Lộ Trình Hướng Tới Quản Lý Tổng Hợp Tài Nguyên Nước Lưu Vực Sông

IMG 4348 (1)
Xây dựng lộ trình cải thiện quản lý môi trường nước lưu vực sông. Ảnh: Hoàng Minh

Cải thiện quản lý môi trường nước lưu vực sông

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước cho rằng, nguồn nước hiện nay ở nước ta phân bố không đều giữa các vùng, miền. Chẳng hạn như, phần lãnh thổ từ phía bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% số dân và hơn 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng mới chỉ có gần 40% tổng lượng nước của cả nước.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm khoảng 61% lượng nước cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các quốc gia ở phía thượng nguồn phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh ở hạ lưu vực sông Mê Công.

Trong khi đó, một số lưu vực sông bị khai thác quá mức, cạnh tranh, mâu thuẫn trong sử dụng nước ngày càng tăng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng cả về mức độ, quy mô. Rừng đầu nguồn suy giảm là nguyên nhân chính khiến cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước...

Trước thực tế đó, Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông đã xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý lưu vực sông và phân tích tải lượng ô nhiễm. Ban Quản lý Dự án đánh giá, để phân tích tải lượng ô nhiễm và quản lý lưu vực sông hiệu quả, cần cải thiện một số vấn đề còn tồn tại. Trong đó, các dữ liệu cần thiết để phân tích tải lượng ô nhiễm như dòng chảy sông, thông tin nguồn thải dạng diện… đóng vai trò đặc biệt quan trong so với quản lý lưu vực theo nồng độ như là quản lý nước thải công nghiệp theo quy chuẩn Việt Nam, quan trắc chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn môi trường.

Do vậy, công tác quản lý lưu vực sông cần cải thiện chất lượng và số lượng thông tin, dữ liệu về quan trắc cũng như nguồn ô nhiễm. Bên cạnh đó, cơ chế điều phối giữa các tỉnh trên cùng lưu vực là yêu cầu bắt buộc.

Trên cơ sở đó, kế hoạch tổng thể được xây dựng cần khuyến nghị những hoạt động cần thiết và hệ thống quản lý mới nhằm quản lý lưu vực sông theo hướng hiệu quả hơn. Cụ thể, kế hoạch được chia thành 3 nhóm hoạt động cần thiết gồm: Thiết lập hệ thống thể chế mới. Trong đó, tập trung đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp đối phó cần thiết để duy trì được các mục đích sử dụng nước, tiêu chuẩn chất lượng nước phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Cần thực hiện một hệ thống hợp thức kế hoạch hành động và phản ánh các kế hoạch này vào các chính sách phát triển. Tiếp đó, tăng cường năng lực tổ chức hiện tại cho QLMTNLVS, ưu tiên tăng cường năng lực đánh giá kết quả sức chịu tải. Ngoài ra, tăng cường hệ thống nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và cải thiện chất lượng dữ liệu liên quan: tập trung vào hệ thống hiện có để cải thiện hiệu quả hơn để thu thập dữ liệu cần thiết về tính sức chịu tải.

Kế hoạch tổng thể này đã được thống nhất sử dụng làm chính sách cơ bản để cải thiện quản lý môi trường nước lưu vực sông trên các lưu vực sông mục tiêu.

Xây dựng lộ trình quản lý tổng hợp tài nguyên nước

Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện, hệ thống pháp lý và thể chế cơ bản trong lộ trình quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam đã được xây dựng. Tuy vậy, việc thực thi những chính sách này còn gặp nhiều khó khăn và thử thách xuất phát từ sự chồng chéo giữa các văn bản pháp lý, việc thực thi yếu kém và thiếu tính thống nhất, hợp tác giữa các bộ chủ quản.

Gần đây, Luật Quy hoạch 2017 và Luật Sửa đổi, bổ sung 37 luật được ban hành đã mở ra một hướng đi mới và tạo cơ sở pháp lý cho quản lý tổng hợp nguồn nước liên tỉnh và lưu vực sông liên tỉnh. Khi quy hoạch được phê duyệt theo Luật Quy hoạch đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của chính quyền địa phương; các ngành và đối tượng liên quan có cơ sở để tuân thủ quy định quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh.

Tuy vậy, việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch nguồn nước liên tỉnh và lưu vực sông liên tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017 và luật sửa đổi, bổ sung 37 luật đòi hỏi thời gian, nguồn nhân lực cũng như tổ chức tư vấn quy hoạch đáp ứng đầy đủ năng lực chuyên môn. Điều này không hề dễ dàng.

Bởi vậy, Dự án tăng cường năng lực QLMTNLVS đề xuất xây dựng lộ trình các hoạt động cần thực hiện, hướng tới quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Lộ trình đề xuất các hoạt động về Chiến lược và chính sách sẽ được thực hiện (chính sách quốc gia về tài nguyên nước, chính sách đặc thù về tài nguyên nước); pháp luật về tài nguyên nước bao gồm sửa đổi các luật liên quan tới quy hoạch, theo Luật Quy hoạch; việc sửa đổi này liên quan tới 3 luật về tài nguyên nước là Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và các luật khác có liên quan; xây dựng khung thể chế: quản lý hành chính Nhà nước, quản lý lưu vực sông và tổ chức dịch vụ công cộng, tư nhân trong lĩnh vực nước; nâng cao năng lực với hoạt động nâng cao năng lực thu thập dữ liệu, cải thiện trình độ chuyên môn trong công tác quản lý, giám sát tài nguyên nước, khai thác và sử dụng nước, giám sát vận hành liên hồ chứa theo quy định pháp luật;

Bên cạnh đó, phát triển các công cụ ứng dụng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Các công cụ quản lý cần được áp dụng cẩn trọng với điều kiện và trình độ của Việt Nam như đánh giá tài nguyên nước cần được thực hiện thông qua kiểm tra một số mô hình thủy văn trong quy hoạch và quyết định tài nguyên nước. Đối với quy hoạch lưu vực sông, phân bổ tải lượng và giải quyết tranh chấp (mối quan hệ giữa thượng nguồn và hạ nguồn rất quan trọng), công cụ kinh tế đã được áp dụng tại Việt Nam gần đây. Hệ thống thông tin và truyền thông cũng cần được thiết lập.

Từ khóa » Nội Dung Quản Lý Tổng Hợp Lưu Vực Sông