Lo Phải Thi Bằng “cabin ảo”, Nhiều Người Vội Vàng đăng Ký Học Lái Xe ...

Học, thi bằng lái qua phần mềm mô phỏng sẽ mang tới nhiều ưu việt (Ảnh: Trung Nguyên).
Học, thi bằng lái qua phần mềm mô phỏng sẽ mang tới nhiều ưu việt (Ảnh: Trung Nguyên).

Phần mềm mô phỏng hay còn gọi là “cabin ảo” là học phần bằng màn hình điện tử mô phỏng lại các tình huống tham gia giao thông. Người học, thi lấy bằng lái xe ô tô (GPLX) sẽ phải trải nghiệm và vượt qua học phần này nếu muốn được cấp bằng.

Tâm lý e ngại

Trưa 4/4, anh Bùi Văn Tân (SN 1988, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) vội vàng chạy ra quán cà phê trên đường Nguyễn Quý Đức với tập hồ sơ đăng ký học GPLX trên tay để đợi thầy dạy lái xe ô tô đến.

Anh Tân cho biết, bản thân chưa có nhu cầu đi ô tô và cũng chưa đủ tài chính để mua xe. Tuy nhiên, gần đây anh nghe được thông tin sắp tới sẽ áp dụng thi trên phần mềm mô phỏng trong đào tạo và sát hạch lái xe nên vội vàng đăng ký học trước. Chưa biết học phần mới dễ hay khó, có tốn kém nhiều hơn so với hiện tại hay không, nhưng với tâm lý e ngại, anh Tân quyết định học trước.

“Bản thân tôi là người không giỏi về công nghệ lắm. Học thi lấy bằng lái xe ô tô vốn đã rất khó, nếu thêm phần mềm mô phỏng nữa chắc còn khó hơn. Thôi cứ học trước cho chắc ăn” – anh Tân chia sẻ.

Ngồi bên cạnh, người đàn ông được biết đến là “thầy giáo” hướng dẫn anh Tân trong quá trình học lái xe tiếp lời: “Nghe nói tháng 7 tới (tháng 7/2022 – PV) sẽ áp dùng phần mềm mô phỏng nên đợt này, nhiều người đăng ký đi học lắm. Từ giờ đến lúc đó còn tận mấy tháng, học vẫn kịp”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian gần đây, lượng người đến các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nộp hồ sơ học, thi lấy GPLX ô tô tăng khá cao. Nhiều trung tâm lượng học viên gần như đã kín. Những người nộp muộn sẽ phải chờ đến vài tháng mới đến lượt. Nguyên nhân chính là do thông tin về việc từ 1/7/2022 sẽ áp dụng thêm phần mềm mô phỏng trong học, thi lấy GPLX ô tô. Do đây là học phần mới, nhiều người tỏ ra e ngại và tìm cách học, thi sớm.

Theo tìm hiểu, quy trình học trong “cabin ảo” sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như: Cách vận hành số xe, thực hành bài "đề pa" lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình: Đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong TP.

Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn. Diễn biến thời tiết (nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau.

Mỗi học viên sẽ được thực hành 3 giờ trên “cabin ảo” tại trung tâm đào tạo lái xe. Trong quá trình học, nếu học viên có nhu cầu sẽ đề nghị trung tâm bổ sung thêm giờ học.

Nhiều trung tâm sát hạch lái xe đang gặp khó khăn (Ảnh: Hòa Thắng).
Nhiều trung tâm sát hạch lái xe đang gặp khó khăn (Ảnh: Hòa Thắng).

Cần thí điểm trước

Phần mềm mô phỏng được quy định trong Thông tư 01/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 29/2015 và Thông tư 12/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ GTVT. Theo Thông tư 01/2021, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, quy trình thi sát hạch lái xe ô tô sẽ có sự thay đổi bằng việc áp dụng thi mô phỏng vào quy trình sát hạch.

Đáng chú ý, trong các phần thi có sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng. Các trung tâm sát hạch lái xe sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng những tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1/6/2022 và trang bị, sử dụng ca bin học lái ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022.

Như vậy, từ giờ cho đến khi “ca bin ảo” trở thành học phần bắt buộc trong thi bằng lái xe ô tô còn gần 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay còn khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quy định này.

Một bộ phận ý kiến cho rằng, việc đưa phần mềm mô phỏng vào đào tạo, sát hạch GPLX là cần thiết, bởi việc học lái xe trong mô hình ảo sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống mất an toàn giao thông trong thực tế. Bên cạnh đó, phần mềm mô phỏng cũng giống với chấm điểm trên bài thi thật, bao gồm bước trừ điểm, khi đó sẽ thông báo thí sinh thi trượt như trên xe thật. Như vậy, sẽ giúp người học tự tin hơn khi đi trên xe thật vì đã có khoảng thời gian nhất định tập trên xe mô hình.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại lo ngại “ca bin ảo” sẽ phát sinh bất cập, gây khó cho người học, thi và gây tốn kém cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Đại diện một trung tâm sát hạch lái xe ở Hà Nội cho biết, giá thành của “ca bin ảo” tương đối cao, nếu bắt buộc phải trang bị sẽ gây áp lực tài chính cho những cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

“Nhiều trung tâm sát hạch lái xe vừa trải qua giai đoạn khó khăn vì Covid-19, giờ bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trang bị các “ca bin ảo” phục vụ cho việc thi sát hạch lái xe là điều không dễ dàng. Chắc chắn sẽ có nhiều trung tâm gặp khó khăn về tài chính nếu thực hiện điều này” – vị đại diện này nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chuyên gia giao thông cho rằng, việc áp dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo, sát hạch lái xe rất cần thiết, bởi đây là công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ đắc lực cho đơn vị đào tạo cũng như người học, thi lấy bằng lái xe. Thế nhưng, trong bối cảnh nhiều trung tâm sát hạch lái xe đang gặp khó khăn như hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những trung tâm này trong việc mua sắm “ca bin ảo” để họ giảm bớt gánh nặng tài chính.

Một trong những giải pháp có thể tính đến là cho phép các trung tâm mua sắm thí điểm “ca bin ảo” với số lượng ít, phù hợp với khả năng tài chính. Bên cạnh đó, việc triển khai thi sát hạch bằng lái xe trên phần mềm mô phỏng cũng nên có thời gian thí điểm để đánh giá ưu điểm cũng như phát hiện nhược điểm trong quá trình thực hiện trước khi áp dụng đại trà.

Từ khóa » Phần Mềm Lái Xe ô Tô ảo