Linh Thiêng đền Thượng Trên Núi Nghĩa Lĩnh - Báo Hòa Bình

Đền Thượng luôn thu hút đông đảo du khách tới dâng hương, bái Tổ.(Ảnh: Tư liệu)

Đền Thượng có tên chữ là "Kính thiên lĩnh điện” (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tương truyền, thời Hùng Vương, đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là nơi Vua Hùng thường lên tế trời đất, tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Xưa kia, trong hậu cung đền Thượng có đặt thờ hạt lúa to bằng chiếc thuyền nan được làm bằng gỗ. Trong truyền thuyết Hùng Vương có câu chuyện "Hạt lúa thần” thể hiện mong ước về sự phát triển của mùa màng, đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no. Cũng có tài liệu viết rằng, tại đền Thượng, Vua Hùng thứ 6 đã lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Vì thế, sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc, bay về Trời, Vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau nhân dân đặt thêm bài vị Vua Hùng vào thờ cúng.

Hành hương lên đền Thượng, được tìm hiểu, giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và tín ngưỡng thờ tự, mỗi người càng thấm thía giá trị cội nguồn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Căn cứ vào dấu vết khảo cổ khai quật được là những cột đá cổ, mảnh kiến trúc bằng đất nung, một phần của kiến trúc tháp các tòa sen, mái tháp hình ống, gạch, ngói, đồ sứ, các mảnh bát men đời nhà Trần... các nhà nghiên cứu cho rằng: Những cột đá là dấu tích của một ngôi miếu cổ được dựng lên để thờ thần (thần Núi hoặc Hùng Vương), cùng với các kiến trúc tôn giáo đã được xây dựng trên đỉnh núi khá sớm. Vào đời Trần, trên đỉnh núi Hùng, kiến trúc đền, miếu được xây dựng lại. Dưới các triều đại phong kiến, đền Thượng luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo. Trải qua thời gian, ngôi đền nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ. Gần đây nhất là năm 2008, đền được tu bổ đồng bộ, khang trang về kiến trúc cũng như nội thất thờ tự.

Trong đền Thượng có bức đại tự đề "Nam Việt triệu tổ”, nghĩa là Tổ khai sáng nước Việt Nam. Đền được làm kiểu chữ Vương, có 3 cấp. Phía trước là nghi môn rồi đến đại bái (cấp 1), tiền tế (cấp 2) và hậu cung (cấp 3). Trong cuốn sách "Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia” có viết: Nghi môn kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn, có 4 trụ biểu lớn tạo thành 3 cổng mái vòm. Các cột trụ phía trên đắp theo kiểu lồng đèn, bốn mặt đắp hình tứ linh, đỉnh cột đắp 4 con nghê chầu. Phía trên nóc cổng giữa đắp trang trí "lưỡng long chầu nhật”, hình hai con rồng đang uốn lượn. Hai bên có tượng võ sỹ, phía trên là hình phượng cặp thư.

Ở đại bái, tiền tế và hậu cung kết cấu được xây thành 3 cấp nối liền nhau. Mặt bằng có cấu trúc 3 gian, 2 hàng cột. Đặc biệt tại hậu cung là nơi thâm nghiêm, bên trong có 4 ban thờ. Ở 3 ban thờ chính diện có long ngai và bài vị được đặt trong khám thờ. Tất cả đều trạm trổ công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Phía tay trái đền Thượng có cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại. Qua thời gian, dấu tích cột đá bị vùi lấp. Năm 1968, các nhà nghiên cứu tìm thấy những cột đá cổ nằm sâu trong lòng đất tại khu vực đền Thượng. Từ đó cột đá thề được xây dựng lại ở bên phải trước sân đền. Năm 2003, cột đá được trùng tu kiểu dáng như cũ; năm 2009 tu bổ, tôn tạo lại bằng đá bán quý với kiểu dáng như hiện nay.

Hiện, trong đền Thượng có rất nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi công đức tổ tiên và dăn dạy con cháu luôn ghi nhớ công lao dựng nước của cha ông, đó là: Sông núi nước Nam; Dân buổi ban đầu; Tổ muôn đời của nước Nam..., hay những câu đối: Thần thánh mở nước Nam, đến nay dân vẫn đông, đất vẫn rộng/ Công lao thờ tại miếu, ấy là cây có gốc, nước có nguồn; Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, non sông Bách Việt đã có Tổ/ Núi sáng linh thiêng, cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn...

Thu Hiền

Từ khóa » Hình ảnh đền Thượng đền Hùng