Linh Hoạt Phương Thức Xét Nghiệm Trong Các Xóm Trọ Công Nhân

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bình Dương tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn, khu công nghệ cao, một số ngành dịch vụ quan trọng… Ảnh: VGP/Đình Nam

Trước đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra điểm lấy mẫu xét nghiệm tại xóm trọ Đường số 1 (phường Thống Nhất, TP. Dĩ An), trạm y tế lưu động khu phố Bình Đáng (phường Bình Hoà, TP. Thuận An), Công ty Pungkook Sài Gòn 2 (Khu Công nghiệp Sóng Thần 1, TP. Dĩ An).

Xét nghiệm linh hoạt ở xóm trọ công nhân

Bí thư Thành uỷ Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết, địa phương có khoảng 450.000 công nhân lao động, chiếm 72% dân số. Qua 3 đợt xét nghiệm, Thành phố ghi nhận 72.254 ca nhiễm COVID-19 (F0), trong đó 95% là công nhân ở các xóm trọ. Với quy mô trung bình của các khu nhà trọ 300 đến 400 người, nhiều nhất có thể lên đến 2.000 người, nên dịch lây nhiễm rất sâu, nặng ở nhiều phường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra điểm lấy mẫu xét nghiệm tại xóm trọ Đường số 1, phường Thống Nhất, TP. Dĩ An. Ảnh: VGP/Đình Nam

Qua triển khai các đợt xét nghiệm trên địa bàn, bà Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết, với những phường, khu phố có nhiều khu trọ, đông công nhân, cần có những phương thức tổ chức xét nghiệm linh hoạt, khác với xét nghiệm ở nhà dân. Có những xóm trọ xét nghiệm tới 8 vòng, 10 vòng nhưng vẫn không sạch được hoàn toàn.

Vì vậy, bà Phương cho rằng đối với những địa bàn bị nhiễm nặng với tỉ lệ trên 10%, có thể áp dụng giải pháp khoanh vùng, cấp thuốc điều trị, chăm sóc, xử lý kịp thời các trường hợp có triệu chứng, hoặc có bệnh nền thay vì xét nghiệm rất nhiều vòng nhưng cũng không thể “làm sạch” hoàn toàn.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nhìn nhận thời gian đầu, do hạn chế về nguồn lực, số lượng sinh phẩm, năng lực thu dung, cách ly nên ở một số địa phương thời gian hoàn thành 1 vòng xét nghiệm có thể kéo dài tới 5 ngày thay vì 2 ngày/lần như quy định, dẫn đến dịch vẫn dây dưa, kéo dài.

Công nhân trong xóm trọ cho biết trong 2 lần lấy mẫu gần đây không phát hiện thêm người nhiễm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bình Dương lập bản đồ đánh giá nguy cơ đến tận khu phố, tổ dân phố, xóm trọ để phong tỏa gọn nhất, hẹp nhất có thể, từ đó tập trung lực lượng xét nghiệm theo đúng hướng dẫn, thậm chí tăng tần suất xét nghiệm hằng ngày để nhanh chóng “làm sạch” ổ dịch. Tuy nhiên, với đặc thù có nhiều xóm trọ tập trung đông công nhân, trung bình 12-15 m2 một phòng trọ có 3 người, nên dịch lây nhiễm rất sâu. Dù tỉnh đã tổ chức nhiều đợt, nhiều vòng xét nghiệm nhưng vẫn còn ca nhiễm. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ cố gắng xét nghiệm thần tốc hơn nữa, đưa tỉ lệ lây nhiễm về mức thấp nhất, dần mở lại các hoạt động.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ phòng, chống COIVD-19 đề nghị tỉnh Bình Dương đúc kết lại những kinh nghiệm tổ chức xét nghiệm diện rộng, nhất là tại các xóm trọ, để tiếp tục cải tiến phương thức xét nghiệm theo hướng tăng cường mẫu gộp, mẫu đại diện để đạt hiệu quả cũng như tốc độ xét nghiệm.

Bình Dương công bố bổ sung hơn 10.000 F0

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Lộc Hà báo cáo, trong 7 ngày (từ ngày 21/9 đến 27/9), số F0 phát hiện trong cộng đồng trung bình 67 ca/ngày, giảm 44,8% so với 7 ngày trước đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra trạm y tế lưu động tại khu phố Bình Đáng, phường Bình Hoà, TP. Thuận An. Phường Bình Hoà có hơn 134.000 dân, trên 15.000 F0 đã khỏi bệnh, đã thực hiện 8 đến 10 vòng xét nghiệm, tỉ lệ F0 còn khoảng 0,6%. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đáng chú ý, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết trong 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 1.500 F0, tuy nhiên, con số công bố lên tới khoảng 3.500 ca/ngày do tỉnh đang tiếp tục bổ sung hơn 10.000 F0 xét nghiệm nhanh trước đây chưa được Bộ Y tế ghi nhận.

“Theo quy định của Bộ Y tế thì chỉ những F0 đã được xét nghiệm RT-PCR mới được ghi nhận chính thức”, ông Nguyễn Văn Lợi giải thích.

Hiện Bình Dương có 31 khu điều trị và 104 khu cách ly tập trung chuyển thành khu điều trị với khoảng 94.000 giường, đang điều trị 34.998 bệnh nhân. Trong đó tầng 1 là 32.560 người, tầng 2 là 1.486 người, tầng 3 là 952 người. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh là 172.424 người (chiếm 84,5% số F0). Tỉ lệ tử vong của Bình Dương khoảng 0,94%.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bình Dương cho biết, ngay từ tháng 7 các cơ sở điều trị của Bình Dương đã chủ động đưa ngay phác đồ điều trị mới, sử dụng các loại thuốc điều trị ngay từ tầng 1, khi bệnh nhân COVID-19 mới có triệu chứng nhẹ.

Ngoài ra còn phải kể đến vai trò rất quan trọng của các trạm y tế lưu động, tổ dân phố, tổ y tế cộng đồng, tổ COVID-19 cộng đồng gọi điện, thăm khám hằng ngày để nắm sát diễn biến sức khoẻ của từng F0 tại nhà, xử lý kịp thời tình huống có triệu chứng hoặc chuyển nặng.

Đến nay, Bình Dương đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cơ bản người dân trên 18 tuổi (1,95 triệu mũi 1 và 77.000 mũi 2), hiện đang triển khai tiêm vét.

Lập phòng khám tư nhân trong khu công nghiệp

Đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh, Bình Dương có 6/9 đơn vị cấp huyện ở trạng thái bình thường mới (vùng xanh), 3 đơn vị còn lại ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Theo cấp xã, Bình Dương có 75 đơn vị vùng xanh, 8 đơn vị nguy cơ (vùng vàng), 3 đơn vị nguy cơ cao (vùng cam), 5 đơn vị vùng đỏ. Theo ấp/khu phố có 491 vùng xanh, 59 vùng vàng, 13 vùng cam, 22 vùng đỏ.

Hiện nay 4 địa phương vùng xanh của Bình Dương (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) được phép lưu thông liên huyện, 2 địa phương mới chuyển thành vùng xanh (TP. Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát) cho phép lưu thông nội bộ liên phường, khi xanh hoá toàn bộ thì kết nối lưu thông đối với 4 địa phương trên.

Riêng 3 địa phương vùng đỏ (TP. Thuận An, TP. Dĩ An, thị xã Tân Uyên) thì 116/167 khu phố xanh cho phép lưu thông trong nội bộ khu phố, phường hoặc liên khu phố.

Tại Công ty Pungkook, Khu Công nghiệp Sóng Thần 2, TP. Dĩ An. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bình Dương cần hỗ trợ DN xây dựng, triển khai phương án phục hồi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh, có kịch bản chủ động xử lý tình huống có ca nhiễm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, cùng với việc từng bước mở lại các hoạt động theo mức độ kiểm soát tình hình dịch bệnh, địa phương đang khẩn trương xây dựng các phương án kiểm soát chặt chẽ người đến từ các địa phương khác, đồng thời phải đảm bảo lưu thông hàng hoá.

Hiện nay, Bình Dương có 3.291 doanh nghiệp đang hoạt động theo các mô hình bảo đảm an toàn dịch bệnh với 270.000 lao động và 386 DN đang nộp hồ sơ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất phương châm cho DN là “sản xuất an toàn, không hoảng loạn”, có kịch bản ứng phó khi xuất hiện F0 trong nhà máy theo hướng khoanh vùng từng phân xưởng; tổ chức lại khu nhà trọ theo phân xưởng; DN tự tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên, đại diện, định kỳ để phát hiện sớm ca nhiễm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh VGP/Đình Nam

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi thông tin thêm, hiện Bình Dương có 2,67 triệu công nhân, trong đó 1,4 triệu người làm trong các khu công nghiệp, vì vậy, tỉnh có chủ trương thành lập phòng khám tư nhân trong các khu công nghiệp, đảm trách chăm sóc y tế cho 12.000-15.000 công nhân, vừa điều trị bình thường và thực hiện chức năng của trạm y tế lưu động.

DN chủ động trong bảo đảm an toàn dịch bệnh

Nhấn mạnh tinh thần mở lại các hoạt động sản xuất từng bước chắc chắn, an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bình Dương tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn, khu công nghệ cao, một số ngành dịch vụ quan trọng… Những đơn vị bảo đảm “nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh” thì được hoạt động.

Các doanh nghiệp, kể cả hộ kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và cần được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh, khi phát hiện ca nhiễm thì khoanh gọn nhất theo ca, kíp, phân xưởng, nơi ở trọ, còn những bộ phận khác hoạt động bình thường.

Thực tế cho thấy, tại những địa bàn của TP. Thuận An đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ thời gian, thì mặc dù ghi nhận những ca nhiễm sau khi tiêm nhưng tỷ lệ bệnh nặng, tử vong giảm rất rõ rệt. Hay tại phường Bình Hoà (TP. Dĩ An) từng có trên 15.000 F0/134.000 dân nhưng sau khi triển khai tiêm vaccine, đến nay tỉ lệ nhiễm chỉ còn 0,6% F0 có triệu chứng.

“Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần quan tâm, chỉ đạo các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phục hồi sản xuất, sẵn sàng thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Phó Thủ tướng nói./.

Nguồn: Chinhphu.vn

Từ khóa » Xét Nghiệm Covid Dĩ An Bình Dương ở đâu