Liệu Plasmodium Vivax Có Khả Năng Gây Bệnh Sốt Rét Thể ác Tính Hay ...

Từ trước đến giờ khi gặp một bệnh nhân sốt rét thể ác tính người ta hay nghĩ đến nguyên nhân là Plasmodium falciparum, và thực tế kết quả xét nghiệm lam máu ngoại biên nếu dương tính thì đúng là Plasmodium falciparum.

Đối với trường hợp nhiễm Plasmodium vivax thì tuy bệnh cảnh lâm sàng có thể có sốt cao, nhức đầu và nôn mửa nhiều nhưng Plasmodium vivax vẫn được quan niệm là không gây thể bệnh sốt rét ác tính. Một số sách y học còn gọi sốt rét do P. falciparum là “sốt rét cách nhật ác tính” (malignant tertian malaria) và sốt rét do P. vivax là “sốt rét cách nhật lành tính” (benign tertian malaria).

Do đó khi kết quả xét nghiệm là P. vivax ở một bệnh nhân có sốt rét thể ác tính, người ta sẽ nghi ngờ tính chính xác của xét nghiệm, hoặc cho rằng đây là một trường hợp nhiễm phối hợp với P. falciparum, mà loài sau này đã bị soi sót nên không phát hiện ra được.

Năm 2002 một hội nghị chuyên đề về P. vivax được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan (“Vivax Malaria Research: 2002 and Beyond”)(1), có ghi nhận là một số bệnh lý nặng do hiện tượng ẩn cư của P. falciparum cũng được gặp trong sốt rét do P. vivax, cũng như bệnh lý về hô hấp có liên quan đến P. vivax.

Năm 2003 từ tháng 8 đến tháng 12 tại vùng biên giới Ấn Độ - Pakistan, Dhanpat K. Kochar, thuộc ĐH Y Sardar Patel, Bikaner, Rajasthan Ấn Độ, và cộng sự đã ghi nhận 11 trường hợp bệnh nhân nhiễm P.vivax có thể bệnh nặng(2). Chẩn đoán nguyên nhân được thực hiện qua ba xét nghiệm đồng thời: xét nghiệm lam máu ngoại biên, que thử chẩn đoán nhanh OptiMAL (DiaMed AG., Thụy Sĩ) và PCR.

Hướng dẫn điều trị bệnh sốt rét của Tổ chức Y Tế Thế Giới (2006) cũng đã dành một đoạn để nói về sốt rét nặng do P. vivax. Nguyên văn như sau: “Tuy sốt rét do P.vivax được xem là lành tính, với một tỷ lệ tử vong rất thấp, nó vẫn có thể là một bệnh sốt nặng và gây suy kiệt. Đôi khi là một bệnh nặng như là sốt rét do P. falciparum. Các biểu hiện của sốt rét nặng do P. vivax đã được ghi nhận là sốt rét thể não, thiếu máu nặng, giảm nặng tiểu cầu và các tế bào máu, vàng da, vỡ lách, suy thận cấp và hội chứng suy hô hấp cấp. Thiếu máu nặng và phù phổi cấp không phải là ít gặp. Cơ chế gây các biểu hiện nặng chưa được hiểu rõ.

Phải điều trị nhanh chóng và hiệu quả, xử trí ca bệnh như là sốt rét nặng và có biến chứng do P. falciparum.” (3).

Các thông tin trên khiến chúng ta phải cảnh giác khi gặp một trường hợp sốt rét do P. vivax, nhất là khi khuynh hướng hiện nay vẫn xem sốt rét do P. vivax là lành tính và không gây tử vong.

Từ khóa » Chẩn đoán Sốt Rét ác Tính