Linh Thiêng đền Thờ Vọng Mẫu Sòng

Theo lời người xưa kể lại, trước đây, đền Sòng Sơn là một di tích văn hoá, tín ngưỡng gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Bên cạnh nội dung lịch sử, đền Sòng Sơn còn mang vẻ đẹp vô cùng giản dị của kiến trúc dân gian truyền thống.

Trước đây, đền là một kiến trúc hoàn chỉnh gồm các kiến trúc bộ phận và khuôn viên bao quanh. Do quá trình đô thị hoá đầu thế kỉ thứ XX, khuôn viên của đền bị thu hẹp dần. Năm 1947, thực dân Pháp đã đốt phá ngôi đền. Quá trình phục dựng di tích trong những năm 1949 – 1951 đã quy hoạch lại toàn bộ vị trí, quy mô của từng kiến trúc để cho đền Sòng Sơn hòa nhập với môi trường đô thị mới.

linh thieng den tho vong mau songĐền thờ Sòng Sơn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa

Ngày nay, đền Sòng Sơn được xây dựng theo hướng Tây, trông ra đường Tôn Đức Thắng. Tính từ ngoài vào, kiến trúc đền bao gồm cổng tam quan, một khoảng sân hẹp và khu thờ tự. Tam quan đền Sòng Sơn là một kiến trúc gạch nhỏ, được xây dựng theo chiều ngang của nhà tiền tế.

Cổng có kết cấu đơn giản, cửa chính được khuôn bằng hai tục biểu thấp, đỉnh tục đắp tượng nghê, hướng mặt vào nhau. Phần trên lối vào xây hình cuốn thư, vòm, cuốn trang trí hoa dây. Hai cửa nách được xây dựng cân đối, bên trên làm 4 mái nhỏ, qua cổng vào là khoảng sân hẹp, theo chiều ngang của đền đến nơi thờ tự.

Khu thờ tự chính có kết cấu hình chữ đinh gồm nhà đại bái và hậu cung. Đại bái gồm 5 gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung đỡ mái của toà đại bái có kết cấu giống như nhà tiền tế. Các con hoành xà được bào trơn trông nhẹ nhàng. Lòng nhà đại bái được chia thành 5 gian không đều nhau.

linh thieng den tho vong mau songĐền Sòng Sơn hiện nay còn lưu giữ được nhiều kiến trúc đặc sắc

Là nơi thờ Mẫu nên điện thần của đền Sòng Sơn được bố trí thành những khu vực tách biệt nhau. Ngoài khám thờ ngũ vị tôn ông, ở toà đại bái còn có 3 khu thờ tự. Gian giữa thờ Thích Ca sơ sinh và hai ông hoàng. Gian hồi phải thờ Thuỷ Tinh công chúa, hai tượng mẫu và các cô chầu. Bên trái là nơi toạ lạc của Ngọc hoàng, hai quan hoàng và các cô các cậu.

Tại hậu cung có toà tam thánh mẫu: Mẫu Thiên (Liễu Hạnh), Mẫu Thuỷ và Mẫu Nhạc, ngồi trong một khám kính lớn. Trước bà Chúa Liễu có tượng đức Phật A Di Đà và Quán Âm toạ sơn. Sự có mặt của ba nhân vật quan trọng này ở Phật điện của đền Sòng Sơn cho ta thấy sự đan xen tư tưởng hoà đồng “tam giáo đồng nguyên” trong tâm thức tín ngưỡng truyền thống của người Việt.

Hiện di tích đền Sòng Sơn còn bảo lưu được bộ di vật văn hoá - lịch sử khá phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau: 4 bức hoành phi, 3 bức cửa võng, chạm rồng chầu, 1 long ngai chạm rồng thế kỉ XIX, 10 khám thờ, 37 pho tượng tròn. Các pho tượng được tạc tác tỉ mỉ, công phu, tinh xảo, khác với các điêu khắc Phật giáo.

linh thieng den tho vong mau songĐền Sòng Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan

Các pho tượng thánh Mẫu ở đền Sòng Sơn mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân đạo vốn có của dân tộc ta. Sự sinh động trên từng pho tượng là giá trị điển hình của điêu khắc tượng Mẫu dân gian truyền thống.

Ngoài giá trị thẩm mỹ, các hiện vật trên còn là minh chứng sống động cho khả năng, sức sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Các đề tài trang trí còn là nguồn tư liệu quý, làm cơ sở trong việc tìm hiểu về những quan niệm tư tưởng, mỹ tục quan truyền thống của nhân dân ta.

Cùng với các di tích phụ cận như chùa Thiên Phúc, chùa Ngọc Hồ, điện Huy Văn, đền Sòng Sơn là một vệ tinh tôn tạo thêm vẻ đẹp, giá trị của khu di tích nổi tiếng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các di tích này tạo thành một khu văn hoá - lịch sử, một tuyến tham quan du lịch kỳ thú, thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm Thủ đô Hà Nội.

Theo laodongthudo.vn

Từ khóa » đền Sòng Sơn ở đâu