trị nội tiết đối với các ung thư vú nhạy cảm nội tiết như:

- Ức chế buồng trứng: buồng trứng là nơi sản xuất estrogen chủ yếu ở các phụ nữ chưa mãn kinh. Vì vậy, ức chế chức năng buồng trứng giúp làm giảm lượng hormon trong cơ thể từ đó ngăn chặn sự phát triển của các khối u vú. Có nhiều biện pháp ức chế buồng trứng như cắt buồng trứng bằng phẫu thuật hoặc xạ trị hay bằng thuốc đồng vận GnRH (gonadotropin-releasing hormone). Các thuốc đồng vận này ngăn chặn tín hiệu từ vùng dưới đồi đến kích thích buồng trứng sản sinh estrogen.

Xạ trị - một trong các biện pháp giúp ức chế buồng trứng

- Làm giảm sản xuất estrogen: các thuốc ức chế aromatase – một enzym giúp tạo ra estrogen từ các mô khác trong cơ thể. Các thuốc này thường được sử dụng với các bệnh nhân đã mãn kinh vì buồng trứng của các bệnh nhân này không còn sản xuất estrogen nhưng sản xuất ra một lượng lớn aromatase, do đó làm tăng đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, thuốc ức chế aromatase cũng có thể dùng đối với các phụ nữ tiền mãn kinh nếu họ được sử dụng các biện pháp ức chế buồng trứng khác kèm theo.

- Ngăn tác dụng của estrogen:

+ Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (selective estrogen receptor modulators – nhóm thuốc SERMs): các thuốc này gắn cạnh tranh với thụ thể estrogen, ngăn tác động của hormon estrogen lên các tế bào. Ví dụ: tamoxifen (Nolvadex) và toremifene (Fareston).

+ Các thuốc khác: như fulvestrant (Faslodex), làm giảm tác dụng của estrogen theo cơ chế khác.

4. Chỉ định điều trị nội tiết trong ung thư vú

- Điều trị bổ trợ đối với ung thư vú giai đoạn sớm:

Sử dụng thuốc nội tiết ít nhất 5 năm đối với các bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính ở giai đoạn sớm đã phẫu thuật giúp giảm thiểu nguy cơ tái phát ung thư vú.

Các thuốc nội tiết bao gồm: thuốc nội tiết bậc 1 (tamoxifene, toremifene) đối với bệnh nhân trước hay sau mãn kinh và thuốc nội tiết bậc 2 (thuốc kháng aromatase) bao gồm anastrozole, letrozole, exemestane đối với các bệnh nhân đã mãn kinh.

- Điều trị ung thư vú giai đoạn tiến triển hoặc di căn:

+ Các thuốc nội tiết được chỉ định cho giai đoạn này bao gồm: thuốc nhóm SERMs (tamoxifene, toremifene), thuốc nhóm AIs (anastrozole, letrozole), fulvestrant.

+ Kết hợp thuốc nội tiết và thuốc điều trị đích: gần đây nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chứng minh được vai trò của điều trị kết hợp thuốc nội tiết và các thuốc điều trị đích.

Đối với bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính, HER2 âm tính, các thuốc ức chế mTOR (như everolimus..v.v.), ức chế CDK 4/6 (như abemaciclib, palbociclib, ribociclib..v.v.) kết hợp với điều trị nội tiết cho kết quả điều trị tốt hơn so với điều trị nội tiết đơn thuần.

Thuốc đích lapatinib (Tykerb), stratuzumab và thuốc nhóm AIs được coi là chỉ định đầu tay với các bệnh nhân UTV đã mãn kinh có thụ thể nội tiết dương tính, thụ thể phát triển biểu mô Her2 dương tính.

- Điều trị tân bổ trợ UTV: mục đích của điều trị tân bổ trợ UTV là nhằm giảm kích thước u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú triệt văn hay phẫu thuật bảo tồn vú. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh được vai trò của các thuốc AIs trong điều trị bổ trợ trước mổ ở các bệnh nhân UTV đã mãn kinh. Vai trò này chưa rõ ràng đối với các bệnh nhân chưa mãn kinh. Tuy nhiên, chưa có thuốc nội tiết nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) chấp thuận trong điều trị tân bổ trợ UTV. Trong tương lai, đây hứa hẹn sẽ là hướng đi mới, cần được nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa vào áp dụng với nhiều ưu điểm so với điều trị hoá chất tân bổ trợ.

5. Liệu pháp nội tiết có thể dự phòng ung thư vú không?

Câu trả lời là có vì đa số UTV có thụ thể nội tiết dương tính. Các thuốc tamoxifen, raloxifen, exemestane, anastrozole đã được công nhận vai trò làm giảm nguy cơ mắc UTV trên các phụ nữ có nguy cơ cao như có tiền sử gia đình có người mắc UTV, tuổi từ 40 đến 60, béo phì, ít vận động, sử dụng thuốc tránh thai.

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc nội tiết?

Các tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc nội tiết tùy thuộc vào loại thuốc nội tiết: Hay gặp là bốc hoả, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt đối với các bệnh nhân chưa mãn kinh. Ngoài ra, sử dụng tamoxifen làm tăng nguy cơ tạo các cục máu đông, tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung hay loãng xương. Vì vậy, cần tránh sử dụng tamoxifen cùng với các thuốc chống đông máu. Khi có chỉ định điều trị các thuốc này, người bệnh nên đến gặp bác sỹ để có hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý.

Thuốc điều trị đích có thể dùng đường truyền hoặc tiêm dưới da

Hiện tại, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã và đang áp dụng nhiều biện pháp điều trị nội tiết và đem lại hiệu quả tích cực đối với các bệnh nhân UTV giai đoạn sớm cũng như giai đoạn đã di căn. Có thể kể đến các phương pháp như cắt buồng trứng bằng thuốc goserelin, xạ trị hay phẫu thuật, sử dụng các thuốc nội tiết tamoxifen, anastrozole, exemestane, fulvestrant, điều trị phối hợp nội tiết với các thuốc nhắm trúng đích Her2, ức chế m-Tor. Sắp tới, bệnh viện sẽ đưa vào áp dụng phương pháp điều trị nội tiết kết hợp thuốc điều trị đích như thuốc kháng CDK 4/6 (palbociclib, abemaciclib, ribociclib), hứa hẹn sẽ là một sự lựa chọn mới cho các bệnh nhân UTV giai đoạn muộn, giúp nâng cao hiệu quả quá trình điều trị, kéo dài thời gian sống thêm và giảm bớt các tác dụng không mong muốn cho người bệnh.

BS. Vũ Thị Minh Hương - Khoa Nội I

Từ khóa » Khoa Nội Tiết Nghĩa Là Gì