Liệu Pháp Oxy - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Quảng Nam
Có thể bạn quan tâm
Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp Cứu
I. ĐẠI CƯƠNG
Năm 1727 Stephen Hale điều chế được oxy. Năm 1777 Priesty khám phá ra oxy và nhận ra tầm quan trọng của nó. Năm 1780 – 1789 Lavoisier và cộng sự đã chứng minh được rằng oxy được hấp thu qua phổi, chuyển hóa trong cơ thể và thải ra ngoài thành CO2 và H2O. Từ đó giá trị của oxy trong điều trị tăng dần và những phương pháp sử dụng liệu pháp oxy ngày càng cải tiến.
Sử dụng liệu pháp oxy là một công việc hết sức thông thường mà người thầy thuốc cần làm ở mọi tuyến cũng như mọi trường hợp có suy hô hấp. Để liệu pháp oxy đem lại hiệu quả, cần nắm rõ tính chất vật lý, dược lý của khí oxy, những chỉ định và những nguy hiểm khi sử dụng liệu pháp này.
II. TÍNH CHẤT VẬT LÝ CỦA OXY
Oxy là một khí không màu, không mùi, không vị, trọng lượng phân tử 32, trọng lượng riêng 1,105. Ở áp suất bình thường oxy hóa lỏng ở - 1190C. Oxy rất dễ gây cháy nổ, những tai nạn xảy ra trong điều trị bằng oxy là do sự bùng cháy của những vật liệu có thể oxy hóa được như vải, len, cao su… trong một môi trường có nồng độ oxy cao. Oxy lỏng có thể làm lạnh thành dạng rắn và oxy rắn nóng chảy ở - 2180C.
Với dầu bôi trơn hoặc mỡ, dưới áp lực có thể nổ, tia oxy xịt ra đột ngột tiếp xúc với dầu mỡ gây nổ. Do đó tránh dùng dầu mỡ với sự hiện diện của oxy.
III. TÍNH CHẤT DƯỢC LÝ CỦA OXY
Oxy là một thành phần của không khí, chiếm khoảng 21% của khí thở vào. Do đó áp suất riêng phần của oxy trong không khí là: 760x21% = 159,6mmHg. Khi không khí vào hệ thống phế quản nó trộn lẫn với khí thở ra (có ít oxy) do đó áp suất riêng phần của oxy ở phế nang chỉ còn 100mmHg. Tuy nhiên vẫn đủ tạo một áp lực giúp đưa oxy qua màng phế nang – mao mạch để vào máu vì áp suất riêng phần của oxy trong máu tĩnh mạch chỉ có 40mmHg.
Phân áp oxy trong máu động mạch (PaO2): Bình thường PaO2 vào khoảng 80-100mmHg. PaO2 không phản ánh sự oxy hóa tổ chức mà sự thu nhận oxy thay đổi tùy thuộc vào từng cơ quan. Nói chung bệnh nhân đòi hỏi phải thở oxy khi có PaO2 từ 60mmHg trở xuống. Khi PaO2 dưới 30mmHg bệnh nhân có thể tử vong.
Trong máu động mạch bình thường 100ml vận chuyển được 18,9ml oxy kết hợp với Hb và chỉ có 0,3ml oxy hòa tan trong huyết tương. Số lượng oxy hòa tan không nhiều nhưng rất quan trọng vì qua đó oxy mới gắn kết hay tách rời khỏi Hb để đến mô. Khi một người được cung cấp oxy dưới áp suất 2-3atm, lượng oxy hòa tan đủ đáp ứng nhu cầu oxy các mô mà không cần Hb (ứng dụng dùng oxy cao áp điều trị ngộ độc CO).
Độ bão hòa oxy với Hb (SaO2): Bình thường SaO2 khoảng 95-100%. Độ bão hòa của oxy với Hb tùy thuộc phần lớn vào áp suất của oxy trong máu động mạch (PaO2). Những yếu tố khác làm thay đổi độ bão hòa oxy với Hb là nhiệt độ và pH máu. Ở tốc độ chuyển hóa bình thường, cơ thể có thể lấy khoảng 5ml oxy từ mỗi 100ml máu.
IV. LIỆU PHÁP OXY: Là biện pháp cung cấp khí thở có nồng độ oxy lớn hơn 21%.
1. Mục đích:
Mục đích của liệu pháp oxy là “cung cấp oxy cho nhu cầu chuyển hóa của tế bào”. Muốn đạt được mục đích đó thì phải thỏa mãn những điều kiện sau:
Đảm bảo nồng độ oxy thích hợp trong khí thở vào: Bình thường tỷ lệ oxy khí thở vào là 21% (chính xác là 20,9%). Ở nồng độ này áp lực riêng phần của nó là 150mmHg và áp lực riêng phần oxy trong phế nang là 100mmHg. Oxy sẽ khuyếch tán qua màng phế nang – mao mạch vào máu cho đến khi áp lực cân bằng giữa 2 bên màng.
Đường thở thông thoáng và thông khí phổi tốt để đảm bảo đủ áp lực riêng phần oxy phế nang.
Oxy khuyếch tán được qua hàng rào phế nang – mao mạch.
Oxy phải được vận chuyển ở trong máu tốt: Bình thường trong máu oxy được vận chuyển dưới 2 dạng:
- Dạng hòa tan: Chiếm khoảng 0,3ml/100ml máu động mạch, tạo nên một áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch là 100mmHg. Đây là dạng trao đổi trực tiếp với tổ chức.
- Dạng kết hợp với Hb: Là dạng vận chuyển chủ yếu của oxy trong máu. Bình thường 1g Hb có thể vận chuyển được tối đa 1,34ml oxy, trong 100ml máu có khoảng 15g Hb và vận chuyển tối đa được 20ml oxy, nhưng thực tế chỉ có khoảng 97% Hb kết hợp với oxy, tức có khoảng 19,5ml oxy được vận chuyển trong máu động mạch.
Tuần hoàn đến phế nang và tương quan thông khí – tưới máu phế nang tốt. Tuần hoàn đến tổ chức tốt.
Các men cần cho việc sử dụng oxy của tế bào hoạt động tốt và các tế bào sử dụng được oxy.
Tóm lại: khi một bệnh nhân có triệu chứng thiếu oxy thì người thầy thuốc cấp cứu không phải chỉ cho thở oxy là đủ mà phải đánh giá đầy đủ các điều kiện trên để điều chỉnh các rối loạn thích hợp.
2. Chỉ định và mức độ hiệu quả của liệu pháp oxy:
2.1. Thiếu oxy máu do thiếu nguồn cung cấp oxy
- Thiếu oxy do môi trường: Như các trường hợp thiếu oxy do lên độ cao, do ở trong các đám cháy: Các trường hợp này nếu cho thở oxy thì kết quả rất tốt.
- Thiếu oxy do giảm thông khí phế nang: Tắc nghẽn đường thở do dị vật, đàm giãi, co thắt thanh khí quản, hạn chế di động của lồng ngực sau mổ ngực, bụng hay sau chấn thương, do gù vẹo cột sống: Các trường hợp này phải kết hợp thở oxy với khai thông đường thở, cải thiện thông khí phế nang mới đạt hiệu quả.
- Thiếu oxy do cản trở sự khuyếch tán khí ở vách phế nang: Nguyên nhân do phù phổi, xung huyết phổi, xơ hóa phổi. Các trường hợp này nếu tăng FiO2 lên 50% có thể làm gia tăng khả năng khuyếch tán của oxy qua hàng rào phế nang – mao mạch.
- Thiếu oxy do shunt nội phổi: Xảy ra trong các trường hợp đặc phổi, xẹp phổi, các dị dạng mạch máu bẩm sinh có shunt động – tĩnh mạch gây tình trạng mất cân bằng giữa thông khí – tưới máu (tỷ lệ V/Q giảm). Các trường hợp này cho thở oxy chỉ có hiệu quả một phần do máu đi tắt qua chỗ nối nên không trao đổi oxy được.
2.2. Thiếu oxy máu do rối loạn huyết sắc tố (Hb)
- Do thiếu máu: Oxy vận chuyển trong máu chủ yếu dưới dạng kết hợp với Hb nên khi thiếu máu sẽ gây thiếu phương tiện để vận chuyển oxy đến tổ chức. Thở oxy chỉ làm tăng lượng oxy hòa tan lên một ít. Biện pháp điều trị chủ yếu là cho truyền hồng cầu khối hoặc máu toàn phần để cung cấp đủ Hb.
- Do nhiễm độc các chất làm Hb mất khả năng vận chuyển oxy: Như nhiễm độc các chất gây Methemoglobin máu. Trong các trường hợp này ngoài cho thở oxy thì biện pháp chính vẫn là phục hồi khả năng tải oxy của Hb (dùng Xanh methylene 2mg/kg/giờ, cho lặp lại nếu cần và vitamin C 20-40 mg/kg/lần x 2-4 giờ/ lần bằng đường tĩnh mạch).
2.3. Thiếu oxy máu do nguyên nhân tuần hoàn:
- Do giảm thể tích tuần hoàn: Thiếu oxy do giảm tưới máu mô: Kết hợp thở oxy với biện pháp chủ yếu là phục hồi thể tích tuần hoàn.
- Do giảm lưu lượng tim: Thiếu oxy do tim hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo đủ máu đi nuôi cơ thể: Các trường hợp này thở oxy sẽ có lợi do làm giảm co mạch phổi, giảm hậu gánh thất phải và tăng lưu lượng máu về thất trái.
- Do ứ trệ tuần hoàn: Nguyên nhân do ứ trệ tĩnh mạch, tắc động mạch: Cho thở oxy thường không hiệu quả trong các trường hợp này.
2.4. Thiếu oxy do tổ chức:
- Do tăng nhu cầu oxy của tổ chức: Trong các trường hợp sốt cao, co giật, run lạnh, nhu cầu oxy của cơ thể tăng cao: Các trường hợp này cho thở oxy kết quả tốt.
- Do nhiễm độc tế bào: Một số trường hợp nhiễm độc như ngộ độc cyanua làm men cytochrome oxydase bị ức chế và tế bào sẽ không sử dụng được oxy. Cho thở oxy có thể giúp chuyển phản ứng oxy hóa sang một hệ thống men khác như oxygen tranferase và oxygen oxidase.
3. Nguyên tắc sử dụng oxy:
3.1. Sử dụng đúng liều lượng:
Cần sử dụng đúng chỉ định và đúng liều lượng thích hợp. Sử dụng lưu lượng oxy tối thiểu đạt được hiệu quả mong muốn, tránh sử dụng quá cao gây tác dụng độc của oxy.
3.2. Phòng tránh nhiễm khuẩn:
Khi sử dụng oxy thì khả năng nhiễm khuẩn cao vì vi khuẩn phát triển nhanh trong môi trường khí oxy và dễ dàng xâm nhập vào bộ máy hô hấp đã bị tổn thương sẵn. Do đó cần đề phòng nhiễm khuẩn bằng cách:
Dụng cụ vô khuẩn, sau mỗi lần thở dụng cụ phải được làm sạch và tẩy trùng. Tốt nhất là chỉ sử dụng một lần.
Thay ống thông và đổi bên lỗ mũi 8 giờ/lần.
Làm vệ sinh miệng cho bệnh nhân 3-4 giờ/lần.
3.3. Phòng tránh khô đường hô hấp:
Oxy đựng trong các bình kín là khí khô nên dễ làm khô các tế bào niêm mạc đường hô hấp, vì vậy cần làm ẩm oxy thở vào bằng dung dịch vô khuẩn.
Động viên bệnh nhân uống nước.
3.4. Phòng chống cháy nổ:
Dùng biển “cấm lửa” hoặc “không hút thuốc” treo ở khu vực cho bệnh nhân thở oxy.
Giáo dục bệnh nhân và người nhà không sử dụng các vật dụng phát lửa như bật lửa, diêm, nến, đèn dầu.
Các thiết bị dùng điện đều phải có dây tiếp đất để tránh sự phát tia lửa điện.
4. Tác dụng không mong muốn của liệu pháp oxy:
4.1. Tác dụng độc đối với hô hấp:
- Oxy gây kích thích đường hô hấp làm tăng tiết và khô chất tiết gây bít tắc đường thở
- Khi thở oxy 100% trên 12 giờ có thể gây:
+ Xẹp phổi.
+ Xung huyết phổi.
+ Viêm phổi.
+ Tẩm nhuận bạch cầu ở phổi.
+ Giảm 10-40% dung tích sống.
+ Giảm thông khí phút.
+ Giảm nhẹ khả năng khuyếch tán của oxy qua hàng rào phế nang – mao mạch.
- Gây ngưng thở ở những bệnh nhân suy hô hấp mạn: Các bệnh nhân này luôn có phân áp CO2 máu (PaCO2) cao nên sự kích thích hô hấp chỉ phụ thuộc vào tình trạng thiếu oxy. Khi cho bệnh nhân thở oxy sẽ làm mất yếu tố gây kích thích trung tâm hô hấp và bệnh nhân sẽ ngưng thở.
4.2. Tác dụng độc đối với thần kinh:
- Ở trẻ sơ sinh nhất là trẻ đẻ non, thở oxy với FiO2 > 40% kéo dài có thể gây xơ hóa sau thủy tinh thể và gây mù.
- Sử dụng oxy áp lực cao có thể gây cơn động kinh.
- Ngoài ra thở oxy 100% kéo dài có thể gây dị giác và làm giảm khoảng 13% lưu lượng máu não.
4.3. Tác dụng phụ đối với tuần hoàn:
- Tăng nhẹ sức cản ngoại vi.
- Giảm nhẹ cung lượng tim.
- Giảm nhẹ sức cản giường mao mạch phổi.
4.4. Các tác dụng không mong muốn khác:
- Gây nhiễm trùng chéo trong bệnh viện do dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
- Loét niêm mạc hoặc chảy máu do thương tổn niêm mạc khi đặt nội khí quản.
- Hơi vào dạ dày gây chướng bụng làm tăng suy hô hấp
5. Các phương pháp cung cấp oxy:
Có 2 phương pháp thường dùng cho bệnh nhân thở oxy là thở oxy qua ống thông mũi và thở oxy qua mặt nạ. Sự lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, nồng độ oxy cần cho, trang bị của bệnh viện và sự thoải mái cho bệnh nhân.
5.1. Thở oxy qua ống thông mũi:
Phương pháp này có thuận lợi là bệnh nhân dễ chấp nhận, có thể ăn uống, nói chuyện trong khi thở oxy. Tuy nhiên có một số bất lợi sau:
- Nồng độ oxy thở vào (FiO2) thay đổi và không đo được chính xác vì tùy thuộc vào kiểu thở và thể tích thở của bệnh nhân.
- Không đạt được nồng độ oxy tối đa trong khí thở vào, chỉ làm tăng FiO2 được khoảng 3%/ 1 lít O2.
- Lưu lượng khí chỉ nên giới hạn tối đa khoảng 5-6 lít/ phút. Nếu sử dụng lưu lượng cao hơn nó vẫn không tăng hiệu quả mà lại có nguy cơ khí vào dạ dày làm căng giãn dạ dày.
- Dễ gây bít tắc ống do chất tiết.
- Khó làm ẩm khí thở.
Thở oxy qua ống thông mũi chỉ nên áp dụng cho các trường hợp thiếu oxy nhẹ, bệnh nhân còn tỉnh táo.
* Kỹ thuật: Cho bệnh nhân thở oxy qua ống thông mũi 1 đường và thở oxy qua ống thông mũi 2 đường.
5.2. Thở oxy qua mask
Một số loại mask thở oxy:
- Mask đơn giản: Là loại mask không có van và bóng dự trữ. Loại mask này có thể cung cấp nồng độ oxy khí thở ổn định hơn thở qua ống thông mũi. Cho FiO2 vào khoảng 35-60% với lưu lượng 5-6 lít/ phút. Thay đổi các thông số hô hấp cũng có thể làm thay đổi FiO2. Thông thường ở người lớn nên thở ít nhất là 5 lít để tránh thở lại CO2.
- Mask không thở lại: Là mask có bóng dự trữ và có van 1 chiều tránh thở lại. Mask này có thể cung cấp FiO2 đạt 100% nhưng phải thật kín để tránh lọt khí trời vào mask và lưu lượng khí phải đủ để làm căng bóng dự trữ.
- Mask thở lại một phần: Mask này chỉ có bóng dự trữ, không có van 1 chiều. Với lưu lượng 10 lít/ phút có thể cung cấp FiO2 50-65%.
- Mask Venturi: Là mask có cấu tạo theo nguyên lý Bernulli để dẫn 1 thể tích lớn không khí (đến 100 lít/ phút) để trộn với dòng oxy vào (2-12 lít/ phút). Kết quả sẽ tạo khí trộn có nồng độ oxy ổn định từ 24-40% phụ thuộc vào lưu lượng oxy.
6. Kết luận
Liệu pháp oxy ngày càng được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng với mục đích cung cấp oxy tối đa cho tế bào trong các trường hợp cấp cứu. Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu oxy và mỗi nguyên nhân có một hiệu quả đáp ứng với liệu pháp oxy khác nhau. Do đó việc sử dụng liệu pháp oxy cần thực hiện đúng chỉ định và đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra cũng cần chú ý đến các nguyên tắc sử dụng liệu pháp oxy để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cho cả nhân viên y tế.
Tin mới hơn:- 17/11/2014 19:35 - 10 điều bạn phải quên để trở thành một “good doct…
- 12/11/2014 17:11 - Các lực tác động lên xương
- 05/11/2014 17:29 - Nấm Cryptococcus Neoformans
- 04/11/2014 13:52 - Một số sai lầm khi sơ cứu bệnh nhân bị rắn độc cắn
- 04/11/2014 12:27 - Chăm sóc và dự phòng loét ép
- 03/11/2014 17:10 - Thực hành và điều trị nôn
- 29/10/2014 20:20 - Viêm khớp dạng thấp và điều trị
- 28/10/2014 12:04 - Dị tật bẩm sinh hệ tiêu hóa
- 27/10/2014 20:53 - Hen làm tăng nguy cơ mắc COPD, khí phế thủng
- 27/10/2014 12:15 - Thoái hóa khớp xương
Từ khóa » Với Fio2 = 21 Suy Hô Hấp Xảy Ra ở Trẻ Sơ Sinh Khi
-
Suy Hô Hấp Cấp ở Trẻ Sơ Sinh: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Nguyên Nhân Khiến Trẻ Sơ Sinh Bị Suy Hô Hấp | Vinmec
-
[PDF] SUY HÔ HẤP SƠ SINH
-
Suy Hô Hấp ở Trẻ Sơ Sinh: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị
-
Hội Chứng Suy Hô Hấp ở Trẻ Sơ Sinh - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Hỗ Trợ Hô Hấp ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhũ Nhi - Khoa Nhi - MSD Manuals
-
Suy Hô Hấp Sơ Sinh - SlideShare
-
[PDF] áp Lực Và Nồng độ Oxy Khí Hít Vào Của Chế độ Thở áp Lực Dương Liên
-
Suy Hô Hấp ở Trẻ: Triệu Chứng điển Hình Và Phương Pháp điều Trị
-
[PDF] Cập Nhật Hỗ Trợ Hô Hấp Trong Nhi Khoa
-
Bé Sinh Cực Non được điều Trị Bơm Surfactant Bằng Kỹ Thuật Lisa
-
[PDF] BỘ Y TÉ - SỐ:1327 /QĐ-BYT - Cục Y Tế Dự Phòng
-
06/11/2018: Suy Hô Hấp ở Trẻ Sơ Sinh - Sở Y Tế Tỉnh Khánh Hòa