Linh Thuu Monastery » Bài Số 1. GIỚI LUẬT LÀ GÌ

I. Giới luật là gì?

1. Giới:

Đôi khi mọi người thường hiểu Giới và Luật là giống nhau. Thật ra đây là hai phần khác nhau.

GIỚI: tiếng Pali là Sila, phiên âm là Thi la, có nghĩa là điều ngăn cấm do đức Phật chế định cho hàng đệ tử xuất gia và cư sĩ đã thọ giới.Phật dùng để ngăn ngừa tội lỗi của 3 nghiệp.

GIỚI được định nghĩa như sau:

– Phòng phi chỉ ác: Ngăn ngừa điều sai trái, chặn đứng việc xấu ác.

– Biệt giải thoát: Giữ được giới nào, giải thoát được giới đó.

– Xứ xứ giải thoát: Nơi nào giới luật được tuân thủ thì nơi ấy cuộc sống được thanh thoát.

– Tùy thuận giải thoát: Hướng về con đường giải thoát.

– Thanh lương: Làm cho cuộc sống mát mẻ, thoải mái.

– Chế ngự: Có năng lực kiềm chế những việc xấu, ác.

2. Luật:

Luật: Tiếng Phạn là Vinaya, phiên âm là Tỳ-nại-da, nói gọn là Tỳ-ni. Dịch nghĩa là điều phục (chế ngự, nhiếp phục) hay diệt (diệt trừ điều ác).

LUẬT là những nguyên tắc do Phật quy định cho hàng Tỳ kheo áp dụng khi sống trong tập thể Tăng đoàn.

– Theo HT Thiện Siêu, nếu so sánh với thuốc men, thì Giới cũng như dược tánh, và Luật cũng như dược liệu, thang thuốc. Chẳng hạn như nếu Giới là acide salicylique, thì Luật là viên Aspirine. “Giới là điều răn, Luật là phương thức thực hành điều răn đó”

Tóm lại, GIỚI là điều răn, LUẬT là quy luật thi hành giới. Luật bao hàm cả giới còn giới chỉ là một bộ phận của luật. Tuy gọi khác nhau như thế nhưng tính chất vốn đồng nên có tên ghép là GIỚI LUẬT.

II. Phân loại giới

1. Giới cho người Xuất gia

– Theo truyền thống Nguyên Thủy:

+ 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni.

+ 227 giới cho Tỳ-kheo.

+ 311 giới cho Tỳ-kheo ni.

– Theo truyền thống Đại thừa:

+ 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni.

+ 250 giới cho Tỳ-kheo

+ 348 giới cho Tỳ-kheo ni.

2. Giới của Phật tử tại gia:

Năm giới là căn bản đạo đức làm người, là đức tính cơ bản của luân lý, là chiếc cầu nối đưa đến an lạc Niết Bàn. Đó cũng là yếu tố để xây dựng nền tảng cho hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội. Năm giới (pañca-sila) đó là:

1) Không giết hại mạng người (bất sát).

2) Không nói dối (bất vọng ngữ).

3) Không trộm cắp (bất đạo).

4) Không tà dâm (bất dâm).

5) Không say rượu. (bất ẩm tưởu).

3. Giới Bồ tát

Giới này còn gọi là thông giới, tức gồm cả xuất gia và tại gia cùng ứng dụng tu tập để thành tựu tâm Bồ đề, cũng có các đặc điểm sau:

+ Tính chất: Được chia thành 3 loại gọi là Tam tụ tịnh giới. Đó là:

– Nhiếp luật nghi giới : Giới lìa ác (Nguyện dứt các điều ác).

– Nhiếp thiện pháp giới : Giới hành thiện (Nguyện làm các điều lành).

– Nhiêu ích hữu tình giới : Giới lợi tha (Nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sanh).

+ Khinh và trọng: 10 giới trọng và 48 giới khinh.

+ Ứng dụng: Chia thành 2 loại :

– Định cọng giới: Do tu thiền định, tự nhiên thân tâm thanh tịnh, giới hạnh đầy đủ, nghĩa là người tu thiền khi phát sanh hiệu quả, không cần giữ giới mà vẫn sống phù hợp với giới pháp.

– Đạo cọng giới: Do tu Vô lậu nghiệp phát sanh trí tuệ, không cần thọ giới mà vẫn sống phù hợp với giới pháp.

III. Tại sao phải giữ giới

Đức Phật chế giới không ngoài việc đem lại an lạc trong đời sống hiện tại và tương lai cho những ai có ứng dụng hành trì. Không phân biệt là xuất gia hay tại gia, nếu khéo nghiêm trì giới luật thì sẽ được những lợi ích sau:

– Người có giới đức sẽ

1. hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh tấn.

2. Được tiếng tốt đồn xa.

3. Không sợ hãi rụt rè khi đến các hội chúng đông đú

4. Khi sắp mạng chung tâm không rối loạn.

5. Khi mạng chung được sinh về thiện thú, thiên giới.

Ở các bộ Quảng luật (chỉ cho tất cả các bộ Luật trong Luật tạng) có nói đến 10 lợi ích của giới là:

1. Nhiếp phục Tăng chúng.

2. Triệt để nhiếp phục Tăng chúng.

3. Khiến cho Tăng chúng an lạc.

4. Nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.

5. Khiến những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn.

6. Khiến những người không tin khiến họ tin tưởng.

7. Khiến những người đã tin tăng thêm lòng tin.

8. Khiến dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.

9. Giúp những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.

10. Giúp cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Như vậy, việc hành trì giới luật được xem là nền tảng xây dựng đời sống hạnh phúc, an lạc. Vì giữ giới là tuân theo các điều đạo đức, hướng thiện, hành thiện. Bất kể là hành giả xuất gia hay cư sỹ tại gia đều nên tuân thủ giới luật để phòng hộ ba nghiệp thân, khẩu, ý, dứt trừ điều ác, tăng trưởng niềm tin. Giữ “Giới” thanh tịnh giúp phát sinh “Định” và tăng trưởng “Tuệ”. Hàng đệ tử xuất gia hành trì để bảo hộ sự thanh tịnh trang nghiêm của Tăng đoàn, hoàn thiện nhân cách, trong sạch thân tâm, hóa giải phiền não, tận trừ mọi lậu hoặc, lợi ích đời này và đời sau.

HẾT

Tuệ Ngọc (sưu tầm)

Tham khảo:

  • Trịnh Nguyên Phước. Tìm HiểuVề Giới Luật Trong Đạo Phật. Thư Viện Hoa Sen.
  • Tâm Chơn. Khái Lược Về Giới Luật Phật Giáo, Thiền Viện Thường Chiếu.

Từ khóa » Các Giới Luật Là Gì