Lô Trái Phiếu Nghìn Tỷ Hé Mở Hệ Sinh Thái GreenFeed Việt Nam

Screen Shot 2021-11-19 at 12.10.50 AM

Nhà máy GreenFeed Hà Nam. Ảnh: GreenFeed

Đầu tháng 11/2021, CTCP GreenFeed Việt Nam đã thông báo hoàn tất đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với giá trị 1.000 tỷ đồng cho một tổ chức nước ngoài.

Lô trái phiếu có kỳ hạn tối đa 84 tháng (7 năm) kể từ ngày phát hành đợt 1, lãi suất cố định 6,53%/năm, được bảo đảm bằng toàn bộ phần vốn góp của GreenFeed Việt Nam tại Công ty TNHH GreenFarm Asia và Công ty THHH LinkFarm; tất cả các quyền, quyền sở hữu, lợi ích và thu nhập liên quan ở hiện tại hoặc phát sinh trong tương lai, đối với và theo bất kỳ các khoản phải thu nội bộ giữa GreenFeed Việt Nam và Công ty TNHH GreenFarm Asia, Công ty THHH LinkFarm.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được GreenFeed Việt Nam dùng để đầu tư mở rộng quy mô mảng kinh doanh chăn nuôi heo giống và heo thương phẩm, mở rộng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 7/2021, IFC - đơn vị hoạt động trong khu vực tư nhân của nhóm World Bank đã tuyên bố rót 43 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng vào CTCP GreenFeed Việt Nam qua hình thức trái phiếu.

Khoản đầu tư của IFC sẽ được thực hiện dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Với nguồn vốn này, GreenFeed dự kiến sản lượng lợn thịt sẽ tăng thêm 750.000 con đến năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ cung ứng hơn 125.000 tấn thịt lợn/năm, và theo ước tính của IFC sẽ đủ cung cấp cho thêm khoảng 385.000 người tiêu dùng thịt lợn.

Đáng chú ý, IFC cho biết đang cân nhắc nâng vốn đầu tư vào GreenFeed lên đến 180 triệu USD, cao hơn gấp 4 lần so với mức 43 triệu USD được công bố.

Trước đó, một quỹ ngoại khác là DWS Vietnam Fund Limited cũng đã đầu tư vào GreenFeed. Tuy nhiên, năm 2019, quỹ này đã thoái vốn khỏi công ty và thu về khoản lợi nhuận 781,4 tỷ đồng và 15 triệu USD cổ tức.

Về phần mình, GreenFeed hiện là công ty lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi ở trong nước. CTCP GreenFeed Việt Nam do doanh nhân Lý Anh Dũng sáng lập vào năm 2003, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Vào năm 2020, GreenFeed đã được Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, và thuộc Top 3 ngành Sản phẩm nông nghiệp và Phụ trợ.

Screen Shot 2021-11-18 at 10.05.22 PM

Đến nay, GreenFeed đã có hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và Châu Âu, với tổng công suất trên 2 triệu tấn sản phẩm hàng năm. Sản phẩm thức ăn của GreenFeed Việt Nam được phân phối bởi hệ thống trên 3.000 đại lý và các trang trại mua trực tiếp.

Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, công ty này cũng lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi với hàng loạt trang trại quy mô lớn. Để có thể cạnh tranh với thịt heo nhập từ Châu Âu và Bắc Mỹ, GreenFeed đã đầu tư 50 triệu USD xây dựng hệ thống trại heo giống hạt nhân. Nhằm hoàn thiện chuỗi 3F, vào năm 2018 GreenFeed tiếp tục hoàn thiện Nhà máy Chế biến Thực phẩm Đồng Nai, chính thức khép kín chuỗi thực phẩm sạch.

Bên cạnh việc chọn mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị 3F làm chiến lược cốt lõi, để hỗ trợ cho dây chuyền sản xuất cũng như cải thiện doanh thu, ông Lý Anh Dũng còn thành lập Công ty Dịch vụ Vận tải Quang Dũng để hỗ trợ các doanh nghiệp của riêng mình, đồng thời phục vụ cho nhu cầu của nhiều doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, CP Việt Nam, Cargill hay Uni President Việt Nam.

Hé mở hệ sinh thái của doanh nhân Lý Anh Dũng

Mặc dù là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng GreendFeed chỉ là một trong những công ty trong hệ sinh thái Quang Dũng Group của doanh nhân Lý Anh Dũng.

Một trong những thành viên nổi bật khác là CTCP Phân phối công nghệ Quang Dũng (QDTek), được thành lập từ năm 2005.

Screen Shot 2021-11-18 at 10.06.17 PM

Sau nhiều năm hoạt động, tới tháng 1/2019, QDTek có quy mô vốn 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Dũng (50%), ông Ngô Trường Đà (30%) và ông Đặng Thạch Quân (20%).

Đến tháng 12/2020, QDTek đã tăng vốn lên 126,85 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này ghi nhận sự góp mặt của CTCP GreenFeed Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 47,3%. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của QDTek lúc này là ông Nguyễn Tùng Lâm.

QDTek là nhà phân phối hạ tầng công nghệ thông tin, IT, thiết bị giám sát an ninh, viễn thông và hạ tầng điện tại Việt Nam.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Dũng (Quang Dũng Investment) được thành lập từ tháng 8/2013, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Diễm Thuý.

Cổ phần Quang Dũng Investment được chia đều cho 5 cá nhân, đó là bà Phan Thị Kim Thoa, ông Ngô Hoài Phong, bà Diệp Hữu Linh Lan, bà Nguyễn Thị Diễm Thuý và ông Nguyễn Ảnh Đôn.

Các cổ đông này, cùng với Quang Dũng Investment, hiện cũng chia nhau góp vốn tại nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, vận tải.

Quang Dũng Investment hiện là cổ đông tại CTCP Dầu thực vật Nam Mỹ và Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Quang Dũng. Vào năm 2015, nhóm Quang Dũng Group còn chuyển nhượng toàn bộ vốn Công ty TNHH Thực phẩm Dinh Dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutrifood) cho tập đoàn Masan.

Ngoài ra, Quang Dũng Investment và GreenFeed Việt Nam còn là các cổ đông lớn tại Công ty TNHH Feddy – nơi ông Lý Anh Duy Quang đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐTV. Một số thành viên khác cùng nhóm cũng có thể kể đến như: CTCP Fedfarm, CTCP Thương mại Joy Foods.

Screen Shot 2021-11-18 at 10.07.40 PM

Trong hệ sinh thái của ông Lý Anh Dũng cũng phải kể đến công ty TNHH Thương mại Quang Dũng (QDFeed). Công ty này chuyên cung cấp khô dầu đậu nành, các nguyên liệu đơn dùng trong sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản, chất xử lý môi trường nước dùng trong nuôi tôm, nuôi cá.

QDFeed này được thành lập từ tháng 2/1999, do bà Diệp Hữu Linh Lan làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, sở hữu 12,31% vốn. Trong khi đó, nắm cổ phần chi phối tại QDFeed là Quang Dũng Investment với tỉ lệ sở hữu 72,31%.

Tháng 1/2011, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Lý Anh Dũng đã thay mặt QDFeed ký kết hợp tác với Tập đoàn Bunge, chính thức cho ra mắt Công ty TNHH Bunge Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của công ty sau nhiều năm làm đại lý độc quyền cho Bunge tại Việt Nam.

Thực tế, đối tác Bunge của Quang Dũng là một tập đoàn kinh doanh nông nghiệp rất lớn trên thế giới, có doanh thu lên tới 61 tỷ USD vào năm 2013. Tại Việt Nam, tập đoàn này được cho là đang nắm tới 40% lượng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Bunge cũng đã mua lại 50% cổ phần ở Cảng Phú Mỹ (Vũng Tàu).

Hồi năm 2016, Tập đoàn Bunge cho biết họ sẽ bán 45% cổ phần tại Nhà máy ép dầu Bunge Việt Nam cho Wilmar, tạo thành một liên doanh mới giữa ba công ty. Theo đó, Bunge và Wilmar sẽ cùng giữ số cổ phần bằng nhau là 45%, 10% còn lại sẽ vẫn do Công ty Quang Dũng nắm giữ.

Thương vụ này thiết lập sự hợp tác chiến lược giữa ba công ty hàng đầu trên thị trường dầu thực vật và thức ăn chăn nuôi, mở ra tiềm năng phát triển bền vững bằng việc liên kết năng lực ép dầu lớn từ "thượng nguồn" của Bunge đến kinh nghiệm tại "hạ nguồn" về tinh luyện dầu thực vật và kinh doanh hàng tiêu dùng của Wilmar, cũng như việc sản xuất và tiếp thị các mặt hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi của Quang Dũng và Greenfeed.

Công ty TNHH Bunge Việt Nam nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Kinh doanh Nông sản Việt Nam (Vietnam Agribusiness), tổng giám đốc kiêm đại diện là ông Nguyễn Minh Vĩ.

Bài liên quan Tránh 'bom nợ' từ hoạt động cho vay ngang hàngTránh 'bom nợ' từ hoạt động cho vay ngang hàng 'Treo' hơn 4 năm, khu sinh thái Hải An ở Thanh Hóa bất ngờ tăng vốn gấp 4 lần'Treo' hơn 4 năm, khu sinh thái Hải An ở Thanh Hóa bất ngờ tăng vốn gấp 4 lần Chủ tịch Deloitte Việt Nam: Nâng cao năng lực quản trị rủi ro là ‘vũ khí’ của lãnh đạo doanh nghiệpChủ tịch Deloitte Việt Nam: Nâng cao năng lực quản trị rủi ro là ‘vũ khí’ của lãnh đạo doanh nghiệp Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 'Không có chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng lao động'Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 'Không có chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng lao động'

Từ khóa » Tiểu Sử ông Lý Anh Dũng