Liệu Pháp Tâm Lý Giúp Cải Thiện Sức Khỏe Tinh Thần - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Liệu pháp tâm lý ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Nhịp sống hối hả khiến cho những áp lực vô hình, những gánh nặng về mặt tâm lý dần trở thành một phần không hề xa lạ. Sự thật là con người dễ gặp phải những vấn đề tâm lý – thần kinh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ăn uống… hơn ngày xưa.
Mặt tích cực là nhờ vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mọi người đã dần cởi mở hơn, không còn kỳ thị người gặp phải vấn đề về tâm thần như ngày trước. Tâm lý giấu bệnh cũng không còn quá nặng nề, một số người có sự chủ động trong việc đối diện với tình trạng của mình. Mọi người ngày một quan tâm nhiều hơn đến những liệu pháp cải thiện sức khỏe tinh thần để có thể tự giúp bản thân và giúp đỡ những người xung quanh. Tránh âm thầm chịu đựng.
Sau đây là những liệu pháp tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, từ tư vấn hôn nhân cho đến liệu pháp nghệ thuật.
1. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT- Cognitive Behavioral Therapy)
Liệu pháp nhận thức hành vi là một phương pháp hướng tới giải pháp, khuyến khích mọi người thay đổi hành vi và quan điểm của chính mình bằng việc thay đổi cách suy nghĩ. Liệu pháp này ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.
CBT tập trung vào “những suy nghĩ tự động”. Đó là những suy nghĩ phản ánh về bản thân chúng ta, về những người khác, và về thế giới. Các suy nghĩ này đại diện cho những niềm tin cốt lõi mà chúng ta níu giữ về chính bản thân mình, chẳng hạn như tin rằng chúng ta không xứng đáng hoặc có khiếm khuyết.
Phương pháp điều trị này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng vấn đề tiềm ẩn của bệnh nhân như ám ảnh, nghiện ngập, lo lắng, mất ngủ và trầm cảm.
Bạn có thể sẽ không nhận thấy kết quả tức thời. Tuy nhiên, nếu duy trì được sự cam kết và kết nối trong quá trình trị liệu thì bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khuây khỏa và đỡ hơn.
2. Trị liệu liên cá nhân/Trị liệu giữa các cá nhân (IPT- Interpersonal Therapy)
Liệu pháp tâm lý trị liệu liên cá nhân thường được áp dụng để điều trị rối loạn tâm trạng, với mục tiêu chính là cải thiện mối quan hệ và tương tác xã hội của một người nhằm xoa dịu và làm giảm những gì họ đang phải chịu đựng. IPT được cho là một hình thức trị liệu mới và đã được chứng minh là có hiệu quả với những người chịu đau khổ vì một sự kiện nào đó trong cuộc sống như chuyển chỗ, ly hôn, người thân qua đời hoặc nghỉ hưu.
Giống như liệu pháp nhận thức hành vi, IPT không đi quá sâu vào quá khứ mà hướng đến những gì đang diễn ra trong cuộc sống của một cá nhân. Suy nghĩ và hành vi của một người có tác động lên sự tự nhận thức về bản thân và cũng có tác động lên những mối quan hệ của người đó. Điểm khác biệt chính yếu là IPT chú trọng vào cách mà suy nghĩ và hành vi tác động lên những mối quan hệ của một người. IPT chỉ tập trung vào bản thân những mối quan hệ thay vì đào bới những hệ quả tiêu cực đến từ các mối quan hệ thiếu lành mạnh.
Quá trình điều trị theo IPT kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, thường từ 12 đến 16 tuần. Một phiên điều trị có thể bao gồm các hoạt động tương tác nhập vai diễn ra ở bên ngoài văn phòng để xem liệu một người có thể xử lý mọi việc khác đi hoặc theo cách có hiệu quả hơn hay không. Các phiên làm việc theo nhóm cũng phổ biến trong IPT, vì khi đó mọi người có thể thực hành kỹ năng giao tiếp liên cá nhân (giao tiếp giữa nhiều người, nhiều cá nhân) trong một môi trường an toàn và tốt cho sự phát triển kỹ năng.
3. Liệu pháp hôn nhân – gia đình
Một liệu pháp tâm lý ngắn hạn khác nữa là liệu pháp hôn nhân – gia đình. Loại liệu pháp này thường kéo dài khoảng 12 tuần và tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ của các cặp đôi hoặc giữa các thành viên trong một nhà.
Liệu pháp hôn nhân được cho là có hiệu quả đối với 7/10 cặp đôi trong một nghiên cứu năm 2011. Trong liệu pháp này, các nhà trị liệu thường gặp từng người trước khi gặp chung 2 vợ chồng. Đối với liệu pháp gia đình thì mọi người sẽ cùng gặp mặt, thỉnh thoảng nhà trị liệu cũng sẽ gặp riêng từng cá nhân nếu cần. Thường thì các nhà trị liệu sẽ xác định những nhân tố gây ra mâu thuẫn, sau đó tìm kiếm cách thức chủ động để giải quyết những vấn đề của mọi người, rồi mỗi cá nhân cũng sẽ nhận được lợi ích về mặt nào đó.
Nicoletta Hedegger, một nhà trị liệu hôn nhân – gia đình ở Los Angeles, nói: “Liệu pháp hôn nhân – gia đình hữu ích cho công việc có liên quan đến cá nhân và những mối quan hệ. Tùy thuộc vào chuyên môn lâm sàng của bạn mà nó có thể giúp bạn xử trí và đạt được các kỹ năng ứng phó tốt hơn với một loạt những cuộc đấu tranh, từ lo lắng đến trầm cảm, chấn thương, mâu thuẫn trong hôn nhân, đau buồn và mất mát”.
4. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là liệu pháp tâm lý truyền thống sử dụng các cuộc đối thoại, trò chuyện chuyên sâu nhằm hướng đến thế giới bên ngoài của bệnh nhân. Hình thức này chủ yếu được áp dụng với những người đang đấu tranh với chứng trầm cảm, nhưng cũng có thể có hiệu quả với những người bị nghiện, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn ăn uống.
Trong liệu pháp tâm động học (Psychodynamic therapy), mọi người được khuyến khích nói về bất cứ điều gì họ nghĩ, với mục tiêu tổng quan là làm thuyên giảm các triệu chứng tiêu cực và nâng cao sự tự tin. Thường thì loại hình trị liệu này sẽ diễn ra và đạt hiệu quả cao nhất đối với những người nhận thức rõ được vấn đề của họ, nhưng không có công cụ để tự mình xử lý chúng.
Bạn có thể quan tâm: “Độc thoại với bản thân-liệu pháp tâm lý kỳ diệu để sống tích cực”
5. Liệu pháp nghệ thuật
Trong liệu pháp nghệ thuật, mọi người được khuyến khích thể hiện bản thân một cách sáng tạo thông qua hình thức vẽ tranh, cắt dán ảnh, điêu khắc và các phương tiện nghệ thuật khác.
Liệu pháp nghệ thuật thường được sử dụng với trẻ em, nhưng cũng có thể được áp dụng với người lớn. Vào mỗi phiên trị liệu, bệnh nhân và nhà trị liệu sẽ chọn một tác phẩm nào đó để thực hiện. Nhà trị liệu thường sẽ chỉ quan sát mà không phán xét trong quá trình tạo tác. Một khi tác phẩm được hoàn thành thì nhà trị liệu sẽ phân tích màu sắc, kết cấu… để tìm ra những sắc thái cảm xúc.
Liệu pháp nghệ thuật cũng thường bao gồm một liệu pháp tâm lý truyền thống khác chẳng hạn như trò chuyện, đối thoại; và bản thân quá trình tạo tác được cho là có nhiều lợi ích (đặc biệt là đối với trẻ em) bao gồm cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và chiến lược ứng phó.
6. Liệu pháp giáo dục về tâm lý học
Giáo dục về tâm lý học là quá trình cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức về tình trạng tâm lý của họ. Dù xuất hiện đã khá lâu nhưng cách thức này trở nên ngày một phổ biến hơn bao giờ hết.
Tuy không phải là một liệu pháp tâm lý cụ thể nhưng giáo dục về tâm lý học đóng vai trò cốt yếu trong việc trang bị cho mọi người những hiểu biết cần thiết. Mọi người có thể nhận thức được tình trạng của bản thân mình, biết phải tìm sự giúp đỡ ở đâu và biết cách làm thế nào để nhận được sự trợ giúp.
Giáo dục về tâm lý học rất quan trọng vì nhiều người gặp phải các vấn đề tâm lý và thần kinh khi nhận được chẩn đoán có hiểu biết rất ít, thậm chí là không hiểu gì về tình trạng của bản thân. Họ không biết nên kỳ vọng gì vào liệu pháp chữa trị, cũng như không biết về những tác dụng tích cực và tiêu cực của bất kỳ loại thuốc nào được kê toa cho họ.
Có thể giáo dục về tâm lý học bằng nhiều cách như là tổ chức lớp học chính thức, lập nhóm hỗ trợ, hoặc nhà trị liệu sẽ trực tiếp giải thích cho bệnh nhân rằng vấn đề sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào.
Bạn có thể quan tâm: “Rối loạn tâm thần ở Việt Nam”
7. Liệu pháp thôi miên
Liệu pháp thôi miên thường được áp dụng kết hợp với một liệu pháp tâm lý khác.
Liệu pháp thôi miên dùng để giúp một người đối phó với một hành vi cụ thể nào đó, như là hút thuốc, mất ngủ, ám ảnh và rối loạn chức năng tình dục. Liệu pháp thôi miên hoạt động bằng cách ức chế một phần của não.
John Mongiovi, nhà thôi miên ở New York, cho biết: “Trong khi thôi miên, các trung tâm nhận thức của chúng ta chuyển sang những cấu trúc bên trong của não (các cấu trúc này có liên quan đến quá trình vô thức và trí nhớ dài hạn). Khu vực liên quan tới tư duy phản biện của một tâm trí có ý thức tạm thời bị ức chế nên chúng ta dễ dàng chấp nhận các đề xuất được đưa ra hơn”.
Mongiovi nói: “Trong một phiên trị liệu thôi miên điển hình, một người nhắm mắt lại và được giúp để có thể thư giãn sâu. Nhà thôi miên sau đó đưa ra gợi ý dẫn dắt trí tưởng tượng của người đó. Đối với một số trường hợp, trạng thái này có thể mang lại những ký ức và tài nguyên mà thông thường không thể tiếp cận được khi tâm trí còn trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Thôi miên cũng có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng bằng cách kích hoạt phản ứng thư giãn của hệ thống thần kinh giao cảm”.
Làm thế nào tìm được đúng nhà trị liệu?
Việc tìm đúng nhà trị liệu chuyên khoa cũng quan trọng như tìm được liệu pháp tâm lý phù hợp. Bạn nên xin tham vấn cá nhân từ một người mà bạn biết và tin tưởng. Nếu điều đó không hiệu quả, bạn nên tìm đến tổ chức chuyên nghiệp.
Yếu tố quan trọng nhất là bạn cảm thấy như thế nào khi ở trong phòng với nhà trị liệu? Bạn có thấy thoải mái và có một sự kết nối tốt không? Hãy tin vào cảm giác của chính mình.
Bạn có thể quan tâm: “Phân biệt bác sĩ tâm thần và tâm lý”
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Trị Liệu Tâm Lý Là Làm Gì
-
Tâm Lý Trị Liệu Là Gì? Các Phương Pháp Trị Liệu Tâm Lý Phổ Biến
-
Trị Liệu Tâm Lý
-
Tâm Lý Trị Liệu Là Gì? Có Ưu Và Nhược Điểm Gì?
-
Trị Liệu Tâm Lý Cá Nhân Là Gì?
-
Tâm Lý Trị Liệu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tham Vấn & Trị Liệu Tâm Lý Là Gì? Có Những Phương Pháp Tham Vấn
-
Khoa Học Tâm Lý Trị Liệu - Thông Tin Cơ Bản (cập Nhật 2022)
-
Tư Vấn (tham Vấn) Và Trị Liệu Tâm Lý Khác Nhau Như Thế Nào?
-
Vai Trò Của Trị Liệu Tâm Lý Trong điều Trị Trẻ Tự Kỷ | Vinmec
-
Những Gì Bạn Cần Biết Về Nhà Trị Liệu/tham Vấn Tâm Lý
-
5 Phương Pháp Trị Liệu Tâm Lý được Các Chuyên Gia đánh Giá Cao
-
Tâm Lý Trị Liệu Là Gì? 8 Phương Pháp Trị Liệu Phổ Biến Hiện Nay
-
Tâm Lý Trị Liệu Và Vai Trò Nhà Trị Liệu – Tâm Lý Trẻ Em
-
Contactenos_linea106 - Tâm Lý Trị Liệu Là Gì - Trung Tâm Tâm Lý...