Lỗ Hổng 'chết Người' Của Dàn Xe Tăng Nga ở Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 25/4 ước tính, có tới 580 xe tăng của Nga đã bị phá hủy kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2. Tuy nhiên, theo CNN, các vấn đề của Moscow còn vượt ra ngoài số lượng xe tăng đã mất.

Xác xe tăng Nga bị thổi bay tháp pháo khi trúng hỏa lực của các lực lượng Ukraine. Ảnh: EPA

Các chuyên gia cho hay, những hình ảnh chiến trường phản ánh dàn xe tăng của Nga mắc một lỗi mà các quân đội phương Tây đã biết nhiều thập niên qua và thường nhắc đến như "hiệu ứng hộp hình nộm”. Theo họ, Moscow đáng lẽ nên nhìn ra vấn đề và tìm cách khắc phục.

Vấn đề có liên quan đến cách lưu trữ đạn dược của xe tăng. Không giống các xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng Nga mang theo nhiều đạn dược bên trong tháp pháo, khiến chúng có nguy cơ bị tổn thương cao. Chỉ một cú đánh gián tiếp cũng có thể làm khởi phát chuỗi phản ứng dây chuyền, làm nổ tung toàn bộ kho đạn pháo lên tới 40 quả.

Sóng xung kích sau đó có thể đủ để gây nổ tháp pháo cao bằng một tòa nhà 2 tầng của xe tăng như trong một video gần đây đăng tải trên mạng xã hội.

Sam Bendett, cố vấn cho chương trình nghiên cứu Nga tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ (CNAS) đánh giá đây là “lỗi thiết kế nghiêm trọng”.

Theo Nicholas Drummond, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về chiến tranh trên bộ, từng là cựu sĩ quan Lục quân Anh, lỗ hổng này đồng nghĩa kíp lái xe tăng, thường gồm 2 người trên tháp pháo và một người ngồi lái, rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công. "Nếu bạn không thoát ra ngoài ngay trong những giây đầu tiên, bạn sẽ bị quay chín", ông Drummond giải thích.

Các hình ảnh do máy bay không người lái ghi lại, cho thấy cảnh một đoàn xe tăng và xe bọc thép Nga bị tấn công ở vùng ngoại ô Brovary, cách trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine chỉ 35km hồi giữa tháng 3/2022. Nguồn: The Guardian

Hiệu ứng "hộp hình nộm"

Ông Drummond cho biết, đạn nổ đang gây ra vấn đề cho hầu hết các phương tiện bọc thép phía Nga sử dụng ở Ukraine. Ông nêu ví dụ về xe chiến đấu bộ binh BMD-4, thường có tới 3 người điều khiển và có thể chở thêm 5 binh sĩ. Theo chuyên gia này, BMD-4 là một "cỗ quan tài di động", sẽ lập tức bị "xóa sổ" khi trúng tên lửa.

Tuy nhiên, lỗi thiết kế với các xe tăng Nga đặc biệt gây rắc rối cho Moscow vì các vấn đề đã được biến đến rộng rãi. Chúng thu hút sự chú ý của các quân đội phương Tây trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq vào năm 1991 và 2003, khi một số lượng lớn xe tăng T-72 của quân đội Iraq, do Nga sản xuất cũng chịu chung số phận: tháp pháo bị nổ tung khỏi thân của chúng khi bị tên lửa chống tăng bắn trúng.

Ông Drummond nói, Nga đã không học được bài học từ Iraq và do đó, nhiều xe tăng của họ ở Ukraine mắc các lỗi thiết kế tương tự với hệ thống tên lửa tự động nạp.

Khi dòng xe tăng T-90, phiên bản kế nhiệm của T-72 đi vào hoạt động năm 1992, lớp giáp của nó được nâng cấp nhưng hệ thống nạp đạn vẫn tương tự phiên bản tiền nhiệm, khiến xe rất dễ bị tổn thương. T-80, loại xe tăng khác của Nga đang vận hành ở Ukraine, cũng dùng hệ thống nạp đạn như vậy.

Một xe tăng Nga bị phá hủy ở làng Dmytrivka, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo ông Bendett, hệ thống khí tài này có một số lợi ích. Nga đã chọn dùng chúng để tiết kiệm không gian, hạ thấp chiều cao của xe tăng, khiến chúng khó bị bắn trúng hơn. Tuy nhiên, các quân đội phương Tây đã học được bài học từ chiến tranh vùng Vịnh cũng như cách tiêu diệt các xe tăng vào thời điểm đó, nên Nga đáng lẽ phải cải tiến lại chỗ chứa đạn dược.

Ông Drummond dẫn chứng những chiếc xe chiến đấu bộ binh Stryker của quân đội Mỹ, vốn được phát triển sau cuộc chiến đầu tiên ở Iraq. “Xe sở hữu tháp pháo chứa toàn bộ đạn dược ở trên cùng và tháp pháo đó không lấn vào khoang an toàn của kíp lái. Vì vậy, nếu tháp pháo bị đánh trúng và phát nổ, kíp lái vẫn an toàn bên dưới. Đó là một thiết kế thông minh”, ông Drummond bình luận.

Các xe tăng phương Tây khác, chẳng hạn như M1 Abrams được Mỹ và một số quân đội đồng minh sử dụng, có kích cỡ lớn hơn và không có băng chuyền đạn. Trong xe tăng Abrams, thành viên thứ 4 của kíp lái lấy đạn từ một khoang kín, rồi nạp chúng vào khẩu pháo để bắn. Khoang có một cánh cửa để kíp lái đóng - mở giữa mỗi lần bắn, đồng nghĩa nếu xe tăng bị trúng hỏa lực của kẻ thù, nhiều khả năng chỉ có một quả nổ trong tháp pháo. Nói một cách khác, một cú đánh chính xác có thể phá hỏng xe tăng nhưng không nhất thiết khiến toàn bộ tổ lái thiệt mạng.

Ông Drummond nói thêm, đạn pháo phương Tây sử dụng đôi khi cháy vì nhiệt độ cao do tên lửa bắn trúng, nhưng chúng không phát nổ.

Khó thay thế

Hiện không có cách nào dễ dàng để biết có bao nhiêu xe tăng Nga đã bị phá hủy ở Ukraine. Trang web theo dõi tình báo nguồn mở Oryx ngày 28/4 thống kê, ít nhất 300 xe tăng Nga đã bị phá hủy, 279 chiếc khác bị hư hại, vứt bỏ hoặc bị bắt giữ.

Tuy nhiên, trang web chỉ tính các trường hợp có bằng chứng trực quan, nên thiệt hại của Nga có thể cao hơn nhiều. Hơn nữa, những tổn thất này không chỉ về thiết bị.

Báo cáo trước Hạ viện Anh hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace ước tính, ngoài việc bị mất khoảng 580 xe tăng, Nga cũng có hơn 15.000 quân nhân tử trận trong cuộc chiến ở nước láng giềng. Rất khó để biết có bao nhiêu người thiệt mạng trong số đó thuộc tổ lái xe tăng, nhưng có một sự thật là họ không dễ thay thế.

Aleksi Roinila, một cựu lính xe tăng trong lực lượng Phòng vệ Phần Lan tiết lộ, huấn luyện một kíp xe tăng có thể mất tối thiểu vài tháng và thậm chí 12 tháng vẫn có thể được coi là nhanh chóng.

Đối với Nga, việc thay thế hàng trăm lính xe tăng vào thời điểm này của cuộc chiến sẽ là thách thức lớn, đặc biệt khi những khí tài này vẫn còn "lỗ hổng thiết kế" nghiêm trọng đến như vậy.

Tuấn Anh

Từ khóa » Google Xe Tăng